Đêm Trường Tăm Tối review – Đêm tối gặm nhấm lòng tôi

Chủ xị

  

I. Mở đầu:

Hôm nọ tôi đánh cú liều review Manga rồi nên nay tôi cũng “xóm liều” tập tành review tiểu thuyết này nọ cho đổi gió. Nói chung là viết thử sức chứ crush chê tôi viết khô như ngói. Nghĩ bụng người trẻ còn sức cũng không đọc chứ huống chi dăm ba cái ông già chiều chưa tắt nắng đã líu lưỡi vì mấy cốc sinh tố lúa mạch rồi tạo clone viết văn. Thôi không dông dài.

Nay tôi giới thiệu anh em một trong những cuốn tiểu thuyết gối đầu của mình. Đó là cuốn Đêm Trường Tăm Tối của Tử Kim Trần (lười viết nhiều nên sau đây mạn phép ghi tắt là ĐTTT luôn). Trộm vía không biết có phải mình khác người lắm không mà nhiều người chê sách đọc khó như hóc xương. Tôi thì thấy cuốn này đọc khá dễ nên lần đầu tì tì một ngày liên tục là xong. Anh em nào hứng thú tiểu thuyết Tung Của thì bơi vào đọc thử nhé.

II. Đôi nét về cuốn sách:

Tên: Đêm Trường Tăm Tối

Tác giả: Tử Kim Trần

Dịch giả: Vũ Thị Hà

Thể loại: Trinh thám xã hội

Ngày xuất bản: 01/4/2017

Giá bán: 0đ – 120 cành (0đ cho mấy thanh niên đọc chùa. Truyện từ 2017 và cũng không khắt khe vấn đề tác quyền nên bản lậu xuất hiện nhan nhản trên mạng. 120k thì là giá cao nhất tôi tìm thấy trên Tiki. Ông nào ưng sách thì mua ủng hộ tác giả và dịch giả)

III. Đôi nét về tác giả Tử Kim Trần:

Những người mới biết lão tác lần đầu thì không cần thiết đọc. Khó tính chút thì soi lão tác trước khi đọc cũng tốt. 

Tử Kim Trần là một trong những đại thần văn học trinh thám của Trung Quốc. Tính đến hiện nay, ông có 07 đầu sách trinh thám, gồm: Mưu sát, Sự trả thù hoàn hảo, Tội phạm IQ thấp, Đứa trẻ hư, Người truy tìm dấu vết, Người phát ngôn của thần chết và quyển hôm nay tôi muốn giới thiệu là Đêm trường tăm tối. Tử Kim Trần có lối hành văn ngắn gọn, súc tích. Các tình tiết logic, phá án và yếu tố tâm lý, tình cảm mang tính hiện thực. Nội dung phá án và yếu tố trinh thám trong các tác phẩm được Tử Kim Trần khai thác theo nhiều góc độ khác nhau. Người phát ngôn của Thần Chết mang hóa học thực tiễn vào trong những trang sách hay Đứa trẻ hư khai thác về hình tượng tội phạm vị thành niên. Đặc trưng thế giới trinh thám của ông là làm nổi bật những chủ đề đẹp (Tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, hướng tới tinh thần tư pháp tiến bộ…) trong một thế giới hiện thực u ám. Mỗi tác phẩm khác nhau đều có những đặc tính riêng hấp dẫn mà bạn đọc có thể khám phá. Với cá nhân tôi, điều làm tôi say mê tiểu thuyết Tử Kim Trần là sự châm biếm về quan chức, tham nhũng và những suy ngẫm của ông về thực trạng tư pháp, pháp luật.

Nguồn ảnh: Tiki

IV. Về tác phẩm:

    1. Nội dung

Cảnh báo xì poi – thật chứ viết kiểu gì cũng dính spoil. Đây là giới thiệu kèm phân tích chứ không hẳn là review.

ĐTTT là cuộc chiến đấu của một nhóm nhân vật học tập, công tác, làm việc trong lĩnh vực pháp luật chống lại tội phạm có tiền, quyền thế. Theo dõi ĐTTT, độc giả hiểu thêm về con người, cuộc đời, tư tưởng của những con người này.

Đặc sản trinh thám của Từ Kim Trần là nội dung án lồng trong án, án chồng án. ĐTTT không ngoại lệ, kế thừa tốt điều này. Mở đầu của bộ truyện rất hay bằng một vụ án gay cấn, kì lạ, cuốn hút. Một gã đàn ông mang một vali to với ý đồ vượt qua cửa kiểm tra an ninh tại bến tàu hỏa. Sau đó gã dọa rằng sẽ cho mọi người về đất mẹ với số thuốc nổ trong vali. Nhờ lực lượng cảnh sát, gã đàn ông bị bắt ngay sau đó. Tiến hành mở chiếc vali, trong đó không có thuốc nổ mà chỉ có một xác người đàn ông trong đó. Vậy là vụ án chéo ngoe bắt đầu mở màn cho lớp lang tội ác đằng sau nó.

Viết ra đầu voi thì dễ nhưng tránh được đuôi chuột mới là chuyện khó. Nếu quy mô, nội dung và sự kịch tính không phát triển và bứt phá về cuối thì ĐTTT rồi cũng chỉ là thứ văn học mạng 3 xu rẻ tiền của Trung Quốc. May mắn rằng ĐTTT không làm người khác thất vọng. Cuốn tiểu thuyết này như thứ rượu mạnh lâu năm, khé cổ khi nuốt, hậu vị bừng bừng và dư vị cào cấu thấm đẫm trong tâm trí người đọc. Có lẽ bởi cái tăm tối của cuốn tiểu thuyết này bám sát với hiện thực hơn bao giờ hết. Các góc khuất tối tăm như: Hối lộ tình dục, xâm phạm trẻ em, tham nhũng, tính quan liêu, án oan sai, bức cung nhục hình … được tác giả phô bày trần trụi nhưng không hề thiếu tinh tế. Chúng như những tế bào ung thư, lẩn khuất và di căn trong xã hội này. Đến cuối bộ truyện, những tưởng hùm lớn Ca Ân đã ngã ngựa là kết thúc nhưng không. Ai dám chắc trên đất nước này (hay bất kỳ đất nước nào khác) không có những Tôn Hồng Vận, những Lý Kiến Quốc, Hạ Lập Bình khác đây. Bản thân trích đoạn của nhân vật Triệu Thiết Dân – Nhân vật phụ trách trực tiếp vụ án của Trương Siêu cảm khái như sau:

“Triệu Thiết Dân cười buồn: “Phó giám đốc sở Cao nói, tính toán sai lầm nhất của chúng ta là ở chỗ Hạ Lập Bình. Chúng ta cho rằng Hạ Lập Bình là quan chức cao cấp nhất trong đó, e rằng đã sai, cho nên Hạ Lập Bình ngã lầu, Tôn Hồng Vận lại được sống.”
“Còn ai nữa?”
“Không biết.”
Nghiêm Lương im lặng không nói gì, một lát sau, cả ba người đều bật cười.
Đêm đó, họ uống rất nhiều rượu, nói rất ít.
Trời rất tối, họ không biết khi nào mới sáng.   


Mạch truyện của ĐTTT có nội dung đan xen nhiều giữa quá khứ và hiện tại. Các vụ án lồng, liên kết nhiều với nhau. Tuy nhiên ĐTTT đọc không bị rối rắm, mờ mịt bởi Tử Kim Trần hành văn rất sáng, mượt mà và không đánh đố người đọc. Các phần nội dung được ngắt nghỉ rất phù hợp, có sự giải thích hợp lý. Qua đó cũng thấy được bản thân tác giả Tử Kim Trần là người rất am tường về lĩnh vực tố tụng, tư pháp và cách mà chúng vận hành.

“Hạ Lập Bình là phó trưởng ban Tổ chức, em đi tố giác, nói là ông ta có con riêng với một phụ nữ bị thần kinh, ủy ban Kỉ luật sẽ hỏi em, chứng cứ đâu? Không có, chỉ còn cách làm giám định con đẻ. Nhưng dựa vào đâu để làm giám định con đẻ? Nếu nội dung tố giác không hề có căn cứ mà cũng phải làm giám định con đẻ, thì cho dù ai tố giác đứa bé nào đó là con riêng của một vị lãnh đạo, không nhẽ đều phải làm giám định con đẻ? Quy trình không phải là như vậy, những nội dung tố giác như thế sẽ không thể được thụ lí.”

ĐTTT còn đặc biệt gây ấn tượng trong cách mà tác giả thấu hiểu và thể hiện tâm lý, bản chất sự việc xã hội qua ngòi bút của mình. Điều này thể hiện một vốn sống sâu rộng. Sau đây là một trích đoạn tiêu biểu thể hiện điều đó:

“Ngoài anh ra, còn ai ở đằng sau ủng hộ việc điều tra của chúng tôi?” Giang Dương cười nhạt.
“Có, mà còn rất nhiều. Mấy năm vừa rồi, các ông điều tra Tôn Hồng Vận, rất nhiều người bên toà án, công an, viện Kiểm sát đều ngầm biết từ lâu, rất nhiều người đều tin các ông, có điều họ không dám dũng cảm ra mặt chống lại băng đảng lớn đó như các ông, nhưng trong lòng họ ủng hộ các ông. Phải biết rằng, hầu hết mọi người đều có tấm lòng lương thiện, đều đứng về phía chính nghĩa. Lấy Chu Vĩ làm ví dụ, năm đó, Chu Vĩ bắn súng vào đũng quần Nhạc Quân, nhìn từ bên ngoài, đó là hành vi cực kì tồi tệ, có vào tù mấy năm cũng không quá, nhưng tại sao cuối cùng chỉ phải đi tiến tu ba năm, rồi lại quay về vị trí công tác cũ? Bọn Tôn Hồng Vận còn muốn ông ấy tiếp tục làm cảnh sát hình sự chắc? Tất nhiên là không. Kể cả lần này, đánh Hồ Nhất Lãng bị chụp ảnh, cấp trên đều có lí do điều chuyển các ông khỏi vị trí công tác thực sự, nhưng họ không làm như vậy, chỉ là tạm thời đình chỉ công tác một ông ba tháng, một ông một tháng. Ai cho ông tiếp tục ở lại làm cảnh sát hình sự? – Ai cho cậu tiếp tục ở lại viện Kiểm sát? Chỉ có lãnh đạo của các ông. Mặc dù họ giữ im lặng, nhưng họ biết các ông đang làm gì. Bây giờ đen và trắng đang cân bằng, nếu các ông gặp rủi ro, thì hầu hết những người giờ phút này đang im lặng sẽ bật lại rất mạnh. Mỗi người đều có một mạng lưới quan hệ xã hội, biết đâu đấy, sẽ có người trong số họ tố giác với bộ công an, viện Kiểm sát tối cao, cũng có thể có những người trong số họ vốn đã quen biết lãnh đạo cấp cao. Khi những nhân viên điều tra đại diện cho chính nghĩa như các ông, đến mạng sống của mình cũng không giữ được, thì bên im lặng đó sẽ thực sự nổi giận, thế cân bằng giữa đen và trắng bị phá vỡ, bọn Tôn Hồng Vận biết rõ điều đó, cho nên, bọn chúng tuyệt đối không dám ra tay với cá nhân hai ông. Nhưng, mặc dù bọn chúng không dám ra tay với cá nhân hai người, nhưng lại dám dùng vợ cậu, con trai cậu để uy hiếp cậu, đến lúc đó sẽ phải làm thế nào? Cậu có thể liều mình như chẳng có, nhưng gia đình cậu vô tội. Thôi, nghe lời khuyên của tôi, đừng quản nữa, cứ giữ thế cân bằng này, có thể nhiều năm sau, sự thật bỗng nhiên được làm rõ vào một ngày nào đó, vì một nhân tố nào đó thì sao?”

  1. Về xây dựng nhân vật trong tác phẩm:

Chuyện đời là thế. Pháp luật như gianh giới thép, cứng nhắc vô tình. Còn con người thì hỉ nộ ái ố, trải tận thất tình lục dục. Truyện của Tử Kim Trần nói chung hay cuốn tiểu thuyết này nói riêng hấp dẫn không chỉ bởi tính chính xác cao trong các chi tiết pháp luật sử dụng mà còn bởi con người trong thế giới trinh thám đó đều rất đời, rất gần gũi với người đọc. Điểm cộng trong xây dựng nhân vật của Tử Kim Trần là lời nói hành động suy nghĩ của các nhân vật đều được thể hiện một cách tự nhiên. Các mặt tốt và xấu trong nhân tính cũng được đẩy lên cao. Một số các bạn sẽ thấy khó tin và phán xét. Tôi thì mỉm cười vì cuộc sống muôn màu và đâu đó trong sự bình thường luôn có sự phi thường mà ta chưa hề được thấy.

Trong cái thiên địa u tối như hũ nút của ĐTTT có những ngôi sao sáng rực rỡ, đẹp đẽ đến lạ kỳ. Bộ truyện này là một bức tranh hội tụ nhiều mảnh ghép của lĩnh vực pháp luật từ luật sư, cảnh sát, pháp y, kiểm sát viên cho đến những học giả pháp lý và cả người bình thường. Mỗi nhân vật trong ĐTTT dù ít dù nhiều thời lượng đều có đất diễn và đều nổi bật lên hình ảnh và khí chất của mình.

Đăng cái ảnh Phim chuyển thể lên cho bài đỡ trắng. Nhìn nhiều chữ quá nhiều khi thấy sợ


– Luật sư Trương Siêu:

Ta có một Trương Siêu vốn là giáo sư chuyên ngành luật của một trường đại học nổi tiếng. Sau đó ông chuyển nghề trở thành một luật sư bào chữa đầy tiếng tăm. Điểm mà cá nhân tôi thích nhất ở Trương Siêu là hơi thở của một người lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực luật pháp ở cả lý luận lẫn thực tế. Có am hiểu, có bất lực, có cảm thán, có chán ghét. Ngay ở trích đoạn chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này đã thể hiện chân thực điều đó.

“Trên đoạn giữa con đường phía ngoài ga tàu điện ngầm có một cột đèn giao thông, lúc này, một gã đàn ông đang kéo một chiếc va li hành lí rất lớn, kiên nhẫn đứng ở chỗ rẽ đợi tín hiệu đèn xanh.
Có điều rõ ràng là nhiều người khác thiếu đi sự kiên nhẫn này, nhất là khi đang ở giữa con đường đông đúc, dường như khi một đám đông cùng vượt đèn đỏ, thì chuyện tố chất cao hay thấp không còn quan trọng nữa, mọi người ào ào qua đường, biết là ô tô không dám lao vào đám đông, thế là vượt đèn đỏ trở thành lẽ tất nhiên, người nào cũng hùa theo dòng người bên mình lao qua đường.
Gã đàn ông khinh bỉ nhìn đám đông, miệng nở nụ cưòi khinh miệt: “Người ta đã không còn nhớ ra lần đầu tiên vượt đèn đỏ là khi nào nữa, có lần đầu thì sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba…”

Khi đọc đến hồi cuối của ĐTTT thì tôi mới nhận thấy một trong những nội dung hay nhất được ẩn tàng ngay phần tự sự đầu câu chuyện. Sự mỉa mai của Trương Siêu cho thấy cái nhìn lọc lõi của ông về tội ác và tội phạm. Đối với con người, luôn có những lằn ranh nơi mà có người tuân thủ và những người vượt qua nó, bất kể giàu nghèo, giai cấp và sự khác biệt cá nhân. Một khi đã vượt qua thì nó đã không phải vấn đề về mặt tố chất cao thấp nữa rồi. Điều này cũng thể hiện cuộc chiến pháp luật bảo vệ con người không bao giờ có điểm dừng – một cuộc chiến vô tận.

Bản thân Trương Siêu cũng là một gã đàn ông can đảm, biết nhận lỗi, dám yêu dám làm. Ông ta từ bỏ vị trí giáo sư đại học vì yêu chính cô học trò của mình. Ngay từ khi Hầu Quý Bình hé mở sự thật về tập đoàn Ca Ân thì ông ta đã nhận ra đây là một vấn đề khủng khiếp đến nhường nào. Nhưng ông ta không cực lực chỉ ra cho Hầu Quý Bình. Bởi Trương Siêu yêu Lý Tịnh. Hầu Quý Bình vừa là học trò nhưng cũng là tình địch của ông ta. Và mọi chuyện rồi cũng đến, Hầu Quý Bình mất mạng trên con đường tìm kiếm công lý.

Sau này, cũng vì sự áy náy vô hạn, sự đau đáu đối với công lý, vì tình thầy trò, tình bạn với Giang Dương và lớn nhất chính vì quá yêu Lý Tịnh, muốn chuộc lỗi mà Trương Siêu tham gia, chủ mưu một kế hoạch điên cuồng và táo bạo đến vậy. Tôi tự hỏi rằng một người đàn ông giỏi giang, dám yêu, dám làm, dám sửa lỗi thì sao mà không hấp dẫn người đọc cho được.

– Giang Dương:

Nếu bạn lướt qua review hay giới thiệu về ĐTTT trên mạng, bạn sẽ thấy người ta nhận xét Giang Dương là một kiểm sát viên “tâm sáng như ngọc”. Nhưng đừng để vài chữ tóm tắt đó đánh lừa. Bởi Ngọc đó cũng là đi từ bùn mà lên, cũng qua thiên chuy bách luyện mà thành. Giang Dương là một người tài. Anh ta tài ở chỗ anh đánh giá được khả năng của mình ở đâu. Thay vì chọn những nơi đầy rẫy nhân tài, Giang Dương chọn thi về nơi phù hợp với khả năng của mình hơn. Anh cũng là kẻ thức thời, quy hoạch sẵn tương lai của mình với cô người yêu có bố làm Viện trưởng cấp thành phố. Nhìn vào phân đoạn Giang Dương gặp Lý Tịnh lần đầu tiên cho thấy anh là một cán bộ có tư tưởng và chuẩn mực khớp “quy hoạch” trong một cơ quan chính quyền với lối suy nghĩ tính toán thực dụng rất xuất sắc.

Ấy thế nhưng Giang Dương cũng là con người, cũng là một kiểm sát viên. Anh ta cũng có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của mình. Càng dấn thân vào vụ án của Hầu Quý Bình, anh càng thổn thức hơn về sứ mệnh pháp luật trao cho những con người như anh. Sự phát triển của nhân vật Giang Dương được tác giả đập vụn và ghép lại không biết bao nhiêu lần. Càng nhiều chai sạn thì càng nhiều quyết tâm hơn.

Giang Dương không kìm nén được cảm xúc: “Nhưng cháu không có chứng cứ, những chứng cứ điều tra được trong những năm qua đi đâu cả rồi?” Mắt anh bỗng đỏ hoe. “Điều tra ra nhân chứng, bị gϊếŧ luôn; điều tra ra hung thủ, chết trong cục công an; tình cảnh của cháu và Chu Vĩ thì thế nào? Cháu không cố gắng sao được? Những việc như thế này nếu không lấy lại được công lí, cháu còn học Luật làm gì!”

Một nước đi khá hay của Từ Kim Trần khi xây dựng Giang Dương là sự so sánh đối chiếu với bạn gái của anh ta hay bố cô ta. Cùng là người tiếp xúc với vụ án nhưng ý chí bị thui chột dần bởi ngoại lực cản quá lớn. Cô ấy biết rằng nếu bước tiếp cùng Giang Dương thì sẽ chẳng còn lối về cho cả mình và có lẽ là toàn bộ người thân. Cô ta chọn thỏa hiệp. Giang Dương thì không. Nhiều lần độc giả được chứng kiến anh quyết tuyệt hi sinh nhiều thứ để đổi lấy một hơi chân lý. Ở anh tồn tại sự mạnh mẽ kiên cường và sự yếu đuối như bao con người bình thường chúng ta. Có một phân đoạn làm tôi rơi nước mắt là cảnh trong quán ăn sau khi Giang Dương ra tù. Anh đã khóc vì mất chiếc ví của mình. Anh khóc vì anh mất quá nhiều thời gian và mất quá nhiều thứ quan trọng để tìm kiếm công lý. Đó cũng là tiếng khóc của những người tìm kiếm công lý như anh. Họ cũng có thể lựa chọn một lối đi an toàn cho tương lai nhưng họ từ chối vì đạo đức, lương tâm họ không cho phép.

“Nhưng tôi làm mất ví tiền rồi, mất ví tiền rồi…” Giang Dương vẫn lẩm bẩm một mình, mấy giây sau, anh oà lên khóc, ngồi vật ra ghế, ngả người vào ghế, khóc ầm lên.
Chu Vĩ và Trần Minh Chương im lặng nhìn anh, không ai nói gì, không ai có bất cứ hành động gì.
Mười năm nay anh chưa từng rơi một giọt nước mắt nào.
Nhưng hôm nay, chỉ là mất ví tiền, anh đã khóc, khóc to, chưa bao giờ khóc to như thế…

– Chu Vỹ:

Chu Vỹ là một tay cảnh sát giỏi, chính trực mà người dân mến thương gọi bằng biệt danh “Tuyết Trắng Bình Khang”. Tuy vậy, Chu Vỹ là một tay nóng tính. Gã sẵn sàng phá luật để đạt tới chính nghĩa. Chu Vy trước đây cũng là một đường thẳng tiến không lùi đến khi đá phải thiết bản như Giang Dương. Bản thân anh ta cũng là nhân vật đã khơi gợi lương tâm, đạo đức và đồng hành nhiều nhất với Giang Dương trên con đường tìm kiếm công lý.

– Trần Minh Chương:

Bác sĩ pháp y Trần Minh Chương xuất hiện với ấn tượng ban đầu là một tay bác sĩ pháp y giỏi giang nhưng nặng tính cơm áo gạo tiền. Bản thân ông ta giỏi về chuyên môn nghề nhưng chán nản với đãi ngộ của cơ quan. Ẩn sâu trong Trần Minh Chương cũng có sự bất mãn với tội ác và sai trái. Ông là người có con mắt lọc lõi như Trương Siêu. Ông cũng biết trước vụ án của Hầu Quý Bình là một rắc rối to lớn nhường nào và cũng muốn tránh xa rắc rối này. Nhưng ông cũng đồng cảm với Giang Dương và nhiều lần khuyên nhủ cậu ta. Sau đó ba người Trần Minh Chương, Chu Vỹ và Giang Dương kết huynh gọi đệ và nhiều lần giúp đỡ nhau trong hoạn nạn rồi đồng hành trong kế hoạch của Giang Dương và Trương Siêu.

– Nghiêm Lương:

Nghiêm Lương là một giáo sư khoa toán của trường Đại học Triết Giang nổi tiếng. Ông ta còn được biết đến là một cựu cảnh sát hình sự kỳ cựu. Trong thế giới trinh thám của Tử Kim Trần, Nghiêm Lương hoặc ít hoặc nhiều xuất hiện trong đó. Trong ĐTTT, Nghiêm Lương phần nhiều đại diện cho tính logic trong các nội dung điều tra, trinh thám. Bản thân ông ta cũng là người đồng tình và trợ giúp cho kế hoạch của đám Trương Siêu.

– Hầu Quý Bình:

Nhiều người nói với tôi Hầu Quý Bình chỉ là nhân vật phụ khơi mào câu chuyện. Nhưng tôi thì vẫn thấy phải đưa vào danh sách nhân vật cần nhắc tới. Ở Hầu Quý Bình toát ra sự chính nghĩa ngay từ những giây phút mở màn bởi nhân vật của anh là một sinh viên luật đi thực tập. Anh không thỏa hiệp với tội ác dù là trong hoàn cảnh thiểu số. Hình ảnh của Hầu Quý Bình còn cho thấy một ẩn dụ tăm tối. Dũng cảm, kiên cường là tốt nhưng cần phải có sự trợ giúp, trí thông minh tập thể. 4 người Trương Siêu, Giang Dương, Chu Vỹ, Trần Minh Chương đại biểu cho 4 khía cạnh của nghề nghiệp pháp luật sau khi đấu tranh, đấu trí trong nhiều năm trời vẫn cứ phải “vượt khỏi gianh giới” mới tranh được một hơi.

V. Tạm Kết.

Dù chủ đề có hơi dảk nhưng bài này tôi viết tặng anh em nhân dịp lễ 2/9. Nhân tiện vận động anh em viết bài cho Admin đỡ buồn. Qua thấy lão lập clone đăng bài mà bị anh em vùi dập xong dỗi xóa bài mới ghê chứ. Người già mà mỏng manh gì đâu :))

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện