Đã lâu rồi không có một tựa game tuyến tính nào có thể kể một câu chuyện toàn diện để tôi có thể ngấm một cách sâu sắc. Và trong cơn sốt Metro Exodus sắp ra mắt tới đây thì tôi đã lựa chọn chơi một tựa game mà từ lâu nay tôi đã xếp vào diện “Mình không thể thích nổi” và nó đi hơi xa khỏi vùng an toàn của bản thân là hai phiên bản remastered của hai tựa game Metro 2033 (2010) và Metro: Last Light (2013). Tuy nhiên, trừ phi để phải phân tích từng game cụ thể vì yếu tố câu chuyện, tôi vẫn luôn muốn nhắc đến hai game này như một thể thống nhất là Metro Redux vì phải kết hợp cả hai lại thì câu chuyện mới thật sự trọn vẹn – hay đơn giản là vì tôi đã chơi hai game này theo kiểu back-to-back (chơi 2 phần liên tiếp trong một thời gian ngắn) nên có cảm giác chúng nên thật sự dính liền như vậy.
Một chút về bối cảnh và lịch sử phát triển của Metro. Chúng được tạo ra dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Dmitry Glukhovsky kể về nhân vật Artyom ở một thế giới hậu tận thế sau một cuộc chiến tranh hạt nhân đã nổ ra khiến cho bề mặt không thể sinh sống, rất nhiều người dân ở khắp nước Nga nói chung và Moscow/Moskva nói riêng – khoảng 40 ngàn người đã phải chui xuống những hầm tàu điện ngầm để có thể tồn tại. Dựa trên nền 4A engine của 4A Games đến từ Ukraine, cả Metro 2033 và Metro: Last Light thật ra đã nhận được rất nhiều phê bình tích cực mặc cho những hạn chế nhất định trong cơ chế game của nó (Đặc biệt ở Metro 2033, so sánh bản gốc với Redux mới thấy nó đã được cải thiện thế nào cả về đồ họa lẫn gameplay).
Tuy nhiên, series Metro lại khá là “chìm” so với những game đồng trang lứa và bị “đánh giá thấp” bởi đại chúng khá nhiều, còn những người đã kinh qua thì không ngớt lời khen ngợi. Về ý kiến cá nhân thì tôi cũng nói luôn, xét ở phương diện chơi game, chơi Metro Redux có lẽ chính là quyết định “không an toàn” sáng suốt nhất mà tôi đã từng đưa ra. Ở thời điểm viết bài này tôi đang quay lại lần chơi thứ 2 vì những lí do mà tôi cũng từng nêu ra ở một bài viết trước đó :3.
Tôi muốn nói về gameplay và những yếu tố khác trước và để cho phần sáng nhất của Metro Redux, ý nghĩa câu chuyện được ở nửa sau để mọi người có thể hoàn toàn thẩm thấu.
Điều hay nhất mà tôi có thể đánh giá về gameplay của Metro đó là đây là tựa game có tính chất tạo không khí “kinh khủng” nhất theo nghĩa tích cực mà tôi từng chơi, một tựa game cực kì ‘atmospheric’ và phải nói rằng Metro đã làm điều này quá xuất sắc. Tất cả những yếu tố về nghe và nhìn khiến cho chúng ta thật sự có cảm giác như mình đang ở ngay tại đó, là Artyom thật sự đang đi qua những đường hầm tối tăm rộng lớn, những ống cống chật hẹp hôi hám hay cả là những cơ sở cũ kỹ hoặc là mặt đất hoang tàn… Nhất là về âm thanh, tất cả những âm thanh từ tiếng gầm rú của bọn mutant, những cái lon được gài như hệ thống báo động, tiếng hơi thở của Artyom trong mặt nạ khi thiếu dưỡng khí, tiếng sét trên bầu trời u ám của mùa đông hạt nhân kéo dài, tiếng hét của những quá khứ bi thảm, thậm chí là cả giọng kể của Artyom đầu mỗi màn trong những nền nhạc dạo bi tráng mới là yếu tố tạo không khí tốt hơn vì tầm nhìn của chúng ta rất bị giới hạn trong bóng tối chỉ với một cây đèn pin. Chính những âm thanh kể trên mới là chất “kinh dị” của Metro chứ không phải là hình ảnh – tất nhiên là trừ một vài yếu tố siêu nhiên lẫn những pha jumpscare đến từ những con quái. Thêm nữa, khi bạn đứng ở những trạm/khu vực tập trung dân cư đông đúc mà lắng nghe những câu chuyện mà những cư dân nơi đây trải qua mới thấy rằng thế giới của Metro nó sâu và sinh động như thế nào, cũng như là gian khổ như thế nào. Có lẽ phải thật sự trải qua, hoặc xem những thước video với headphone thì mới hiểu hết được “sự sống” trong âm thanh đó.
Ngược lại, hình ảnh của những con mutant, những chiến binh đeo đày mặt nạ dưỡng khí và giáp phòng thân, những cú flashback có phần ghê rợn hay những gì còn sót lại của một nền văn minh từng vĩ đại ở bề mặt Trái Đất lại cho chúng ta những cảm giác nghiệt ngã và tiếc nuối nhiều hơn. Về phần đồ họa thì nói thật là quang cảnh, chi tiết lẫn cách đánh sáng thì rất đẹp, nhưng về mặt con người thì… hơi giống như chúng ta đang cầm những con tượng đồ chơi có chút gì đó hơi vô hồn mà tưởng tượng ra câu chuyện như ngày còn nhỏ ấy. Cũng may là ở bản Redux này thì mọi thứ đã đỡ lắm rồi nhưng cũng khó lòng mà thoát cảm giác đang nhìn thấy các tượng sáp. Chính phần lồng tiếng đã khiến cho nhân vật có hồn hơn rất nhiều – một lần nữa chính âm thanh mới là yếu tố quan trọng nhất.
Về mặt combat thì… nếu như bạn mong đợi một Call of Duty hay đại loại là chạy lung tung bắn giết, thì Metro có lẽ không dành cho bạn (trừ chế độ Spartan của bản Redux này). Đây là một game có combat rất chậm mà chắc nhưng cũng có lúc cực kỳ hối hả, nhưng không phải vì lí do nó kém mà là bạn phải có sự chọn lọc cực kỳ kỹ càng khi muốn tham chiến. Ngoại trừ lí do vì muốn tìm kết thúc tốt (uh, quên nói, cả 2 phiên bản đều có 2 endings) nên ta mới không muốn giết người mà chỉ bắn giết trừ phi game đẩy vào tình thế phải bắn thì không nói, nhưng vì nguồn cung cấp những thứ như máu và đạn dược phải nói là cực thấp, khi bắn thì mỗi 1 viên đạn đều quan trọng nên ta phải suy nghĩ thật kỹ trước khi cướp cò, và đã bắn là phải chính xác. Metro Redux cũng vẫn tạo điều kiện cho người chơi hoặc muốn rambo hoặc muốn lén lút, nhưng có vẻ như vì cái yếu tố không khí lẫn nguồn tài nguyên mà stealth vẫn luôn là lựa chọn an toàn nhất – dù cũng phải nói thêm là Last Light sẽ cho việc stealth được tự do và đa dạng hơn so với 2033 (ở 2033 muốn stealth chỉ có 1 đường độc đạo an toàn thật sự thôi). Và cảm giác bắn súng trong Metro nói thật là khá là đã âu cũng do chúng ta sẽ hay bị kiểu kìm nén mà đến lúc phải bắn thì bắn liền tay, ấy là chưa nói độ sát thương của súng cũng khá là xác thực. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của tôi về gameplay là những trường đoạn phải ở trên xe cầm turret hoặc sử dụng chính súng đang có trên các xe đẩy trên đường ray vì chúng khá là… ăn gian khi ta cực kỳ dễ “ngủm” do không có cái gì bảo vệ hay di chuyển tự do né tránh, và chúng ta thường có cả vài màn chỉ toàn là như thế mà thôi.
Trong Metro có cả hệ thống đạo đức để quyết định các ending của chúng ta nữa. Chúng sẽ nằm trong những hành động nhỏ xuyên suốt game và cả cách chúng ta tiếp cận game nữa: Giết nhiều hay ít, có ý muốn giúp đỡ người khác khi cần thiết hay không, v.v… Thường thì chúng ta sẽ nhận biết được điều đó khi mà màn hình “sáng nhẹ” lên một chút. Cũng phải nói thêm, cái hệ thống điểm đạo đức này đôi khi cũng… khó hiểu vãi vì có đôi lúc nó được biện hộ bởi chính những nhân vật xung quanh hoặc xét theo lẽ thì nó cũng bình thường (dĩ nhiên trừ mấy trò ăn cắp vặt hay keo kiệt), nhưng ảnh hưởng xấu thì vẫn cứ xảy ra thôi; còn việc tốt thì nó cao thượng tới mức siêu tưởng luôn.
Súng ở Metro, và việc mua bán chúng cũng mang tính chất “cân đo đong đếm” hệt như cái combat của game và nó cực kỳ hợp với cái không khí sinh tồn. Đơn vị tiền tệ ở Metro là đạn vàng – và bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó để giao chiến (bắn sẽ gây thêm dmg hoả công), và đạn vàng có thể được sử dụng để mua thêm dưỡng khí, thuốc men, đạn dược bình thường, súng ống lẫn “độ”. Tuy nhiên thật sự mà nói thì… nó lại không là một vấn đề quá lớn đến như vậy khi mà nếu bạn chịu khó một chút, súng lượm hoàn toàn có thể sẽ cho bạn những thứ cần custom bằng tiền – có khi bạn sẽ lượm được cả 1 khẩu AK đã độ lên đủ hàng. Về súng ống thì bất ngờ thay là chúng khá đa dạng với cái thế giới này – shotgun đủ loại, tiểu liên các kiểu, súng lục, súng phóng lao đặc biệt là khẩu súng hơi bắn bi (sắt) Shambler khét tiếng với damage cực cao mà không hề gây tiếng động nếu bạn… bơm hơi bánh xe đạp cho nó lên mức cao nhất.
*Từ đây có thể sẽ có chứa spoiler kha khá, dù tôi sẽ cố gắng để giảm thiểu chúng.*
Về mặt câu chuyện thì đây có lẽ chính là một trong những tựa game kích thích suy nghĩ về sự nhân đạo mạnh mẽ nhất mà tôi từng trải qua. Chúng ta vào vai Artyom – một người mà người bạn của tôi – fR0st đã bảo là có số “chân mệnh thiên tử” trong cuộc phiêu lưu rời khỏi những thứ thân thuộc an toàn mà tiến vào một cuộc hành trình thay đổi toàn bộ thế giới quan của mình – và có lẽ phần nào đó là cả của chúng ta nữa.
Mọi thứ bắt đầu thế này từ Metro 2033. Có một loại mutant mới, Dark Ones xuất hiện và chúng không gây ra những cuộc tấn công máu me như những loài mutant kia, mà những nạn nhân của chúng bị chấn thương tâm lý một cách kinh khủng. Một Spartan Ranger, tên Hunter đã nhờ vả Artyom hãy gửi những lời cảnh báo về cho đồng đội mình lẫn khiến cho Artyom bị thôi thúc mà dấn bước trở thành một “người hùng” mặc cho cha nuôi của mình ngăn cản.
Thế rồi anh gặp những người “đồng đội” kỳ lạ lẫn gian xảo trên đường đi chỉ dạy cho anh những điều kỳ lạ (nhất là Khan khi chỉ cho Artyom về những hiện tượng siêu nhiên lẫn đừng nhìn mặt bắt hình dong), đến những nơi mà có lẽ anh không nên đến như Riga, Hansa, Polis và gặp cả những loại người anh không nên gặp, ở đây là những tổ chức chính trị – quân sự như bọn Đỏ (theo chủ nghĩa Xô Viết cũ) và Fourth Reich của bọn Quốc xã đang dồn ép sự ảnh hưởng của mình lên những trạm Metro còn sống sót. Những pha bắn giết, cướp của, hành hạ lẫn nhau và cả những nỗi sợ hãi của con người dành cho con người làm cho tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu, kiểu lẽ ra bọn họ phải nên cùng đối đầu với những sinh vật quái dị ngoài kia (như từ đầu game đã khẳng định) thì họ lại tự biến nhau thành kẻ thù – và điều này rồi sẽ còn được khai thác sâu hơn ở Last Light nữa.
Trong suốt hành trình, Artyom nhiều lần cảm thấy như mình có một sự kết nối kỳ lạ với bọn Dark Ones, chúng cho anh những hình ảnh về ký ức kỳ lạ của chính bản thân mình lẫn những việc đã từng xảy ra ở trong những đường hầm lẫn trên mặt đất, rằng thế giới đã từng tươi đẹp thế nào. Nhưng dù gì thì anh cũng vẫn có một sứ mệnh là phải tiêu diệt chúng trừ hậu hoạ, vì vậy Artyom cùng Miller làm mọi cách để tiếp cận với căn hầm D6 và tìm thứ vũ khí để tiêu diệt được lũ Dark Ones. Ở kết thúc tốt, Artyom sẽ cố gắng không gọi tên lửa hạt nhân vào hang ổ của bọn Dark Ones mà nhập tâm để hiểu thật ra chúng đang cố giúp loài người. Tuy nhiên, kết thúc chính thức của Metro 2033 chính là việc Artyom đã làm tròn bổn phận lẫn lời hứa với Hunter ngày nào – Nếu chúng nguy hiểm, hãy giết chúng.
Để rồi câu chuyện ở Metro: Last Light tiếp diễn. Một năm sau, các Spartan Rangers phát hiện ra vẫn còn sót lại một con Dark Ones, Artyom và Anna – một nữ xạ thủ xinh đẹp (well… nếu bạn muốn nghĩ vậy) đi khử con Dark Ones cuối cùng ấy mặc cho sự can ngăn của nhân vật Khan. Artyom phát hiện ra nó chỉ là một đứa trẻ, và chưa kịp làm gì thì đã bị bọn Quốc xã bắt, và sau này là lọt vào tay bọn Đỏ và phát hiện ra một âm mưu thanh tẩy kẻ thù của chúng nhờ việc cài nội gián vào Spartan và đánh cắp vũ khí sinh học cho việc đó. Xuyên suốt game là những cuộc đào tẩu, những sự tương tác có tính chất rất khó quyết định giữa các nhân vật lẫn việc truy tìm sinh vật Dark Ones cuối cùng kia trước khi mọi thứ quá muộn.
Cuối cùng Artyom cũng đã gặp được nó, The Little One, và phát hiện ra sự thật về mình: Anh chính là “người được chọn” để trở thành cầu nối giữa 2 sinh vật- loài người và Dark Ones – để bọn họ có thể sinh sống cùng nhau một cách tốt nhất, thế mà loài người lại quá ngu ngốc khi lại muốn giết hại những thứ chúng không hiểu lẫn những cả chính giống loài của mình, vì điều gì chính Little One cũng chả hiểu nổi. Những câu nói cực kỳ ngô nghê của một đứa trẻ về vấn đề ấy như cú đấm thẳng vào mặt nhân loại cho họ tỉnh táo hơn vậy, thế nhưng chỉ có mình Artyom thì mới nghe được thôi, tiếc thay. Và sẽ có những lúc, các quyết định của chúng ta sẽ được dùng để chứng minh với Little One rằng không phải con người nào cũng vậy.
Có một thứ trong Last Light tôi cảm thấy… thích không nổi dù khá muốn, chính là việc Anna và Artyom đến với nhau. Nó được thực hiện một cách khá là trên trời rơi xuống là 1 và 2 là dù nó có một ý định khá là hay nhưng thực hiện không tốt bằng một game khác (cái này là do trải nghiệm cá nhân). Đại loại, Anna và Artyom lại gặp nhau sau khi Artyom bị bắt, rồi đến phiên Anna bị tên phản bội Lenitsky bắt cóc. Sau khi được Artyom cứu thoát thì Anna đã cảm thấy cô đơn, sợ hãi, có chút tội lỗi lẫn biết ơn với Artyom nữa nên cả hai trao thân cho nhau… Về mặt xây dựng, chúng ta gặp Anna được 4 màn trong tổng gần 20 màn, thế thì làm sao chúng ta đầu tư vào chuyện này được? Về mặt tình huống, tôi nghĩ có vẻ nó giống như là hai người trẻ đến với nhau như kiểu “Rồi không biết ngày mai sẽ như thế nào, thôi thì hãy cứ tận hưởng nhất có thể” thì cũng có chút gì đó hợp lý nhưng nếu vậy thì cũng… tội chú Artyom vãi linh hồn. Đã vậy, như đã nói là vụ model nhân vật củ Metro nó cứ…đơ đơ nên cũng hơi… Well…
(Cảm ơn trời là theo hình ảnh Metro Exodus thì bây giờ Anna quá đẹp)
*Và cái game tôi nói làm tốt hơn rất nhiều cả về tình cảm lẫn cảnh nóng cực kỳ mãnh liệt đó chính là Wolfenstein. Dù nhìn nó có vẻ rất buồn cười khi mà tên to khỏe đó cứ giã ầm ầm vào Anya và cả cái phòng rung lên, nhưng nó rất thực, và chúng ta cảm nhận được bọn họ đang thật sự làm tình với nhau như thể đó là lần cuối cùng của đời họ vậy.*
The Little One với khả năng đọc suy nghĩ đã tố cáo toàn bộ ý đồ của bọn Đỏ ở một Hội nghị đàm phán hòa bình sau khi Artyom thuyết phục được Miller. Biết rằng bọn Đỏ sẽ tấn công căn hầm D6, Miller kêu gọi cố thủ, còn Little One phát hiện ra vẫn còn rất nhiều Dark Ones đang “ngủ đông” trong D6. Một cuộc chiến cuối cùng rất mang chất Spartan như quân đội 300 người ngày nào ở Thermopylae chống lại cả triệu quân của Xerxes diễn ra khốc liệt. Ở kết thúc xấu, Artyom sẽ nghe lời Miller mà cho nổ cả D6 lẫn bọn Đỏ, hy sinh vì mục đích cao đẹp và di sản của họ sẽ lại còn tiếp tục qua đứa con giữa Anna và Artyom. Ở kết thúc tốt, Little One sẽ dẫn các Dark Ones đến để giúp đỡ các Spartan vào ngay giây phút cuối cùng – và có lẽ đây chính là kết thúc mà các nhà làm game muốn chúng ta nhắm đến để là một sự chuộc tội của Artyom lẫn loài người. Đó là chưa kể Metro Exodus sắp diễn ra tới đây thì có vẻ Artyom vẫn còn sống.
Tóm lại, Metro Redux là một bản remastered hết sức tuyệt vời về hai tựa game tuy không hoàn hảo nhưng tuyệt hay và bị đánh giá quá thấp cũng như cực kỳ kén người chơi. Nếu như đã ngán ngẩm với những tựa game bắn súng có lối hành động dồn dập với một cốt truyện ở mức trung bình, thì hãy cảm nhận hết những sự kinh hoàng ở một thế giới tưởng chừng khó sống và chứa đựng nhiều bài học sâu sắc với nhiều gam màu khác nhau kể cả trong chính lối chơi lẫn câu chuyện. Biết đâu, nó sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận cả thế giới và với cơ may nào đó, khiến chúng ta trở thành một người tốt hơn.
nice job! Keep it up buddy