Gunpla (P.2) – hít nhựa xong thì hít thêm cái gì cho phê

Khách mới

  

Bạn đã đọc qua và có biết một số thứ về gunpla? Bạn cũng đã thử qua một hai con SD, HG và bắt đầu nghiện cái mùi nhựa rồi? Thì đây là bài viết sẽ lôi kéo bạn tiếp tục nghiện ngập những thứ nặng đô hơn. Bài viết chỉ có mục đích là luyên thuyên về ti tỉ những thứ mà mình đã hít sau khi khi bắt đầu hít nhựa :”))

Từ ngày đầu mình làm Gunpla chỉ trên cái bàn làm việc, tool chỉ có mỗi … cây kềm Nghĩa. Đúng là ban đầu ai cũng vậy cả, nhưng khi dần dần bước vào con đường nghiện ngập thì bạn sẽ thấy một cây bút, một cây kềm vẫn chưa đem lại kết quả mỹ mãn. Bạn sẽ thấy những Runner khi làm phải vất ngổn ngang, muốn tìm Runner nào phải lục tung cả bộ lên. Những part phải dán decal mà mình lại không có cây nhíp nào, phải lon ton đi mượn. Rồi những part nhỏ xíu, cắt ra để ngổn ngang trên bàn rất dễ lạc mất. Sẽ có ti tỉ những việc nhỏ khiến quá trình làm mô hình của bạn không được thỏa mãn. Vậy thì đã đến lúc bạn gear-up, chuẩn bị một góc làm Gunpla thật chuyên nghiệp dành cho riêng mình rồi. Và nói trước là chuẩn bị góc làm việc và mua sắm tools cũng dễ gây nghiện và hại ví tiền lắm đấy.

Một góc làm việc 3in1 vừa ráp, vừa sơn, vừa chụp ảnh    

Có một bàn làm việc thật nghiêm túc, chuyên nghiệp là một niềm mơ ước của modeler nào. Tất cả các dụng cụ đều được xếp đặt sẵn trước mặt, có các ngăn kéo đựng sơn, dụng cụ hay thậm chí là thùng rác được sắp xếp khoa học khiến mình có thể ngồi lì ở đây cả ngày. Đối với modeler chuyên nghiệp, thông thường sẽ có 3 góc làm việc riêng biệt.

– Góc ráp mô hình: Là góc chính để làm việc. Ở đây sẽ gồm các dụng cụ cơ bản để cắt parts, mài dũa, custom mô hình, gắn hay khắc thêm chi tiết…

– Góc sơn mô hình: Là góc để prime (sơn lót), sơn chính và coating (sơn phủ). Thông thường các loại sơn này khá hại cho sức khỏe nếu hít phải. Do đó ở góc này thường có máy hút để hút bụi sơn ra ngoài, hoặc chí ít là một cái mặt nạ. Nếu bạn không có không gian thì chí ít nên sơn ở ngoài sân vườn.

– Góc chụp hình: Là bước cuối cùng khi làm mô hình đặc biệt là với các modeler chuyên nghiệp và cần những hình ảnh của mô hình mình làm cũng phải thận chuyên nghiệp.  Thông thường góc này sẽ gồm máy ảnh, đèn và booth chụp hình sản phẩm.

 

3 góc cơ bản ráp – sơn – chụp ảnh

Ở đây mình chỉ nói về góc đầu tiên thôi nhé, các kĩ thuật sơn mô hình và chụp hình sản phẩm sẽ để bài viết sau (nếu mình không lười, LOL). Ok, vậy thì góc để làm mô hình của bạn cần phải có cái gì?

Đầu tiên là cái bàn. Đương nhiên rồi, làm gunpla trong thời gian dài mà phải ngồi bệt dưới đất là cực hình. Nếu có một góc bàn riêng để làm mô hình là hợp lý nhất. Nếu không thì tạm thời đẩy bàn phím máy tính của bạn sang một bên để làm Gunpla cũng được, vừa tiện vừa có thể coi film giải trí lúc làm Gunpla cũng rất hay.

Vừa làm vừa xem phim coi chừng đứt tay đấy :))

Trên bàn làm việc, dụng cụ đầu tiên cần có là cutting mat, hay còn gọi là bảng cắt kĩ thuật, bảng cắt tự liền… Cutting mat dùng để lót trên bàn làm việc, tránh làm xước bàn, giảm ánh sáng phản chiếu từ đèn bàn khiến làm việc thoải mái hơn. Ngoài ra bảng còn để lót khi cắt decal, để đo kích thước cắt plaplate (các tấm nhựa để custom chi tiết mô hình) thậm chí để … quệt quệt bút khi bút bị tắc :)). Có thể nói cutting mat là một dụng cụ rất đa dụng và cực kì quan trọng với modeler. Một tấm cutting mat cũng khá rẻ, mình khuyên bạn nên mua 1 tấm kích cỡ A3 tầm khoảng 100k.

Ngoài cutting mat, bạn sẽ muốn mua một kệ đựng runners để việc sắp xếp có vẻ chuyên nghiệp hơn. Kệ sẽ có sẵn kí hiệu A, B, C sẵn, bạn chỉ việc đặt runner vào đúng kí tự thôi. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng một kệ đựng runners sẽ giảm bớt thời gian tìm runners đi rất nhiều, mà lại nhìn đẹp mắt, ngăn nắp nữa chứ. Bạn hoàn toàn có thể tự cắt và làm một kệ runner bằng bìa carton, có nhiều hướng dẫn làm trên mạng lắm. Ngoài ra cũng nên mua một hộp đựng part nhỏ, có nắp và có chia ngăn, rất phù hợp khi bạn cắt những part rất nhỏ, dễ rơi mất. Việc này quan trọng lắm nhé vì chắc chắn bạn sẽ gặp một đối thủ không đội trời chung của bất cứ modeler nào: hố đen vũ trụ dưới gầm bàn. Một khi đã rơi vào đó thì bạn phải lục đục cả tiếng đồng hồ mới tìm ra được, hoặc thậm chí là mất vĩnh viễn =((.

 

Combo cutting mat và kệ đựng runner sẽ giúp giảm bớt thời gian làm kha khá đấy

Trên bàn cũng cần có các dụng cụ cơ bản để cắt part. Đầu tiên là cây kềm cắt. Ở bài trước mình có khuyên bạn nên mua 1 cây xuron hoặc plato. Nhưng về cơ bản hai cây kềm này là để cắt part ra khỏi runner, mình hoàn toàn không khuyến khích việc bạn dùng những cây kềm giá rẻ để cắt sát part, hay để cắt ghẻ. Vì những cây kềm này độ bén không cao, nên nhựa sẽ không bị “cắt” mà bị bóm méo, và hoàn toàn có thể tạo ra stress mark, vết nhựa trắng trên mặt mô hình. Stress mark rất khó có thể sửa sai, vì bạn phải mài rất nhiều lần, và thậm chí là phải sơn lại part đó. Để tránh điều này, mình khuyên bạn nên tậu thêm một cây kềm nữa, đặc biệt là những loại single blade (tức là cây kềm chỉ có một lưỡi được mài rất bén), loại này có thể cắt sát part mà ít tạo stress mark hơn. Một số cây kềm xịn như Tamiya, ST-A, Gundam Planet, Godhands… giá giao động từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng.

Kềm Godhand – Ferrari của modeller :{

Ngoài kềm ra bạn cần một cây dao mô hình. Nhiệm vụ chủ yếu là để gọt bớt nhựa thừa trên part. Dao mô hình cần phải sắc để có thể gọt qua nhựa mà không để lại vết, tay cầm phải thật chắc để không bị cắt lẹm vào … ngón tay của modeler. Nghiêm túc đấy, dao mô hình cực kì sắc, không dùng để đùa được đâu. Do đó mình chỉ khuyên bạn nên dùng dao mô hình nếu bạn đã vững, và đủ lớn để chơi dao. Còn builder nhí thì chỉ nên xài kềm là được rồi. Hiện nay, bộ dao rẻ nhất là 9Sea tầm khoảng 70k là hoàn toàn đủ dùng với người mới chơi. Nhưng nếu bạn muốn xịn sò hơn có thể mua của Tamiya hay X-Acto.

Sau dao mô hình là dụng cụ mài. Về thể loại này thì có ti tỉ các loại mà bạn có thể lựa chọn. Bạn có thể mua những cây dũa (sanding stick), hoặc dùng cây buffer stick thường hay dùng để làm nail, hoặc bền hơn là các cây dũa sắt. Mỗi loại có grit (độ nhám) khác nhau, số càng lớn thì độ nhám càng mịn. Khi bắt đầu mài, bạn nên làm từ số nhỏ (P120 – P240), sau đó tăng dần đến P400, P600 hay P1000, thậm chí muốn bề mặt láng mịnh hơn nữa thì tăng dần tới P8000 hay P10000. Về dụng cụ mài, khi mới chơi bạn nên thử những sanding stick rẻ tiền là đủ dùng, như những bộ của Ustar hoặc của Trung Quốc chỉ có vài chục nghìn thôi. Nhưng nên nhớ là phải dùng loại cho mô hình vì giấy mài thông thường thì độ mịn không đều, dễ sước. Cao cấp hơn thì có những tấm giấy mài của Tamiya hay Godhand, nhưng ở Việt Nam rất ít shop bán


Giấy mài Godhand, đừng đùa, nhỏ nhưng có võ đấy

.Sau khi ráp xong chú Gunpla, việc tiếp theo là bạn sẽ đi line (panel lining). Ở bài trước, bạn sẽ thấy việc đi line chỉ cần một cây Gundam Marker là được. Tuy nhiên cây Gundam Marker có nhiều nhược điểm như nét đậm, dễ lem, mất thời gian. Do đó, bạn nên đầu tư thêm một số dụng cụ kẻ line khác như Pour type marker, hay các lọ dung dịch kẻ line pha sẵn. Những loại này có ưu điểm là chỉ cần nhỏ vào các rãnh trên Gunpla là mực tự chảy dọc theo rãnh, đợi một lúc cho mực khô rồi dùng xăng zippo để xóa các vết lem thôi. Việc này giúp giảm bớt thời gian đi line rất nhiều, đường line lại mảnh hơn. Thông thường Modeler có 3 lọ: lọ màu nâu sẽ hợp cho các Gunpla màu đỏ, màu xám nhạt sẽ hợp cho Gunpla màu trắng hoàn toàn và màu đen là dành cho các loại còn lại. Riêng mình khuyên bạn nên mua một lọ Tamiya Panel Line Accent màu đen khoảng 150k là đủ dùng cho vài năm tới rồi.

Một lọ là đủ dùng cả đời trừ khi bạn làm đổ ra bàn =)))

Decal: Riêng về decal thì ngoài các sticker có sẵn trong bộ kit ra, các modeler cũng thủ sẵn những bộ decal custom riêng để dùng. Decal trong Gunpla có 3 loại: sticker chỉ việc dùng nhíp để gắp, decal “cà” – phải chà sát lên bề mặt decal thì mới dính lên bề mặt nhựa, decak nước – phải thả vào nước thì decal mới lột ra để dính vào part. Mình khuyên bạn khi mua các bộ MG, nên tìm xem có những bộ decal custom bán sẵn cho kit đó không. Ngoài ra bạn cũng nên có một túi đựng những decal còn thừa, nhỡ đâu sau này lại có cơ hội sử dụng sau này. Nếu muốn dán decal thật đẹp bạn cũng nên thủ sẵn 2 lọ Mark Setter và Mark Softer. Cụ thể thế nào thì đợi một ngày “không xa lắm” mình sẽ viết về các kĩ thuật nâng cao về Gunpla sau nhé.

Decal custom gồm số, những logo cơ bản

Bạn cũng nên thủ sẵn một lọ keo. Đúng là các part sẽ tự gắn với nhau mà ko cần keo. Tuy nhiên sẽ có một số part bị lỏng quá, hoặc bị gãy, bạn sẽ cần keo để sửa. Đừng mua keo 502 nha, nên mua lọ Tamiya Cement 150k là đủ dùng rồi (riêng loại này chớ hít thật nhé, thơm nhưng độc lắm đấy). Khi mới chơi, bạn còn sẽ bắt đầu sưu tầm các cây bút sơn, ở Việt Nam thì phổ biến nhất vẫn là bộ bút Gundam Marker của Bandai (cỡ 50k một cây). Bút sơn chỉ dùng để sơn tạm những part nhỏ, hoàn toàn không phù hợp với bề mặt lớn. Đến đây bạn sẽ phân vân, liệu có nên đầu tư một bộ súng sơn xịn không nhỉ (nhưng cái này thì để một ngày không xa nói nhé).

Còn gì nữa nhỉ? Nhiều lắm, bạn cần thêm hộc để đựng dụng cụ nè, cần vài cái kệ để trang trí bằng vài chú Gunpla nè, cần một số base để đặt Gunpla nè, putty để lấp chỗ lõm, cần đủ loại chisel để khắc lên nhựa, cần băng keo để sơn và cố định đường line nè, các custom part, plaplate, part kim loại thay thế, … blah blah blah. Đấy là chưa kể khi bạn bước vào con đường sơn và làm sa bàn nữa nhé.


Sẵn sàng rồi. Chuẩn bị mua Gunpla thôi.

Xong rồi đấy, bạn đọc đến đây và mua một đống đồ mình vừa kể trên và sắp xếp thật gọn gàng trên bàn làm việc. Ủa mà hình như trên bàn còn thiếu thiếu? Thiếu một bộ Gunpla chứ còn gì nữa. Nhấc mông đi kiếm một kit và thử xem mình gear-up xong có khác gì không nào.

Happy building.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly