Vì sao Prince of Persia SNES là phiên bản Hoàng tử Ba Tư hay bậc nhất?

Huyền thoại ★

  

Prince of Persia… Nhắc đến cái tên này thôi thì tôi tin chắc là rất rất nhiều người sẽ đang có rất nhiều ký ức đẹp lẫn trái chiều về những tựa game như The Sand of Time, Warrior Within hay The Two Thrones- Bộ ba đã làm nên tên tuổi của series lừng danh này; hoặc là cả cái game cell shading năm 2008 và cả bản The Forgotten Sand nữa… Dĩ nhiên tôi cũng có những ký ức về các phiên bản này dù chúng không trọn vẹn do tôi chưa bao giờ phá đảo chúng cả :v (Trừ The Forgotten Sand, nhưng tôi cũng quên bẵng luôn nội dung của cái phiên bản reboot đáng quên hệt như cái tên của nó vậy). Quay lại câu chuyện, mặc cho rất tôn trọng và phải thừa nhận rằng các phiên bản trên rất hay và lôi cuốn, nhưng chỉ với riêng bản thân tôi thì mỗi lần nghe đến dòng “Prince of Persia” là tôi ngay lập tức nghĩ đến cái game SNES đã gần 30 năm tuổi, không chỉ là vì lí do tuổi thơ mà còn vì nhiều điều lắm.

Một chút lịch sử, Prince of Persia vốn dĩ được làm cho hệ máy Apple II và được thiết kế bởi Jordan Mechner vào năm 1989, và sau khi gây được tiếng vang ở thị trường.. Nhật Bản thì Prince of Persia mới được port rộng rãi hơn qua các hệ máy khác trong nhiều năm sau. Năm 1992, SNES đã có phiên bản port cho riêng mình và nâng cấp đồ hoạ lên hẳn để sử dụng tối đa “sức mạnh” của SNES thời bấy giờ cả về hình ảnh lẫn âm thanh để đưa ra trải nghiệm tốt nhất.

 

Câu chuyện cũng khá là đơn giản: Lão Tể tướng Jafar (Ummm, Aladdin nostalgia?) đã cho bắt cóc nàng công chúa, nhốt nhân vật chính vào lao tù… Và lão biến ra một cái đồng hồ cát với giới hạn là 2 tiếng đồng hồ (Hoho, Sand of Time, hiểu chứ hiểu chứ!?) mà không ai đến giải thoát nàng thì nàng sẽ chết, muốn sống phải lấy hắn. Vì nhà vua không có mặt do chiến tranh để chống lại Jafar nên niềm hy vọng đặt hết vào chàng nhân tình kia.

Câu chuyện chỉ có thế thôi, không gì quá đặc sắc, thế nên cũng như các tựa game cổ điển khác, gameplay- không khí- âm nhạc chính là thứ làm cho Prince of Persia trở nên cực kỳ nổi bật.

Ngay từ khi vào game, chúng ta đã ngay lập tức “nhập cuộc” chạy nhảy để thoát ra ngay, và điều đầu tiên chúng ta nhận ra rằng cơ chế điều khiển này… không dễ một chút nào. Dám nói đây có thể là game platformer/sidescroll có chuyển động thực tế và mượt mà nhất trong lịch sử phát triển của dòng game này, đặc biệt là trong thời điểm mà nó ra mắt. Tôi không nói quá lên một chút nào đâu, nó thực tế là vì nó được lấy motion capture- nếu bạn muốn gọi như vậy- từ chính người thật. Mechner đã quay video lại hình ảnh của cậu em trai mình chạy bức tốc, nhảy và di chuyển các kiểu v.vv… và dùng kỹ thuật rotoscoping khá phổ biến trong việc làm phim hoạt hình để có thể mô phỏng và truyền tải chúng vào chàng hoàng tử. Muốn biết rotoscoping đỉnh cao có thể mượt mà đến cỡ nào, hãy xem loạt phim hoạt hình cổ điển Superman của nhà Fleischer- những người đã phát minh ra kỹ thuật này vào những năm 1940.

Cử động linh hoạt là một chuyện, các bước chạy của chàng hoàng tử còn thực đến mức… có cả lấy đà và quán tính, và đây chính là mấu chốt cực kỳ quan trọng của tựa game này. Chúng ta sẽ thấy rõ chàng hoàng tử cần một bước nhấp mới có thể thật sự chạy đi, dậm đà rồi mới nhảy và khi thắng lại cũng sẽ có một bước quán tính đẩy cho anh bị trượt đi một đoạn mỗi khi ta muốn đổi hướng chuyển động. Và xin hứa, nghe có vẻ hay nhưng hãy dấn thân vào rồi mới biết việc này… “tai hại” đến tuyệt vời như thế nào đâu.

Những hình ảnh chuyển động của Prince

Để hoàn toàn làm chủ được chuyển động của hoàng tử thì ta phải chú ý đến việc thiết kế màn chơi lẫn khung cảnh, điều mà tôi cho rằng nhà làm game đã rất tinh tế. Về vụ bước chạy, hãy nhìn vào những viên gạch to khoảng 1 đốt tay (tuỳ theo giao diện màn hình) mà họ đã cố tình đặt vào. Cậu Tư tôi đã dạy tôi điều này và tôi sẽ truyền lại cho các bạn nếu các bạn dám thử trò này: Nếu nhảy tại chỗ, sẽ nhảy được khoảng hơn 1 ô rưỡi; nếu phải chạy đà thì phải chạy 3 ô sẽ có thể nhảy xa được khoảng hơn 2 ô; nếu đang chạy nhanh mà đổi hướng sẽ bị trượt đi khoảng nửa ô gạch; và luôn luôn trong tư thế giữ nút B để có thể chụp nắm bất kỳ thứ gì mọi lúc.

Việc chú ý khung cảnh màn chơi thậm chí còn có cả một ý đồ khác chứ không phải chỉ là đếm gạch thế này. Tôi dám khẳng định Prince of Persia có việc thiết kế các màn chơi đa dạng, vừa có trật tự vừa ngẫu nhiên đến một cách… quá đáng: bẫy khắp nơi, quân địch rải rác ở những chỗ chả thể hiểu nổi và cả di chuyển của chung cũng thuộc vào hàng đỡ không nổi (sẽ ví dụ cụ thể sau), bất ngờ muôn chỗ và chắc chắn sẽ có lúc bạn phải hét lên “Làm cái gì bây giờ!?”; và chúng ta buộc lòng phải bỏ qua cái vụ “Chỉ có 2 tiếng cứu công chúa” kia mà bình tĩnh, chậm rãi và xử lý tình huống cẩn thận nhất có thể, vì chỉ cần tạch một cái là bạn phải chơi lại từ đầu màn, và thời gian vẫn cứ liên tục đếm. Có tổng cộng 20 màn chơi, nên trung bình bạn có 6 phút để hoàn thành một màn. Thế nên, trí nhớ tốt+ giữ bình tĩnh+ độ nhạy bén+ cả chút may mắn chính là các yếu tố quan trọng nhất để hoàn thành trò này.

Tất cả những sự tính toán, bình tĩnh xử lý trên nếu như làm đúng sẽ cho các bạn những pha bay nhảy (tính trên diện game 2D) cực kỳ epic như: Chạy đến chỗ để ấn công tắc mở cổng, đếm các bứơc gạch để lấy đà rồi sau đó chạy và phóng qua khoảng 4 platform rồi ở đoạn cuối cùng phóng xa gần 1 nửa màn hình, tay nắm chặt vào thành tường trong khi hầm chông bên dưới bật lên, và ta chỉ có thể leo lên rồi lách qua cánh cửa sắt đang dần đóng xuống. Cảm giác đó thật sự rất tuyệt (Tìm video về màn 3 để hiểu tôi muốn nói gì). Còn ví dụ về việc cho chúng ta những thứ cực kỳ WTF mà tôi có thể miêu tả là: Ở cuối màn 9 chúng ta sẽ bị cái bóng của chính mình hãm hại (ya, rip off Legend of Zelda mà sau này The Two Thrones cũng có sử dụng lại 1 chút), khến chúng ta bị rớt xuống vực… Và màn 10 bắt đầu không phải với việc rớt xuống an toàn thôi mà là rớt thẳng xuống dung nham luôn- phải cực kỳ cảnh giác bấm nút B để bám vào 1 platform; ở màn hình trước bạn sẽ thấy đường rộng thênh thang và bạn cứ thế mà chạy, nhưng vừa đổi qua màn hình tiếp theo thì nó là một cái hố nên bạn lọt hầm chông hay rơi tự do chết hồi nào không hay; khi thì bạn phải chiến đấu với một tên lính canh và nó nằm… chết ở ngay cái công tắc khiến cho cổng bị… khóa; ở màn 11 hay 12 gì đó bạn thậm chí sẽ phải đối diện với… 10 cái máy cưa xếp liên tiếp nhau với pattern cực kỳ khó chịu- hoặc bạn từ từ mà đi từng bứơc hoặc bạn ráng mà nhớ hết nhịp máy chém mà làm 1 cú đột phá…hên xui may rủi. Và cứ tạch là quay lại đầu màn! Và tin tôi đi, bạn mà mới chơi lần đầu bạn sẽ chết rất rất nhiều.

Và bối cảnh của game phải nói là cực kỳ đa dạng. Ban đầu bạn sẽ ở trong một hầm ngục tối om xám xịt, dần dà bạn sẽ leo lên những khu vực hành lang đẹp đẽ và sáng sủa hơn, ghê nhất là có cả rớt xuống cả lò thiêu hay dung nham đỏ rực, và cả những hầm mộ rất mang chất… Ai Cập nữa. Tuy không phải thật sự là lung linh thế nhưng có đôi lúc xét theo thời đại chúng ta sẽ thấy được rằng SNES thời đó làm được rất nhiều thứ chỉ với nền đồ hoạ 16-bit. Hoà chung với những hình ảnh bắt mắt đó chính là âm nhạc của game giúp tạo ra không khí cực kỳ âm u, căng thẳng và cả là dồn dập mỗi khi phải chiến đấu.

Nói đến chiến đấu thì phải thừa nhận là cơ chế chiến đấu của trò này cực kỳ đơn giản: đỡ (phím Up) và đâm (Y). Chỉ có vậy thôi mà nó căng não trời ơi đất hỡi mỗi khi gặp những con quái với số lượng máu ngày một tăng cao và đặc biệt là khi gặp boss. (Và trò này không có quá nhiều boss, khoảng 6 con thôi). Có thêm một điều chính là việc di chuyển của trò này có khả năng giúp người chơi thay đổi vị trí nếu “bước xuyên qua” đối thủ và đôi khi sẽ xảy ra khá nhiều tình huống dở khóc dở cười. Có lần tôi đã bước xuyên qua đối thủ, cất kiếm và có ý định bỏ chạy nhưng bấm lộn hướng đi và nó cho một chém chết tươi; và cũng có khi là dụ nó đi xuyên qua máy chém và khỏi cần phải làm gì.


Để hồi phục lẫn tăng độ dài cây máu chính bản thân thì rải rác cả game sẽ là những bình thuốc để hồi máu, để tăng máu và cũng như là… nhiều tác dụng rất kỳ quặc khác như lật ngựơc màn hình, quất luôn cả cây của bạn chỉ còn một giọt hoặc khiến cho bạn có thể… bay. Nói thế để biết là Prince of Persia vẫn rất biết cách làm cho chúng ta vừa ức chế vừa phải phì cười trong nhiều tình huống.

Để hiểu tôi muốn nói gì về việc “chém lộn” trong Prince of Persia thì bạn hãy chỉnh clip này đến khoảng 1:40, hoặc xem hết nếu bạn muốn biết cách bố trí một màn chơi ra sao. Và xin nói trước, đây còn chưa là gì cả.

Nói đến đây, và cả nếu có lòng xem những video liên quan thì có lẽ bạn đã hiểu vì sao tôi bảo Prince of Persia SNES (hay Prince of persia cổ điển nói chung) là một cực phẩm của dòng game platformer vì tính chân thực, bất ngờ và độ khó đôi khi bất công của nó. Đây chính là một tựa game đựơc thiết kế vừa để chúng ta giải trí vừa có thể dạy cho chúng ta cách tính toán tình huống dựa trên quan sát và cả là linh cảm của bản thân, thế nên có thể nói là nó làm đựơc nhiều hơn cả cái vai trò chỉ là một video game của nó. Và về mặt cá nhân thì tôi cũng xin cảm ơn Prince of Persia đã cho tôi một tuổi thơ cực kỳ tuyệt vời và cũng… đầy ám ảnh.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện