Có những tựa game thật sự đúng là khi so kè với những kẻ đi trước lẫn đi sau nếu nó nằm trong một series, hoặc trong cùng một thể loại với một game khác nổi danh hơn thì nó lại bị xem như một con cừu đen. Đa số những game này sẽ trở thành game cult classic – tức là chỉ có một cơ số người rất nhỏ trong cộng đồng thật sự ủng hộ nó. Tôi thì không chơi quá nhiều game đến như vậy, nhưng tôi cũng có đi quan sát xung quanh từ những group game Việt Nam cho đến trên Youtube, bạn bè và cộng đồng ở nước ngoài để tìm cảm nhận của họ về một số game mà tôi đã từng kinh qua. Toxic chửi bới có, đánh giá hợp lý có, những tựa game này bay dưới radar lẫn tiêu chuẩn của rất nhiều người, mà riêng cá nhân tôi thì… chúng không tệ đến như vậy.
Kingdom of Amalur: Reckoning
Để vào đề mà nói luôn thì, Reckoning là một tựa game RPG… không thật sự giống với những game RPG cùng thời với nó – lẫn nó cũng chỉ là một tựa game RPG lấy bối cảnh fantasy tầm trung không có gì nổi bật. Ngoại trừ số lượng sidequest nhiều và lẻ tẻ đến mức bực mình thường thấy, Reckoning lại có một sức hút khó cưỡng về mặt ánh nhìn – dù thiệt sự mà nói thì đó là do họ đã sử dụng bloom chói lòa cả mắt để khiến mọi thứ có vẻ lung linh và đậm chất fantasy hơn, một hệ thống combat được trau chuốt khá là tỉ mỉ rất đã tay từ stealth cho đến rambo, và hệ thống vũ khí “nhìn chung” là đa dạng làm cho gameplay của Reckoning khá là thân thiện.
Điều khiến game này khác biệt nhất có lẽ chính là tính… ba phải của nó để phù hợp với lore: Bạn là một kẻ “đi ngược lại” định mệnh, thế nên định mệnh không hề biết bạn sẽ làm gì, là ai, thế nên khi chơi game bạn có quyền reset-đổi class của mình liên tục, tham gia bất kỳ hội nhóm nào mình thích mà không phải bị bó buộc gì cả.
DmC: Devil May Cry
Đây chắc sẽ là game mà tôi tự mâu thuẫn với chính bản thân mình khá nhiều. Chưa kể tôi từng dính vào khá nhiều tranh cãi với game này nữa. Thật sự, tôi ghét cay ghét đắng DmC, nhưng tôi cũng luôn khẳng định một điều và tôi sẽ không ngại nói lại: “DmC: Devil May Cry hoàn toàn không hề là một game dở, nhưng nó là một game Devil May Cry dở.” Và ở trong bài này tôi sẽ đánh giá nó công tâm nhất chứ không chỉ ở quan điểm cá nhân.
Trước hết để làm rõ vấn đề lớn nhất của tôi lẫn đa số người nằm ở chỗ câu chuyện, và âu cũng vì cái gọi là Tây hóa. DMC vốn dĩ giống như là một cái game có nền và bối cảnh là dark fantasy hiện đại và có những pha rất là… Nhật Bản từ cái hình tượng main ngầu lòi phớt đời, những pha gây cảm xúc cực kỳ… lố nhưng hiệu quả và một cốt truyện dễ hiểu thôi rồi – có thằng xấu muốn làm gì đó động trời, main phập nó nhưng ở giữa sẽ có mấy tình huống ngang trái. Nói chung ai xem anime nhiều sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Sự thay đổi về mặt bỗng dưng bọn quỷ lại đi dính đến… kinh tế và chính trị xã hội làm cho mọi việc nghe có vẻ hơi “phức tạp hóa” và có cái gì đó cực kỳ “tư bản” làm cho mọi thứ nó sao sao ấy, nó giống như bạn đang xem 1 drama kinh tế vậy. Với tất cả sức mạnh ấy, Mundus lại nghĩ đến việc cai trị “trước hết” là qua kinh tế xã hội sao? Wow, chắc ở thế giới quỷ có dạy bằng cấp tiến sĩ kinh tế học luôn, và phải vỗ tay vì Mundus làm vua vậy mới ra vua chứ, văn võ song toàn. Thôi không đùa nữa, và mặc cho việc câu chuyện game là 1 sự ẩn dụ về những thứ đang diễn ra ở thế giới như thể thống chính trị nằm đầu, truyền thông dắt mũi thật ra cũng hay nhưng có vẻ nó không hợp lắm cho 1 game/câu chuyện với vấn đề là “đi giết quỷ” cho lắm. Đấy là tôi còn chưa nói đến việc xây dựng hình tượng Dante/Donte như angst teen và Vergil yếu đuối hay thậm chí hèn hạ (dù cũng ma mãnh).
Nói về mặt tốt của game thì khá nhiều đấy. Cái ý tưởng về việc limbo và thế giới thường là 2 thứ tách biệt nhưng lại tồn tại song song và limbo có tác động đến thế giới thường – rồi sau đó cả 2 thế giới nhập làm 1 cho ra một cái “hiện trạng” quỷ xuất hiện tràn lan mọi thứ lộ bản chất (giống game cũ) thật ra là một thứ khá là hay ho. Nó thậm chí còn có phần gì đó khá là tâm linh – kiểu luôn có 1 thế lực siêu nhiên ám ám như người Châu Á mình vẫn hay tin. Đồng thời nó cũng là lí do để nhà phát triển tha hồ mà đưa những cái hình ảnh… “dơ” nhất có thể trong thiết kế bọn quỷ :)).
Gameplay cho đa dạng vũ khí với vụ angel và demon set tuy làm đa dạng cách tiếp cận nhưng cũng vô tình “làm khó không đáng” việc lên combo, nhưng nếu đây là game DMC đầu tiên của bạn thì nó khá thích hợp với việc làm quen. Nhưng với các fan thì cũng hơi 50-50.
Chung quy là, nếu để nó riêng độc lập ra thì thật sự DmC khá ngon, nhưng vì chỉ dính vào một cái thứ mà từ quá lâu người ta đã có một cái hình tượng quá vững chắc và “đòi hỏi” thay đổi cái rẹt thì hỏi sao mà không có phản ứng ngược…
Bulletstorm
Có đôi khi chúng ta chơi game cũng chỉ muốn bỏ não qua một bên để tận hưởng những gì gameplay đưa cho chúng ta thôi chứ không phải là cốt truyện hay ho gì cho lắm để ngẫm nghĩ, và Bulletstorm là một game làm chuyện đó cực kỳ tuyệt vời. Thế nhưng cũng khá khó hiểu là sao nó không bao giờ được đánh giá cao khi có ai đó nói về game FPS, hoặc thậm chí còn chả ai biết.
Gameplay của Bulletstorm cực kỳ… lố, và đó là còn nói nhẹ nhàng. Cứ nghĩ thế này, bạn chẳng cần biết là bạn đang đi đánh nhau vì ai vì cái gì ở hành tinh nào cả, bạn chỉ cứ có một chỉ tiêu duy nhất: Bắn giết sao cho…đẹp! Hệ thống điểm stack lên mỗi khi bạn thực hiện một pha nã đạn cực kỳ style nào đó, ví dụ tung con quái lên trời, headshot văng thẳng vào 1 hàng rào điện chẳng hạn, sẽ làm cho bạn trở nên cực kỳ hưng phấn mà sẽ tận dụng cho hết toàn bộ những kỹ năng mà mình có để nhìn những con số đó nhảy trên màn hình hệt như đang xem… Scott Pilgrim vậy. Thoại của game cũng sặc mùi móc mỉa và đầy one liner theo cái kiểu phim hành động mấy năm 80-90 ấy. Và nó vui khủng khiếp. Quá đúng tiêu chí của một video game rồi còn gì. Có những lúc và cũng có những game câu chuyện không phải là trên hết đâu, hãy cứ… tận hưởng đi để mà xả stress.
Mad Max
Mad Max là một dòng phim hành động cực kỳ nổi tiếng và được yêu thích từ những năm 80, và Fury Road năm 2015 là một siêu phẩm hành động với chất lượng cực cao – Nếu không muốn nói nó là phim thuần hành động hay nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhưng game Mad Max thì lại không nhận được sự chú ý như vậy. Cũng được phát triển bởi WB, Mad Max có rất nhiều yếu tố về mặt combat khá giống với Batman Arkham và Shadow of Mordor, và có cả một hoang mạc để bạn có thể rong chơi.
Dù cũng phải thừa nhận những hoạt động có phần quá… giống nhau và thế giới đúng nghĩa đen là chỉ có một màu sẽ dễ khiến người ta chẳng ấn tượng mạnh lẫn một cốt truyện cũng đáng quên nốt, nhưng thật sự nếu cảm nhận được cái “hồn” của Mad Max – độ xe, gầm rú khắp sa mạc, bắn giết đụng độ để tồn tại, thì thật sự Mad Max rất lôi cuốn. Những nhiệm vụ đánh chặn các dãy xe tại một khu vực nhất định thật ra khá căng thẳng, đặc biệt sẽ khiến chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy “Độ, độ nữa, độ mãi” mà cứ dính vào những hoạt động bên lề.
Batman Arkham Origins
Con cừu đen của nguyên cả dòng Arkham, và tất cả chỉ vì nó đã tiếp cận cuộc chơi quá an toàn. Arkham Origins gần như sử dụng lại toàn bộ cơ chế của Arkham City- và cả Arkham City Armored Edition trên Wii (vụ găng tay điện) để người chơi trải nghiệm một Old Gotham to lớn hơn chút so với Arkham City về câu chuyện khởi nguồn của Batman tại Arkhamverse. Chưa kể đến là vụ xào đi xào lại Joker là kẻ thù chính của Batman cũng bị xem là thiếu sáng tạo và làm “uổng” Black Mask. Vì không được làm bởi Rocksteady mà là do WB Games Montreal đảm nhiệm, cơ số fan cực đoan còn không muốn tính nó vào canon- dù cả Arkham Knight cũng đã ngầm xác định điều đó (Arkham Knight lấy bối cảnh khoảng 10 năm sau Origins).
Thế nhưng nhìn chung Origins lại là một tựa game rất hay, thiết kế tạo hình nhân vật cực đẹp (đáng tranh cãi là đẹp còn hơn của cả Rocksteady) và cả những trận đấu boss khá chất lượng (điều chính Arkham Knight còn chẳng có!). Đây đáng tiếc lại là một trong những nạn nhân của việc bản game ra mắt sau một bản tiền nhiệm quá thành công.
Nhân nói đến vụ ra mắt sau một tiền nhiệm thành công thì ta có tựa game tiếp theo.
Call of Duty: Ghosts
Tôi nói thẳng luôn Ghosts sẽ luôn xếp ở những vị trí đội sổ mỗi khi bắt tôi phải xếp hạng những tựa game Call of Duty, nhưng nếu bảo tôi làm vậy vì tôi nghĩ rằng game này dở tệ thì không hoàn toàn là đúng, nếu không muốn nói Ghosts còn có vài yếu tố còn tốt hơn cả những game Call of Duty được đánh giá là hay hơn nó.
Bỏ cái cơ chế bắn súng cũ và cả đồ họa ngốn cho cố chứ chẳng thật sự “phát triển” mấy, Ghosts lại kể một câu chuyện cũng khá là ổn – mặc cho mấy tình tiết diễn biến nhanh thôi rồi. Chưa kể villain Rourke lại là một tay quân nhân dũng mãnh thật sự, có xuất hiện làm trò chứ không chỉ là ngồi đó chỉ tay năm ngón – điều mà cả Advance Warfare lẫn Infinite Warfare còn không “hoàn toàn” làm được. Chưa kể, đây là một game ở tương lai gần “vừa đủ” để mọi thứ không bị đi quá xa vời – yếu tố làm cho game COD bị chỉ trích khá nhiều. Điều làm nó bị đánh giá thấp có lẽ âu cũng chỉ là người ta đã kỳ vọng quá nhiều lẫn có chút hơi “đánh lừa” trong tựa game lẫn cách PR của nó mà thôi – như người ta đã mong đây là một game COD gần như stealth là chính chẳng hạn.
Mà nói đi nói lại thì, cái vụ A.I Cá thì thôi quá sức nổi tiếng “ngu đần” rồi, không cứu được.
Dante’s Inferno
Đây là một game khá là… quái, phải nói là rất quái theo nghĩa tích cực. Nhưng buồn thay nó thường bị nhớ đến như là một… God of War clone – và thậm chí còn không phải là một clone hay – thì nhiều hơn là một game độc lập. Dante’s Inferno là một tựa game hành động được dựa rất nhiều vào Thần Khúc của Dante Alighieri về chuyến hành trình đi qua các ải địa ngục của ông, còn Dante’s Inferno thì lại xào nấu thành Dante là một chiến binh thập tự phải đi giải cứu người tình Beatrice (cũng là nàng thơ của Dante thật) bằng cách phải đi xuống địa ngục mà tìm lại nàng. Hình ảnh ghê rợn tạo không khí tốt, gameplay đã tay với những tùy biến khá thú vị, áp dụng và biến đổi những điều đã có trong Thần Khúc vào game một cách hợp lý (nó sát với bản gốc hơn bạn nghĩ nhiều đấy) Dante’s Inferno xứng đáng được tuyên dương nhiều hơn.
Ghost Recon Wildlands
Sau khi đã chơi qua khoảng 10 tiếng, tôi nghĩ rằng Wildlands không xứng đáng bị chê chửi thậm tệ đến mức là “nỗi ô nhục của cả dòng” như thế. Cuộc chiến tại Bolivia để phá đường dây của bọn Santa Blanca là một bối cảnh vừa đủ để có thể thả chúng ta vào một môi trường rộng lớn – quá rộng lớn là khác và phải liên tục làm đi làm lại những quest để có thể tăng skill, độ súng v.v… Có một cái gọi là “sense of engagement” (chả biết nên dịch sao, tạm gọi là sự thu hút) khá tốt để khi chúng ta liên tục làm những việc cần làm dù chúng xét ra mà nói lặp đi lặp lại quá nhiều. Phải, tôi thậm chí còn chẳng đánh giá nó cao bằng bản tôi thích nhất, Future Soldier, nhưng tôi không thấy nó quá tệ hại, vì cái môi trường mở rộng thật sự làm cho bạn có nhiều cách để tiếp cận một khu vực đang bị chiếm đóng – dù tôi biết ai cũng sẽ chọn làm trò thả drone scout sau đó rỉa.
Đó chỉ là những ý kiến khá là cá nhân về một vài game mà tôi từng trải nghiệm qua để thấy rằng chúng thật sự không quá tệ hại. Mỗi người mỗi ý, tôi vẫn thích lắng nghe ý kiến của các bạn về những game trên lẫn những game mà bạn cho rằng bị đánh giá thấp.