Max Payne là một trong những series game có ý nghĩa nhất với tui, vì tui thật sự gắn bó với nó tít từ tận năm 2001 khi mới 7, 8 tuổi ngồi nhìn dượng út chơi trên một máy PC cà tàng theo tiêu chuẩn ngày nay. Quan trọng hơn, Max là một trong những nhân vật mà tui thích nhất vì cái cuộc đời phải tả là khốn khổ đến khốn nạn. Bồi đắp thêm là giọng lồng tiếng trầm buồn đặc trưng của James McCaffrey trên nền nhạc cello da diết mỗi khi các cutscene hiện lên làm ta phải đau đáu dõi theo. Vẫn còn nhớ vào khoảng 2012 (khi ấy không theo dõi tin game nhiều), tui biết rằng Max Payne sẽ có phần 3. Thật sự tui cũng vui mừng khi đã nghĩ rằng Max Payne 2: The Fall of Max Payne là chương cuối cùng của Max. Và Max Payne 2 luôn luôn là một trong những tựa game tui yêu thích nhất từ trước đến nay, nên độ hóng khi đó cũng cao. Sau khi “độ” máy ngon lành, cuối cùng khoảng 2013 tui cũng đã được kinh qua Max Payne 3, kết quả là tui khá thích nó nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ làm cho tui không thể nào “cảm” được hết.
Hôm nay thì sau khi đã chơi đi chơi lại hai trong số ba game trong trilogy là Max Payne 2 và Max Payne 3 (MP2 và MP3), ngồi xem lại kỹ nhiều ý kiến trái chiều trên mạng lẫn tự giải đáp cả những câu hỏi của bản thân, tui nghĩ có lẽ tui đã có câu trả lời cái gì đã xảy ra khiến cho Max Payne của Remedy và Max Payne của Rockstar Vancouver khác nhau đến vậy.
*Note: Đối với tui, MP2 và MP3 đều là hai game tuyệt vời. Tui không hề chê gì MP3 cả, chỉ là muốn tự mình đưa ra điều khác biệt giữa chúng thôi*.
Điều đầu tiên khi người ta nhắc đến game Max Payne, thì chắc chắn rằng cơ chế bullet time là cái sẽ xuất hiện ngay tắp lự. Về mặt gameplay mà nói thì bullet time của MP2… vui hơn so với hậu bản của nó nhiều. Vì nó như giúp cho Max có cả một siêu năng lực ngưng đọng thời gian luôn chứ cũng chẳng phải là để “ẩn dụ” cho phản xạ nhanh nhạy của Max. Thế nên ở MP2 thì ta hoàn toàn có thể… bắn giết tưng bừng với cái cơ chế bullet time được cường hóa lên đến như vậy. Còn ở MP3 thì bullet time đã hạn chế hơn – tuy nhiên chính vì vậy mà nó lại sát với MP đầu tiên hơn hết thảy. Những cử động của Max cũng… người hơn rất nhiều âu do Max cũng đã già đi, nghiện thuốc giảm đau và nghiện rượu quá nhiều để có thể còn nhanh nhẹn nên nó hợp lý hơn, thật hơn rất nhiều.
Đó là còn chưa kể những thay đổi về việc thiết kế màn chơi có đôi phần làm cho mấy pha bay nhảy bị… “va chạm” vào môi trường xung quanh quá nhiều, làm cho bullet time khi bay và bắn chẳng được phát huy hết mức. Còn nếu mở bullet time lên để chạy và né đạn thì nó sẽ tuột…. khá nhanh, cũng chẳng giúp ích gì trong chiến đấu. Chết chừng vài chục lần vì bị bao vây là chuyện khá dĩ nhiên và khiến cho mỗi trận đấu súng là một bài tính toán chiến thuật hơn (dẫu có cover base giúp). Và tui cũng biết rằng với những ai đã từng chơi MP và MP2 sẽ cảm thấy hơi khó chịu với việc bullet time bị nerf này, còn tui lại thật sự rất thích điều đó.
Thế nhưng mà, gameplay không hẳn là cái tui muốn nói tới cho lắm, nhưng với series Max Payne thì cái cơ chế này đúng nghĩa là “the elephant in the room” nên phải nhắc trước cảm nhận riêng. Cái tui muốn nói tới nhất lại là cách diễn đạt câu chuyện và lột tả nhân vật của Remedy và Rockstar. Và chính sự khác biệt này có lẽ là thứ làm tui… “khó nuốt” MP3 của Rockstar Vancouver.
Đầu tiên, hãy cùng nhau thừa nhận như thế này: Max Payne đã và luôn là một tựa game mang một “màu” rất là đầy sự nhạo báng cuộc đời. Nhìn đi nhìn lại, Max Payne luôn kể một câu chuyện về những thuyết âm mưu, những sự lợi dụng các yếu tố tệ nạn xã hội để cho những “kẻ cầm quyền” có thể nào đó kiểm soát quyền lực của mình. Ở Max Payne là Aesir với loại ma túy Valkyre, ở Max Payne 2 là cuộc nội chiến của Inner Circle làm liên lụy nhiều phe, và dĩ nhiên ở Max Payne 3 thì quá rõ ràng về cái gia đình Branco và những trò chơi chính trị. Và đồng thời, cả hai đều biết sử dụng yếu tố noir nổi tiếng trong điện ảnh để kể những câu chuyện đầy tính “bí ẩn” rất có vẻ trinh thám để làm nền cho câu chuyện về Max. Đây chính là lúc sự thay đổi hiện ra rõ rệt nhất, khi Remedy đã có sự tiếp cận noir một cách cổ điển và có phần nào đó là lãng mạn hơn, còn Rockstar thì tiếp cận nó theo một cách hiện đại hơn, hay là theo phong cách neo-noir.
*Disclaimer: Tui chỉ nói về cái này theo như hiểu biết nông cạn của mình, và luôn đón chào những ai có thể bổ sung đúng kiến thức về điện ảnh cho luận điểm này*.
- Với film noir cổ điển, đánh sáng, màu sắc (nếu có vì dòng phim này ra đời từ những năm 40 đến đầu 60, và phim màu khi đó là của lạ) và lời thoại rất quan trọng trong việc tạo bầu không khí bí ẩn, ảm đạm. Giọng độc thoại của nhân vật chính với những cảnh quay tập trung vào góc nhìn và hành động của chính nhân vật đa phần rất đen tối, hơi theo hướng chủ nghĩa nihilism với những triết lý sặc mùi dằn vặt và đa nghi trong bối cảnh hình sự. Đa phần, những yếu tố này sẽ gây một cảm giác nặng nề nhưng lôi cuốn để chúng ta phải đi theo từng bước phát triển của nhân vật chính. Dẫu cho là nó dẫn đến một điều gì đó khác hay tất cả lại chỉ quay về từ đầu như thể để than oán đời là một vòng lặp bất tận (cũng như đời Max Payne vậy). Điểm nhấn lớn của Max Payne cổ điển là sử dụng hình thức kể chuyện như truyện tranh, với những khung hình có các tone màu sáng tối khác nhau nhưng trong nền chung là bóng đêm bao phủ một New York xám xịt. Hoà trong đó là những hộp thoại mang lời tự sự lẫn đối thoại với những giọng lồng tiếng phải nói là từ tốt đến xuất sắc. Với những điều đó, Max Payne đã tái hiện được chất noir cổ điển trong những cutscene dẫn truyện như thế. Chưa kể, nó làm nổi bật được đến những điều tinh túy nhất của ít nhất ba phương tiện truyền tải thông tin giải trí thông dụng là phim ảnh, truyện tranh và cả video game. Tuy nhiên điểm yếu của cách kể chuyện này là nó rất… pretentious, thậm chí là quá nặng nề đến khó hiểu và dễ gây cảm giác khó chịu khi bạn nghe… lải nhải hoài.
- Neo-noir lại có một cách thể hiện riêng biệt hơn rất nhiều, âu cũng do sự phát triển của công nghệ làm phim. Màu sắc có thể nói giờ đây chính là mặt hình quan trọng bậc nhất, cùng với sự phối hợp của các góc quay mới lạ hơn để kể chuyện bằng hình ảnh đã khiến cho những lời độc thoại phần nào bớt đi tầm quan trọng của việc tạo không khí. Và dĩ nhiên là những câu thoại cho nhân vật cũng có phần gì đó… tự nhiên hơn so với những câu thoại sặc mùi triết lý ẩn dụ ngày trước (dù nếu vận dụng hợp lý thì vẫn tuyệt vời như thường). Song song với màu sắc của phim chính là khâu hậu kỳ, chỉnh sửa hình ảnh với nhiều phương pháp lẫn phong cách khác nhau để tạo những hiệu ứng tâm lý khác biệt. Điều này có lẽ được áp dụng rõ nhất chính là những lúc hình ảnh trong cutscene của MP3 (đôi khi trong cả gameplay) là những hình ảnh bị nhiễu, màu sắc hỗn loạn như để thể hiện chứng nghiện rượu và ảnh hưởng của thuốc giảm đau lên thần kinh thị giác của Max. Hoặc dùng để ám chỉ những điều “không may” rồi sẽ xảy đến, hay có tác dụng như làm một pha chuyển đổi của những lần Max lật lại ký ức. Đây có lẽ chính là hình thức kể chuyện bằng hình ảnh đẹp nhất của Max Payne 3.
Nhưng cái “tệ hại” về mặt hình ảnh của Max Payne lại là việc có những đoạn được dùng để thể hiện khung hình như những panel truyện tranh quen thuộc ngày nào của Max Payne cổ điển, kết hợp với những câu thoại “đáng nhớ” sẽ được chạy chữ ở trên màn hình. Nói trắng ra thế này, ngày trước do Remedy không có đủ công nghệ làm cutscene hẳn hòi nên họ đã chọn phương pháp truyện tranh, vô tình đã tạo ra một nét rất riêng của dòng Max Payne, Rockstar muốn tri ân nó cũng không có gì ngạc nhiên. Nhưng trái lại thì ngày nay khi công nghệ đã đủ, có lẽ việc chỉ sử dụng một phong cách là cách tốt nhất, và đừng quên Lý An đã từng thất bại như thế nào khi từng sử dụng cách tương tự với phim Hulk của mình vào năm 2003.
Tiếp theo, có một số trường đoạn không hề ở góc nhìn hay tình huống của Max càng làm cho mọi thứ có phần hơi không hợp lý lắm với một tựa game Max Payne (ví dụ: làm sao Max biết được khi mình ở sân vận động và bay đi được là do bọn militia không muốn bắn?). Và cuối cùng chính là sự ngập tràn của cutscene trong một level cứ như thể là game của Kojima khiến cho nhịp điệu của game bị không liền mạch (thật ra chính Max Payne 2 cũng bị lỗi này phần nào với in-engine cutscene, nhưng những cutscene “chân chính” với lối kể truyện tranh vẫn làm cho cảm thấy xứng đáng vì chúng xuất hiện “đúng lúc” và “vừa đủ” hơn).
Cách lột tả nhân vật Max Payne cũng có khác biệt, và đây có lẽ chính là thứ tui khó chịu nhất. Đầu tiên, hãy loại ra trước một điều rằng James McCaffrey với diễn xuất của mình không hề là vấn đề của việc thể hiện nhân vật Max. Thậm chí, dám nói rằng ở Max Payne 3 thì giọng nói của Max đã trở nên tự nhiên hơn hẳn, giọng điệu lên xuống hẳn hòi không có bị monotone như đa phần ở các cutscene ở hai phần trước. Nhưng ngôn ngữ của Max thì đã thay đổi rất nhiều, và đây chính là điểm khác biệt giữa Remedy và Rockstar.
- “Remedy Max Payne” là một gã bị PTSD nặng nề, ngôn từ luôn luôn mang nặng nỗi đau và đượm buồn. Có một chút gì đó khá là triết lý khi rút ra được những điều với góc nhìn khác biệt hơn những kẻ bình thường, do anh đã sống một cuộc đời quá đỗi bất thường và đau khổ. Max thậm chí còn biết đùa, nhưng nó có một sự mỉa mai cay đắng ở trong đó. Nó tạo nên một gã bước vào độ tuổi trung niên trầm lắng nhưng cũng vô cùng bạo lực do những mất mát theo một cách ẩn ý và “nhẹ nhàng” hơn. Và dĩ nhiên, như dòng phim noir, chính những lời tự sự của Max đã góp phần cực kỳ lớn tạo nên văn cảnh và không khí rất sống động chỉ qua ngôn từ và hình ảnh “tĩnh nhưng động” của cả hai tựa game.
- Ở Max Payne 3, Max… chửi thề không ngớt và cách dùng từ ngữ có cái gì đó thô tục thậm chí đến mức thô bỉ. Rất giống cái cách Rockstar hay dùng cho những nhân vật anti-hero của mình trong các game GTA, nhưng dĩ nhiên là theo kiểu tự sự quen thuộc của Max nhiều hơn là thể hiện ra ngoài. Dù có thể suy nghĩ theo hướng rằng những năm tháng trôi qua đã làm cho Max trở nên cực đoan hơn, gay gắt hơn; thậm chí ở phim Neo-noir thì sự bạo lực trong hành động lẫn thái độ được phô diễn lộ hơn xưa rất nhiều (đại loại là making subtext into text). Đây có thể là cách Rockstar đã chọn để xây dựng một nhân vật hợp với “sở trường” vốn thích trào phúng của mình hơn, nhưng nó chẳng hợp với Max Payne mà nhiều người đã từng biết. Nếu là người chơi mới chắc sẽ thấy thông cảm hơn chăng?
Tựu trung, cả hai trường phái đều có những điểm mạnh điểm yếu của riêng mình, và nó (trước mắt) tạo ra một trilogy Max Payne khá vững chắc dẫu không quá nổi bật trong làng game. Tui có thiên vị không? Có, vốn dĩ tui quá yêu thích Max Payne 2 và là một con mọt truyện tranh. Nhưng tui có ghét cách thức thể hiện của Max Payne 3 hay không? Không hẳn, tui hiểu nó muốn làm cái gì, tui tôn trọng nó nhưng tui vẫn cảm thấy hơi khó để cho trôi. Bạn thích Max nào hơn cũng tốt, chỉ là chính tui cũng muốn giải đáp cho cả bản thân mình lẫn những ai tò mò muốn tìm hiểu thêm những điều đã cấu thành hai phiên bản khác nhau như thế này. Và dù sao đi nữa, Max Payne vẫn mãi là một trong những nhân vật game yêu thích nhất của tui.