Shadow Tactics: Blades of the Shogun, người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia giấu bụi lùm

Khách quen

  Thợ sửa ống nước

Sau bốn ngày với hơn ba mươi giờ chìm đắm trong thời đại Edo, tui lại trở về cuộc sống thật với một sự thỏa mãn xen lẫn tiếc nuối khó tả mà chắc cũng phải bốn năm rồi từ lần cuối cùng tui có cảm giác tương tự với một trò chơi trên máy tính. Tui chơi game nhiều nhưng không chơi nhiều game, và trong vô số trò mà trong cơn khùng tiền tui mua “sẵn” trên Steam nhân những đợt sale của Lord GabeN, có những trò tui xếp xó và quên mất tui đã từng mua, có những trò tui cài rồi chơi thử một hai tiếng xong vứt đó (và có lẽ vĩnh viễn không đụng tới nữa), thì Shadow Tactics đến với tui như một cái duyên, nhờ một chút tiền còn thừa sau đợt mua đúp gói sale của battle pass Dota 2 cộng thêm hơn 15.000 token trong giải đua xe hiến máu mở rộng trên Steam đợt summer sale 2019 cho tui thêm 42.000 vnđ, vừa đủ để mua Shadow Tactics đang khuyến mãi 66%. Tui tình cờ biết đến game này qua một người anh lớn, ông này nói chuyện về việc đọc comic có màu trên Kindle nghe rất là trớt quớt, nhưng được cái chơi game có gu, nên thôi nhắm mắt đưa tay add game vô Steam library luôn.

Để bạn có chút hình dung game này mô tê ra sao thì bạn có thể xem qua đoạn gameplay trailer cho PS4 dưới đây. Đừng xem release trailer vì nó vừa xấu vừa mờ, trót dại mà xem trước có khi hết hứng chơi game luôn không chừng. Đặc biệt hơn là xin đừng xem clip review 2p30s của IGN, nhỏ không học lớn review vội là có thật!

Xem xong clip trên bạn có thấy chút hoài cổ nào không? Nếu bạn thuộc thế hệ sắp sang tuổi gần già như tui, chắc các bạn sẽ thấy thấp thoáng lối chơi của cái game siêu hay nhưng khó trời ơi đất hỡi một thời mang tên Commandos. Tới tận bây giờ, lúc sắp tốt nghiệp đại học tui vẫn không biết làm cách nào để qua được cửa hai. Nhưng thôi đó là chuyện của ngày xưa, thực tại là ở đây, thế giới đậm chất Nhật Bản cổ của Shadow Tactics. Là một người thích Nhật, tựa game này thực sự cho tui đủ mọi thứ mà tui mong muốn theo một cách nguyên bản nhất: shogun, samurai, shinobi và geisha, những đêm họp chợ đèn đuốc sáng rực với dân cư đông đúc, những nhà tắm công cộng đầy đàn ông quấn khố và phụ nữ mặc kimono, những trụ đèn đá, hồ sen, hoa đào, lâu đài thành quách, đền thờ, chùa trên núi,… tất cả đều được xây dựng công phu và tỉ mỉ. Cùng một chỗ nhưng mỗi mùa khác nhau lại có cảnh sắc khác nhau.

Như ngôi chùa trên ngọn Tsuru, mùa xuân đầy màu xanh của cỏ cây, suối chảy thành dòng, đến mùa đông tuyết phủ trắng xóa ngút tầm mắt, chẳng khác gì khách sạn yên bình tĩnh mịch trong phim The Shining. Nhiều lúc đang trong nhiệm vụ ám sát, tui phải tạm tha cho kẻ thù sống thêm mươi phút đồng hồ để dừng chân ngắm cảnh một lượt. Và qua kinh nghiệm lượn lờ chụp ảnh màn hình để viết bài này của tui, tui có thể đảm bảo chỉ nhìn hình hay xem clip trên mạng thì không thể nào cảm nhận hết được vẻ đẹp của cảnh vật trong game. Càng về sau, cảnh càng đẹp thì sự sai biệt độ cao giữa các vùng càng rõ, game lại không có chế độ thu nhỏ hết cỡ để tui có thể bắt được những hình ảnh đồ sộ như thái ấp của lãnh chúa Yabu hay lâu đài Sunpu.

Trên đại lộ Nakasendo cùng Hayato!

Nói về lối chơi, tui được trao cho quyền điều khiển năm nhân vật, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười: Hayato, một shinobi đánh thuê với thanh katana chém sắt như chém đá và một cái phi tiêu bá đạo có thể giết địch trong chớp mắt ở cự ly xa. Tiếc là lúc nào làm nhiệm vụ anh cũng chỉ đem theo duy nhất một cái phi tiêu, mỗi lần dùng xong phải đi nhặt lại rất mất thời gian. Mugen, một samurai bộc trực, thẳng thắn và trung thành. Ngoài tuyệt kỹ xoay kiếm như vũ bão, ông còn mang theo bên mình một chai sake loại thượng hạng nhưng toàn đem nhử người ngoài mà không bao giờ uống. Yuki, một bé gái đơn độc, đệ tử bất đắc dĩ của Hayato, có tài thổi tiêu và đặt bẫy. Takuma, ông già súng đạn với huyền thoại mười viên đạn tiêu diệt mười lăm tên, luôn mang theo bên mình một con chồn lùi Kuma làm trò tiêu khiển. Aiko, một cô gái nhan sắc mặn mòi, giỏi cải trang và trà trộn vào hàng ngũ quân địch. Cô có một loại phấn đặc biệt có thể ném ra làm rối mắt và hạn chế tầm nhìn của kẻ thù. Không như Hayato, cô đem theo rất nhiều phấn, có thể dùng được nhiều lần mà không lo hết. Tất cả đều quy về dưới trướng của Shogun để giúp ông tìm ra kẻ đang âm mưu tạo phản. Mỗi nhiệm vụ là một bài toán lớn, ở đó, bạn phải điều khiển các nhân vật kể trên, hợp tác với nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi nhân vật đều mang lại một khoái cảm riêng khi chơi, nhưng tui đặc biệt thích Aiko không chỉ vì cô là cô gái đẹp nhất game mà còn vì khả năng giết người lúc cải trang của cô. Vừa cười nói lả lơi với một anh lính vừa nhẹ nhàng rút trâm cài tóc đâm một phát vào yết hầu đối phương ngay giữa sào huyệt của địch, trước mặt hàng chục tên lính khác là một cảm giác thỏa mãn kiểu bố mày giết người ngay trước mắt chúng mày đấy, lũ người trần mắt thịt hạ đẳng ạ.

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười!

Dĩ nhiên, đúng như tên gọi Shadow Tactics – Ẩn Thuật, tui phải tìm cách hạn chế sự chú ý của người xung quanh hết mức có thể. Không giống như trong các game nhập vai, nơi nhân vật của tui có chỉ số khủng và trang bị tận răng sau một thời gian tu tập, trong Shadow Tactics, tui mỏng manh dễ vỡ như bọn trẻ trâu tuổi dậy thì mới biết yêu vậy. Mỗi bước đi đều phải tính toán kỹ lưỡng, vì chỉ một tay lính quèn nhìn thấy bạn thôi thì lập tức hắn sẽ báo động cả tổ dân phố túa ra truy tìm bạn. Và rồi an ninh được tăng cường, số lượng lính tuần tra đã đông nay còn đông hơn, bọn đầu não thì cho thêm chục tay samurai đứng hộ vệ xung quanh, mọi kế hoạch ám sát hoặc nghe lén xem như tan thành mây khói.

Một góc thái ấp của Yabu, lính canh đông như kiến cỏ.

Đồng hành cùng các nhân vật của tui thực hiện nhiệm vụ chính là môi trường xung quanh. Shadow Tactics đã làm cực kỳ tốt một việc, đó là đặt nặng sức ảnh hưởng của môi trường xung quanh lên cách bạn thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước mỗi nhiệm vụ, tui phải bỏ công quan sát toàn bộ hiện trường. Shadow Tactics đã làm lu mờ sự tồn tại của mini map và thói quen soi mini map mỗi 30s của tui lúc chơi Dota bằng một môi trường thật sự công phu và dễ quan sát. Thực tế là tui đã quên mất cái mini map vì mọi thứ hiện hữu trên màn hình quá rõ ràng. Bạn phải xác định tuyến đường tuần tra của kẻ thù, các bụi rậm có thể núp được và các yếu tố hỗ trợ khác. Bạn có thể tìm thấy… đủ mọi phương tiện giết người và giấu xác trong các màn chơi. Ngoài các kỹ năng ám sát sẵn có của các nhân vật, bạn có thể giết người bằng các tảng đá, thuốc nổ, thậm chí kích động cả gia súc giết người thay bạn hay vứt xác kẻ thù đã chết vào một tên khác, đúng nghĩa triệu kiểu chết xứ Đông Kinh và còn nhiều nữa mà tui hy vọng bạn tự chơi tự khám phá cho thêm phần lý thú. Xác kẻ thù có thể được giấu trong các bụi cỏ ven đường, vứt xuống sông hay giấu trong các thùng lương thực mà tui hay gọi vui là thùng ủ nước mắm, dù tui không biết thời đó người Nhật có biết đến sự tồn tại của nước mắm hay chưa.

Nói đi cũng phải nói lại, môi trường xung quanh cho tui vô số gợi ý về việc giết người, nhưng cũng đưa ra vô số gợi ý giúp người giết tui. Để lại dấu chân trên tuyết, kẻ thù sẽ lần ra tới tận chỗ tui núp và tiễn tui lên đường. Vô tình bị một anh/chị dân đen trông thấy, chúng – bọn dân đen khốn nạn vô học đáng nguyền rủa trời không dung đất không tha ấy sẽ ngoác miệng báo động cho cả thành phố biết về sự có mặt của tui. Và lũ khốn đó thì nhung nhúc đầy trong thành phố, đôi khi khiến tui tự hỏi chẳng lẽ bùng nổ dân số bắt đầu từ sớm vậy sao? Tui không có ý kiến gì về việc các anh lính mẫn cán của kẻ thù tuần tra khắp nơi, đó là nhiệm vụ của họ, nhưng bị lũ dân đen tố cáo mãi là một chuyện ức chế không chịu được. Kết quả là tui đã định hình một phong cách chơi rất riêng của mình, giết người một cách lén lút nhưng giết sạch không chừa một ai, kể cả dân chúng. Một cách lấy việc công trả thù tư thật ngọt ngào!

Thành phố Matsuyama nhộn nhịp nhung nhúc dân đen cùng Aiko!

Cách chơi của Shadow Tactics có một bước tiến lớn góp phần làm giảm độ khó của nó so với Commandos trước đây chính là Shadow Mode. Tui rất là dở khoản đa nhiệm, hay nói cụ thể hơn là điều khiển nhiều nhân vật cùng lúc. Nhưng trong game thường xuyên phải phân nhiều người xử lý từng mục tiêu riêng lẻ, như cụ Takuma phải dùng súng nhắm kết liễu tên lính trên tháp canh, ngay lúc đó ba tuần tra dưới đất phải được chia ra tiêu diệt đồng thời, rồi Aiko phải ngay lúc đó đánh lạc hướng một tên khác để không cho tên này báo động, kiểu kiểu như vậy. Shadow mode giúp tui có thể đặt trước từng hành động cụ thể cho từng thành viên trong đội, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng, tới khi tui bấm enter một phát thì các hành động tui đặt trước sẽ đồng loạt diễn ra. Chế độ này vừa giúp tui khắc phục nhược điểm não nhanh tay chậm, vừa cho tui cảm giác sung sướng như một ông trùm béo ngồi xoa xoa mấy hòn bi sắt trong phim trong lúc quan sát tay chân thân tín hành động một cách trót lọt vậy.

Shadow mode nè! Samurai màu cam là Mugen.

Một điều thú vị mà tui thích ở Shadow Tactics là nó không phải game bắn súng góc nhìn thứ nhất hay thứ ba, cũng không phải game nhập vai AAA hay pin con ó. Nó là một game không số, là bản đầu tiên và độc nhất của chính nó, không phải phần abcxyz, không phải prequel sequel DLC hằm bà lằng như mấy game bom tấn. Tui cũng không biết bây giờ có phải thời đại của game FPS hay không nhưng tui cảm giác mình không thích nghi được với các game bắn súng ỳ đùng ngày càng nhiều hiện nay. Với góc nhìn trên cao xuống, ít nhất khi chết tui có thể biết được người giết tui đang ở vị trí nào và không phải mò mẫm tìm đường như một thằng đụt từ chỗ này qua chỗ khác. Hơn nữa, số lượng nhân vật tui cần để tâm tới chỉ có năm người (và trong nhiều màn chơi là ít hơn), đủ nhiều để khiến não tui hoạt động và đủ ít để tui không cần bận tâm tới việc quản lý tài nguyên và sắp đặt các cánh quân, chiến lược chiến tranh.

Điều đặc biệt nhất ở Shadow Tactics so với các game khác là sức ép về thời gian, không cần hành động nhịp độ cao, không cần chiến thuật thời gian thực với ngón tay lướt trên bàn phím như các hảo thủ Starcraft hay AoE. Shadow Tactics cho tui một nhiệm vụ, một bài toán, và tìm cách giải ra sao cho hợp lý, cho thỏa mãn là tùy ở tui. Tui có thể ngồi nghiền ngẫm đường đi nước bước của các toán lính tuần tra hàng tiếng đồng hồ, thử tìm điểm mù của chúng và cách tiêu diệt chúng mà không đánh động những tên lính khác. Đi cùng với sự thư thả về thời gian là cơ chế quick save quick load mà tui đã bấm không biết bao nhiêu lần. Nó giúp tui thử đủ mọi phương pháp ảo lòi mà tui nghĩ ra một cách yên tâm vì tui biết rằng thành quả chơi từ đầu đến giờ của tui không một phút trôi sông.

Tuy nhiên cũng có những lúc tui mải đi mà quên bấm quick save, để rồi sau đó phải cày lại cả một đoạn đường chỉ vì sơ suất của mình. Tóm lại, Shadow Tactics không quá hardcore cũng không quá casual, không quá nặng cũng không quá nhẹ về kỹ năng và chiến thuật, game như sinh ra dành cho những người chơi lớ lớ lợ lợ như tui.

Tuyết phủ ở trấn Imai và dấu chân trên tuyết của Yuki!


Cốt truyện của Shadow Tactics hấp dẫn tui một cách không ngờ. Tui không biết có ông nào trong đội ngũ phát triển là người Nhật không nhưng cái cách truyền tải câu chuyện trong game rất Nhật, nhẹ nhàng và tinh tế, hầu như luôn có những khoảng trống còn bỏ ngỏ để người chơi tự giải đáp. Không có gì rõ ràng, không một lời dẫn, không một đoạn phim giới thiệu hay cắt cảnh nào về mối quan hệ cũng như xuất thân của các nhân vật, nhưng chúng ta có nhiều hơn thế: những đoạn hội thoại ngắn giữa lúc làm nhiệm vụ. Chỉ nhiêu đó thôi cũng cho tui hiểu phần nào về cuộc đời, tính cách và mối quan hệ của mỗi người.

Tui không chơi nhiều game của Nhật nhưng tui thích cách để mọi chuyện tự nhiên thể hiện ra, không màu mè, không cường điệu thái quá của các nhà văn Nhật như Ichikawa Takuji hay Haruki Murakami (nói thêm là thật ra tui chả hiểu Haruki thật sự viết về cái gì nữa, tui đọc và thấy thích vậy thôi). Thời điểm viết bài này tui có inbox hỏi Mimimi productions xem họ có nhân viên Nhật nào viết cốt truyện không, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy họ hồi âm, chắc đang bận làm Desperados III.

Cụ Takuma, chồn Kuma và ông tổ của những cây súng nhắm!

Nói gì thì nói, game nào chả có khuyết điểm. Điều mà tui thấy khó chịu nhất trong game là nhiều khi nhân vật không hành động theo ý mình muốn. Có những lúc phải vứt xác một kẻ địch xuống vực trước khi tên đồng đội của hắn tuần tra về, nhưng bấm mãi mà vẫn không vứt xác xuống vực được. Thế là xôi hỏng bỏng không phải làm lại từ đầu. Thỉnh thoảng lưu với chơi lại nhiều quá làm game bị văng ra ngoài, nhưng hiếm thôi, không nhiều. Trong hơn 30 giờ chơi thì tui bị văng khoảng 3 lần thôi. Đặc biệt tui còn bỏ qua hết các achievements speedrun vì tui thấy nó không hợp với một trò chơi nên ngồi tính toán nhiều giờ như vầy.

Vậy tóm hết lại, trong số những cái hay ở trên, từ thiết kế nhân vật, câu chuyện, môi trường tới cách chơi, điều gì khiến tui tâm đắc nhất trong Shadow Tactics? Tất cả đều không phải. Tui nhận ra tui thật sự thích một trò chơi khi tui có cảm giác chìm đắm vào nó. Kiểu như khi game load xong thì tui không còn biết là mình đang chơi game nữa, tui như đồng hành với những nhân vật trong game, tui như sống với thế giới trong game, đó là game tui thích thật sự. Đây là yếu tố mang nặng tính cá nhân và tui không hề nói rằng những game mà tui không chìm đắm vào được là không hay, chỉ là những game khiến tôi nhập tâm như vậy là game hợp với chính tui, là mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời tui, còn những game khác, nó hợp với người khác. Cũng rất lâu rồi kể từ khi chạy bộ dưới bầu trời đầy sao từ Riverwood tới Whiterun trong Skyrim hay lẩn lút dưới những đường cống ngầm chằng chịt trong Portal tui mới lại có cảm giác “bỏ rơi thực tại” như vậy. Đại lộ Nakasendo, trấn Imai, núi Tsuru, thành Kanazawa,… mỗi nhiệm vụ ở một địa điểm tuy ngắn ngủi nhưng đều để lại cho tui những ấn tượng khó phai.

Lâu rồi tui mới lại bỏ hết công việc, nấu nướng, việc nhà, việc tập thể dục bla bla để chỉ tập trung vào một tựa game, và tui cảm thấy khoảng thời gian bỏ ra hoàn toàn xứng đáng. Nhân đây, tui cũng muốn gửi lời cảm ơn tới một bạn nữ đã quán xuyến hết mọi công việc bên ngoài cho tui trong thời gian tui tới thăm Edo. Sau khi game kết thúc, nó để lại một lỗ hổng trong lòng tui lớn đến mức tui tự hỏi bây giờ phải làm gì tiếp đây? Tui cảm thấy không còn muốn chơi một game gì nữa, vì Shadow Tactics đã phủ lên tui một cái bóng quá lớn. Lần đầu tiên trong đời, tui phải vào tận trang web của đội ngũ phát triển để xem họ có thông tin hay kế hoạch phát triển một hậu bản nào cho Shadow Tactics hay không. Rời Edo với tâm trạng vui buồn lẫn lộn sau khi kết thúc một hành trình, tui viết những dòng này mong phần nào vơi đi nỗi mất mát khi hoàn thành trò chơi. Hy vọng bài viết này có thể giúp ai đó tìm được một tựa game giúp họ có được những trải nghiệm “thoát thai” giống tui đã từng.

Cảm ơn các bạn đã đọc.


Oreo<3

Khách quen

  Thợ sửa ống nước
Giữa nước lọc và bia không cần phải có cà phê.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện