Những điều game thủ “thật sự” làm trong game có bạo lực không?

Huyền thoại ★

  

Video game và bạo lực vẫn thường bị rất nhiều người cho rằng có sự liên hệ mật thiết với nhau, và thật ra nếu chỉ cần chăm chú xem tin tức vào giờ cơm mỗi ngày thì những chuyên đề về chuyện này đầy nhan nhản từ trong nước cho đến quốc tế. Và để mà thật sự bàn hai thứ này liệu có sự liên hệ mật thiết với nhau hay không nếu nói về con số thống kê thì bàn cả ngày cũng không hết.

Tuy nhiên, bản thân với trải nghiệm gần 22 năm tuổi đời là một gamer thì theo một cách ngây ngô rằng ừ thì đúng cơ chế của đa số video game là chiến đấu tay chân, đâm chém và bắn giết thật… Nhưng nếu đào sâu hơn thì những điều mà chính mình cùng với rất nhiều gamer khác chia sẻ với nhau về việc “thật sự ta làm gì” trong video game (kể cả những game đậm chất “bạo lực”), nói thật mình cũng không hiểu sao lại gán ghép như vậy được. Sau đây là một vài những cơ chế gameplay mà nó còn gây nghiện hoặc người chơi làm còn nhiều hơn cả cơ chế chính mà tui có thể liệt kê ra và dám nói chúng không hề bạo lực chút nào.

Về quê làm nông

Còn nhớ cái trend mà bỏ tất cả về nuôi cá và trồng rau không? Nếu mà bạn thật sự không thể làm những việc như rắc thóc cho gà, đổ cám cho heo, thả cơm cho cá hay đi cày ruộng bón phân ở ngoài đời thật thì ở trong game bạn hoàn toàn có thể làm điều này một cách… dễ hơn chút. Stardew Valley chính là tựa game có thể giúp cho bạn làm điều này – thậm chí cốt truyện của nó cũng y chang như Đen Vâu hát luôn, và nó đã tốn của tui hơn cả trăm giờ đồng hồ trong đời mỗi khi quá mệt mỏi với cuộc sống rồi. Thừa hưởng mảnh vườn của người ông đã mất, cuốc đất, mua phân mua giống, tưới nước, đốn cây kiếm củi và đập đá lấy nguyên liệu xây dựng cả trang trại, khi chán với những việc đó có thể đi vào thị trấn mà bắt chuyện, ăn uống, tham gia lễ hội cùng mọi người. Ôi, đời sống điền viên.

Và Stardew Valley thậm chí còn chẳng phải là game duy nhất giúp cho bạn có được trải nhiệm này. Tiền nhân của nó Harvest Moon trên cả các hệ máy game mới lẫn cũ, hay thậm chí các game indie khác như My Time at Portia cũng là những lựa chọn tuyệt vời. Nếu bạn không muốn chơi quá “phức tạp” ư? Này, có Hay Day trên điện thoại đấy.


Câu cá

Rất nhiều người nói rằng việc đi câu cá chính là để dạy cho con người sự kiên nhẫn, và nếu không có một bộ cần hay thời gian để đi ra các bờ hồ con suối trong xã hội hiện đại, video game hoàn toàn có thể giúp được cho bạn việc đó. Và nếu bạn nói rằng nó không giống như câu cá ở đời thật thì… cũng đúng đó, nhưng nó vẫn có thể dạy về sự kiên nhẫn bằng những cách khác, như cơ chế thả mồi và kéo dây, sự kiên nhẫn khi phải biết nhấp nhả thế nào cho đừng quá bị căng mà đứt dây vuột cá, vv… Trừ những game nặng về môn này, rất nhiều những video game vốn dĩ khác chuyên đề như Far Cry 5, Okami, Fire Emblem hay đã kể trên là Stardew Valley đều có những cách câu cá khác nhau để làm thay đổi nhịp game chậm lại, tìm một chút lắng đọng và yên bình (đôi khi cũng hơi bực bội nữa).


Nấu ăn

Nếu tui nói game nào mà có nấu ăn trong đó, nó sẽ là cái thứ gây nghiện bậc nhất cả game đối với người chơi hay không? Trong rất nhiều những tựa game sinh tồn thì điều này được xây dựng khá chi tiết, nhưng cũng có chẳng ít game khác cũng áp dụng việc nấu ăn trở thành một mini game vui về việc lựa chọn nguyên liệu. Cụ thể như trong Breath of the Wild, phải đi đọc các tài liệu về các món ăn cũng như các công dụng của từng loại nguyên liệu để có thể chế biến các món cụ thể, và chỉ việc thử nghiệm thôi cũng là một thú vui rồi. Final Fantasy XV cũng có mini game nấu ăn và nói thật là đồ họa đồ ăn của chúng nhìn bắt mắt chả khác gì khi nhìn một cái menu có hình ảnh minh họa của nhà hàng.

Chưa kể là có khi áp dụng ra đời thật cũng được nữa đấy, đặc biệt với mấy game nặng về môn này, dĩ nhiên là phải thực hành nêm nếm liên tục cho lành nghề. Có khi các anh gamer (mà chú trọng vụ này trong game) sẽ trở thành một anh bếp tuyệt vời cho vợ con đó. Đó là lí do mà dịch vụ Blue Apron (sẽ gửi đến tận nhà bạn nguyên liệu và cả sách dạy chế biến món ăn với các nguyê liệu ấy) ở Mỹ rất thường tài trợ cho những Youtuber chuyên về game để có thể giúp gamer tự chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bản thân cũng như quảng cáo cho những người khác.


Lái xe đúng luật

Điều này diễn ra xin nói thẳng luôn là trong tựa game bị nhiều người “chửi bới” vì nó là nguồn cơn của rất nhiều cuộc bàn luận về video game và bạo lực, GTA. Nghe buồn cười đúng không, nhưng tui đảm bảo đây là chuyện có thật 100%. Tui dám nói là dù game này vốn dĩ sinh ra từ ý tưởng là đi ra đường ăn cắp xe của người khác để lái vi vu và phá luật phá hoại thành phố um sùm, phải ít nhất một lần bất cứ ai từng chơi GTA sẽ tự nhủ “hôm nay chơi sẽ tuân thủ giao thông đàng hoàng”. Và xin thưa, dù đúng là việc giật xe có, nhưng đừng quên GTA hoàn toàn có cho người chơi một chiếc xe của riêng bản thân đàng hoàng. Những tựa game thế giới mở khác trong môi trường hiện đại như Sleeping Dogs hay Saints Row cũng cho người chơi đi mua xe hẳn hòi. L.A Noire thì bạn là cảnh sát nữa kìa, trách nhiệm làm gương còn cao hơn hẳn.


Xem bản đồ

Những ai mà thường hay chơi các game thế giới mở chắc chắn sẽ cực kỳ hiểu cái cảm giác này, khi mà 1/4 hay thậm chí 1/3 cả game chắc chắn sẽ là ngồi mở cái bản đồ ra mà dò xem nhiệm vụ ở đâu hoặc mình đang muốn đi đến chỗ nào, kể cả những game có cơ chế dịch chuyển tức thời cũng phải làm trên bản đồ. Cũng vì điều này mà đa số gamer thường đùa rằng họ rành đường lối hướng đi của game nào đó còn hơn cả nơi mình sống.

Này hỡi những người có máu mù đường mù hướng ơi, hãy học hỏi việc đọc Google Map thay vì than vãn đi nào.


Đi dạo ngắm cảnh và chụp hình

Video game là một phương tiện đi du lịch rất tuyệt vời, kể cả là những nơi chốn có thật hay hư cấu, đặc biệt là với những game có nền đồ họa chân thật hoặc đẹp lạ. Và khi đã đi du lịch chắc chắn là sẽ muốn chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm rồi, chính vì vậy mà rất nhiều game có cơ chế photo mode để người chơi “chụp hình sống ảo” hoặc các nền tảng chơi game đều có nút tắt để chụp màn hình lại cho người chơi chia sẻ với nhau. Có những khi vào game, người chơi sẽ chẳng muốn làm gì cả mà chỉ đi lòng vòng nhìn ngắm mà thôi. Sẵn chia sẻ luôn những hình ảnh tui đã từng chụp lại trong những game yêu thích của mình.



Nghe nhạc

Đa số các game đều có âm nhạc để có thể tạo không khí ở những địa điểm hoặc trong những tình huống cụ thể nào đó, và rất rất nhiều những bài nhạc nổi tiếng ở giới đại chúng đến từ video game đấy. Ví dụ như Suteki Da Ne, Eyes On Me vốn dĩ đến từ Final Fantasy đấy thôi. Đi dạo ngắm cảnh và nghe nhạc chính là combo tuyệt vời nhất đối với bất kỳ một gamer nào.


Đọc sách và hóng chuyện

Rất nhiều game, đặc biệt là các game RPG, có lore thế giới của mình rất nặng, và có việc gì tốt hơn để tìm hiểu về những điều đó ngoài việc đọc sách được viết trong thế giới đó chứ. Có đôi khi sách đó sẽ là những lá thư hoặc nhật ký liên quan đến một nhân vật nào đó, và nó sẽ có nhiệm vụ mở rộng những tâm tư tình cảm hay câu chuyện về những nhân vật và cho ta một cái nhìn hoàn toàn khác về họ, khiến người chơi đầu tư vào các nhân vật hơn. Ngoài việc đó ra chính là việc tương tác với các NPC để được nghe họ nói chuyện thật sự, và nó cũng phản ánh luôn cả đời sống trong thế giới game được tạo ra, đặc biệt nếu như NPC đó cho người chơi một nhiệm vụ gì đó. Witcher 3, Metro và Skyrim có lẽ chính là đại diện tiêu biểu của những việc này. Chưa kể, tương tác nhiều biết đâu có người yêu trong game thì sao (Hình là Yen, nhưng tui team Triss, ok?)


Mở rộng hơn chính là việc học được cả kiến thức thực tế như lịch sử nữa. Không biết được bao nhiêu người hiểu rằng trong Assassin’s Creed thì ngoài những gì người ta hay nói là lén lút dùng hidden blade đâm cổ người khác thì khi ta đi đến đâu đó, tham gia sự kiện gì đó hay gặp ai đó thì trong database sẽ luôn có những thông tin thật sự về lịch sử mà game dựa vào, và đa phần ai đã chơi tựa game này đều sẽ đọc lấy cho bằng hết. Những tựa game chiến thuật như Age of Empires cũng là một trong những game áp dụng lịch sử vào các trận chiến nữa này. Ai bảo chơi game không học được gì nào.

Lời kết

Sau khi kể vui ra những việc gamer đa phần vẫn thường hay làm, kể cả trong những game có gameplay chuyên về bạo lực để cho những ai không phải là gamer chuyên sâu thì tui xin đúc kết một điều thế này: Trong một segment nào thì cũng có người này người kia, thậm chí nếu những trường hợp kể trên có chiếm đa số (hoặc đa số do người ta chỉ đăng tin về việc đó chứ không xét toàn cục) thì cũng chẳng nên đánh giá các gamer là những kẻ… nói chung ăn hại và gây chuyện.

Có một người bạn trong một cộng đồng gamer khi tui mồi chủ đề “Những việc thật sự làm trong game chứ không phải chém giết”, cậu ta có nói đại loại thế này: Thật sự mà nói khi em nhìn cái cảnh chính nhân vật của mình giết người khác tóe máu, em chả thấy hào hứng gì lắm mà lâu lâu còn rợn người, nghĩ sao mà em dám làm vậy ở ngoài đời chứ. Cái này theo tui nghĩ có liên quan đến triết lý của Aristotle về bi kịch – dẫu là nói về những bi kịch trong các vở diễn nhưng có thể liên đới được. Aristotle bảo rằng việc cho người ta được chứng kiến những điều ghê tởm, đáng sợ của các bi kịch (ở trường hợp của video game đang nói ở đây là bạo lực) là một cách để được nhìn thấy và trải nghiệm “gián tiếp” một khía cạnh của cuộc sống được mô phỏng lại, để từ đó họ có thể ngầm hiểu được những hậu quả khi nhân vật có những tính cách và hành động rồi sẽ dẫn đến những hậu quả từ thể xác đến tinh thần (của cả mình lẫn xung quanh) thế nào, để từ đó có thể tránh việc gây ra những điều tương tự trong thế giới quan của bản thân. Đúng là lý luận này không hoàn hảo, nhưng không có nghĩa rằng nó không đúng.

Nói ra những điều này là để cho những ai có bạn bè, con em dính đến video game nhiều hãy có cái nhìn khác về họ hoặc hãy can thiệp với thái độ khác chứ không phải là sự hà khắc và dè bỉu, kiểu “Mày cứ chơi game mãi rồi làm được cái gì, ba cái thứ vô bổ” hay đại loại vậy. Cả gia đình tui từ mẹ, cậu, dượng đều là gamer và họ không hề cấm cản, chỉ là đưa thời gian biểu cho việc học hành và chơi game đúng mức ngày tui còn nhỏ mà thôi, thậm chí còn hứng thú ngồi tìm hiểu chung nữa là. Và nếu như có những hiện tượng gamer bị một chút tính cách phản xã hội và dùng video game làm nơi để xả – dần dà hình thành sự ức chế và bùng nổ như các vụ xả súng, hãy giúp đỡ họ chứ đừng bỏ rơi họ, họ như vậy là do họ cảm thấy mình không phải một phần của nơi họ sống và những người xung quanh họ. Không phải ai cũng có một tinh thần đủ cứng rắn để chấp nhận nhiều thứ trong cuộc sống – và xin nói với những ai đang có trạng thái như vậy là thừa nhận việc đó và cần sự giúp đỡ chẳng có gì phải ái ngại cả. Khi bỏ rơi một ai đó mà không giúp họ, đó mới là điều đáng trách hơn là “suốt ngày dúi mũi vào game”.

Aristotle on Tragedy
In the Poetics, Aristotle’s famous study of Greek dramatic art, Aristotle (384-322 B.C.) compares tragedy to such other metrical forms as comedy and epic.www.cliffsnotes.com

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Ken Longbottom - 20.08.2019

    Em nghĩ vấn đề là ở sự hiểu biết của con người ta về game. Khi mà người ta không biết gì về game rồi còn nghe tin tức kiểu ăn cắp để lấy tiền chơi game, giết người các thứ, rồi họ cho đó là toàn bộ cả nghành game nhưng họ có biết đó chỉ là thiểu số, cả Việt Nam chắc có 2-3 thằng. Mà mấy cái tin mà Việt Nam nam vô địch giải esport gì đấy thì chả thấy mấy đài đưa tin mà mấy tin chém giết nguy hại các kiểu thì nhanh lắm.
    Nói chung quy lại là game không có lỗi, lỗi ở con người thôi.