Viết về mười mấy nồi bánh chưng với videogame

Chủ xị

  

Gửi các gamer thế hệ tiếp theo.
Gửi ai đó vô tình đọc qua những dòng này.

Giờ đang là summer sale. Mọi người thường quan tâm nhiều hơn đến việc tìm cho ra một con game đáng “đồng tiền bát gạo” nào đó để thỏa thú chơi game của mình hơn là nghe một thằng lạ mặt nào đó kể lể. Hôm nay tất nhiên sẽ không có bài review nào cả, chỉ là chút hoài niệm về game mà thôi. Có thể những dòng dưới đây không hoàn toàn đúng với tuổi thơ của các bạn. Nhưng tôi mong bạn tìm chút nào đó đồng cảm. Hôm nay tôi xin mạn phép kể về những đổi thay của anh bạn “video game” trong hơn 15 năm qua. Vì chống chỉ định chảy dãi hay ngủ gật khi đọc, tôi chỉ kể những thay đổi tôi cho là đáng nhớ nhất. Giờ thì xin mời các ông giời đến với chút TL,DR của mình.

Truyền thông về game

Quãng thời gian từ 10-15 năm về trước là sân nhà của báo chí khi nói về ngành truyền thông videogame. Tôi còn nhớ rõ khoảnh khắc lần đầu tiên được cầm vào một thứ như tạp chí Thế Giới Game. Tôi muốn miêu tả lúc đó như một món quà mà Đấng thần thánh nào đó đưa từ trên trời xuống cho tôi. Rất tiếc sự thật là mẹ thằng hàng xóm không thích nó tàng trữ mấy cuốn tạp chí “ma quỷ” trong nhà và vứt thẳng mớ tạp chí không thương tiếc từ tầng 3 xuống đất. Lẽ dĩ nhiên kẻ lĩnh trọn mớ tạp chí rơi vào đầu là tôi. Thật đen đủi…nhưng cũng thật may mắn. Vận mệnh là thứ gì đó kỳ diệu và thế giới này vận hành như thế. Khổ của cuốn tạp chí rộng hơn so với một quyển truyện tranh đang đọc, chất giấy dầy và bóng loáng hơn giấy truyện. Mỗi quyển sách là một thế giới. Điều đó cũng đúng khi nói về cuốn tạp chí game này. Một thế giới mà tôi chưa từng biết đến, một hành trình mà tôi cám ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội được bước đi trên nó.

Cái giá của mỗi cuộc hành trình kỳ diệu như thế vào lúc đó có giá 7.000 đồng (nhớ không lầm thì phải). Một thứ đắt đỏ, xa xỉ phẩm đặc biệt là đối với những đứa trẻ sống ở những vùng ngoại ô Hà Nội thời bấy giờ. Niềm yêu thích là thứ có thể lan truyền. Và hồi đó bọn nhóc trong xóm tôi luôn biết cách để trang trải cho cuộc sống tinh thần của mình. Từ việc ve chai, nhổ tóc sâu cho bà đến việc kiếm những điểm 10 “con ngoan trò giỏi” mà chúng tôi đã góp được tiền mua những quyển tạp chí như Thế giới game. Rồi cả bọn phân kẻ thời khóa biểu để phân chia lịch đọc với nhau.

Thời ngày nay khi kinh tế tốt hơn, ít ai phải huy động tài lực ở mức độ cấp “xóm” để có thể thỏa mãn niềm đam mê đọc kiến thức một cách nhỏ nhoi như vậy. Nhưng thực sự tôi vẫn thèm thuồng chút cảm giác ngày xưa đó. Tôi trân trọng từng quyển tạp chí mình khổ cực kiếm được và tôi thích cảm giác anh em lớn bé xúm lại một nơi để đọc thứ gì đó mình cùng yêu thích, mình cùng đam mê. Tôi thích cảm giác chia ngọt sẻ bùi với đám bạn hơn. Hiện đại rồi, tiện hơn, dễ hơn nhưng đôi lúc cô đơn hơn, lạnh lẽo hơn.

Làm cái gì một mình cũng buồn lắm. Không phải chỉ có mỗi gaming đâu (。>︿<。)

Quay trở lại với số phận của những tạp chí về game. Đáng buồn cho Thế giới game phải chịu cảnh “Kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, Việt Game sinh sau đẻ muộn nhưng phải ra đi vào những năm 2010. Thế giới game thì kiên cường hơn, nó vượt qua được thời khắc khó khăn nhất so với Việt Game nhưng rồi vào một sáng nào đó của tháng 2 năm 2013, người ta không còn xuất bản thêm bất cứ cuốn tạp chí Thế giới game nào nữa. Hồi đó tôi ngây thơ hơn nhiều nên không biết vì sao họ lại quyết định như vậy. Một nỗi đau đớn của tuổi trẻ là chứng kiến một thứ gắn bó với mình ra đi mà không biết rõ nguyên do. Một nỗi đau không tên và để nhiều năm sau đó khi hiểu rõ mọi chuyện hơn, chịu nhiều thương tổn hơn mới thấu rõ điều đó.

Tôi không biết rằng sự ra đi của những “bầu trời mộng mơ” lúc nhỏ của mình cũng là thứ đang làm say mê điên đảo lứa trẻ con như chúng tôi vào lúc đó: Mạng internet. Internet phát triển cho ra lò loại hình báo chí mới hơn, “đá đít” những “người gác cổng” bấy lâu nay như báo chí truyền thống về mọi lĩnh vực nó viết, và không loại trừ lĩnh vực game. Sự thiếu hụt trong việc mở mang ở những “bờ cõi” xa lạ như game online hay Moba cũng là thứ Thế giới game đánh mất khi xã hội cho “ra lò” thế hệ game thủ mới hơn với nhu cầu chơi những game mới hơn là thứ truyền thống mà các tạp chí game thời bấy giờ nhắm tới. Và cũng một phần do chất lượng những con game online thời bấy giờ ở Việt Nam có chất lượng bát nháo và ba lăng nhăng.

Khi người ta nói yêu là chết ở trong lòng o(〒﹏〒)o

Thời gian tiếp tục tuyển những “diễn viên” tiếp theo của nó. Hợp thời hơn. Ngày nay người ta không còn thấy bóng hình của những đứa trẻ con ngồi cầm những quyển tạp chí chứa đựng sắc màu kỳ diệu trong đó nữa. Thay vào đó mọi thứ được bày lên trên mạng, qua những màn hình điện tử. Giờ đây ta nói về truyền thông trong lĩnh vực game, nó không còn đơn thuần chỉ là những quyển tạp chí đầy chữ và hình trong đó. Ngành truyền thông hiện đại về game là nồi lẩu thập cẩm khổng lồ của các loại hình giải trí, phê bình, hài kịch, video, stream, cosplay, ….thậm chí ở nước ngoài học sinh người ta viết luận cả về game =)). Sự bùng nổ về các phương tiện truyền thông trong lĩnh vực game cũng đặt ra những thách thức to lớn. Người ta khó hơn và mất nhiều thời gian hơn để tìm content phù hợp trong nhu cầu về game. Bởi những Youtuber, Streamer, các website nhiều như cá diếc sang sông truyền thông cho một thứ game.

Tất nhiên không ai phủ nhận cái độ “sướng” khi được bón sẵn mọi thứ thông tin của nhà phát hành, nhà sản xuất, về game trực tiếp cho thẳng người chơi chứ không phải chịu cảnh “mù” thông tin như trước. Sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Và không may cho chúng ta đôi khi là sự đi xuống. Đơn cử chỉ lấy ví dụ về báo game trên mạng. Tùy vào thị hiếu từng người mà sinh ra dăm bảy loại web viết về game khác nhau. Người ta có thể chọn những thứ “cây nhà lá vườn” đậm chất cổ điển nhưng đầy thú vị, ấm cúng và hào sảng nằm ẩn mình trong một góc phố nhỏ thăm thẳm nào đó như Hiệp sĩ bão táp hoặc bạn có thể cưỡi ngựa xem hoa ở những nơi xô bồ như Gamek, Game8,..v.v… Ở thời đại này đã không còn chuẩn mực và đánh giá, chỉ đơn giản là lựa chọn. Với mong muốn luôn là thứ gì đó thú vị, thứ gì đó gần gũi với mọi người, mọi thứ cần được cố gắng.

Mặt ba lăng nhăng thế này bảo sao người ta ghét vào web (๑•́ ₃ •̀๑)

Game không còn là thứ gì đó bị “tù đày” của điện ảnh

Một điều tôi nhận thấy là sự ám ảnh muốn trở thành phim của video game trong 10 năm trước. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự cố gắng đem hành động và cảm xúc của loại hình nghệ thuật điện ảnh qua một số kỹ thuật tương tác trong game thời kỳ này, ví dụ: Dialogue, cut-scene, visual realism,… Thậm chí mọi thứ trở nên khởi sắc khi Video Game kiếm được số tiền nhiều bằng thậm chí hơn hẳn một tác phẩm điện ảnh Hollywood thì một số trò chơi vẫn không thể bỏ qua được nỗi ám ảnh về việc đó. Một số tài liệu tôi đọc được còn cho thấy người ta thuê cả biên kịch lẫn diễn viên lồng tiếng có máu mặt của Hollywood. Một số videogame thời kỳ 10 năm trước cho thấy việc sử dụng linear narrative trở thành 1 chuẩn mực. Nhưng điều đó làm tôi thấy thật ngớ ngẩn. Người ta đang cố dắt tay tôi đi xem một bộ phim chứ chẳng để cho một thằng player mất công mất sức làm cái quần què gì có ý nghĩa cả. Mọi thứ chán ngắt kiểu như “ĐÃ LÊN KỊCH BẢN HẾT RỒI CHA NỘI!”.

Mình không phải là fan của game cutscene cho lắm ╮(╯_╰)╭

Thời đại của Videogame giờ đây đã tự do hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Người ta không còn kiểu như phải tự thấy có lỗi với ai đó khi mình là trò chơi chứ không phải thứ biến tấu “TRẢI NGHIỆM ĐIỆN ẢNH TRỰC TUYẾN” nữa. Những trò chơi AAA giờ được viết tốt không còn tham vọng để cố gắng trở thành một bộ phim. Thay vào đó, các trò chơi, những nhà sản xuất và phát triển video game đào sâu hơn vào những kỹ thuật riêng và cho ra những trải nghiệm thú vị, kích thích cảm xúc và trải nghiệm của người chơi theo những cách riêng, độc đáo và sáng tạo.

Điều mà tôi nói bây giờ thực tế là cả một quãng thời gian dài tranh đấu và nhận thấy một Videogame không cần phải trở thành hay đội lốt loại hình nghệ thuật như phim ảnh để có thể thành công về mặt trải nghiệm và thương mại. Tôi có thể lấy ví dụ đơn giản như: Dòng Soul-like, và hầu hết những dòng game indie hiện nay. Mặc dù thế những phong cách này cũng không hề tàn phai, những cái tên như Uncharted hay seri CoD vẫn là tiêu biểu của phong cách làm game này, thậm chí tạo tương tác hay không tương tác cũng không biến tâm lý và cảm xúc “chơi” của người chơi khá thêm được là mấy….tất nhiên style làm game này không còn là kẻ khổng lồ thống trị tư tưởng làm game như 10 năm trước nữa.

Không chơi kiểu điện ảnh nhưng với những ai đam mê Dark Soul seri như Mòe 4` Hải Stark thì ỷ ôi từ giờ đến khi lấy vợ chắc cũng chưa xong cốt truyện (; ̄︶ ̄)

Để nghĩ sâu xa về sự phát triển như ngày nay, hầu hết là hệ quả của việc giải phóng cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ, máy móc. Thay vì tuyệt vọng với tới những tiêu chuẩn graphic kiểu chủ nghĩa “không tưởng”, người ta quay sang thử nghiệm nhiều hơn những góc cạnh khác. Chốt một câu xanh dờn tâm đắc: “Video Game ngày nay là kết quả nổi dậy của một cuộc khủng hoảng về tư tưởng và danh tính”.

Video game giờ đây kể được những câu chuyện hay

Một trong những khởi sắc ban đầu gây ấn tượng với tôi là The Shadow of the collossus. Nó sở hữu khả năng kể chuyện trong game trội hơn hẳn và tỏ ra có tham vọng hơn so với những trò chơi trong cùng quãng thời gian đó. Sau The Shadow of collossus, một loạt những trò chơi có chất lượng kể chuyện tốt ra đời. Vào lúc này tôi có thể kể sơ sơ thêm một vài trò chơi sở hữu câu chuyện ấn tượng: Journey; Paper,please; To the moon; Undertale; Life is strange; Các seri Silent hill, Final Fantasy…v.v…


Từng làm tổn thương trái tim và lấy một lượng nước mắt của tôi đáng kể. Một trong những game mà tôi ghét nhất. Thề là không dám chơi lần 2 ༶ඬ༝ඬ༶

Hơn 10 năm trước là quãng thời gian khó khăn cho videogame. Có rất nhiều hạn chế, những khu vực cấm đặt ra đối với videosgame, ví dụ như nền văn hóa, nhận thức hoặc công nghệ đồ họa hoặc nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ chính các nhà phát hành. Tôi sẽ kể thứ có ấn tượng với tôi nhất: TRÒ CHƠI KHÔNG THỂ ĐƯA VÀO CẢM XÚC. Nó chỉ gói gọn tất cả hành động như một kiện hàng xinh đẹp. Lôi vũ khí ra và táng vào một đứa bỏ mẹ nào đó. Tôi đồ rằng chắc hẳn có những trò chơi manh nha việc kể những câu chuyện tuyệt vời nhưng nó chết ngay từ trong trứng nước hoặc bị loại đâu đó ở vòng gửi xe của hơn 10 năm về trước. Đó cũng là lý do vì sao những lứa tuổi tầm bé như bọn tôi mà chơi game đều bị phụ huynh quy kết là chơi thứ vô bổ, phù phiếm, hồ nháo. Thậm chí trong thâm tâm của những gamer hồi đó, bản thân chúng tôi không có kỳ vọng quá cao về sự tính tế trong lĩnh vực này.

Thời ngày nay làm game mà cũng phải vắt óc lắm đấy (`・ω・´)9

Giờ thì mọi thứ thay đổi, mọi người kỳ vọng cao hơn về việc tạo ra những câu chuyện tốt cho một videogame. Cao đến mức khẳng định rõ game là một loại hình nghệ thuật. Và lẽ dĩ nhiên những nghệ sĩ tạo ra nó đang phải vật lộn trong một cuộc chiến mới mà 10 năm trước không có. Ngày nay bạn không thể sống sót trên thị trường bán game với tài viết văn hạng B, với các nhân vật rập khuôn nhàm chán mà đến ngay cả những người không chuyên cũng có thể tưởng tượng ra được. Tất nhiên cuộc đua này đưa chất lượng videogame lên cao nhiều lần so với thời kỳ trước.

Sự hồi sinh và nổi dậy của dòng indie và sự suy yếu của những Publisher AAA (Ông nào nghiền indie mời qua làm bài đọc chơi: Lược sử Indie Game).

Khoảng những năm 2009, 2010 đáng lẽ ra là những khoảng lặng cho videogame. Nguyên nhân là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính ở những quốc gia sản xuất game chủ yếu (tất nhiên chưa đề cập đến chuyện khủng hoảng này đã lan ra ở cấp độ toàn cầu). Những gamer hồi đó đoán việc gaming sẽ rơi rớt theo khủng hoảng kinh tế đến mức người ta chỉ còn chơi bời những trò như Angry bird hay Farmville hoặc CoD là thơm =)). Cái khó ló ra cái khôn. 2010 là cái mốc trở lại của những thế hệ làm game độc lập trong phòng ngủ, trong gara hay xó xỉnh nào đấy trong nhà hơn là những công ty cao chọc trời. Indiegame là thứ ngủ đông từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước và giờ thì nó trỗi dậy một lần nữa.

Thời ngày nay indie nó là trend rồi =))


Các Publisher AAA “máu mặt” những năm 2010 đang suy yếu với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhìn lại quãng thời gian về trước, cái kỷ nguyên thân thương mà tôi hay gọi là Kỷ PS 2, nếu một trò chơi nào đó không được các ông lớn Publisher ủng hộ thì nó tương đương với việc hàng handmade của bạn ế chỏng chơ hoặc vĩnh viễn đắp mộ ở khâu kế hoạch, ý tưởng (đặc biệt là trên console. Lạy chúa nó tệ hại gần như việc da trắng kỳ thị mấy ông da đen vậy!). Cho đến hiện tại, Kỷ PS 4 (mà tôi không có tiền mua :<) là hiện tượng mọc như nấm sau mưa của các videogame trên các loại cửa hàng bán game. Thậm chí nhiều trò chơi còn không cần nguồn đầu tư nào từ các Publisher nổi tiếng hồi trước. Kickstarter là cái tên giải thích cho việc này. Anh chàng Kickstarter hiện nay là hotboy quốc dân trao quyền cho những gamer quyết định đầu tư hay không vào một dự án game nào đó và biến nó trở thành hiện thực (tất nhiên điều này đi kèm nhiều rủi ro hay khuyết điểm nhưng chúng ta sẽ bàn đến sau).

Sự xuất hiện của Indiegame là một trong những thứ thú vị nhất mà videogame từng có. Tôi thường đùa nó giống như ánh sáng của Người sau bao nhiêu năm chìm trong bóng tối của nô lệ. Các Publisher AAA giờ đây đã suy yếu và để lại khoảng 50% thị phần thị trường cho thứ gọi là Indie game như tôi đã nói với các bạn.

Về bản thân gamer

Tôi nhớ hồi tôi học cấp 2, một thằng nerd công tử nhà giàu trong lớp hùng hồn đưa ra kết luận khoa học rằng chị em phụ nữ chiếm ½ lượng dân chơi (à ừ đừng hiểu nhầm, đó là việt hóa cho từ “gamer” nhé!). Hồi đó bọn con trai chúng tôi đã tranh cãi nảy lửa. Thậm chí chính các chị em cũng đều kịch liệt phản đối thứ thông tin vớ vẩn của thằng nerd. Ờ thì hiện nay tôi cũng không có ý muốn khẳng định gì cái chuyện quá khứ cả. Chỉ là tất cả chúng tôi hiện nay đều đã nhầm rồi. Và rằng thì là mà gamer hiện nay xâm chiếm mọi giới tính (từ nam nữ, LGBT rồi mai mốt có cả song giới dị tính gì đó nữa chăng?), rồi cho đến tuổi tác, nghề nghiệp .v.v.v…

Để tôi kể cho gamer thế hệ này cũng như ôn lại chuyện của thế hệ trước như tôi, ngày xưa chơi game là vấp phải sự kỳ thị lớn lao. Hồi bé khi chơi trò bắn vịt trên SNES, tôi đã nhận ra rằng cô bé hàng xóm là một trong những tay thiện xạ nhất. Hồi đó cuộc sống còn nghèo, cả xóm mới có mình nhà thằng bạn tôi sở hữu dàn SNES. Vậy là cả lũ chia lượt để chơi, ai chết thì người đó mất turn chơi. Và mỗi lần con bé tham gia vào cuộc thi là chúng tôi lại dài cổ và chố mắt xem nó chơi chứ không có làm ăn được gì =)). Sau đó chuyện chơi game của con bé nhanh chóng bị chính gia đình nó dập tắt không thương tiếc. Thời đó gái là phải nhảy dây, chơi búp bê, nhặt rau giúp ba mẹ, … nữ công gia chánh các thứ chứ không phải tomboyloichoi như bây giờ hoặc được tự do lớn lên cùng những chiếc cầm tay videogame được. Thật là một thiệt thòi.

Game đã trở thành một thứ nghệ thuật thực sự, nó giúp người chơi san bằng khoảng cách về mọi thứ. Như bạn biết chủ quán bia này là một tay bợm nhậu già đầu 2 con nhưng mà vẫn mơ mộng đi giải cứu thế giới. Thậm chí papa của lão Đăng còn nghiệp ngập game nặng hơn khi ở cái tuổi đáng lẽ ngày xưa cắt cỏ, trồng cây và tập dưỡng sinh. Giờ thì con gái thậm chí còn “core” trong việc chơi game hơn cả con trai. Xưa thì gia đình cấm cản chứ giờ gia đình nào tiến bộ như nhà thằng bạn tôi còn chú bác, bố mẹ con cùng cày game online =)).

Game giờ là một nguồn văn hóa chính thống

Khi tôi đã nói về game như một loại hình nghệ thuật mới, nó đã trở thành một nguồn văn hóa chính thống. Cỡ độ hơn 10 năm trước, số giây phút content liên quan đến game được lên sóng truyền hình là quá ít ỏi. Cứ mỗi lần bắt đầu một cuộc nói chuyện gì đó về game, tôi hầu như phải lặp lại quá trình lý giải việc “Videogame hay game là cái gì”. Tôi nhớ lại lần chơi trội vào năm lớp 9, khi cô giáo ra đề Ngữ Văn là mô tả về một môn thể thao mà em yêu thích. Và cái đầu gamer của tôi nhanh chóng nổi hứng mô tả trong bài về thứ được gọi là Thể thao điện tử (e-sport) và những gì sơ lược nhất về game e-sport đang nổi nhất hồi bấy giờ: Dota. Bài làm tâm huyết đến tận khi hết giờ, viết 3 tờ giấy nhưng đổi lại hôm trả bài là cô không hiểu tôi đang viết về cái gì và làm ơn về sau trò đừng mang những thứ trò chơi làm xao nhãng thành tích học tập để mang lên bài kiểm tra nếu tôi không muốn bị mời phụ huynh. Quan điểm về chơi game cũng là một thứ rất gắt vào khoảng thời gian trước. Bây giờ thì có đỡ hơn đôi chút. Hồi bé, có những phụ huynh xếp ngang hàng game như Mai Thúy hay các chất hướng thần gây nghiện khác. Tất nhiên phải khẳng định quãng thời gian trước game thực sự gây nghiện nặng nề. Nhưng lỗi chính phải đổ tại sự thiếu hiểu biết và sự định hướng giáo dục của bản thân cho con em còn kém. Định kiến vẫn còn là thứ hòn đá cứng đầu đáng ghét vẫn ngày ngày chặn họng nhiều thế hệ gamer.

Tiếp đến thứ ấn tượng sâu sắc thứ 2 trong tuổi thơ gamer của tôi là về thứ khái niệm “LÀM VIỆC” đối với một trò chơi. Khi tôi đọc một số trong quyển tạp chí Việt Game, tôi chưa mường tượng nhưng có thể hình dung họ đã phải làm việc rất nhiều để tạo ra một trò chơi. Không thể có chuyện phù phép úm ba la và ta có một thứ thế giới ước mơ đến vậy trong mỗi trò chơi được. Thậm chí lớn lên chút tôi đã từng mơ mộng bỏ một ngày học để chạy đến tòa soạn của Thế Giới Game hay Việt Game để học tập và thử việc tại đó. Một lần tôi có chia sẻ ý tưởng như thế trong bữa cơm với ông bà bô. Một thảm họa cấp Chernobyl lúc bấy giờ bởi tôi không chín chắn và không đủ định lực trước định kiến của mọi người. Tất nhiên mọi thứ thật tệ bởi mọi người cảm thấy thứ “làm việc” đối với game hoặc nó trở thành 1 nghề nghiệp trông thật lố bịch. Bố tôi còn cấm tôi lai vãng qua nhà thằng bạn để xem nó chơi game hoặc chơi cùng đến gần nửa năm.

Tất nhiên mọi việc cũng có thể dần khởi sắc khi mà videogame dần có được vị thế của nó như một nguồn văn hóa chính thống. Dần dần nó xuất hiện trên mặt báo rồi truyền hình, ngay cả ở một nước vẫn còn đâu đó lượng cổ phần “kỳ thị” game cao như ở Việt Nam. Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn những tư tưởng kiểu videogame tương tự Mai Thúy hay Đá để đầu độc và hủy hoại tâm trí trẻ em. Với những ai có dính dáng tới ngành luật, tôi bonus bạn cái tên Jack Thompson cố gắng trong cuộc chiến pháp lý cấm hoàn toàn game trên nước Mỹ. Một điều thú vị.

Gaming trên mobile

Đã nhiều năm trời tôi chưa động một trò nào trên mobile rồi. Nhưng ta phải ghi nhận sự thật rằng hiện nay đang là thời đại bùng nổ của mobile gaming. Các trò chơi trên di động là thứ phổ biến để kiếm tiền nhất trên điện thoại….nhưng là ở số lượng vô lý khó tin. Với một lượng tiền kiếm được khủng khiếp nhờ kinh doanh thương mại game qua điện thoại nhưng số lượng game có chất lượng đáng chơi trên điện thoại là một hàm nghịch đáng buồn. Lúc trước khi tôi bỏ game trên điện thoại, tôi đã có một quãng thời gian ngụp lặn trong đống “rác” về game có trên điện thoại. Những từ ngữ như “giao dịch trong game” hay “free to play” là những từ ngữ đáng kinh tởm hơn cả những câu chửi tục nhưng thật là khốn kiếp vì nó là một mô hình kinh doanh hiệu quả trong rất nhiều năm qua, đặc biệt là 5 năm đổ lại đây.

Bắt đầu là từ những năm 2005 hoặc lâu hơn một chút đối với nước ta, cái gọi là MMO thực sự là hốt bạc. Thậm chí nó còn bùng cháy hơn qua thời gian với những cái tên xuất phát ngoại lai rồi trở thành core như Google rồi Facebook gaming. Tôi nghĩ rằng theo thời gian, gaming trên mobile sẽ không còn hót hòn họt nhưng nó cũng không tàn lụi như một thứ mốt lỗi thời. Khác với tuổi thơ chỉ gắn liền với những con dế yêu kiểu dáng cục gạch cute, ngày nay android, ios, tablet và những thứ khỉ gió vân vân đã định hình lại thói quen chơi game của hàng triệu người.

Ngành game Nhật Bổn

Hồi những năm 2005, gia đình hàng xóm mới chuyển đến có một cậu bạn khá thú vị. Thay vì chạy theo xu hướng của những game online đầu tiên như VLTK, MU hay gunbound,… cậu ta có một thú chơi game riêng. Nhờ 1 năm ở gần ngắn ngủi giúp tôi tiếp cận một khía cạnh khác của gaming thời kỳ đó: Những game console Nhật Bản hạng 2. Nhờ người bác có máu mê game sống ở Nhật và hay về Việt Nam mà tôi được hưởng ké những con game trông khá kỳ lạ và thú vị. Cái khoảnh khắc 2 thằng lỏi con tăng động vừa nhảy trên giường vừa cầm tay cầm và nhại theo giai điệu trong Gitaroo man quả thật đáng nhớ. Một số ý tưởng content game lúc đó còn kỳ quái và thú vị hơn.

Nhiều năm sau tôi mới biết cái trò “của nợ” này của THQ với Koei =))

Giờ thì ở Nhật ngành làm game phân cực rõ ràng. Không còn chỗ cho những thứ game kỳ quái, nhảm nhí và giá rẻ hạng B nhưng cực kỳ đáng nhớ như ngày trước. Thay vào đó phần lớn các tài năng làm game của Nhật hiện nay một là tập trung vào những game mobile hoặc là tụ vào hết những trò AAA kiểu series FF hay Monster Hunter World…

Một di sản quý giá mà gaming ở Nhật Bản để lại nhiều ấn tượng sâu sắc là những chiếc máy điện tử “thùng” hay điện tử “xèng”. Đua xe, bắn súng, chạy khủng long, đấm bốc,..v.v..v.. những thứ mà ngày nay ta xếp nó vào chung 1 cụm từ “casual” là cả một bầu trời mơ ước của những đứa trẻ như tôi ngày xưa. Người ta còn gọi đó là văn hóa “arcade game”. Tôi thì chẳng phải dân chuyên và cũng chẳng giỏi tiếng anh hay lịch sử cho lắm. Vì vậy tôi sẽ miêu tả bằng kí ức và cảm nhận của mình. Với tôi, “arcade” là những chiếc thùng to tướng kết đầy đèn xanh đỏ tím vàng và những khe nuốt “xu”. Là vui nhộn, thoải mái so tài, thi thố và chơi game với nụ cười trên môi, là chứng kiến những tay hardcore đề tên trên “bảng vàng” trước con mắt ngưỡng mộ của nhiều người. Là kiếm được những món quà lưu niệm trước khi ra về. Tiếc là những thứ như điện tử thùng hay điện tử xèng nhanh chóng tàn lụi bởi sự hấp dẫn nhanh chóng những cái máy PS, của những con PC chơi được những thứ game “xịn xò” mà bạn chẳng cần bước ra khỏi nhà. May mắn hơn VIệt Nam, ở Nhật vẫn còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc như vậy.

Xưa đua ngu toàn cúng xèng cho cái thùng =(

Về việc phân phối game

Ngày xưa non thơ trẻ dại tưởng Thúy Vy là doanh nghiệp độc quyền phân phối game nước ngoài ở Việt Nam ( ⊙‿⊙)

Steam là “ông thần” đối với gamer hiện nay. Nhưng hơn 15 năm trước, chúng tôi không làm thế. Thời buổi hỗn mang lúc internet chưa thực sự phổ biến và tốc độ băng thông thực sự là “nhanh đến khó tin” thì lựa chọn lúc đó là những quán bán đĩa game lậu. Cái tên “Thúy Vy computer” hay khu vực Chợ “Giời” hay dọc Lê Thanh Nghị, Tạ Quang Bửu lúc đó là thứ “phố đi bộ” hay “vinmart” của gamer vào lúc đó. Tích cóp cho mình vài chục ngàn vào lúc đó để đổi lấy những đĩa CD hay DVD. Hồi đó vì cuộc sống mưu sinh nên việc pha tạp giữa hàng bán đĩa phim, ca nhạc có bán đĩa game là một điều rất bình thường. Sau dần dần mọi thứ thoái trào để nhường lối cho khái niệm “Phân phối kỹ thuật số” (digital distribution). Nếu tôi nhớ không nhầm thì Steam có từ năm 2003, và dần dần trong một thời gian ngắn nó thống trị thị trường game PC. Việc bán lẻ băng đĩa game trở nên yếu đuối và đáng thương trước người khổng lồ. Steam của Valve dần dần trở thành thứ “cửa ngõ” cho hầu như toàn bộ thế giới về thị trường trò chơi. Steam cũng như Valve còn thay đổi hoạt động gaming đáng kể. Những thứ như Early Access hay Greenlight tạo điều kiện cho ngành công nghiệp game phát triển nhanh chóng.

Khoảng cách “nối vòng tay lớn” giữa gamer, nhà sản xuất và nhà phát hành trở nên dễ dàng hơn

Giờ mới nhộn nhịp thế chứ ngày xưa nhìn trên đãi lậu cứ tưởng thằng Konami làm ra game Contra =))

Chính phương tiện truyền thông về game như đã nói ở trên và internet là tác nhân đưa gamer “cọ xát” trực tiếp với những người tạo ra trò chơi. Ta có các cộng đồng game, group mọc lên như nấm sau mua. Rồi phải kể đến một thứ quan trọng: Kickstarter. Kickstarter đã biến chính gamer chúng ta thành những nhà đầu tư. Ngày trước, khi một ai đó muốn bán ra trò chơi của mình, người ta tìm đến những nhà phát hành, tìm đến những nhà xuất bản. Giờ thì nhờ những thứ như Steam mà người ta bê sản phẩm “nóng hổi” lên thẳng một cửa hàng kỹ thuật số, gói ghém nó với những giấy bọc hoặc ruy băng như soundtrack như poster, artbook..v.v.. và tạo ra cả cuốn catalogue cho nó rồi bán trực tiếp vào tay người chơi. Làm tất ăn cả, tự làm ra quy trình do cá nhân từ đầu đến cuối. Cuộc chơi ngày nay khuyến khích người ta ra trò chơi lên chiến lược, đầu tư đầu óc cả về marketing, sale,.v.v.. mọi thứ chứ không còn là hình tượng những gã suốt suốt ngày chỉ biết làm game không thôi. Điều này tạo ra cuộc chạy đua về khối lượng, chất lượng sáng tạo game như hiện nay. Cuộc chơi ngày nay còn thay đổi nhiều hơn với những dạng game mới trên VR. Có vẻ nhiều năm tới game sẽ là đề tài còn thú vị và hóng hơn nữa.

Chút hoài niệm về game
Hà Nội 02 – 7 – 2019

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly