Cảm nhận cá nhân về series Devil May Cry

Huyền thoại ★

  

Devil May Cry, một series game hack and slash vốn dĩ ban đầu lẽ ra chỉ là một phần Resident Evil khác của Capcom nay đã trở thành một tượng đài trong lòng của rất nhiều game thủ không phải vì nó hay theo kiểu sâu sắc gì cả, mà tất cả là do… sự over the top rất “Nhật Bản” nằm ở trong gần như mọi thứ mà game đưa ra- Từ nhân vật ngầu bá đạo bất cần đời đến những pha nhồi combo chặt chém SSS với góc quay camera hỗn loạn và những câu chuyện “Anh hùng diệt quỷ cứu cả thế giới” quen thuộc nhưng được thực hiện theo cách rất tốt (đa phần là vậy). Với những ai bắt đầu chơi game ở cái giai đoạn tuổi teen, nhân vật Dante- con trai của Quỷ Sparda và người mẹ phàm trần Eva cùng cuộc phiêu lưu/ đối đầu với các nam thanh nữ tú như Trish, Lady, Nero, Vergil sẽ luôn luôn là một điều gì đó vô cùng gần gũi.

Dĩ nhiên là một gamer lớn lên cùng với sự phát triển của PS2, tui đã chơi qua tất cả các bản Devil May Cry (DMC) đã ra mắt, và đây buồn cười thay mới là lần đầu tiên mà tui viết về một trong những series video game tui vô cùng yêu thích. Và để chào mừng Devil May Cry 5 sắp ra mắt thì tui sẽ “càm ràm” nhanh về từng tựa game một.

*Tui không chơi theo đúng thứ tự phát hành lắm, tuy nhiên để cho tiện thì tui sẽ viết theo đúng thứ tự đó nhé*

Devil May Cry

Về mặt cá nhân, đây chính là bản DMC thứ hai tui được đụng vào, sau khi trở thành fan của nó vì một phiên bản “không cần nói ai cũng nghĩ tới đầu tiên”. Tuy nhiên, để nói chỉ riêng về tựa game này và suy nghĩ về nó như kiểu “Lần đầu tiên Devil May Cry xuất hiện trong làng game thế giới”, cũng như việc Resident Evil 4 với góc nhìn qua vai, đây có lẽ chính là một trong những game đã cách mạng hóa lối chơi hack and slash. Nên nhớ, trò này ra mắt vào năm 2001, chỉ có một năm sau khi có PS2 mà thôi.

Và tui có nói ở trên rằng DMC vốn dĩ ban đầu được phát triển như một game Resident Evil đúng không? Phải, nó lẽ ra là RE4 đấy, và Dante chính là “Leon Kennedy” đấy (Thật ra là làm một nhân vật mới tên Tony, nhưng ý là Dante lẽ ra là main của RE4, và tên Tony Redgrave sau này được Dante sử dụng như là để tri ân RE lẫn Chris Redfield), mà rồi họ đã có một quyết định cực đúng đắn là nên cho tựa game này đứng riêng, đến nỗi sau này RE bị chọc là “một game zombie chậm chạp” sau khi giết thần diệt quỷ cùng Dante. Và vì vốn là từ RE phát triển thành, đây chính là tựa game DMC “kinh dị” nhất xét về mặt không khí, kiểu như Capcom vẫn còn giữ lại cái chất rợn rợn gáy nổi tiếng của RE và đem vào trong đây, khi âm thanh và hình ảnh đánh sáng rất âm u (cốt cũng để che những thiếu sót đồ họa bấy giờ) để rồi khi quái xuất hiện thì mọi thứ lại chuyển qua một màn tả xung hữu đột chấn động càn khôn.

Một điều nữa để nói về DMC chính là… nó khó vãi cả $)%*(# ra. Một phần cũng vì quái và cả boss đều rất trâu bò lì lợm và quạt tay một phát cũng tuột máu tựa Dark Souls ấy (hay Demon Souls hồi đó), một phần là vì cái sự cứng ngắt trong gameplay mới được tạo ra vô cùng non trẻ nhưng lại là nền tảng cho sự hỗn loạn lừng danh sau này. Điều đó không có nghĩa là gameplay tệ. Heck, hãy nghĩ thời 2001 mà có một game cho ta quay cuồng cùng kiếm và súng mà xem, cả một bầu trời sung sướng đấy.

Về mặt nội dung thì chúng ta theo chân anh chàng thợ săn quỷ ngầu lòi Dante, với mái tóc bạch kim và bộ đồ màu đỏ máu xem chừng như bất tử khi kiếm đâm xuyên người chả hề hấn gì, đi theo một cô nàng có hình dạng giống hệt mẹ anh đến một lâu đài mà cô bảo Chúa quỷ Mundus- kẻ đã bị cha anh là Sparda giam cầm- rồi sẽ trở lại. Cả game chính là một hành trình chặt chém quanh lâu đài và đồng thời cũng là để chúng ta có cái nhìn sâu hơn về huyền thoại Quỷ vương Sparda cùng với bi kịch trong gia đình của Dante: chiến đấu với người anh song sinh bị hóa thành con quỷ Nelo Angelo, những nỗi đau thầm kín trong anh về cái chết của mẹ và là cả một sự trưởng thành trong tính cách của mình.

Nói chung, màn ra mắt của DMC và Dante là quá ấn tượng. Tuy đơn giản nhưng nó đã phát triển được nhân vật Dante trở thành một tượng đài mới gần như tắp lự, mặc cho việc lồng tiếng khi đó… hơi tệ. Và dĩ nhiên, cũng như những thứ ăn khách, nó phải có phần tiếp theo.

Devil May Cry 2

Đây chính là phiên bản bị xem là con cừu đen của cả series (chính xác hơn là trong những game gốc, ta sẽ bàn vấn đề này sau). Những điều khiến cho nó bị ghét chính là gameplay nhàm chán, Dante ngoại trừ cái xác (cũng thay đổi nhiều thôi rồi) thì lại không hoàn toàn có được bản chất phớt đời như cái cách người ta đã yêu mến từ phiên bản đầu tiên, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo- ấy là chưa kể còn búng xu hệt như Two-Face kẻ thù của Batman; và tiếp đó sự xuất hiện của một nhân vật cũng chán òm tên là Lucia và cốt truyện ngăn chặn tên doanh nhân Arius đang muốn mở lại Hell’s Gate để chiếm sức mạnh từ thế giới quỷ…

Tựa game này do không được phát triển bởi Hideo Kamiya và Capcom Production 4, thế nên nhiều người vốn không muốn nó nằm trong dòng thời gian chính lắm, chưa kể do cái kết mở khá… vô duyên của nó nữa. Nhưng sự thật thì, trái với ý nghĩ của rất nhiều fan, nó còn diễn ra trước cả DMC 4 theo tiết lộ của Capcom. Cả Dante và Lucia đều là những nhân vật điều khiển được, câu chuyện được kể một cách song tuyến và từ góc nhìn của hai người chúng ta sẽ có một câu chuyện chán một cách hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, tui sẽ có một chút ý kiến trái chiều.

Theo cảm nhận cá nhân tui thì, trừ cái cốt truyện chả có gì đặc sắc, DMC2 có những điểm sáng hiếm hoi nhưng bị lu mờ bởi những thứ tệ hại và cả bởi cái màu sắc tối òm “cố tình dark deep” của nó. Điều đầu tiên đó chính là cơ chế điều khiển chiến đấu của DMC2 mượt mà hơn người tiền nhiệm rất nhiều, thậm chí tui đánh giá điều này cao hơn cả phiên bản DMC hay nhất sẽ đến tiếp sau đây. Đó là việc nhào lộn, chạy nhảy và đánh kiếm bắn súng linh hoạt hơn, dẫu cho vài góc camera bị đứng là một điều ngu ngốc nhất khi chơi DMC. Về sau nó bị đổi thành “styles” trong DMC3 và trước mỗi màn hoặc khi gặp mấy cái Divinity Statue thì mới đổi được, còn ở DMC2 thì chỉ cần nhớ vài động tác là có thể phối hợp được nhiều “styles” ngay, và nó tiện hơn khá nhiều (cho đến khi DMC4 đã khiến cho chỉ cần chỉnh D-pad là Dante đổi style ngon lành). Tuy nhiên hệ thống vũ khí quá “cổ điển” theo kiểu light, balance và heavy thì quá sức tẻ nhạt; vũ khí cũng chẳng đa dạng.

Tính cách của Dante bị thay đổi thành một tên siêu lạnh lùng, ít nói cứ như một nhân vật hoàn toàn khác thật ra cũng có cái hay của nó. Nhiều người đã suy đoán rằng kiểu Dante bị một chút PTSD sau phần game đầu tiên: giết anh ruột, bị đồng đội “phản”, nghe ra nhiều sự thật hay đại loại đã khiến anh chàng khép kín hơn… Đó cũng là một cái hay khi ta chứng kiến một nhân vật ở những giai đoạn khác nhau- cái này chắc khủng hoảng trung niên quá. Dante tuy ít nói, nhưng mở miệng ra câu nào là gắt câu đó khiến cho những câu thoại của anh có sức nặng hơn rất nhiều. Heck, xem đoạn “King? Here’s your crown” mà xem!


Tui có nói rằng tui nghĩ hình ảnh Dante bản này mới là ngầu nhất trong tất cả, kể cả DMC5 sắp ra chưa nhỉ?

Devil May Cry 3: Dante’s Awakening

Đây chính là phiên bản DMC đầu tiên mà tui được đụng vào (bởi vậy từ cái này về ngược lại DMC mà chơi thì mới hiểu cảm giác bị “lật” gameplay nó khổ cỡ nào), và vô tình thì bối cảnh câu chuyện này cũng là một prequel của bản tiền nhiệm kể về cuộc chiến giữa Dante và người anh trai song sinh Vergil (bị biến thành Nelo Angelo kể trên). Và đây chính là lúc DMC thật sự lột xác, gần như hoàn thiện hết tất cả những gì tốt nhất và đặc trưng nhất của nó, biến DMC3 nói riêng và series DMC nói chung thành một huyền thoại mới trong làng game.

Bắt đầu từ đâu đây nhỉ? Hãy nói về gameplay nhé. Đây chính là game DMC chặt chém đã tay và thử thách bậc nhất cả dòng game. Cái “yếu điểm” camera nay đã được thay thế bằng một thứ còn… “mất dạy” hơn chính là sự tự do gần như hoàn toàn trong việc chỉnh góc quay camera (dẫu chưa thật sự tốt 100% nhưng vẫn cứ là tự do). Hệ thống vũ khí giờ đây cũng cực kỳ đa dạng (theo nghĩa đen luôn từ kiếm đến công tam khúc, đến đao Lửa Băng như Close Up, đến bao tay găng tay kungfu panda đến guitar điện!) dù mỗi lần chỉ được đem theo 2 con hàng cận chiến nóng cùng với súng ống và như nói trên đó là hệ thống style tách biệt, nhưng nếu biết phối hợp thì bạn hãy chuẩn bị đạt “khoái cảm” là vừa.


Ở bản Special Edition, một bản game xuất hành ở thị trường Tây để… giảm độ khó, Vergil là một nhân vật playable và HOLY SHIT HE’S AWESOME! Vì sao thì sẽ nói ở dưới nhé.

Về mặt nội dung thì đây chính là bản có câu chuyện và xây dựng xuất sắc nhất cả series tính đến trước khi có DMC5. Chúng ta vào vai một Dante còn rất trẻ và rất trẩu, sống vô cùng bất cần và thậm chí là xuề xoà, nói chuyện bông đùa gắt gao nhưng ẩn chứa bên trong là cả một nỗi mất mát khôn nguôi, việc làm thợ săn quỷ có lẽ chính là cách để anh khoả lấp đi nỗi đau đó: giết lũ đã giết mẹ mình và khiến anh mình mất tích (Thật ra họ đã gặp và choảng nhau một năm trước đó dựa trên manga DMC)… Chúng ta cũng được giới thiệu thêm một nhân vật nữ cũng có ý báo thù là Marie/Lady với khẩu bazooka gắn lưỡi dao bự tổ bố… Cuối game chúng ta cũng sẽ nhận ra ý nghĩa của từ Devil May Cry thật sự là gì, và cũng tương tự như rồi dòng chữ Devils Never Cry mà tiệm Dante đổi tên sau này, nó chính là sự phát triển của cái “nhân tính” bên trong Dante.

Maybe somewhere out there even a devil may cry. Don’t you think?

Nhưng quan trọng nhất của phần này chính là sự xuất hiện của Vergil! Anh chính là MVP của cả DMC3!

Dante được xây dựng hay bao nhiêu, nhân 10 lần lên là có Vergil. Ở mặt gameplay thì Vergil tuy “chỉ” có 3 loại vũ khí thôi nhưng những đòn combo của Vergil đơn giản, chắc chắn và cực kỳ hiệu quả đến mức OP thôi rồi. Về tính cách, Vergil trầm tĩnh hơn nhưng tham vọng hơn. Giữa hai người con lai thì có vẻ Dante là đứa con hướng về phần người còn Vergil là đứa hướng về phần quỷ trong huyết quản của mình nhiều hơn. Vergil căm phẫn và cho rằng chỉ có quyền lực mới có thể giúp anh chống lại tất cả những mất mát. Và thế là Vergil đã bị “giật dây” trong một âm mưu khác để chiếm lấy sức mạnh của Sparda và cả địa ngục.

Một kẻ muốn sử dụng năng lực của quỷ dữ để làm bá chủ, một kẻ lại muốn chôn sâu nó mãi mãi để bảo vệ thế giới loài người, và thế là màn huynh đệ tương tàn hay bậc nhất thế giới game đã diễn ra.

Devil May Cry 4

DMC4 là một phiên bản mà theo tui nghĩ là nó giống như Arkham Knight trong Arkham series về Batman vậy. Tức là gameplay của nó thì thật sự là đã được gò dũa tốt hơn khá nhiều, hình ảnh cũng đẹp hơn (hồi đó tui mê mẩn dạng hình ảnh đồ hoạ lai lai hoạt hình của DMC4) và nó cũng kể được một câu chuyện… có thể gọi là ổn. Nhưng vẫn có cái gì đó chưa đủ mặc dù tui cực kỳ thích nó.

DMC4 cho chúng ta theo chân một nhân vật hoàn toàn mới là Nero. Nội dung câu chuyện lần này xoay quanh một hội kín được gọi là The Order of the Sword ở trên đảo Fortuna Island, và đây là một hội nhóm thờ… Sparda. Nero là một thành viên trong hội, và anh chứng kiến Dante bay xuống từ trần nhà như Batman để kết liễu Giáo chủ của mình. Sôi máu, Nero lao vào đánh chém và săn lùng Dante, chỉ để nhận ra sự thật đen tối về những người xung quanh mình, và Dante thật ra mới đang làm người đi “phá án”. Câu chuyện cũng tập trung vào mối tình giữa Nero và nàng thơ Kyrie, nhưng cô chả phải nhân vật bá đạo gì (như các nhân vật nữ trước) mà chỉ là một mỹ nhân chờ chàng cứu thôi.

Việc điều khiển một nhân vật mới không làm tui khó chịu, nhưng điều tui cực kỳ không thích về nhân vật này là nó rip off gần như… 90% tính cách của Dante trẩu của phần 3 ngày nào, còn Dante thì giờ đây đã già dặn hơn và đóng một vai trò hoàn toàn khác (và chỉ được điều khiển trong khoảng 5 màn chơi). Thêm nữa việc Nero có một quả tay Devil Bringer làm cho mọi thứ… tuy đẹp mắt nhưng thật sự lại dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tung đòn. Vô tình Nero trở thành một John Sue về mặt kỹ năng, còn về tính cách thì anh ta được phát triển… chẳng có cái gì ngoài việc la hét Kyrie khắp nơi. Về Dante thì tuy ít ỏi nhưng thật ra 5 màn chơi của Dante lại thu hút hơn vì sự đa dạng trong style và vũ khí (để giúp “cân bằng gameplay” vì Nero có hơi OP so với Dante) để tự do chém giết trong khi Nero chỉ cần “vung tay” là giải quyết đa số vấn đề.

Đồng thời về mặt không khí thì đây là game DMC sáng sủa nhất trong series, âu cũng do mọi thứ diễn ra vào ban ngày với ánh nắng chói chang, trừ một vài địa điểm… Và nó cũng đã làm cho cái không khí bí ẩn bị mất đi, dẫu ý đồ là kiểu “Vẻ bề ngoài không che được cái đen tối bên trong”, kiểu thế.

Bản bổ sung sau này, DMC4 Special Edition còn cho chúng ta một chút góc nhìn và cả là việc điều khiển được Vergil (dĩ nhiên!), Trish và Lady. Điều thú vị là nó hint rất mạnh về mối quan hệ giữa Vergil và Nero khi Vergil vốn đến Fortuna Island từ khá lâu và có một nữ nhi theo gót.

DmC: Devil May Cry

Còn nhớ tui đã từng viết những dòng càm ràm cực kỳ cá nhân về tựa game này (Seed nhẹ: Những tựa game thật sự không đáng bị đánh giá thấp đến vậy ). Nhưng hôm nay thì tui sẽ khách quan hơn với những lời đánh giá cho tựa game DMC (nếu muốn gọi vậy) mà tui ghét nhất, ghét cay ghét đắng là khác (dù đã phá đảo 2 lần). Và tui sẽ nói nó như một phiên bản Earth 2 của cái series kia vậy vì đây là một nỗ lực reboot DMC của Capcom.

Thế giới bị thao túng bởi Mundus và những tay sai của hắn, và chế độ độc tài ấy đã làm dấy lên một hội kháng chiến. Dante giờ đây là một thanh niên có lối sống cực buông thả, thế nhưng anh vẫn là một kỳ nhân dị sĩ và dĩ nhiên anh sẽ phải dính líu đến cái mớ hỗn độn kia. Hóa ra, đó chính là người anh em song sinh Vergil của Dante đang cố gắng diệt trừ Mundus, gợi lại cho Dante biết về nguồn gốc lai giữa thiên thần và ác quỷ của mình- một Nephilim, sinh vật duy nhất có thể tiêu diệt Mundus.

Điều có thể thấy rõ nhất chính là nỗ lực “Tây hóa” lore của DMC và biến mọi thứ có vẻ mỉa mai xã hội hiện đại, loài quỷ nắm giữ cả thế giới từ bên trong những vấn đề xã hội như tài chính và truyền thông… Chỉ cần thấy vậy thôi là cũng có chút kỳ kỳ với một game mang tính chất fantasy rồi đấy. Ấy là còn chưa kể là việc thay đổi ngoại hình Dante từ khi trailer ra mắt đã khiến cho Ninja Theory và Capcom ăn đập tưng bừng (Đã vậy lại còn trêu ngươi fan ruột với quả “Not in a million year” nữa chứ). Dẫu cho fan ruột có thể bỏ qua việc ngoại hình, kể cả tính cách của nhân vật cũng bị ngoặc luôn 180 độ như Vergil hèn nhát dùng súng bắn cả “phụ nữ mang thai” chẳng hạn… Nói chung là có rất nhiều thứ làm cho DmC bị ghét nhiều hơn là được ưa thích.

Nhưng nói game này không có gì tốt thì là sai. Những ý tưởng của nó về việc limbo và thế giới thực bị tách đôi là một điều cực kỳ thú vị và kể một câu chuyện ngầm mang hơi hướng tâm linh khá hay. Những trường đoạn “unlock” bản thân của Dante là những điểm dừng, khoảng lặng vô cùng cần thiết. Việc chia hệ thống vũ khí ra làm mảng Angel và Demon như một sự ẩn dụ về dòng máu Nephilim của Dante cũng là một điều hay ho và khiến gameplay tuy đa dạng nhưng lại hơi… bất tiện đôi phần cho việc nhồi combo. Còn về mảng chặt chém thì phải thú thật NInja Theory đã làm quá tốt, duy chỉ có hệ thống điểm style là một điểm trừ vì nó… “hơi dễ” so với những bản kia.

Tựu chung thì, đây là một game hack and slash hay xét về gameplay, nhưng là một game DMC không hay xét trên nội dung của nó. Nếu nó vẫn sử dụng những hình ảnh và cơ chế này nhưng trong một cái lốt hoàn toàn khác (thậm chí spin off thôi chả liên quan anh em nhà Sparda cũng được) thì tui sẽ có cái nhìn khác về nó.

Review dạo thế là đủ rồi. Cùng nhau đón chờ DMC5 thôi nào!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện