Oyaji – Tôi đi tìm bộ truyện men-lỳ đích thực

Chủ xị

  

Bài viết này đáng lẽ phải được đăng vào năm 2019 – tại thời điểm lão Đăng Bông hô hào mở chuyên mục Manga/Anime ở HSBT. Lúc đó tôi trót lưỡi đầu môi hứa sẽ viết một bài review manga hưởng ứng phong trào nhưng sau đó sủi mất tăm luôn. Giờ đếm sơ sơ cũng cả trăm bài mà chưa thấy bài của tôi đâu nên phải gắng viết bù vào không có mang tiếng Hứa-thật-nhiều-thất-hứa-cũng-thật-nhiều với lão.

File bản thảo này được sửa đi sửa lại bê bết trong hơn 3 năm nhưng không có lần nào tôi hoàn thành nó. Một nửa lý do là tôi mắc ung thư “lười” giai đoạn cuối. Nửa lý do còn lại vì đây là cuốn truyện đem lại cho tôi nhiều chiêm nghiệm. Theo thời gian, mỗi lần đọc lại Oyaji đều mang đến cho tôi nhiều suy ngẫm về sự trưởng thành. Có lẽ nếu cứ chần chừ thì đến lúc lão Đăng lên chức ông nội vẫn chưa có bài review. Vậy nên, tôi năm nay 26 tuổi lần đầu review về cuốn manga tôi yêu thích nhất của mình – Oyaji của Tsuru Moriyama.

*Nhân tiện bài viết chúc mừng sinh nhật muộn lão Đăng Bông (tháng 6 thì phải). Dạo này lão bận công việc hay sao mà im hơi lặng tiếng quá. Lâu lâu không nghe lão cà khịa tôi hết hứng viết.

 

 

 

 

 

Thông tin sơ lược

* Tên truyện: Oyaji
* Tác giả: Tsuru Moriyama

* Họa sĩ: Tsuru Moriyama
* Năm phát hành: 2000.

* Nhà xuất bản gốc: Shogakukan.

* Thể loại: Hành động, Tâm lý, Drama (Chính kịch), Mature, Seinen

* Số quyển: 3 Quyển (24 chương).

* Giá cả:

Ở Nhật: 605 Yên/quyển (cả thuế)

Ở Đông Lào: Tương đương tiền truy cập internet bạn bỏ ra – hầu có mặt trên các nền tảng đọc chùa hàng đầu VN (Khá buồn!)=

Về tiêu đề bộ truyện – Oyaji


* Phần này tôi cũng loay hoay rất lâu bởi tôi chẳng có kiến thức căn bản mà phải tham vấn chị google rất nhiều lần. Nếu thực sự mắc lỗi sai nghiêm trọng nào đó thì tôi xin kiếu lỗi trước và mong người khác có thể sửa lỗi bài viết này dưới phần “Bình Luận”.

Cũng giống Tiếng Việt, giao tiếp Tiếng Nhật có rất nhiều cách để gọi và xưng hô một người. Cách gọi khác nhau đều chứa đựng trong nó các sắc thái cảm xúc, nhận thức, vai vế… và bối cảnh khác biệt. Nhật Bản là một trong những quốc gia luôn đặt nặng tính lịch sự, cầu kỳ đối với việc sử dụng ngôn ngữ. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến cách người khác nhìn nhận bản thân mình. Bộ manga này có tên là Oyaji (オヤジ). Trong Tiếng Nhật từ này có nghĩa là “Người Cha”. “Oyaji” không mấy khi được người Nhật sử dụng bởi 2 lý do:

1/. Nó là một cách xưng hô suồng sã, thô lỗ, xúc phạm.

2/. Nó là một cách xưng hô lỗi thời.

Tuy vậy, trong ngôn ngữ không bao giờ có sự tuyệt đối. Họa hoằn lắm cũng có lúc “Oyaji” lại là cách gọi thể hiện sự gần gũi, thân mật và tôn trọng. Câu chuyện mà Tsuru đem đến là một câu chuyện như vậy. Một “Oyaji” vượt qua định kiến về ngôn ngữ thông thường. Một “Oyaji” sinh ra trong đau đớn, nghèo khó nhưng tràn đầy tình yêu thương, mạnh mẽ, bễ ngễ trước sương giá, bão tố cuộc đời.

Về Nội dung cốt truyện (Cảnh báo xì-poi)

Bộ truyện lấy bối cảnh gia đình Kumada – một gia đình ẩn nấp trong những con ngõ nghèo đói tối tăm của Tokyo trong một ngày đầy rắc rối. Gái lớn nhà Kumada là Kumiko bỏ nhà theo trai Yakuza và mang về một nợ về cho mẹ xin cứu giúp. Đứa con trai thứ 2 thì vô công rồi nghề, hèn nhát. Giữa cơn gào thét thất thanh khi bị tên bạn trai xã hội đen thu nợ đánh đập (Anh em tham khảo Cosplay Leesin LoL của Đạt G nhé), người cha trụ cột trong gia đình Kumada bặt vô âm tín nhiều năm trời đột ngột trở về. Toàn bộ câu chuyện là hành trình bù đắp và gắn kết gia đình trước khi Oyaji từ giã cõi đời mình.


Sau đây là một số thứ khiến Oyaji hấp dẫn tôi:

Mạch truyện Oyaji được triển khai rất tốt, tiết tấu, nhịp độ hợp lý. Việc tạo ra các cung độ khác nhau rồi xâu chuỗi chúng một cách liền mạch, hợp lý tạo ra sự bùng nổ cảm xúc và sâu lắng về suy nghĩ trong một bộ truyện ngắn gồm 3 volumn (24 chương) là điều rất khó thực hiện. Ngay cả ở trong những manga nổi tiếng cũng có những trường đoạn diễn biến nhàm chán rớt duyên. Ấy thế Oyaji xử lý trơn tru vấn đề này.

Lấy một ví dụ về phần mở đầu của bộ truyện. Phần bìa truyện tạo cho độc giả cảm giác chạm vào tay một bộ truyện kinh dị (Horror) hơn là Seinen. Ngay lập tức sau đó, câu chuyện rào đầu người đọc bằng tình huống rắc rối và khẩn trương của gia đình Kumada và rồi đẩy lên đỉnh điểm với xuất hiện đậm chất bạo lực của Oyaji. Khoảnh khắc trước còn ồn ã, kêu gào thảm thiết như chọc tiết heo thì sau cú đấm móc trời giáng, mọi sự vật tĩnh lặng như ngừng thở đánh dấu cho sự xuất hiện của nhân vật chính bão tố. Câu chuyện chưa kịp nguội bớt thì tác giả đẩy tiếng lòng cùng sự phẫn nộ của cô con gái về lý do “mất hút hơi lâu” của ông bố. Diễn biến lúc này chuyển sang lời quát mắng của bà mẹ và đưa người đọc đi sâu vào quá khứ combat với bọn giang hồ tín dụng nhiều năm trước của gia đình.

Cứ như vậy, câu chuyện giữa hiện tại và quá khứ của Oyaji và gia đình Kumada đan xen, giao thoa với nhau. Diễn biến tâm lý các nhân vật cũng phát triển dần dần. Tuy thời lượng phân bổ  khác nhau nhưng các vai diễn nhân vật khác không bao giờ bị bỏ xót và luôn bổ sung hợp lý cho nhau.

Về Nhân vật Kumada (Oyaji): Nhân vật chính của chúng ta xuất hiện với một vẻ nam tính khủng bố. Từ thần lực có thể hành ra bã bọn thu nợ cho đến tửu lực tu sake như nước lã của ông. Điểm tôi phục nhất ở Kumada là trí tuệ của ông. Nó là thứ trí tuệ tích xúc từ sự trưởng thành. Hành trình của ông không phải là đi chém giết vô nghĩa mà là hóa thân trở thành hình tượng tinh thần đồng hành và phát triển cùng những người ông yêu thương. Các cảnh hiện tại và quá khứ luôn được đan dệt cho thấy Oyaji cũng như chúng ta, cũng có lúc yếu đuối, nóng giận, nông nổi cho đến khi trở thành một người đàn ông đỉnh thiên lập địa. Ông ít nói nhưng khi lời nói phát ra đều có ý nghĩa, không thừa không thiếu. Đây cũng là một bộ truyện hiếm hoi mà tính bạo lực, bạo liệt không thô tục, nhàm chán mà phô diễn cho con người, tính cách nhân vật một cách sâu sắc.

Về các nhân vật phụ: Ngoài Oyaji Kumada là chiếm phần lớn spotlight trung tâm thì các nhân vật khác đều có những nét riêng. Trong các nhân vật phụ, tôi thích nhất là Taeko (Bà vợ Oyaji). Ở bà vừa có hơi hướng kiểu “Tam Tòng” của Nho Giáo. Đồng thời cũng có khi Taeko vùng lên mạnh mẽ dám nói lên sự thật, theo đuổi và bảo vệ tình yêu của mình. Đó là hơi thở tự do của những người phụ nữ hiện đại. Đoạn cuối bộ truyện trở nên sâu lắng, xúc động, mở ra cánh cửa tương lai cho các nhân vật Oyaji yêu thương.

Tuy tôi không được học một trường lớp về đạo diễn, nội dung nhưng cách dẫn dắt và liên kết, phát triển nội dung của bộ truyện tạo ra cảm giác tự nhiên và hợp lý không nói nên lời. Sự hợp lý ấy được thể hiện từ những cấu thành nhỏ nhất đến lớn nhất của truyện. Từ hành động của các nhân vật so với bối cảnh nội dung cho đến từng bong bóng lời thoại. Cao hơn là trong từng chương truyện (Chapter) và tập truyện (Volumn) cho đến toàn bộ một manga hoàn chỉnh đến tay người đọc. Lần nào tôi cũng đọc liền một mạch từ trang đầu tiên đến khi kết thúc mà không bị vấp chút nào bởi tính logic hay mạch cảm xúc.

Bản thân Oyaji là một manga có tính khiêu chiến rất lớn đối với bút lực của tác giả. Bởi gia đình không phải là chủ đề mới mẻ hay được sự thiết tha mong ngóng của người đọc manga những năm đầu 2000. Thêm vào đó việc vừa thể hiện sự hấp dẫn và truyền tải hàm lượng nội dung xúc tích vào một manga ngắn như Oyaji là rất khó. Thậm chí nếu tính mốc thời gian trong truyện thì chỉ diễn ra trong 01 ngày kể từ khi Oyaji trở về cho đến khi ông ta ra đi. Vậy nhưng Tsuru đã thành công kể câu chuyện đầy tính nhân văn về các vấn đề như: tình yêu thương, sự gắn kết, sẻ chia của gia đình, sự trưởng thành, dũng cảm đối diện với vấn đề của bản thân, sự hy sinh, gánh vác của trụ cột trong gia đình. Tôi tin rằng bất kể bạn có ở nền văn hóa, chính trị, địa lý nào cũng đều có thể đọc và yêu mến bộ truyện này.

Một điểm đặc sắc nữa của Oyaji còn là việc thể hiện mình đậm nét văn hóa Nhật Bản. Chúng ta được chứng kiến một Nhật Bản có Yakuza thời hiện đại chuyên “thơ nụ” nhưng vẫn giữ quy củ cổ xưa như “Lui khỏi tổ chức phải chặt ngón trả ơn”. Một Nhật Bản thời hiện đại vẫn háo hức với lễ hội hoa đăng và nguyện ước những điều tốt đẹp nhất cho người thân mình. Một Nhật Bản nơi vẫn còn lưu giữ nét gia trưởng phong kiến nhưng giao hòa với hơi thở hiện đại, ý thức trách nhiệm gánh vác, dạy dỗ và yêu thương của Oyaji. Tôi không phải là một tay quá nghiện “Nhật” nhưng Oyaji đích thực là một manga đặc sắc theo góc nhìn văn hóa. Nhìn một sản phẩm ngoại quốc có từ hơn 20 năm trước đẹp đẽ biết bao nhiêu thì tôi cũng mong chờ những nét đẹp văn hóa Việt Nam có thể xuất hiện nhiều hơn qua các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam bấy nhiêu.

Artwork.

Thú thực tôi định viết lướt phần này vì tôi chỉ là một độc giả bình thường, mù tịt kiến thức căn bản về mỹ thuật nói chung và artwork manga nói riêng. Ấy thế nhưng mà nghĩ lại làm gì cũng hời hợt thì không bao giờ chạm tới chân thiện mỹ. Vì thế tôi lại lọ mọ.

Thay vì lối vẽ hoa mỹ, bộ truyện này thể hiện phong cách nghệ thuật thô ráp, trần trụi của cuộc sống. Tuy vậy không có nghĩa là Oyaji không thể hiện độ chăm chú và tỉ mỉ cao trong từng nét vẽ. Bố cục hình ảnh, cử động, cảm xúc tốt, các bong bóng thoại, hình ảnh được xếp rất hợp lý, hỗ trợ, lột tả cảm xúc, hành động và bối cảnh câu chuyện diễn ra. Bộ truyện lúc nào cũng tạo nên cảm giác cuốn hút người đọc. Có lẽ một phần nhờ sự linh hoạt trong việc chú trọng lúc nào nên vẽ chi tiết các khung cảnh và lúc nào tập trung vào các nhân vật và hành động của họ.

Cá nhân và vụn vặt hơn một chút, tôi thích các nét bút chì mài vẽ nên nhân vật Oyaji (đặc biệt là cánh tay rậm rạp lông lá của Kumada). Các nét vẽ lột tả cái thần, cái khí tràng Man-lỳ của nhân vật chính.

Artwork của Oyaji là phong cách vẽ cũ những năm 80-90 của thập kỷ trước. Không rõ cách gọi nhưng tôi có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu cùng thời đại là kiểu Bắc Đẩu Thần Quyền của Tetsuo Hara hay JoJo của Hirohiko Araki. Giờ ngành công nghiệp manga hiện đại có những phong cách vẽ khác nên đa phần bộ truyện khá khó đọc với lớp độc giả trẻ. Ở artwork của Oyaji toát lên chất gai góc, máu me, cộc cằn và đời hơn…có lẽ là cả kinh dị nếu bạn dùng trang bìa của bộ truyện để dọa trẻ con ăn bột dặm.

Hàm chứa trong nét vẽ của Oyaji vừa là sự gần gũi, vừa chứa đựng tính đối lập của con người hiện thực. Đó là sự đối lập mạnh mẽ giữa ngoại hình, biểu cảm bên ngoài của con người và bản chất, nội tâm bên trong của họ. Chính tính đối lập đấy tạo nên sức cuốn hút đặc trưng của bộ truyện.

Tạm kết.

Đoạn cuối chẳng biết nói gì. Thôi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ không quạo.

 

 

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện