Gần Tết rồi thôi nói chuyện ăn mặc, nghỉ dưỡng và thần thái thôi ha.
Những game Assassin’s Creed tui chơi gần đây, dù là Alexios hay Bayek nó đều gợi nhớ đến những cầu thủ bóng đá mình yêu thích ngày xưa. Alexios như Alessandro Nesta, một trung vệ có lối chơi lãng mạn. Bayek lại như Ibrahimovic, một gã tiền đạo sát thủ có thể lặng lẽ suốt trận đấu nhưng kết liễu đối phương ở phút thứ 90, để khiến cả khán đài nín bặt, các cổ động viên chỉ chực chờ tiếng còi của trọng tài để ùa ra đường nay phải thu xếp kèn trống. Bayek không bặm trợn nhưng dứt khoát và mạnh mẽ. Bayek có thể cao to đen hôi, nhưng cái cách của anh khi tản bộ qua những cánh đồng với bàn tay xòe ra ân cần chạm vào những ngọn lúa chín nó cho tui thấy bóng dáng của một người lãng mạn.
Ai Cập trong Assassin’s Creed tuyệt đẹp, thực ra khi nói những game thuộc series này có bối cảnh đẹp nó giống như hàng năm chúng ta đánh giá một chiếc iPhone mới vậy, nó hiển nhiên đẹp và hiển nhiên tốt, vấn đề chỉ là nó hợp với các bạn hay không mà thôi. Đối với tui, một người đến sau với dòng game này thì hai bản Odyssey và Origins nó mang lại những chuyến du lịch thực sự, đôi khi tui dán mắt vào màn hình BenQ xịn 32 inch độ phân giải 4k pixel lâu đến nỗi đủ để quên rằng mình đang chơi trò chơi điện tử. Tui dạo qua một ngôi làng và ngắm nghía khu chợ cá, chờ đến trời sập tối để xem người dân ở đấy múa hát, khi đến Alexandria tui trầm trồ một hồi rất lâu, đến khi vào thư viện tui có thể kết luận bối cảnh của Ai Cập nó mang một cảm giác hoàn toàn khác so với Odyssey. Nếu Odyssey tui thường tưởng tượng mình được Doraemon cho vào cỗ máy thời gian để du hành về thời cổ xưa, thì với Ai Cập tui có cảm giác mình đang trong một chuyến du lịch ở một resort nào đó, từ một villa ở trung tâm thành phố đi ra nó như từ phòng mình mở cửa bước ra là đường đến những nơi dân địa phương sinh sống.
Tuần trước tui đã đặt mua kha khá các cuốn artwork về Assassin’s Creed và nói không ngoa nếu cuốn artwork đó chỉ có duy nhất những bức ảnh cận cảnh về vũ khí, quần áo, và các kiểu nón của nhân vật thôi tui vẫn hét vào mặt anh bán hàng “shut up and take my money!” không ngần ngại. Xin ngả mũ với những người làm art ở Ubisoft, art của dòng game này được chăm chút tỉ mỉ không chỉ ở bối cảnh, những công trình kim tự tháp hùng vĩ mà cả ở từng thanh gươm, khiên giáp. Cây Broken Spear of Leonidas luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà tui và thỉnh thoảng dù bận tui vẫn dành ít thời gian đứng ngắm nghía nó với vẻ tự hào, đôi khi đã bước ra khỏi cửa tui vẫn ngoái lại nhìn. Không chỉ tỉ mỉ và đẹp mắt, đội art họ quan tâm đến rất nhiều chi tiết, như… tóc của Bayek.
Trong một nhiệm vụ sau khi hoàn thành tui có gặp vợ anh ta và sau khi làm những gì vợ chồng lâu ngày gặp lại hay làm xong thì cô ta bắt đầu cắt tóc cho Bayek, thực sự thì đối với tui những mối rạn nứt bắt đầu từ đây. Cô ta cạo đầu chàng trai này bóng lưỡng khiến tui cực kỳ phẫn nộ vì giờ đây ông anh Bayek chẳng khác gì mấy anh thường dân hôm qua bị toán lính Ai Cập rượt chạy có cờ từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Từ hồi chơi Odyssey tui đã luôn toggle chức năng đội nón của nhân vật chính vì muốn thể hiện 100% cái thần thái và mái tóc bồng bềnh dù là phi trên yên ngựa hay những lúc vào sanh ra tử. Muốn Alexios của tui đội một cái nón lính Hy Lạp normie? Xin lỗi không là không. Muốn Bayek của tui cạo trọc đeo mặt nạ sắt? Hell no. Thế là sau khi thoát ra khỏi cái địa ngục đó tui lập tức nhấn vào menu để tìm một cái nón kín mít để đội vào, như một cách thể hiện thông điệp chống đối và quên đi một Bayek trọc lóc normie. Nhưng, 10/10 cho đội Ubisoft, họ cho game 3 chức năng mà tui gọi là “hành động nhỏ mang ý nghĩa 990k + full DLC”, bạn có nhiều chế độ cho phần đầu: Để đầu trọc (1/10), đội nón (8/10), để lại mái tóc thắt bính râu ria (10/10).
Đâu đó gần đây tui thường nghe anh em nói rằng thời đại bây giờ người ta không còn quan tâm đến gỗ nữa, thời đại bây giờ nước sơn thống trị mọi thứ nhưng ở đây tui muốn nêu quan điểm cá nhân rằng thời đại bây giờ BẠN PHẢI TỐT CẢ GỖ LẪN NƯỚC SƠN. Phải tốt như Bayek.
Phần gỗ của Bayek xin để ở một bài khác nhưng phần nước sơn của Bayek nó không chỉ dừng lại ở đầu tóc râu ria. Phần thân bạn có thể mặc áo xống theo set, thời trang con rắn, thời trang Ai Cập, thời trang binh sĩ, nhưng tui là một người cố gắng nhập tâm phần bản ngã của mình vào game nhiều nhất có thể nên tui chọn những bộ quần áo mà ở Sài Gòn hay mặc: vải mát đơn giản, quần ngắn và không đội nón. Tui thực sự không hiểu được chỉ ở Sài Gòn thôi chưa nói đến vùng sa mạc gió cát mặc một chiếc áo thun và quần dài ra đường nó đã có thể xem là cực hình thì làm sao có thể để cho Bayek mặc áo vài ba lắp giáp sắt các thứ? Thế là mỗi khi làm nhiệm vụ nào mà kẻ thù có level cao hơn mình khá nhiều thì tui mới mặc giáp và đôi khi đội sắt che kín mặt cho đúng điệu, còn khi chỉ là tui trên lưng ngựa đi phượt đây đó và thỉnh thoảng hạ vài con cá sấu tui không ngần ngại nhấn menu vào mặc lại bộ đồ đơn giản mát mẻ. Như đã nói ở trên khi không làm nhiệm vụ bò lê và dùng hidden blade cướp đi mạng sống của người khác thì tui xem Ai Cập là một resort lớn, nói đến đây có một điểm tui khá phê bình Assassin’s Creed khi không có một quán bar nào trong các bản mà tui từng chơi, khác hẳn với The Witcher 3 ta có vài ba quán gọi là mỗi khi chán sự đời để vào ra. Cả Odyssey và Origins những gì ta thấy chủ yếu là những trang trại trồng nho làm rượu và vài lời mời uống beer từ một số NPC mà Bayek đều từ chối. U mê thực sự. 0/10.
Bayek hay Alexios bản chất họ không phải sát thủ, họ là đấu sĩ là lính đánh thuê. Thực chất cá nhân tui nhìn Bayek không có vẻ nhiều của một sát thủ hoa mỹ, anh ta là kiểu người của hiệu quả, anh ta làm gì để đạt mục đích một cách nhanh gọn nhất, chấm hết.
Thế nên đôi tay của Bayek có thể cầm nắm khá nhiều thứ, ý tui ở đây là cầm vũ khí, từ dagger, búa, kiếm, giáo mác cho đến thương,khiên… Chính việc có thể lựa chọn nhiều loại vũ khí chưa kể vô số các loại hoa văn và dáng điệu nó làm Bayek “gần” với thằng tui hơn bao giờ hết. Tui có xu hướng chọn những thứ vũ khí ít đồ tể nhất có thể, tui khá chán cái việc cầm nhân vật chính đi đâu gặp ai cũng dầm nát người ta ra hoặc dùng kiếm xiên đối thủ máu văng tung tóe, dơ quần áo, mặt mày nhơ nhuốc. Đành rằng đôi khi bắt buộc phải làm thế nhưng đa số trường hợp tui chọn một cây staff thầy chùa để sử dụng. Tui bằng mọi cách phải có được cây trượng đầu rắn mà băng qua những vùng rừng thiêng nước độc đối mặt với những gã đối thủ hơn mình nhiều level, chỉ để sau đó có thể thi triển những chiêu thức rồng bay phượng múa, mà không có máu.
Nói chung đời chơi game tới giờ Bayek là một trong những nhân vật mà chỉ nhìn từ bề ngoài thôi đã thấy vừa cảm tình vừa ái mộ cùng một lúc, kiểu như vừa xem phim super heroes bước từ trong rạp ra thấy đời như vũ trụ phim ảnh và thấy mình như Thor. Vũ trụ của Assassin’s Creed nó tạo dựng toàn những người mà nếu đem đi thi hoa hậu không biết nên chọn ai ngôi vương. Người như Bayek các bạn có thể sẽ không cần phải biết tiểu sử của anh ta là gì, học trường nào, dị ứng với những loại thức ăn nào, thuận tay trái hay tay phải, chỉ trong vài tích tắc vào game ngã người ra chiếc ghế bành để thưởng thức những bước chạy của chàng trên sa mạc là đã đủ để xao xuyến, tui có thể khẳng định như vậy dù tui là đàn ông. Tui cũng có thể khẳng định dù tui gặp bất cứ một cô gái nào đó và hỏi xem mẫu đàn ông lý tưởng của nàng là gì: chàng trai bàn bên, Donald Trump, Gabe hay Justin Bieber tui cũng không quan tâm vì chắc chắn các bạn sẽ thích Bayek hoặc ít nhất một lần muốn cùng một tuýp đàn ông có thể bảo vệ mình như thế nhảy múa bên đốm lửa, giữa những sa mạc cằn cỗi, một đêm Ai Cập Trước Công Nguyên.
Không phải chỉ tui, có lẽ cả Cleopatra cũng nghĩ thế?