Mất não cùng wibu (P.2)

Khách quen

  

Bài bạc, Thể thao, Trinh thám, Giải đố… hay chỉ đơn giản là Mind Game (trò chơi trí tuệ) luôn cuốn hút bởi những phút giây căng não mà nó đem lại.

Chú ý :

  1. Thể loại đấu trí thuần có rất nhiều dạng nhưng trong danh sách mình sẽ chia ra 2 loại chính đó là Trò chơi trí tuệ (Giải đố, Suy luận hoặc có sự tham gia của yếu tố siêu nhiên) và Trò chơi cờ bạc (Quá nhiều bộ anime/manga thuộc chủ đề này nên mình sẽ xếp riêng)
  2. Vì không tập trung nên mình có lỡ liệt kê Alice in Borderland vào P1 của series review, nên mình sẽ không thêm bộ đó vào danh sách này.

1. Death Note (2006)

Thể loại : Shounen, Hình sự, Tâm lý, Siêu nhiên

Tượng đài của thể loại manga trí tuệ.

Tóm tắt nội dung: Yagami là một thiếu niên thiên tài với khả năng quan sát và suy luận tuyệt vời – và cậu cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán. Nhưng mọi việc hoàn toàn thay đổi khi cậu tìm thấy quyển sổ Thần Chết Death Note, một quyển sổ do một thần chết cố tình đánh rơi. Bất cứ người nào bị ghi tên vào trong quyển sổ sẽ phải chết, và Light quyết định sử dụng quyển sổ để tiêu diệt cái ác trên thế giới…

Cuốn sổ thiên mệnh

Tượng đài huyền thoại. Một trong những siêu phẩm của thế hệ trước. Sự nổi tiếng của tác phẩm cũng không cần nói quá nhiều, ai ai cũng biết. Chỉ với một cuốn sổ có khả năng cướp đi mạng sống của người bị viết tên lên cuốn sổ, tác giả đã khai thác được toàn bộ sự thông minh đến tột đỉnh, giá trị trí tuệ quá sức đỉnh cao của một tác phẩm có thể đem lại. Từng mưu mô, cạm bẫy, kế hoạch đều là những nước cờ cân não của nhân vật chính Yagami Light (Kira) và thám tử lừng danh L trong cuộc chiến nhân danh Công Lí.

Nhận xét nhân vật:

Một con người hoàn hảo nhưng mục rữa từ bên trong

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao Batman không giết người chưa? Bởi vì thứ quyết định sinh mạng của tội phạm là Pháp Luật, chứ không phải bản thân anh ta. Tuy nhiên Light Yagami lại có quan điểm hoàn toàn khác. Lý tưởng của anh ta là một thế giới không còn tội phạm, nơi mà anh ta có thể trừng phạt mọi tên tội phạm và đến khi không còn một tên nào, anh sẽ trở thành vị thần của thế giới mới. Chính lý tưởng này của anh đã bị tha hoá bởi quyền năng của cuốn sổ và dần dần, anh đã sa ngã và trở thành kẻ giết người. Tâm lý nhân vật phải nói là khá sâu khi động lực và lý tưởng của anh không hề viển vông, nó xuất phát từ thứ gần anh nhất chính là gia đình và không ai khác chính là người bố cảnh sát Trưởng. Light được tiếp nhận ý nghĩa của công lý quá sớm khiến thứ công lý trong anh bị méo mó, dẫn đến con người máu lạnh như anh bây giờ. Nhưng đến cuối cùng, anh vẫn chỉ là một con người không hơn (Phần này mình không đánh giá thêm vì sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm xem của các bạn). Suy cho cùng, Yagami Light có thể nói là một nhân vật chính, đồng thời là phản diện chính và trùm cuối hay nhất của Anime/Manga từng có.

Đánh giá: 10/10 (Siêu phẩm) Nhất định PHẢI xem.

2. No Game No Life (2012)

Thể loại : Game, Fantasy, Siêu Nhiên, Drama

2 anh em Sora và Shiro là người đã tạo ra [  ] hay Kohaku, một huyền thoại của thế giới ảo, một gamer được mệnh danh là “bất khả chiến bại”. Nhưng đằng sau hào quang trong thế giới ảo, 2 anh em họ lại là những NEET, những người “vô dụng” của xã hội. Một ngày nọ, họ được một người tự xưng là “Chúa” đưa tới một thế giới của ông ta, thế giới “Board World”, nơi mà mọi thứ đều được quyết định bằng các trò chơi, từ tính mạng con người cho đến biên giới quốc gia. Liệu 2 gamer mạnh nhất của nhân loại có tiếp tục tỏa sáng trong thế giới mà họ luôn mơ tới, và vươn tới đỉnh cao như họ luôn làm được?

Sinh sau đẻ muộn so với những đàn anh khác cùng thể loại, thế nhưng độ nổi tiếng và thu hút của NGNL lại vượt trội hơn. Mang tông màu sắc sặc sỡ thế nhưng nó lại là điểm mạnh dễ làm quen cho những người mới xem. Các trò chơi trong NGNL cũng khác logic và trí tuệ, tuy nhiên nó vẫn chỉ dừng ở mức ổn bởi lẽ các tình tiết của bộ phim không quá gay cấn, nó không đem lại được cảm giác căng thẳng hồi hộp trong từng bước đi, khiến cảm xúc khá tụt hứng.

Đánh giá: 7/10 (Phổ thông) Nhẹ nhàng dễ xem, không đánh nặng tâm lý.

3. Liar Game

Thể loại : Adult, Trinh Thám, Tâm Lý, Game

Câu chuyện về Liar Game bắt đầu khi một tấm thiệp được gửi đến cho Kanzaki Nao, một cô gái thuộc dạng… ngây thơ cụ. Kèm với tấm thiệp bí ẩn này là 100 triệu yên. Cô gái đáng thương bị ép buộc phải tham gia một trò chơi khủng khiếp có tên là LIAR GAME, trong đó luật chơi rất đơn giản: hãy cướp cho được tiền của đối thủ, và nếu ai bị mất tiền, thì sẽ buộc phải mang một khoản nợ bằng đúng số tiền đó… Điều đó cũng có nghĩa là: Nếu bị mất 100 triệu yên, thì bạn sẽ phải mang nợ 100 triệu. Trong hoàn cảnh này, cô gái ngây thơ thật thà phải làm sao, cam chịu mang nợ, hay là tìm người giúp đỡ, cho dù đấy có là ai đi chăng nữa…


Thay vì đánh cược tính mạng cho cái cái chết, lần này ta vẫn sẽ sống nhưng thứ chờ đợi chúng ta còn kinh khủng hơn rất nhiều, gánh nặng nợ TIỀN, sống không bằng chết. Đúng như tên gọi của nó – Trò chơi Lừa dối, nơi mà các người chơi phải lừa lọc lẫn nhau, nơi mà lương tâm chỉ cách 100 tỷ yên có một quyết định.

Ở đây mình sẽ không nói về tâm lý nhân vật vì nền móng phát triển, mục tiêu, con người, câu chuyện đằng sau mỗi cá nhân được tác giả xây dựng rất tốt, đặc biệt là nhân vật Akiyama. Hãy nhận xét về cái hay của những mưu mô, thủ đoạn trong từng trò chơi của Liar Game như thế nào.

Không cần quá phức tạp nhưng cũng không đơn giản, mỗi trò chơi ở các vòng đều rất đỉnh cao. Tại sao lại đỉnh cao? Bởi nó không hoàn hảo. Mỗi trò đều có chìa khoá, lỗ hổng để giành chiến thắng. Nó bắt người chơi phải chơi theo đúng luật, nhưng ngược lại người chơi không cần chơi theo nó. Có những thứ đơn giản tưởng chừng vô giá trị nhưng lại là quân cờ lật kèo không thể tin nổi, đến nỗi người như tôi phải đọc lại 2, 3 lần trang đó mới mắt chữ Ô mồm chữ A.

Tuy nhiên phần hay hơn cả đó chính là nhân vật chính Kanzaki Nao, tốt bụng và ngu ngơ trong một trò chơi lừa lọc, cuối cùng lại giành được chiến thắng theo cách có lương tâm nhất.

Tốt bụng có thực sự là điều xấu?


Một trong những đối thủ xứng tầm nhất của huyền thoại Death Note. Khá đáng tiếc cho Liar Game không có anime nên bộ truyện không được biết đến rộng rãi như Death Note.

Finally! A worthy opponent! Our battle will be legendary, Death Note! =))

Đánh giá: 10/10 (Siêu phẩm)

4. Lost + Brain

Thể loại : Bí ẩn, Tâm lý, Hình sự

Bộ truyện tranh về một chàng trai thiên tài đang chán ngấy cái thế giới mà anh ta cho là cặn bã, yếu hèn. Anh ta mún thay đổi thế giới để nắm quyền thống trị bằng thôi miên thuật và bất chấp mọi thủ đoạn để bước tiếp trên con đường của mình cho dù có phải chà đạp mọi thứ. Bệnh hoạn, thông minh hay tàn độc?

Bộ truyện được coi là Death Note phiên bản… dùng thử 🙂 Sở dĩ nói giảm nói tránh vì bộ truyện không có nét riêng cũng như yếu tố thông minh không được cao. Thay cuốn sổ tử thần bằng thuật thôi miên thì chúng ta có Lost + Brain. Nhân vật chính thì khá tệ nếu dựa trên nguyên mẫu hoàn hảo của Yagami Light. Tuy nhiên theo tôi nghĩ bộ truyện vẫn thoả mãn được những con nghiện hack não ở mức độ trung bình.

Đánh giá: 7/10 (Phổ thông)

5. Real Account I + I

Thể loại : Game, Tâm lý, Bí ẩn

Năm 20XX, một mạng xã hội tên là Real Account (gọi tắt là ReaAcc) đã trở nên phổ biến trên toàn Nhật Bản.

Nhân vật chính Kashiwagi Ataru cũng tham gia vào mạng xã hội đó. Tuy ở ngoài đời thường, cậu không hề có bạn nhưng trên ReaAcc, tài khoản của cậu có tới 1,500 follower, một con số khá đáng nể.

Vào ngày 25 tháng 4 năm 20XX, 10,000 người tham gia Real Account, bao gồm cả Kashiwagi bị hút tâm trí vào thế giới Real Account và bị bắt tham gia vào một trò chơi. Chỉ những người nào “phá đảo” được trò chơi ấy mới có thể trở về thế giới thực. Tuy nhiên, nếu chết ở đây thì ở ngoài hiện thực, họ cũng sẽ…

Real Account I kết thúc 10 chapter khi Ataru trở lại sảnh chính và phát hiện ra Yuma (Người anh đã chết) lại là người đứng top của game. Và bắt đầu Real Account II với người anh Yuma. Các tình tiết bí ẩn về gia thế của 2 anh em cũng như trò chơi chết giẫm bắt đầu từ phần này.

Bộ truyện có chủ đề rất hay và thực tế khi các trò chơi đấu não đều chủ yếu xoay quanh một khía cạnh nào đó của smartphone. Luật lệ cũng không hoàn toàn là tuyệt đối khi có thể phá đảo trò chơi bằng cách đổ máu hoặc tìm ra chìa khoá ẩn để chiến thắng. Mạng xã hội chết chóc với rất nhiều cạm bẫy, chỉ hiểu rõ trò chơi là chưa đủ, nắm bắt tâm lý những người chơi khác và chính kẻ làm ra trò chơi cũng vô cùng quan trọng. Bộ truyện phải nói là rất cuốn cho đến arc Yuma comeback lại trò chơi, sau arc này nhịp độ tình tiết tụt dốc hơn hẳn làm tôi khá thất vọng. Tuy vậy, RA vẫn là một bộ manga trí tuệ rất tuyệt vời.

Đánh giá: 9/10 (Cực phẩm)

6. As the God will

Thể loại : Game, Tâm lý, Kinh dị, Siêu nhiên

Một ngày của Takahata Shun bắt đầu như bao ngày bình thường và nhàm chán khác ở trường, nhưng có vẻ nó không kết thúc như vậy. Sau khi chứng kiến đầu của giáo viên bị nổ tung, cậu và các bạn học đã buộc phải chơi những trò chơi của trẻ em, như Daruma ga Koronda (Một kiểu trò chơi đèn xanh/đèn đỏ), nhưng liên quan đến tính mạng. Không biết kẻ đứng đằng sau những trò chơi chết người này là ai, và cũng không biết bao giờ thì chúng sẽ kết thúc, nhưng Shun và các bạn chỉ có duy nhất một điều phải làm đó chính là chiến thắng…

Tình cờ xem được cảnh chơi Daruma của phiên bản Live Action và tìm đọc bộ này. Manga có vẻ như đẫm máu hơn cả Live nhưng độ căng não thì không hề giảm. Tâm lý nhân vật đi lên chậm nhưng không nhàm chán. Tuy vậy, điểm trừ mà tôi thấy trong hầu hết các bộ đấu trí thuần đó chính là yếu tố siêu nhiên bị đẩy lên quá cao làm cho những tiểu xảo lách luật không được thoả mãn trí óc, khiến cho sự phấn khích không được quá cao.

Bản Live Action tình tiết quay được chậm tạo nên cảm giác hồi hộp nghẹt thở mà Manga không làm được.

Đánh giá: 8/10 (Tuyệt phẩm)

7. The Promise Neverland

Thể loại : Bí ẩn, Tâm lý, Phiêu lưu, Kinh dị

Emma cùng các bạn của mình đang tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc ở trại trẻ mồ côi với chỗ ở ấm cúng, thức ăn ngon, những khoảnh khắc cùng nhau vui đùa, những bài kiểm tra khó nhằn và người mẹ (bảo mẫu) dịu dàng. Tuy nhiên, vào một đêm nọ, bí mật kinh hoàng đằng sau cuộc sống màu hồng ấy được Emma khám phá ra.

Bộ truyện đỉnh cao nhất là ở arc đầu, trong cuộc đấu trí với kẻ phản diện hay nhất trong cả series là bà mẹ. Những bí ẩn được giải đáp sau khi bọn trẻ thoát khỏi ngôi nhà, sau arc này truyện có motip phiêu lưu nhiều hơn. Với phong cách mới, cốt truyện dị thì The Promise Neverland như một làn gió mới với thể loại này khi bị gò bó trong cái luật lệ siêu nhiên tuyệt đối. Cảm giác nghẹt thở thực tế thực sự đáp ứng kì vọng của tôi về một bộ manga trí tuệ. Motip đào tẩu mang lại cảm giác hồi hộp, cuốn hút.

Bản thân nhân vật chính đóng vai trò gắn kết mọi người nên các cuộc chơi trốn tìm với kẻ thù của nhóm trẻ mang tính chiến thuật nhóm rất cao. Tính hợp tác này là một điểm cộng khi nó khiến cho mối quan hệ giữa các nhân vật gắn kết hơn. Tuy nhiên để lọt vào hàng siêu phẩm thì chưa đủ. Bộ truyện càng về sau càng bị lún sâu vào những vấn đề mang tính siêu nhiên khiến cho việc giải quyết vấn đề không được làm triệt để, nhân vật phản diện lại quay đầu về bờ quá nhanh, không có chiều sâu (ngoại trừ bà mẹ ở arc đầu).

Đánh giá: 9/10 (Cực phẩm)

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện