Thượng Hải một chiều cay xè mắt

Khách quen

  Thợ sửa ống nước

Tui thì nghe nhạc không nhiều, và thường có thói quen nghe bài nào chết bài nấy suốt một thời gian dài. Bến Thượng Hải là một trong những bài tui hay nghe, nghe từ thời còn học cấp 2, lúc cùng thằng em hàng xóm xem Tân Bến Thượng Hải trên kênh TodayTV. Thời trẻ trâu tui hay ước được ngầu lòi như anh Hứa Văn Cường, mặc vest tây hút xì gà, đầu đội trời chân đạp đất. Bây giờ cũng gần chục năm trôi qua, tui vẫn thích hình tượng Hứa Văn Cường, chỉ có điều tui không còn mơ làm đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất nữa, chỉ cần đầu còn nguyên trên cổ, chân còn bước được trên đất mỗi ngày là hạnh phúc lắm rồi.

Hồi đó giờ học của tui chéo với giờ chiếu phim, nên số tập phim Bến Thượng Hải xem được trọn vẹn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng có một đoạn tui không bao giờ bỏ qua là bài nhạc mở đầu, chỉ cần nghe đoạn nhạc dạo vang lên là máu anh hùng rần rần không kềm lại được:

Lãng bôn, lãng đào
Vạn lý giang hải điểm điểm tinh quang diệu
Nhân gian sự đa phân nhiễu
Hóa tác cổn cổn đông thệ ba đào

Từ lúc đi làm tới giờ thì hầu như ngày nào tui cũng nghe Bến Thượng Hải, phần vì vừa nghe vừa tập viết chữ Hán dễ thấm hơn, phần vì tui lười tìm nhạc mới để nghe. Sau đây là chút cảm nhận mang đậm tính cá nhân của tui về các phiên bản Bến Thượng Hải tui nghe được trên Youtube, nếu ai có biết thêm bản nào thì giới thiệu cho tui nghe tiếp, tui rất biết ơn.

Nhạc phim Bến Thượng Hải gốc (1980), bản tiếng Quảng Đông do Diệp Lệ Nghi (Frances Yip) hát.

Đây chắc là bản kinh điển nhất rồi, bài của má Diệp hát như một phần không thể thiếu của phim, như bản đá đà đà đa đá đà của Ramin Djawadi hay nhạc chủ đề của Pacific Rim (cũng của Ramin Djawadi nốt). Nói chung bản của má Diệp và phim Bến Thượng Hải giống như cá kho và canh chua vậy, tồn tại là dành cho nhau. Mỗi lần nghe bản này, tui lại nghĩ tới một bà chị dạn dày sương gió cuộc đời, dù đã bươn chảy nắng mưa biết bao nhiêu năm nhưng rốt lại vẫn không khỏi cảm thương cho sự cay đắng của cuộc đời mình, nhưng là kiểu cảm thán của một người mạnh mẽ, than đó, buồn đó, nhưng vẫn sống, vẫn vươn lên, dù ôm một cục nuối tiếc to đùng.

Tiếp sau bản tiếng Quảng thì má Diệp có hát lại thêm bản tiếng phổ thông, cũng là bài hát chủ đề cho phim Tân Bến Thượng Hải (bản của Huỳnh Hiểu Minh và Tôn Lệ đóng chính).

Lời bài hát có hay hơn, bay bướm hơn nhưng tui cảm giác nó hơi nhẹ nhàng, không có sức nặng như bản đầu tiên.

Bản tiếng phổ thông còn có một người khác là Từ Mỹ Lan (徐美澜) cover, bản này thì nhẹ tới mức bay theo gió luôn, đúng kiểu “Êm đềm trướng rũ màn che, tường đông ong bướm đi về mặc ai”, nghe có chút mùi Nữ nhi tình của Tây Lương nữ quốc.

Nghe bản này cảm giác như Thanh Xà Bạch Xà đang hát vậy, người nghe là Pháp Hải hay Hứa Tiên thì hên xui.

Về phiên bản nam thì có Bến Thượng Hải do Lưu Đức Hoa (Andy Lau) hát, vẫn là bản tiếng Quảng Đông.

Bản này tui thấy truyền tải gần như 95% công lực và tinh thần của bản má Diệp. Nghe Lưu thúc hát đúng kiểu nam nhi chi chí, hận không có ba đầu sáu tay, bảy hai phép thần thông biến hóa mà thay đổi thời cuộc, không thể sống hạnh phúc bên người mình yêu. Nghe Lưu thúc hát không khác gì lúc đang cầm ly rượu nhìn về ngọn đèn xanh chớp chớp bên kia bờ Long Island, nhưng người đứng không phải Gastby mà là Kenshiro của Hokuto no Ken.

Huỳnh Hiểu Minh cũng có hát Bến Thượng Hải, tui có nghe hai bản. Một bản là hát đơn, một bản là song ca với Triệu Nhã Chi (diễn viên nữ đóng Phùng Trình Trình bản 1980).

Phải thừa nhận là Huỳnh Hiểu Minh đẹp trai, nhìn ngầu từ trong phim ra đến ngoài đời, à chỉ vậy thôi, chứ lúc hát tui thấy hơi nông. Không phải nông kiểu nhạc lý hay thanh sắc gì, vì tui tai trâu không hiểu mấy cái đó lắm. Tui chỉ cảm thấy Minh ca hát hơi sạch quá, kiểu một người chưa từng dính chút bụi trần nào mà cầm quyển Không Gia Đình của Hector Malot kể ra rả cho người khác nghe vậy. Chi tỉ thì đúng là làm diễn viên rất hợp, hát góp vui là chính.

Lan man fan made một chút thì có bản Bến Thượng Hải của Peggy Peng, tui thì không biết muội tử này là ai nhưng clip quay dựng cũng rất đầu tư, trang phục cũng rất chi tạo cảm giác Thượng Hải-ic, tông màu video cũng ấm nhưng vấn đề là tui nghe nhạc là chính.


Muội tử hát giống Huỳnh Hiểu Minh phiên bản nữ nhưng hay hơn. Tiếc cái là khúc 爱你 恨你 问君知否 (Ái nhĩ hận nhĩ, vấn quân tri phủ) muội này ngắt nhịp hơi trái ý tui, nên tui không thích lắm.

Bản Bến Thượng Hải cây nhà lá vườn gần đạt tới tinh thần nguyên tác nhất chắc có lẽ là bản karaoke của Lý Kiện Lương (李键莨) tiên sinh, dù cái clip karaoke rất bèo nhưng lúc tắt hình nghe tiếng tui thấy phảng phất đâu đó tinh thần trượng phu trèo ngàn ngọn núi, đi vạn dặm đường.

Có lẽ bài này không phổ biến ở phương Tây nên các bản cover của Tây tộc tui thấy rất hiếm, nếu có cũng rất xuềnh xoàng, hoặc là hát chơi cho vui, hoặc do mấy chị em Đông Á hát trong mấy buổi tạp kỹ kiểu Las Vegas, hay nhét vào opera, nhạc giao hưởng các kiểu nghe hơi chối. Duy chỉ có bản của đại thẩm Diane Lindsay hát là hợp lòng tui nhứt.

Một người Pháp hát tiếng Trung nghe đã lạ rồi, mà đoạn sau của bài hát còn là phiên bản tiếng Pháp của Bến Thượng Hải nữa thì đúng là độc đáo. Bản này vừa kỳ khôi vừa cuốn hút như trứng cá hồi muối quện mật ong dị.


Vòng quanh thế giới chán rồi thì quay lại Việt Nam. Có một sự thật là số bản cover Bến Thượng Hải tiếng Việt từ không chuyên đến chuyên nghiệp trên Youtube khá nhiều, số lượng có khi áp đảo cả bản tiếng Trung. Một số bản do ca sĩ hát đàng hoàng như Lý Hải thì đúng kiểu nhét vào cho đủ album, Đàm Vĩnh Hưng (LUL ĐVH hát cả bài này) ft Hoài Linh thì rõ tấu hài là chính, kéo cho show diễn đủ thời lượng thôi. Giọng của Mr. Đàm có thể hợp với rất nhiều bài, nhưng tui chắc 100% bài Bến Thượng Hải này không phải một trong số đó.

Bản Bến Thượng Hải lời Việt đầu tiên tui nghe là của Như Quỳnh và Nguyễn Hưng, và suốt một thời gian dài sau đó đi karaoke tui lúc nào cũng hát bản này.

Giờ nghe lại thì giống như Quỳnh tẩu và Hưng ca là hai người bạn tâm giao ngồi kể chuyện đời hơn là cặp đôi gặp trắc trở trong tình cảm như Hứa Văn Cường với Phùng Trình Trình. Sau này có cặp Trương Minh Quốc Thái với Dương Cẩm Lynh hát lại, concept cũng tương tự bản của cặp Quỳnh – Hưng. Nói sao nhỉ, bản scan chất lượng trung bình của bản tranh chép tay của nghệ sĩ tay nghề cao.

Bản lời Việt tui có cảm tình nhất là của Tai Linh ft Sy Ben, người up lên Youtube là Bụi Cát. Tui ấn tượng với giọng nữ hơn giọng nam, nghe người nữ hát ai oán làm sao, đúng kiểu “Ơ kìa em có làm gì đâu, ba em đuổi giết anh thôi mà, sao anh lại bỏ em mà đi?!!” Lời Việt của bản này cũng sáng tạo hơn các bản khác, dù hơi lệch với nguyên tác.

Bản Bến Thượng Hải stand out nhất của Việt Nam, theo tui là bản của Elvis Phương gia gia (hát một mìnhhát với Họa Mi ma ma). Đoạn nhạc dạo đầu nếu không biết tui còn tưởng là đang nghe cải lương hay hát bội gì đấy. Không hiểu sao lúc nghe bản này, tui lại tưởng tượng mình đang ở trong một quán bar Sài Gòn những năm trước 1975 cùng với Jim Raynor, tay lắc lắc ly rượu mạnh mát lạnh với hai viên đá và nghe bài này văng vẳng trên sân khấu.

Những bản Bến Thượng Hải cuối cùng mà tui nghe là những bản không lời, trong đó tui thích nhất là bản của anh Tuấn Sáo (lần đầu tui bấm vào nghe chủ yếu vì tui thấy cái tên Tuấn Sáo hay) và bản giao hưởng của Catherine Wong. Bây giờ đã 12h17 phút sáng nên đầu óc tui cũng không còn đủ minh mẫn để nói xem sao tui lại thích hai bản này.

Tại sao tui nghe Bến Thượng Hải nhiều vậy? Có lẽ vì lần đầu tui xem phim này không trọn vẹn, mà thường cái gì không trọn vẹn người ta hay nhớ nhiều. Đến sau cùng thì cảnh in sâu vào tâm trí tui nhất trong phim không phải là những cảnh tên bay đạn lạc, anh hùng một địch mười hay phố thị phồn hoa. Cảnh tui nhớ nhất là khi Hứa Văn Cường bỏ Thượng Hải về một vùng khỉ ho cò gáy làm ông giáo làng, cưới một cô gái nông thôn hiền lành chất phác và sống một cuộc đời bình dị đến nhạt nhẽo. Mười năm trước, tui không hiểu được sao một người sức dài vai rộng, hiên ngang oanh liệt như Cường ca lại chịu từ bỏ mọi thứ, kể cả người con gái anh yêu và chốn thành đô nhộn nhịp, xa hoa để chui rúc nơi xó xỉnh như vậy. Bây giờ chắc tui cũng phần nào hiểu được, nhưng thôi, tui muốn chia sẻ điều đó trong một bài viết khác vào mười năm nữa, kèm theo một (vài) bài hát khác mà tui nghe đi nghe lại mỗi ngày.

Chúc mọi người ngủ ngon.

Oreo<3

Khách quen

  Thợ sửa ống nước
Giữa nước lọc và bia không cần phải có cà phê.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Ragnaroker - 14.12.2020

    mình biết phim bến thượng hải này từ hồi nhỏ, phần mà có diễn viên Châu Nhuận Phát đóng áh. nhưng chung quy là vẫn chưa xem đến cái kết của phim, mới nghe Oreo kể ở trên thôi, nhưng mà theo cảm nhận cá nhân thì:” cùng là chuyện tình yêu trai gái, cùng là nữ nhân trung hoa với cao quý thân phận, mà Phùng Trình Trình tiểu thư cớ sao lại không dám yêu, dám hận – dám hận, dám yêu giống như Triệu Mẫn tiểu thư chứ???!!!
    ps: theo cái kết của Oreo kể thì mình nghĩ có lẽ anh Cường chịu từ bỏ thượng hải hoa lệ, về quê cưới vợ an nhàn để dồn mana, thăm ngàn v.v… tập trung tổng lực chơi lớn chờ vài mươi năm sau kêu con mình tái xuất câu con của Phùng tiểu thư chả thù chả thù!.. hế hế( chỉ mang tính chất tấu hài thôi nha ^^). chúc sức khỏe và xin cụng ly :3