Bài viết này nói nhiều về Yu-Gi-Oh! TCG và OCG nhưng cuối cùng vẫn không biết chơi gì

Chủ xị

  

Bài viết này chỉ nhằm mục đích bàn luận tạp nham và không có giá trị thảo luận cao.

Vua Trò Chơi là một loạt truyện từng nổi đình nổi đám tại Việt Nam đâu chừng hơn chục năm về trước. Trò chơi thẻ bài Yu-Gi-Oh! (YGO) cũng từ đó mà ra, và kể từ khi loạt truyện được phát hành cho đến giờ thì đã có hơn hàng tỉ lá bài được bán ra trên toàn thế giới. Một con gà đẻ trứng vàng đích thực cho Konami, công ty sản xuất pachinko giàu nhất Nhật Bản hiện nay (thông tin chưa được kiểm chứng). Tính tới đầu năm 2021, người ta ước tính rằng doanh thu tổng cộng của trò chơi nằm đâu khoảng 1 nghìn tỉ yên, tức là 9,64 tỉ đô-la Mỹ. Nói cho dễ hình dung thì số tiền đó giúp bạn đóng tiền nhà trên Sài Gòn/Hà Nội được hai tháng, nếu may mắn thì ba tháng (Vâng, tôi đang nói đùa là giá thuê nhà rất đắt nhưng tạm gác chuyện đó lại một bên). Nhìn chung thì YGO là một cái tên rất rất nổi tiếng trên toàn thế giới.

Và Konami vẫn chưa đá động gì đến việc phát hành YGO tại Việt Nam, cho dù bây giờ cộng đồng YGO trên thế giới đang tưng bừng ăn mừng kỉ niệm 25 năm của trò chơi. Kể ra cũng buồn.

Tôi đã sống qua thời mà con nít có thể ra bất cứ tiệm đồ chơi nào đối diện trường tiểu học và chi 5000 đồng mua một hộp bài YGO giả gồm chính xác 25 lá (nếu tôi nhớ không nhầm thì luôn luôn có 1 lá bị đặt đối diện 24 lá còn lại). Và trong thời của tôi thì, thật ngạc nhiên, có rất ít điểm khác nhau giữa bài giả và bài thật. Tức là cả phần hướng dẫn hiệu ứng cũng không khác gì so với bài thật, và nếu muốn, tôi có thể ngồi chơi với mớ bài đó một cách dễ dàng. Nhưng chỉ vài năm sau đó, giá của bài YGO giả tăng lên 6000 đồng một hộp, và tôi và lũ bạn (gọi là “lũ”, nhưng đa số bọn con nít thời đó thích chơi Pokemon hơn, và tôi chỉ có 1 đứa bạn chơi YGO) cũng dần dà bớt mặn mà với trò chơi. Bây giờ, bài YGO giả bán ngoài tiệm càng ngày càng xấu đi, và phần dịch thuật cũng càng ngày càng vô nghĩa. Bài giả YGO hiện giờ không còn một tí giá trị nào, ngoại trừ đi lừa gà mờ.

Nhắc lại thì chắc cũng đã hơn đúng 10 năm, và Konami vẫn chưa đoái hoài gì đến Việt Nam.

À, tiện thể, phòng khi bạn đọc chưa rõ, Yu-Gi-Oh! – vì một lý do trời đánh nào đấy – được chia thành 2 “format” chính là Trading Card Game (TCG) và Official Card Game (OCG). TCG là format chơi bên phương Tây (bao gồm Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc), gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, v.v., và OCG là format chơi tại Châu Á, dành cho các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Phillippines, v.v. và gần đây nhất là Indonesia (vừa được thông báo phát hành chính thức hồi tháng 3 năm 2023). Xin nhắc lại, Konami vẫn chưa đoái hoài gì đến Việt Nam.

Nếu tính ra thì TCG hẳn là format được nhiều người chơi hơn vì nhiều lý do. Một là cộng đồng YGO TCG bên đó rất lớn mạnh và bền vững, dù bị Konami ngược đãi thế nào thì họ vẫn cứ chơi, và các giải đấu bên đó cũng được theo dõi tương đối nồng nhiệt. Hai là vì lý do hoài cổ – phim hoạt hình YGO được chiếu rộng rãi bên các nước phương Tây và họ có thể xem dễ dàng, và lượng người xem hứng thú với YGO TCG không phải là ít. Và ba – có thể là lý do lớn nhất – là TCG có tiếng Anh, và tiếng Anh thì ở đâu cũng có người dùng, nên thành ra ai cũng có thể chơi YGO TCG. Trái lại, OCG chỉ có 3 ngôn ngữ, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Hàn. Ba ngôn ngữ này đều tương đối hạn chế người dùng (dĩ nhiên là trừ người bản xứ), và cả bài OCG được phát hành ở các nước Châu Á khác ngoài ba nước này đều chỉ có tiếng Nhật. Tại sao không dịch sang các thứ tiếng khác, hay dễ hơn, mang bài tiếng Anh bên TCG về cho các nước khác chơi? Tôi không biết. Và tôi nghĩ mấy ông già ngồi ghế chủ tịch bên Konami Hong Kong (quản lý OCG ở Châu Á) cũng không biết. Nhưng có lẽ lý do lớn nhất là vấn đề dịch thuật quá phức tạp. Có gần 13000 lá bài YGO khác nhau, và cứ sau vài tháng là lại có thêm bản mở rộng. Nội cố gắng dịch từ Nhật sang Anh cũng đã mất vài tháng, và Konami thấy không đáng để bỏ công sức (quan trọng hơn là tiền) dịch bài từ tiếng Nhật sang các ngôn ngữ khác. Thay vào đó, chỉ cần cho tất cả các nước Châu Á chơi YGO tiếng Nhật rồi mang điện thoại đi dịch bài là xong. Dĩ nhiên, cái cách chơi YGO chắp vá này chẳng được lòng ai, trừ những người hâm mộ thực sự đam mê với trò chơi.

Có vẻ không sai khi nói Châu Á là vùng bị Konami đối xử tệ nhất khi nói về Yu-Gi-Oh!.

Xin nhắc lại, Konami vẫn chưa đoái hoài gì đến Việt Nam. Ít nhất thì trừ sự kiện Battle City Viet Nam, được đại diện Konami Hong Kong giám sát.

Và, có lẽ hơi trễ khi nói tới vấn đề này, nhưng bài YGO tiếng Anh tại Việt Nam hiện giờ phải gánh thêm một đống phí nhập khẩu. Một hộp bài hoàn chỉnh (Structure Deck, loại sản phẩm YGO mở ra là chơi được ngay) có giá là 9,99 USD bên Mỹ, và khoảng 7,99 bảng Anh. Tức khoảng hơn 250 nghìn. Giá này không hẳn là chua, nhưng cũng không được ngọt. Tại Việt Nam, nếu muốn chơi bài YGO tiếng Anh, chúng ta sẽ phải gồng gánh lượng phí vận chuyển bằng với 40% giá trị sản phẩm – một Structure Deck có giá 350 nghìn khi bán ở Việt Nam. Và cho dù bạn là một bà bầu 6 tháng đi nữa thì cái giá này vẫn quá chua so với khẩu vị của bạn.

Hãy đặt một tình huống giả định. Bạn là người Việt. Bạn sống ở Việt Nam. Bạn thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh. Bạn hoàn toàn có thể đọc hiểu tiếng Anh, không có vấn đề gì. Bạn thích chơi Yu-Gi-Oh!. Và hiện tại, bạn có hai lựa chọn: MỘT là mua bài YGO tiếng Nhật về chơi, và thủ sẵn bản dịch tiếng Anh/Việt cho mỗi lá bài, và HAI là mua bài Yu-Gi-Oh! tiếng Anh về chơi.

Cách thứ hai chắc chắn tiện hơn, nhưng Konami muốn bạn chơi theo cách thứ nhất.

Nếu bạn có tài chính dư dả thì rất tốt cho bạn thôi, không có vấn đề gì ở đây. Nhưng không phải ai cũng được như thế. Và đó cũng là lý do chúng ta có một thị trường bài in lớn mạnh. Nhờ sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, Shopee, Lazada, thậm chí là cả Tiki, các cửa hàng bán bài YGO in cũng theo đó tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Người chơi YGO không cần phải chi thật nhiều tiền để mua bài YGO nữa, vì giờ đây họ đã có thể sở hữu những bộ bài mình thích với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, chơi bài in cũng có những hạn chế của nó, chẳng hạn như việc nó góp phần cho làm cho Konami ít có khả năng sang thị trường Việt Nam hơn, nhưng có lẽ chủ đề này chúng ta nên bàn sau. Hiện giờ thì, bài in là một cách hoàn toàn ổn cho các bài thủ tràn trề đam mê nhưng eo hẹp tài chính.

Với lại, OCG và TCG cũng có nhiều điểm khác nhau thú vị. Đầu tiên phải kể đến là OCG được ưu ái hơn hẳn. So với TCG, Konami in rất nhiều các sản phẩm OCG có giá trị sưu tầm cao. Gần đây nhất là Rarity Collection Quarter Century Edition, tổng hợp lại những lá bài được sử dụng nhiều nhất trong thời gian vừa qua, và có rất nhiều những lá không chỉ hữu dụng trong nhiều bộ bài khác nhau, mà còn có độ hiếm vô cùng bắt mắt. Người chơi TCG thì phải truy tìm đỏ mắt mới ra những độ hiếm đó, còn người chơi OCG thì có thể mua hẳn 1 set Rarity Collection đó là xong. Điều này cũng gây ra bất cập cho người chơi TCG ở Châu Á: khi chơi TCG ở đây, người chơi cũng đang tự đặt mình vào sự hạn chế của thị trường TCG, những hạn chế mà thị trường OCG có rất ít. Có lẽ là do luật lệ về các sản phẩm này ở TCG lỏng lẻo hơn nên Konami cũng muốn vắt sữa YGO ở các thị trường này hơn. Hoặc, ở OCG có nhiều trò chơi thẻ bài cạnh tranh hơn, và Konami buộc phải in nhiều sản phẩm có độ hiếm cao – như Rarity Collection Quarter Century Edition, tổng hợp những lá bài vừa hiếm, vừa hữu dụng, vừa đẹp mắt – nhằm giữ chân người chơi. Hoặc cả hai. Dù gì thì Konami vẫn chưa đoái hoài gì đến thị trường Việt Nam. Vâng, độc giả có thể cũng đã nhận ra tôi hơi cay cú vụ này.

Tuy nhiên, bài viết của tôi cũng không muốn khuyên nhủ bạn nên chơi format TCG, OCG, hay bài in. Tôi chỉ là một người chơi Yu-Gi-Oh! (đúng hơn là “người ngắm” vì tôi chả có ai chơi chung, hê) bình thường, và ý kiến của tôi cũng chỉ là ý kiến của tôi mà thôi. Dù bạn đồng tình hay không đồng tình, điều đó hoàn toàn ổn, tôi không muốn bắt bạn phải theo một con đường nào. Bạn thậm chí có thể chơi một bộ bài OCG và TCG lẫn lộn nếu muốn. Miễn là bạn vui, thì không có cách chơi Yu-Gi-Oh! nào là thực sự sai cả. Bản thân Konami thậm chí còn không biết mình đang làm gì với Yu-Gi-Oh! (ngoài tung ra sản phẩm định kì) nữa là.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện