Russian Subway Dog – Cậu Vàng đạo tặc ký

Chủ xị

  

Hơn một thế kỷ trước, bạn có nghe nói về chiến tích của tổ tiên mình khi lang bạt kỳ hồ ngoài xã hội, mất đi người chủ yêu quý nhất của mình và đánh thức tiếng gọi của bản năng, trở về sống một cuộc sống hoang sơ nguyên thủy. Rồi giở sang trang khác trong chuỗi gia phả xa lắc cỡ “bắn đại bác” nào đó, có tổ tiên khác tên là Nanh Trắng, ông sinh ra trong tự nhiên, rèn luyện trong cái khắc nghiệt phương Bắc và một ngày nào đó…động “lòng phàm”, được con người cảm hóa bằng tình yêu và quyết tâm đến cùng tìm người chủ xứng đáng yêu thương mình.

Cuộc sống hiện đại trăm năm sau của bạn khó khăn hơn thế…Vì người ta gọi bạn là một chú chó hoang ở nước Nga – đất nước mờ đi trong bão tuyết. Và đáng thương thay từ “hoang” này không đại diện cho hoang sơ nguyên thủy. Nó là một từ ngữ khốn kiếp để chỉ số phận hiện nay của bạn, bị con người bỏ rơi, lay lắt nơi đầu đường xó chợ vì sinh tồn nhưng không thể rũ bỏ tất cả để trở về với tự nhiên.

Số phận không cho bạn lựa chọn xuất phát điểm cuộc chơi. Nhưng chắc chắn nó không cấm bạn chơi thế nào. Đây là cuộc đời của bạn và nó sẽ là những năm tháng không hề nuối tiếc, cùng đồng bọn của mình lang thang rong ruổi trên toàn nước Nga và kiếm sống bằng mọi giá trong trò chơi arcade hấp dẫn Russian Subway Dog (vẫn như thường lệ, dài quá mà làm biếng nên mình sẽ gọi tắt game là RSD).

Anh em xa của Cậu Vàng say Hello!

Game Story

RSD lấy cảm hứng dựa trên câu chuyện có thật ở Nga. Khi những chú chó hoang ở đất nước này tụ tập sống thành bầy đàn để đi kiếm ăn. Vì chó là một loài thông minh nên chúng phân nhánh thành rất nhiều loại đặc thù như: chó canh gác, chó ăn mày, chó nhặt rác, man dã .v.v…. Trong số đó, đặc biệt hơn cả là loài chó điện ngầm ở Nga. Giống chàng Robin hood coi rừng xanh là nhà, với chó điện ngầm, hệ thống nhà ga tàu điện là hang ổ, là nơi cư ngụ, ngôi nhà ấm áp của chúng. Chó điện ngầm dựa luyện ra cho mình một thân bản lãnh xác định phương hướng, vị trí, mùi vị, giọng nói của người đi tàu hay hàng loạt các thông tin khác để chu du từ ga tàu này đến ga tàu khác trong hệ thống tàu điện ngầm phức tạp bậc nhất ở Nga. Chúng dùng tàu điện ngầm để kiếm ăn, mở rộng lãnh thổ của mình. Việc kiếm ăn thường sẽ là hoạt động ăn xin hay dọa những người qua đường khiến họ giật mình đánh rơi đồ ăn và nhanh chóng lấy nó. Đó là toàn bộ phần dàn bài cảm hứng cho RSD.

Giờ thì Spooky Squid Games sẽ thả chất thơ của mình vào trong đó. Biến những bức tranh hiện thực tàn khốc trở thành thứ dễ thương và vui nhộn nhất. Trong RSD, bạn vào vai một chú chó điện ngầm tháo vát trong một băng ổ nhóm kiếm ăn lạ đời nhất quả đất. Cùng đồng hành cùng bạn là 3 chú mòe con dễ thương trông chờ vào “công việc” kiếm sống của bạn và tên thượng cấp kỳ quái với bộ đồ chỉ huy quan chức “Mòe Vô Sản” (nguyên văn: The Proletaricat).

Người ta thường nói “Ở đâu có con người, ở đó có giang hồ”. Và câu nói này đúng với cả những chú chó sống ở tàu điện ngầm của chúng ta. Bạn phải tranh đấu với hàng loạt những đối thủ khó nhằn. Từ những con Doberman tham ăn cho đến những cặp gạc nai dữ dằn và nguy hiểm hơn cả là biểu tượng đẹp đẽ của nước Nga – những “anh” gấu đô con lực lưỡng. Một cuộc chay đua sinh tồn nghẹt thở. Hoặc là bước đi tiếp, hoặc là sáng hôm sau sẽ có 4 cái xác mòe và 1 cái xác chó đang thương.

Gameplay

RSD được chia làm 2 chế độ chơi: Campaign mode và Endless mode. Trong cả hai chế độ chơi, điểm giống nhau là thanh “Hungry Bar” nhanh chóng tụt lùi theo thời gian hoặc khi bạn gặp phải tổn thương. Việc cần làm của bạn là “săn lùng” thức ăn để đẩy lùi sự sụt giảm thanh Hungry bar trước khi nó cán mốc không và cuộc chơi đi về hồi kết. Để kiếm được thức ăn, bạn phải làm người đi đường sợ hãi bằng tiếng sủa của mình, đồ ăn của họ rớt ra và sau đó cần những cú “ngoạm” hay những cú “đớp” điển hình. Ngoài các loại thức ăn phong phú, người chơi cũng phải để ý đến đối thủ của mình. Vì đây là một cuộc sống tàn khốc nơi đường phố, tình trạng “mật ít ruồi nhiều” đẩy bạn vào tình cảnh có những đối thủ “tranh cướp” thành quả của bạn. Đặc biệt là đối với những màn cao hơn, những kẻ thù luôn muốn gây tổn thương cho bạn. Vậy là chỉ lương thiện kiếm ăn không bao giờ là đủ. Việc đúng đắn cần làm là lợi dụng những trai Vodka có nồng độ cồn cao đến mức phát nổ khi vỡ để tiêu diệt những đối thủ hung hãn của bạn.

Những chai Vodka trong RSD cũng là cách để bạn nâng cao điểm số và bổ sung năng lượng hợp lý. Khi đi xa hơn trong các cấp độ của RSD, bạn sẽ học được nhiều kỹ thuật để “kiếm ăn” hơn là việc đơn thuần dùng thao tác “sủa” cơ bản đầu game. Chính điều này tạo nên thành công rất lớn cho tựa game. RSD thực sự hấp dẫn vì cách thiết kế gameplay của nó nắm vững cốt tủy của một game arcade. Đó là dễ dàng để tiếp cận và chơi nhưng khó để có thể làm chủ, thành thạo. Bắt đầu bằng cơ chế đơn giản nhưng thêm vào chiều sâu kỹ năng phù hợp, sáng tạo làm cho trò chơi giữ vững và phát triển sức cuốn.

Tôi lấy ví dụ: Việc giết con gấu có thể cho bạn một lượng điểm lớn. Nhưng bạn cũng có thể để con gấu ăn một số thức ăn rồi giết chúng, nó cho ra nhiều dẻ sườn và thịt chứa số điểm còn lớn hơn. Lùi một bước để tiến ba bước. Mạo hiểm đầu tư để đứng giữa rủi ro và lợi nhuận tốt hơn. Đó là một trong số những cơ chế rất hay trong trò chơi này. Thử nghiệm và rèn luyện những kỹ thuật như vậy sẽ là chìa khóa giúp bạn vượt qua các thử thách trong RSD. Trò chơi này mang lại trải nghiệm arcade đa dạng và cuốn hút nhờ việc sở hữu cách thiết kế những cơ chế cơ học tốt. Cuối tuần vừa rồi tý quên đón thằng cháu ở lớp vì cố gắng phá đảo trò chơi này. Đứng trên góc độ trách nhiệm, đó là hành động không thể chấp nhận được nhưng …. Đứng trên góc độ một game arcade, well, đó là thành công căn bản và mấu chốt nhất cho một trò chơi ở thể loại này.

Lại nói về chế độ chiến dịch, nó bài bản giống với đa số những game arcade hiện nay. Phần chiến dịch của RSD chia thành nhiều cấp độ với độ khó tăng dần. Mỗi màn chơi đều đưa ra một số điểm nhất định mà bạn cần đạt tới. Nó xem như là lượng thức ăn cần để nuôi dưỡng cả nhóm của mình trên mỗi chuyến tàu ngầm sang các ga khác. RSD cũng thiết kế 3 semi option thử thách người chơi và đem lại số điểm thưởng lớn. Điều quan trọng mà tôi rút ra được khi hoàn thành phần Campaign của RSD là bạn phải hoàn thành ít nhất 2/3 nhiệm vụ để đủ điểm qua bàn mặc dù các option này là không bắt buộc nhưng những mảnh xương thì lại cần thiết để mở những màn chơi kế tiếp =)). Và chế độ chiến dịch này có tác dụng không khác gì một bản hướng dẫn mở rộng cho người chơi. Luôn trui rèn các kỹ thuật ghi điểm giúp người chơi trải nghiệm đầy đủ nhất. Độ khó trong Campaign mode không quá khó khăn ngay cả đối với người chơi có kỹ năng trung bình như tôi. Vậy nên bạn có thể yên tâm.

RSD không yêu cầu phá đảo phần chiến dịch để có thể chơi chế độ Endless. Và thực chất thì Endless mode mới là phần chơi chính của trò chơi này. Giống như các trò chơi thể loại arcade khác, Endless mode là chế độ kiếm điểm và sống sót. Thời gian trôi qua tỷ lệ thuận với số lượng và chất lượng của độ khó cũng như tiết tấu của trò chơi. Trong diễn biến của Endless mode, người chơi thi thoảng sẽ nhận được nhiệm vụ không bắt buộc đến từ những chú mòe con hay mòe Vô sản. Hoàn thành những nhiệm vụ này và bạn sẽ được tưởng thưởng những khoản điểm thưởng rất lớn. Và như thường lệ, đặc sản của những game arcade là vui nhộn và ganh đua. Nếu bạn tự nhận mình là một thợ săn đồ ăn thực thụ, còn chần chờ gì mà không thể hiện với đám bạn.

Đồ họa, âm thanh và sự hòa hợp trong chủ đề

Nói về âm thanh trước. Peter Chapman là cái tên quá quen thuộc với mọi người qua những bản soundtrack bắt tai của Guacamelee hay một số các sản phẩm khác mà anh ta bán trên Steam. Tuy nhiên không quan trọng việc bạn biết anh ta hay không hay anh ta nổi tiếng ra sao, bạn chỉ cần biết chất lượng phần phối soundtrack của Chapman cho RSD rất tốt. Âm nhạc rất “bắt tai” và như thể “đồng bộ hóa” nhịp điệu và tiết tấu và không khí vui nhộn của trò chơi arcade này. Có hai điều tệ hại của RSD trong phần âm thanh mà tôi muốn khiếu nại: Một là quá ít soundtrack. Điều này tôi thông cảm vì đây là một nhà phát triển game indie chứ không phải một ông lớn. Số tiền bỏ ra cho các soundtrack tốt là rất lớn. Nhưng điều thứ 2 thì RSD nên xem lại. Việc thiết kế âm thanh tương tác như la hét khi những người qua đường hốt hoảng vì cú sủa thần thánh của chú chó là tốt nhưng nếu có từ hai người trở lên bị hù dọa thì hiệu ứng âm thanh bị chồng chất rất khó nghe. Cách làm ở đây là tắt hoặc giảm tối đa âm thanh. Tuy nhiên điều này lại hạn chế khả năng nhận biết kẻ thù xuất hiện hay điểm thưởng lớn qua âm thanh của người chơi.


Nếu hứng thú với nhạc của Peter Chapman, bạn có thể tham khảo tại đây. Giá có vẻ hơi chát =(

Về đồ họa, RSD sở hữu phong cách pixel art khá đậm nét. Phong cách vẽ của RSD rất dễ thương và luôn đánh bật lên được chủ đề của nó. Trong những điểm dừng chân của tàu điện ngầm, những nét họa tiết và hậu cảnh được vẽ rất đẹp. Nét văn hóa trong chủ đề của đất nước Nga được thể hiện hợp lý, hòa quyện và không bị xung khắc. Nó được chăm chút từ trang phục, giọng nói, âm thanh cho đến yếu tố chính trị nhẹ nhàng. Một trải nghiệm rất tuyệt. Điểm xuất sắc hơn cả của RSD có lẽ là độ gắn kết và phù hợp giữa gameplay và chủ đề trò chơi lấy cảm hứng và khai thác – điều mà nói nghe có vẻ dễ nhưng thực hiện thì không dễ tý nào. Người ta chơi trò chơi vừa vui nhộn vừa dễ thương này và người ta tò mò nhiều thứ mà nó truyền tải. Đôi khi chỉ là sự thích thú nho nhỏ khi thấy một chú chó lanh lợi đội kèm chiếc mũ hồng quân ushanka trên đầu. Hoặc người ta có thể tủm tỉm cười về cách mà người ta đề cập nhẹ nhàng đến giai cấp vô sản và cách nó hoạt động trên đất nước hơn 140 triệu dân này. Hoặc nếu bạn là một người có tâm hồn ăn uống, bạn sẽ bắt đầu tìm hiểu Shawarma là món gì hay những món ẩm thực đường phố không thể bỏ qua của Nga.

Mlem Mlem Mlem…..Ôi nhìn thức ăn là lúc nào cũng mơ tưởng =))

Tạm Kết

Đó là cách mà một trò chơi indie nho nhỏ thành công. Sức sống là một trong những thước đo tốt nhất khi nói về một trò chơi. Đồ họa kém cỏi hay một ý tưởng cẩu thả, kém “duyên” có thể hủy hoại trò chơi dễ dàng. Nhưng bằng cách nào đó, sự sáng tạo thông minh, cái yếu tố độc nhất vô nhị có thể làm trò chơi trường tồn theo thời gian với lượng người chơi yêu mến nó. Tôi không quả đoán chắc chắn nhưng RSD cho tôi dự cảm rất lớn nó sẽ là trò chơi như thế.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện