“Bố tin rằng cậu ấy sẽ mang lại hạnh phúc cho con!”

Khách quen

  

Mình nhớ trước lúc lim dim trong một tối mát trời, mình đã tỉnh táo thế nào khi đọc đến đoạn truyện này. Vâng, vẫn là truyện đọc vào năm lớp 4. Nobita chỉ vì nỗi ghen tức của bọn trẻ con khi thấy Dekhi và Shizuka nhảy múa trong vở kịch tập dượt, quyết chí đòi Doraemon du hành cỗ máy thời gian để xem liệu mình có thể cưới Shizuka hay không. Thời gian tua nhanh đến trước ngày cưới một ngày. Trong thế giới tương lai, cậu Nobita ấy vẫn hậu đậu như thường, cùng đám bạn say bét nhè trong bữa tiệc độc thân. Còn Shizuka, sau khi dọn dẹp bữa tiệc gia đình cùng mẹ, thoáng lo âu và nét mặt phảng phất buồn. Khi ấy Nobita ngây thơ 8 tuổi thắc mắc tại sao ngày vui mà vợ tương lai của mình lại buồn bã đến thế. Thế là Doraemon bèn dùng loại Thiết bị nói lên cảm xúc để kích Shizuka nói lên lòng mình trước mặt bố.

Đây là đoạn truyện mình đã xem năm lần bảy lượt. Nó quá hay, và sống động đến nỗi rất thật. Thứ nhất, nó đúng với tâm lý của người châu Á, rằng con cái có những nỗi lo lắng và yêu thương cha mẹ nhưng lại khó nói lên thành lời. Việc Shizuka phải ngại ngùng, ấp úng che giấu nỗi lo trước người cha đã nói lên điều đó. Cô cảm thấy bứt rứt khi chưa lo cho ba mẹ được gì mà sớm bước sang cuộc sống mới. Thứ hai, kết hôn như một canh bạc, và việc lo lắng trước ngày trọng đại là chuyện có thể hiểu, nhất là với con gái. Bản thân Shizuka vẫn rất băn khoăn về cuộc hôn nhân sắp tới. Liệu Nobita có phải là “người đúng” với mình, mình có đang chơi nước cờ đúng khi lấy người này không?

Ở bản truyện, không có bất kỳ cuộc hội thoại nào giữa Nobita và Shizuka để người đọc thấy cậu trai này có phải “The One” của Shizuka. Tập truyện chỉ tập trung vào cuộc trò chuyện của hai cha con. Ở đây, cảm xúc thật chính là nền tảng. Dùng người cha để nói về tâm sự trước khi cưới vì cha là người nắm tay con trên lễ đường vào ngày cưới. Người cha cũng là người khác giới đầu tiên mà con gái tiếp xúc, và là hình mẫu đứa bé định hình về người bạn đời sau này. Nhưng một cuộc trò chuyện thẳng thắn và không giấu giếm cảm xúc giữa các thế hệ? Nó phá vỡ truyền thống của người châu Á, khi làm biến mất hình ảnh người cha khô khan, nghiêm khắc mà thành người ân cần dịu dàng. 

Ở phần phim, đoạn đối thoại này vẫn truyền tải y nguyên cảm xúc đó, nhưng nhanh chóng bị lu mờ bởi Nobita. Có một đoạn trước đó, bố Shizuka nhìn lại ảnh con gái mình lúc bé. Chi tiết ấy thật dễ thương, nhưng nó không bằng lúc ông vừa nói về niềm hạnh phúc khi làm cha và tự nhớ về những hình ảnh về quá trình trưởng thành của Shizuka. Mọi thứ chỉ được thể hiện vẻn vẹn qua một bóng trò chuyện lớn ở một khung tranh. 

Ảnh: quakhudauroi.blogspot.com

Mình nghĩ bên làm phim đã cố gắng chỉnh sửa thêm thắt bộ truyện theo xu hướng dễ đoán, đó là bổ sung và vẽ thêm thật nhiều tình tiết để người xem phim biết Shizuka đã chọn đúng người. Bằng cách để Nobita say bét nhè xong tàn cuộc chơi vẫn ráng kiếm cho Shizuka được chiếc hoa tai thất lạc đúng lúc cô mới trò chuyện với người cha. Rồi Dekhi cùng Jaian, Suneo nhìn lại vở kịch năm xưa để thấy Nobita cứu Shizuka khỏi khúc ngượng thoại. Kiểu như mô típ các bài viết phỏng vấn các cặp đôi kết hôn lâu năm khoảnh khắc họ biết mình chọn đúng người qua những hành động nhỏ nhặt vậy.

Mình vẫn thiên về bản truyện hơn. Bản phim cũng mang lại nước mắt, nhưng nó dàn trải quá. Và nó thường quá, như bao câu chuyện tình và những đoạn hỏi đáp trên Reddit, Thought Catalog. Bản truyện ngắn gọn, chỉ có màu trắng đen và truyền thống, nhưng nó nói lên được tất cả. Chính câu nói mà mình đặt làm tựa đề “Bố tin rằng cậu ấy mang lại hạnh phúc cho con!” nó có ý nghĩa và sức mạnh gấp ngàn lần hơn cả những khoảnh khắc lãng mạn kia. Bởi vì để người cha nói ra được câu nói ấy thực không dễ dàng. Ông đã nhìn ra được điểm sáng ở người con trai mà người ngoài đánh giá là hậu đậu, kém cỏi kia.

Ở góc độ người đứng ngoài chuyện tình cảm, nhưng cũng là người nuôi nấng để hiểu tính cách của con, cha mẹ là người từng trải có góc nhìn sâu sát hơn bao giờ hết về những quyết định trọng đại của con cái, nhất là việc lập gia đình. Trừ chuyện phản đối đến với nhau vì hoàn cảnh kinh tế khác biệt, nhưng khi có sự phản đối về khác biệt về tính cách quan điểm sống, thì đó là điều cần cân nhắc. Dù cha mẹ có áp đặt con cái đến đâu, nhưng họ cũng là nhìn ra con cái mình nhiều nhất, biết được hợp với ai và không thành với ai. Chợt mình nhớ về mối quan hệ đầu, bố mình sau cuộc trò chuyện đã không bằng lòng về người kia. Và cũng nhớ về những cuộc ly hôn và chia tay qua lời kể của những người thân thiết khi cha mẹ hai bên không bằng lòng do khác biệt về tính cách hay một trong hai người có những tính cách xấu – cụ thể là thiếu sự tử tế. 

“Cậu thanh niên ấy luôn mong hạnh phúc đến với người khác, và biết đau khổ trước bất hạnh của mọi người. Đó là điều quan trọng nhất đối với một con người”. Tôi nghĩ thứ ông nhắc đến ở Nobita, chính là sự tử tế. Để chốt hạ được câu này, bố Shizuka đã phải quan sát cậu bé qua rất nhiều năm. Và khi ông đã nói điều này bằng sự rành mạch, ông đã chắc chắn rất nhiều về tiềm năng của một người với xuất phát không giỏi giang, tin vào tiền đồ của cậu. 

Khi trải qua những cuộc hẹn hò ngắn ngủi, thậm chí từng gắn bó với một người trong thời gian tương đối không ngắn, mình nghĩ để nhìn nhận một người là tử tế, bao dung không dễ chút nào. Giỏi giang thì đầy, chí tiến thủ cũng hằng hà sa số, nhưng tử tế thì hiếm hoi vô cùng. Một người kiên nhẫn, thấu cảm và bao dung cần rất nhiều tháng nhiều năm để quan sát. Những hành động có thể nhìn nhầm là tử tế có thể chỉ là “ga lăng”- thứ ngắn hạn  được thể hiện rất nhiều ở giai đoạn mới quen. Nhưng chỉ đến những lúc giai đoạn oxytocin bớt bớt, sự tử tế mới bộc lộ.

Khi bước vào đại học, thấy người khác và chính mình có rất nhiều lúc chơi xấu nhau, tôi biết trở thành người tử tế đúng nghĩa không hề dễ. Đố kỵ, ganh ghét, tham lam là bản tính cố hữu của con người, nó càng mạnh khi con người không biết giá trị và niềm vui của riêng mình. Giữa một thế giới của người trưởng thành, con người phải nhìn mặt nghe kỹ lời để đoán ý cẩn thận người này người kia, giữ nguyên sự tử tế không hề dễ. Và càng không dễ khi chứng kiến người khác hơn mình. Người ta khó mở lòng mình ra để học hỏi cái mới và không phán xét từ người khác. Thật khó để bỏ cái tôi nhỏ nhen để nghĩ tốt và thấu cảm với người.

Mình có một cô bạn thân, giờ đã lập gia đình và có hai bé nhỏ. Người chồng hơn bạn 16 tuổi, hai người quen nhau nhờ sự mai mối của gia đình. Chồng bạn là người lao động tay chân, còn bạn là lao động trí thức. Mình biết anh lúc mới dự lễ tốt nghiệp của bạn. Lúc đó hỏi tại sao bạn lại yêu người này, bạn chỉ bẽn lẽn ôm mặt nói: “Duyên số”. Ngày Nhà giáo ba đứa đi chơi và bạn khoe tin mình sắp cưới. Một quyết định kết hôn nhanh chóng chỉ trong vòng mấy tháng. Ai nấy đều bất ngờ, ngỡ ngàng và bật ngửa. Mình không ủng hộ lắm, vì bạn chưa đi làm đủ lâu mà đã muốn ổn định cuộc sống quá sớm.

Nhưng có một thứ khiến mình tin bạn chọn đúng người, cho dù bạn có sống khổ ra sao thì vẫn hạnh phúc. Đó là hậu đám cưới, gia đình họ hàng bạn cùng người chồng ngồi ăn. Bạn mình không ăn tôm nguyên vỏ được. Anh chồng mới thay đồ xong ngồi bóc tôm cho vợ mình, dù tôm rất nóng. Đúng lúc đó, mình biết đã chọn được đúng người. Thực ra mình biết bạn đã chọn đúng người vì anh ấy rất lắng nghe và kiên nhẫn với người khác, kể cả những đứa trẻ trâu tụi mình. Dù cuộc sống của bạn hiện giờ khó khăn, nhưng nhìn bạn vẫn xinh đẹp và cách nói chuyện của bạn tạo cảm giác bình yên, mình biết rằng bạn đã có người tử tế như thế nào. 

Mình còn đọc hai câu chuyện của hai người phụ nữ kể về người chồng sắp cưới khóc nức nở vì chú mèo đã mất.

Và cũng từng nghe một cặp đôi nổi tiếng, ở đó người chồng mua cho vợ rất nhiều thứ sang trọng đắt tiền, nhưng lại không mua cho người vợ quyển sách trang trí nội thất ở một nhà sách, dù chị rất muốn mua. Một bạn nam, bạn cũ của mình, dành vô vàn lời có cánh cho người bạn nữ đang quen, nhưng lại bắt bạn nữ cắt đứt liên lạc với tất cả bạn nam cùng lớp chỉ vì tính ghen tuông ở lúc mới quen. Bạn nam ấy có cái tôi rất lớn và bỏ hết bên ngoài sự tử tế trên mạng, là người có tính kiểm soát, dùng từ ngữ độc hại với người khác. Mình đã linh cảm chuyện này từ sớm khi thấy những lời có cánh vô vàn và tính cách trước đó của bạn với mình, nhưng chỉ đến khi chuyện kết thúc mới dám phân tích cho bạn nữ. 

Và vì thế, không gì bằng việc một người cha đủ tự tin và dứt khoát khi nói người chồng sắp cưới của Shizuka là người mang lại hạnh phúc. 

Chỉ là vài dòng suy ngẫm vậy thôi. Mình cũng còn rất nhiều thứ cần để cải thiện, nhưng viết lại để đây như một lời nhắc nhở vậy.

https://www.dailymotion.com/video/x399h74: Link phim cho người muốn xem 

Link truyện cho người tò mò và hoài niệm: https://quakhudauroi.blogspot.com/2017/07/tap-458-dem-truoc-ngay-cuoi-cua-nobita.html


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • Sơn Tùng - 16.07.2021

    Cụng 1 ly với An nha, mình cũng rất thích tập này


  • Trong - 17.07.2021

    Hihi


  • Không Hy Vọng - 17.07.2021

    Mình biết đến tập này qua phần truyện màu cũ của tủ truyện đứa em họ hàng hồi bé chuyển sang cho mình. Có lẽ bản màu là chuyển từ phần phim sang nên mình nhớ có chi tiết Nobita nhìn bản thân tương lai đang có bữa nhậu với bạn bè trước ngày đám cưới.
    Mình vẫn chưa có nửa kia và vẫn còn non nớt với bạn bè, nhưng mình tin những người ở đây sẽ tìm được hạnh cho bản thân và cho cả gia đình nữa. Cạn ly nào!