Mile Edgeworth Investigations – Tập làm công tố viên

Khách mới

  

Dòng game Ace Attorney là một trong những game visual novel khá đặc biệt trên nền Gameboy, DS và sau này là 3DS. Đặc biệt vì nó cho phép người chơi đóng vai những luật sư, dần khám phá những vụ án mạng và giúp đỡ, biện hộ bị can khỏi những án oan sai. Mô típ nghiên cứu hiện trường – biện hộ trước tòa là công thức vô cùng quen thuộc từ bản Ace Attorney đầu tiên (phát hành năm 2001 trên Gameboy).

Tuy nhiên, năm 2009, “Crapcom” cho ra một bản spin-off Ace Attorney đã đem lại một trải nghiệm hoàn toàn mới dành cho các fan lâu năm. “Mile Edgeworth Investigations” (MEI). Series cho bạn đảm nhiệm vai trò của công tố viên – những người luôn được xem là vai phản diện trong series Ace Attorney. MEI chỉ gói gọn trong năm chương nhưng những gì mà game đem lại cho người chơi có cảm giác như đang đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám thật sự vậy. Tin vui là game đã được port lên di động nên bạn khỏi cần phải mua DS để tận hưởng game nhé.

Khỏi mua DS, game đã được port lên di động với giá 1$ (chap đầu thôi nhé)

MEI kể về những cuộc điều tra của Miles Edgeworth – một công tố viên. Cùng sự hỗ trợ của Dick Gumshoe và Kay Faraday,  Edgeworth đi tìm chân tướng của đường dây in tiền giả xuyên quốc gia. Việc mà Interpol đã phải tìm hiểu trong 10 năm qua. Suốt quá trình điều tra, Edgeworth gặp không ít những nhân chứng mà biết đâu trong số đó có cả hung thủ thật sự. Nội dung của MEI cũng như các bản Ace Attorney khác rất là phức tạp, nhưng rất cuốn hút và đầy rẫy những cú twist hack não. Mà thôi không spoil, để bạn tự thưởng thức vậy.

Để tìm ra kẻ thủ ác cho từng vụ án, người chơi phải giúp Edgeworth điều tra hiện trường. Như Miles Edgeworth nói từ đầu game “Công tố viên là người kết tội bị cáo. Tuy nhiên, tôi không tin đó là tất cả”, sẽ có rất nhiều việc bạn phải làm để có thể kết thúc màn chơi.

Phần đầu tiên là điều tra. Có thể nói công cuộc điều tra chính là điểm thu hút người chơi nhất của game và đó cũng là lúc hệ thống gameplay của trò chơi được dịp tỏa sáng. Mỗi khi dòng chữ “Begin investigation” hiện lên cũng là lúc người chơi phải sục sạo khắp hiện trường, tìm ra dấu vết, thu thập tang chứng và lời khai. Game cung cấp cho người chơi một nơi đựng bằng chứng: Organizer. Mục này được sắp sếp rất tiện lợi để người chơi có thể xem lại lúc cần thiết, đồng thời còn cho phép người chơi có thể xem lại thông tin của các nhân vật.

Mỗi khi có điểm nghi vấn, Edgeworth phải liên kết với những tang chứng để phát hiện đưa những nội dung này vào mục Logic. Ví dụ như mảnh kính rơi vỡ dưới ở góc phòng và cặp kính bị hỏng của nạn nhân, vậy là hung thủ và nạn nhân đã xô xát tại đây à? Và nhiệm vụ của người chơi là phải kết nối những điểm nghi vấn để tìm ra câu trả lời cuối cùng. Nhưng bạn phải dùng não chứ không phải cứ nhấp bừa là ra đáp án đâu, vì sẽ có hàng tá thông tin tại hiện trường, vài trang tang vật để bạn nghiên cứu.

Ngoài ra, thông qua sự giúp đỡ của trợ thủ Faraday, game còn có những nét độc đáo khác như tái hiện lại hiện trường để so sánh trước và sau khi vụ án xảy ra, tìm điểm bất hợp lý trong hiện trường và so sánh nó với những bằng chứng có sẵn,… Có thể nói việc điểu tra là hết sức vất vả và khó khăn, tuy nhiên việc khiến người chơi phải suy nghĩ nhiều nhất và cũng tốn thời gian nhất là việc chất vấn.

Sau quá trình điều tra, người chơi phải chất vấn với thủ phạm hoặc nhân chứng để vạch trần sự thật. Trong quá trình chất vấn, người chơi có thể hỏi sâu hơn hoặc dùng những bằng chứng thu thập được để tìm ra những lời nói dối trong lời khai của nhân chứng. Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng để tìm ra lỗ hổng trong lời khai đòi hỏi người chơi phải xem xét tình huống và bằng chứng một cách cẩn trọng. Vì nếu đưa ra bằng chứng sai, thanh điểm bên trái màn hình sẽ giảm, nếu cạn thanh đó thì bạn phải chịu cảnh Game Over. Ở bản DS, game còn có chức năng cho phép người chơi dùng mic trong quá trình chất vấn. Cảm giác được hô to “Phản đối!” (Objection!) khi bắt được thóp của thủ phạm sẽ khiến người chơi có cảm cực kì hả hê. Rất tiếc là chức năng này đã biến mất ở bản di động :(.

OBJECTION!!!

Đối với những người chơi đã quen với những game có đồ họa cao cấp và đẹp mắt sẽ chê hình ảnh của MEI. Tuy nhiên, nên nhớ là đây là game port từ hệ máy DS đã quá tuổi. Riêng với những ai sống từ cái thời Gameboy cổ lỗ thì lại thấy đồ họa trong game có những nét đẹp riêng. Khi nghĩ về những vụ án mạng, ta hay nghĩ đến những cảnh máu me đầy bạo lực. Tuy nhiên, trong game, hầu như toàn bộ phần hình ảnh của game đều là những cảnh được vẽ theo phong cách hoạt hình Nhật Bản (chỉ trừ việc khám nghiệm vật chứng được biểu diễn dưới góc nhìn ba chiều). Khu vực hiện trường, những cảnh nền khi chất vấn được vẽ chi tiết công phu và đầy màu sắc.

Một điểm sáng nữa của mặt đồ họa là cách khắc họa nhân vật. Mọi nhân vật đều có những tính cách khác nhau và đều dược vẽ rất dí dỏm: Một điệp vụ Lang với nụ cười ngạo nghễ, một công tố viên Franziska nóng nảy luôn quất roi li lịa, hay bà Oldbag tuy đã tuổi đã cao nhưng vẫn còn xì-tin… Nhân vật trong game ko phải chỉ là những hình ảnh khô cứng mà mỗi nhân vật đều có các cử chỉ hành động rất buồn cười, đặc biệt nhất là điệu bộ khi hung thủ bị vạch trần. Chính sự dí dỏm trong cách khắc họa nhân vật cùng với cảnh nền đầy màu sắc sẽ làm người chơi thư giãn hơn sau một quá trình điều tra căng thẳng. Phải nói rằng thiết kế nhân vật của MEI là thành công lớn của Tatsuro Iwamoto – người đã thiết kế nhân vật cho toàn bộ dòng game Ace Attorney, cũng như tham gia các dự án lớn như Okami hay Journey.

Mới nói vài câu là bố đã thấy khắm rồi – Edgeworth said.

Kết hợp hoàn hảo với hình ảnh là âm thanh. Những bản nhạc nền xuất sắc đa dạng khiến MEI trở nên cuốn hút hơn: Từ bản “Cornered” đẩy nhanh cao trào trong quá trình chất vấn đến bản “Confess the truth” tiết tấu dồn dập khi hung thủ bước vào đường cùng. Không những thế, mỗi nhân vật đều có những bản nhạc riêng thể hiện rõ tính cách của nhân vật như của Key thì nhí nhảnh và đậm chất Trung Hoa, của thám tử Badd thì trầm lắng như trong những bộ phim trinh thám cũ…

Tuy nhiên game sẽ có một số điểm chưa hợp lý. Đầu tiên phải kể đến là việc game… có nhiều chữ quá. Quả thật, trừ những từ như “Objection” hay “Eureka” được phép hô qua Micro, những lời thoại trong game hầu hết đều là những dòng chữ trên màn hình. Tuy nhiên, bản chất của những game Ace Attorney là một visual novel thiên về logic và khá kén người chơi nên việc toàn text chỉ là củ khoai với fan lâu năm. Nhưng giá như Crapcom chịu khó thêm một ít lồng tiếng vào bản port trên di động, thay vì bê nguyên toàn bộ text từ bản DS, thì game sẽ thu hút hơn nhiều.

Hơn nữa, MEI hơi thiếu minigame, điều mà bản trước đó đã rất thành công (chỉ trừ có mỗi minigame dựng lại hiện trường). Do đó màn hình cảm ứng chỉ dùng để kiểm tra vật chứng và chọn các câu trả lời. Ngoài ra không hề có sự sáng tạo nào thêm. Một số nội dung còn khá cứng nhắc, muốn qua khỏi nút thắt này bắt buộc bạn phải liên kết dữ liệu A và dữ liệu B, và nhiều khi bí quá bạn sẽ phải thử nhiều lần hòng tìm kiếm vận may.

Nếu chán những game hành động máu me, bạn hãy thử qua vai trò của một người thực thi công lý xem sao. Dù sao để test thử chương 1 chỉ có giá 1$ thôi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện