Đối với những thế hệ người chơi trong độ tuổi cuối 8x và đầu 9x ngày nay, đây có lẽ là những người đã được chứng kiến và là những mảnh ghép quan trọng trong sự phát triển của làng game Việt Nam từ buổi sơ khai cho đến khi phát triển hưng thịnh để rồi thoái trào của biết bao những nền tảng chơi game. Ngày nay mỗi khi có dịp ngồi lại hàn huyên với nhau, chúng ta lại bồi hồi kể cho nhau nghe về những huyền thoại, những kỉ niệm khó quên. Vui có, buồn có, nhớ nhung và hoài niệm về một thời thanh xuân sôi nổi, một phần tuổi trẻ đầy đam mê.
Thời kì đầu
Vào thời kì đầu máy chơi game còn hết sức khan hiếm, thịnh hành nhất lúc bấy giờ có lẽ là những máy nuôi thú ảo hay còn có cái tên khác là Tamagotchi. Những chiếc máy nuôi thú ảo này với hình dáng nhỏ nhắn đáng yêu vừa vặn trong lòng bàn tay có thể mang đi bất cứ đâu cùng với đó là rất nhiều mẫu mã với những màu sắc, họa tiết trang trí khác nhau đã chiếm được thiện cảm của một bộ phận không nhỏ người chơi. Tưởng rằng việc chăm một con thú được tạo nên bằng những hình ảnh Pixel sẽ chẳng thể nào thú vị được, thế nhưng không, với số lượng thú cưng đa dạng và cực kì đáng yêu kèm theo đó là cách chơi rất dễ để tiếp cận đã tạo nên những giây phút giải trí cực kì giá trị phù hợp với những giờ nghỉ giải lao hay để giết thời gian mỗi khi rảnh.
Bên cạnh những máy nuôi thú ảo Tamagotchi, thời điểm này còn có sự xuất hiện của những máy chơi game cầm tay. Trong số đó Gameboy có lẽ là ước mơ của mọi cậu bé, thế nhưng với giá thành quá cao chưa kể đến việc tiền mua băng game cũng đắt đỏ không kém đã khiến Gameboy không thực sự phổ biến. Chỉ những ai có gia đình khá giả và chiều con lắm thì chắc mới được mua cho cái máy chơi game này. Còn với những đứa trẻ bình thường khác, chúng ta chỉ dám chơi những máy chơi game cầm tay loại 2, loại 3 mà ngày đấy hay gọi là máy xếp hình Brick. Ngoài trò xếp hình thì trong máy còn có bắn xe tăng, đua xe, đỡ bóng,… Mặc dù số lượng game ít hơn và chất lượng cũng không thể so được với Gameboy thế nhưng vào thời điểm đó, cảm xúc của bất cứ ai được cầm trên tay cái máy xếp hình Brick cũng chỉ có một từ thôi, đó là hạnh phúc.
Đấy là những máy chơi game cầm tay, còn ở khoản Console thời điểm lúc bấy giờ nhà ai sở hữu một bộ máy chơi game Nes hay còn được biết đến cái tên thân thuộc hơn là máy chơi game 4 nút thì nhà đó cũng phải thuộc hàng có máu mặt trong khu phố và luôn là điểm tụ tập đông đảo của đám trẻ con. Một bộ máy chơi game 4 nút chỉ có 2 tay cầm thường thì phải đợi đến lượt mới được chơi, mà nào có phải được chơi chùa đâu, cũng phải hối lộ rồi nịnh nọt đủ thứ ông con chủ nhà. Thế nhưng dù sao thì cũng đáng. Biết bao nhiêu trò chơi hay nào thì Contra, nào thì Bắn xe tăng, Bắn xe Jeep, nào thì Boomman, nào thì Ninja cứu mẹ,… Ai có tiền muốn chơi sang hơn thì có thể ra quán ngồi chơi cho khỏi phải chờ đợi, thế nhưng đã ra quán chơi thì xác định là gần như chẳng bao giờ phá đảo được vì lưu game cứ không cánh mà bay.
Với những người ở thành phố có lẽ cũng sẽ có nhiều may mắn hơn khi được tiếp cận với Game thùng hay Game xèng. Quả thật vào thời điểm đó, khi lựa chọn của giới trẻ không nhiều, thì những địa điểm như Hanoi Star Bowl, Ngôi Sao Xanh và một vài trung tâm thương mại xét riêng tại khu vực Hà Nội luôn là điểm đến của rất nhiều người ở mọi độ tuổi, từ trẻ em cho tới những thanh niên. Những địa điểm này với những khu riêng dành cho Game thùng hay Game xèng lúc nào cũng đông vui với từng tốp học sinh, những đôi bạn trẻ cho đến cả gia đình cùng nhau giải trí thư giãn. Nào là những game đối kháng, nào là game bắn súng, đua xe… phần lớn đều là những game so tài vừa tạo cảm giác thoải mái vui nhộn vừa xây dựng tính gắn kết với nhau.
Thời kì máy tính
Vào thời kì khi mà máy tính bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, những hình thức giải trí ở thời kì đầu cũng bắt đầu có dấu hiệu mai một. Mặc dù máy tính ở thời kì này còn rất chậm và nặng nề thế nhưng sức hút của nó với giới trẻ cũng đã vô cùng lớn. Game máy tính vào thời điểm này phần lớn là những trò chơi đơn giản có sẵn trong máy hoặc được chép đĩa như: Pikachu, Bắn gà (Chicken Invaders), Bắn chim (Moorhunh), Bắn trứng (Dynamite Deluxe), Cá lớn nuốt cá bé (Feeding Frenzy), Đào vàng, Beach Head, Alien Shooter, Road Rash,…
Sau này còn có những game kinh điển hơn như là
– Counter strike với một thời nét cỏ, nhà hoa, cổng vòm, chợ gà, hầm rượu,…
– Halo: Combat Evolved với chế độ multiplayer quá đỉnh. Nó không căng não như CS mà mang tính giải trí nhiều hơn. Map thông dụng nhất có lẽ là Blood Gulch và chế độ thú vị nhất là cướp cờ. Toàn những tình huống hài hước từ đây mà ra: nào là cướp được cờ chạy gần đến nhà mình rồi thì gặp thằng bên nó cũng đang cướp cờ nhà mình rồi bị nó bắn chết, vừa hồi sinh ra chết luôn không hiểu vì sao (bị sniper bắn hoặc có thằng ăn item tàng hình móc lốp), lái xe đâm vào đồng đội, lái máy bay chưa hạ cánh đến nơi nhảy ra bị máy bay rơi trúng đầu,… Tuy số lượng súng không nhiều nhưng mỗi loại đều có nét riêng như khẩu cá mập (nó là súng phun lửa có nòng vẽ hình con cá mập). Với Halo thắng thua không quan trọng, quan trọng là mọi người đều vui.
– Rồi thì Left 4 dead, Dota 1, Đế chế xanh, Starcraft, Red Alert, Battle Realms,…
Đây có lẽ thời điểm thịnh vượng nhất của những quán Lan party, phải chơi đông, chia team chia đội, càng đông càng vui.
Tất nhiên vẫn có những tựa game chơi đơn cực kì nổi tiếng như: Heroes Of Might And Magic 3, Mega Man X4, Neighbours From Hell, Commandos: Behind Enemy Lines, Diablo, Plants vs Zombies… thế nhưng có lẽ gây nhiều thương nhớ nhất là game thẻ bài Yu-Gi-Oh! Power Of Chaos khi mà cơn sốt truyện tranh Yu-Gi-Oh còn quá nóng hổi.
Hay GTA Vice city và GTA San Andreas mặc dù Vice city hay San Andreas nói riêng và dòng GTA nói chung sẽ chưa và chắc là sẽ không bao giờ là một dòng game mang tính giáo dục, mà chí ít nghĩ đến việc khiến nó đỡ bạo lực hơn đã là rất khó rồi (cái tên Grand Theft Auto đã nói nên tất cả).
Thế nhưng nếu bỏ tính bạo lực sang một bên thì những gì mà GTA Vice city và GTA San Andreas đã làm được thực sự là cả một bầu trời mới. Đối với những cậu bé chỉ quanh quẩn những con đường, từng con ngõ xung quanh khu vực mình sống và hằng ngày đến trường rồi về nhà thì GTA Vice city và GTA San Andreas đã cho chúng thấy sự tươi mới của một thế giới đầy mới mẻ bày ra trước mắt.
Nhiệm vụ đáng nhớ nhất trong GTA Vice city có lẽ là Mission: Demolition Man vì nó khó một cách kinh khủng.
Chúng ta sẽ cùng anh bạn Tommy điều khiển máy bay trực thăng đồ chơi đặt bom để đánh sập một tòa nhà đang khi công. Nghe đơn giản đấy nhưng game sẽ vả vào mặt người chơi ít thì cũng phải vài 3 lần mission fail.
Thời gian giới hạn có 7 phút mà phải đặt 4 quả bom ở 4 vị trí khác nhau.
Ngoài ra mỗi lần máy bay trực thăng chỉ có thể mang được 1 quả nên việc bay ra bay vào là đương nhiên.
Thế nhưng tòa nhà đấy đâu có trống không để bạn ra vào tự do, đám công nhân sẽ vác gậy đuổi đánh máy bay, bảo vệ sẽ cầm súng bắn không thương tiếc.
Đấy còn chưa kể không gian nhỏ hẹp, vị trí đặt bom ở các tầng khác nhau, việc va chạm là điều không thể tránh khỏi nếu tay lái còn chưa cứng.
Thành ra: hết thời gian Mission fail mà máy bay nổ thì cũng mission fail luôn.
Ngoài ra khi nhắc đến GTA San Andreas thì chúng ta cũng không thể nào không nhắc đến bản nhạc nền đỉnh cao đã gắn liền với biết bao những kỉ niệm.
Game Mobile
Sau thời của những chiếc điện thoại đen trắng, thị trường game mobile cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Mặc dù điện thoại của giai đoạn này vẫn là cục gạch thế nhưng chất lượng của game Mobile thời kỳ này lại vô cùng chất lượng có thể kể đến những cái tên đã quá nổi tiếng:
SOKOBAN – một game giải đố thuần túy nhưng độ hấp dẫn thì không cần phải bàn cãi. Nhiệm vụ của ta chỉ đơn giản điều khiển một anh bạn vui vẻ đi bộ trong một căn phòng kín đẩy (không bao giờ kéo) mỗi lần một hộp và các hộp chỉ có thể được đẩy lần lượt vào từng mục tiêu. Nghe thì có vẻ đơn giản thế nhưng game cực kì cuốn và rất khó để dứt ra.
Diamond Rush – một tựa game phiệu lưu giải đố cho chúng ta những cảm giác được trở thành một thợ săn cổ vật như Indiana Jones. Trong game chúng ta vừa đóng vai là một kẻ truy tìm kho báu lại vừa là một nhà thám hiểm trong cuộc phiêu lưu đến ngôi đền Angkor của người Khmer, những hầm tối ở Bravua và cả những ngôi động tuyết ở Tây Tạng với một mục đích là săn lùng kim cương. Game rất thú vị và bạn có thể ngồi chơi hàng giờ liên tục mà không cảm thấy nhàm chán. Các màn chơi được thiết kế rất sáng tạo với rất nhiều những vị trí, đường đi bí mật đòi hỏi người chơi phải khám phá rất kĩ để không bỏ sót. Giá trị chơi lại của Diamond Rush vì thế cũng cao.
Rồi Worms, Ninja School, Avatar, Loạn 12 sứ quân
Game online
Khi Internet bắt đầu phổ biến ở Việt nam, những tựa game Offline thế hệ cũ bắt đầu được xếp xó để chữa cháy phòng những trường hợp bị mất mạng. Cộng đồng game thủ bắt đầu lớn mạnh hơn. Các Web game bắt đầu xuất hiện đầu tiên là những Web Flash game cho đến những Web game MMO và những nền tảng game trực tuyến lớn.