Dòng game Metro từ trước đến nay vẫn luôn có một lượng fan hâm mộ cuồng nhiệt vô cùng lớn dẫu cho nó không phải là một tựa game quá sức nổi bật, và tất cả bọn họ đều yêu mến Metro vì câu chuyện với những tình tiết đầy triết lý và cái cách mà 4A Studio đã tạo ra một trong những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất biết cách tạo không khí hồi hộp rùng rợn bậc nhất làng game. Tôi đã từng review Metro Redux bao gồm 2 phiên bản là Metro 2033 và Metro: Last Light, và với tôi đó là hai tựa game mà tôi cảm thấy mình… ngu ngốc lẫn khùng tới cỡ nào khi bỏ qua quá lâu, và rằng tôi đã muốn trở thành bạn đồng hành với anh chàng Artyom “Số không thể chết” sớm hơn dường nào. Thế rồi vào năm 2019 thì Metro Exodus với những quảng bá rầm rộ và mới mẻ về việc nó sẽ trở thành một game thế giới mở khác xa với những đường hầm tăm tối ở Moskva, nhờ ông bạn Frost đáng quý (cũng là người đã dụ tôi chơi Metro Redux) thì tôi đã được trải nghiệm Metro Exodus sớm nhất có thể. Và tôi dám nói đây có lẽ là game FPS thế giới mở (nếu muốn gọi là vậy) hay nhất mà tôi từng chơi, nhưng nó lại có những sự khó chịu mà dễ chịu khá kỳ lạ.
Trước mắt thì hãy điểm qua những điều tiêu cực dễ thấy nhất về Metro Exodus(ME) để rồi chúng ta có thể kết thúc với những nốt cao. Đầu tiên chính là việc công ty chủ quản Deep Silver đã quyết định cho ME trở thành tựa game độc quyền trên Epic Store 1 năm dẫu ban đầu đã rao bán trên Steam, thế nên những ai đã pre-order thì sẽ được chơi game ở trên Steam, còn lại phải chờ. Một lần nữa cảm ơn Frost nên tôi mới được trải nghiệm ở Steam. Thứ hai đó chính là dù đã patch rồi thì tựa game này vẫn còn bug dị thôi rồi, như cái cách quái lẫn người chết rồi mà vẫn bị rung lắc dữ dội kiểu ragdoll, đồ vật bay lung tung trên không và vài lần thì cơ chế hiện nút để thực hiện hành động không thật sự nhạy (điều bản cũ lâu lâu cũng có). Ngoài ra còn một vài vấn đề khác nhưng tôi sẽ nói rõ hơn khi bàn sâu một chút về gameplay, bối cảnh và cách dẫn chuyện vì như vậy sẽ rõ ràng hơn.
*Dĩ nhiên từ đây trở đi sẽ có spoiler về cả câu chuyện lẫn những điều sâu hơn về game*
THẾ GIỚI “MỞ” CỦA METRO EXODUS
Ấn tượng đầu tiên của tôi về ME đó chính là… vừa quen thuộc vừa có chút lo lắng. Sự quen thuộc tôi muốn nói đến ở đây chính là cái cách game đưa cho người chơi (đặc biệt fan của Metro) trở lại với những đường cống và hầm ở Moskva (hay Moscow, tôi thích chữ Moskva hơn) cùng với sự u ám và những pha jumpscare trứ danh của mấy con mutant cùng với đời sống cơ cực đúng nghĩa là “trốn chui trốn nhủi” ở những Metro, và rồi sau đó là xông pha lên thành phố chết đầy phóng xạ trong mùa đông băng giá. Sự lo lắng của tôi chính là game đã khởi đầu quá chậm, dù cái nhịp điệu chậm để người chơi “hút cho hết” cái không khí và đời sống sinh tồn này chính là điều làm cho Metro nổi tiếng. Tôi hiểu game muốn làm gì, game muốn đưa người chơi từ sự quen thuộc cũ rồi mới đến những điều mới mẻ mà nó đã quảng cáo rất dữ dội, nhưng lại thực hiện theo cách quá mạo hiểm khi bạn phải “chờ” đến hơn 1 tiếng mới đi ra khỏi Moskva. Đối với người chơi cũ thì cách mở màn này sẽ khá hay, nhưng với người chơi mới thì quá ư là nguy hiểm.
Thế nhưng khi ME cho người chơi thoát khỏi những con hầm kia thì cũng chính là lúc game này “thoát xác” khi cho Artyom và đồng bọn được rong ruổi ở những khu vực rộng lớn và (phần nào) trong lành hơn, và ME đã thực hiện việc cho game trở thành thế giới mở (Chính xác thì nó là cho rong ruổi ở những Sandbox riêng biệt thì đúng hơn là Open world hoàn toàn). Đồ hoạ được nâng cấp của 4A Engine đã khiến cho nước Nga hậu tận thế đẹp mà hoang tàn theo cách ấn tượng nhất có thể, tôi còn nhớ đã chỉ có thể hết hồn mà nói “Trời ơi sao mà đẹp quá vậy?”. Ở Mỹ có Fallout, ở Nga có Metro, và xin thưa rằng Nga tuyệt hơn Mỹ rất nhiều.
Điều thú vị đó chính là ở các chapter để bạn chọn sẽ diễn ra ở nhiều nơi khác nhau, và thật sự thì có tổng cộng là 3 hub mở và 3 khu vực hoàn toàn tuyến tính. Moskva ở khoảng gần 2 tiếng đầu chính là màn tuyến tính đầu tiên, sau đó chúng ta sẽ được đến với những khu vực khác mà tôi xin phép tả kỹ lưỡng để cho thấy sự đa dạng bối cảnh của ME.
Volga
Khu vực dòng sông Volga vào mùa xuân là một nơi tuyệt đẹp vào mùa xuân khi băng tuyết đã tan dần với con sông lừng danh và một khu vực làng mạc cực kỳ lập dị. Bọn họ thuộc một nhóm tín đồ dưới Đức cha Silantius tuyên truyền tất cả… nói không với công nghệ hiện đại và cho rằng “Điện là sản phẩm của ma quỷ”. Ngoài ra thì toàn bộ khu vực này đa phần bị “quấy đảo” bởi những con “Tôm đột biến” chết tiệt mà tôi cực kỳ ghét ở Last Light, đó là chưa kể còn có một con Tsar Fish to như con cá voi nữa chứ. Thế nên địa hình ở nơi này đa phần là những khu đảo nhỏ bị ngăn cách bởi con sông, cách di chuyển thường sử dụng nhất chính là… một cái xuồng con và chắc chắn là phải vừa chèo vừa chiến với lũ quái phiền toái kia rồi.
Yamantau
Yamantau là dãy núi nơi mà The Ark- khu vực tập trung tất cả những cấp chính quyền lớn nhất còn sót lại của nước Nga trốn Cuộc Chiến và đang chờ đợi tin tức từ khắp nơi. Ấy nhưng rồi té ra đến đó mới biết rằng nơi đây là một địa ngục trần gian. Thiết kế của cái boong-ke này chẳng khác gì D6 ở 2033 cả, thế nên nó chính là màn chơi tuyến tính thứ hai. Tôi sẽ kể sau chuyện gì xảy ra ở đây, nhưng thật sự khung cảnh xám xịt pha lẫn những điều kinh khủng làm cho nó thật sự ấn tượng hơn D6 rất nhiều.
Caspian
“Tôi ghét cát… Nó thật thô ráp… Nó len lỏi vào khắp nơi”… Khoan khoan, tôi đã bị Anakin hóa rồi khi đến với Caspian, vì nơi đây vốn từng là biển mà giờ đây chỉ còn là một sa mạc rộng mênh mông trong cái nắng nóng bức của mùa hè. Và xin nói luôn là làm cho bối cảnh của một cái sa mạc trở nên thú vị chưa bao giờ là dễ cả, hãy hỏi game Mad Max mà xem… Khoan đã, ở nơi đây cũng có một vị lãnh chúa tự gọi là The Baron cũng nắm giữ hết nguồn nước và năng lượng, hắn có những tên tay sai xách súng chạy xe ầm ầm khắp sa mạc, bắt giữ nô lệ khắp nơi và chúng ta sẽ phải ăn cắp nước lẫn xăng dầu từ hắn… Holy cow, đúng vậy, Caspian hoàn toàn chính là “Mad Max nếu như nó ở Nga” và cộng thêm lũ quái Humanimal ngụy trang trong cát khắp nơi nữa. Thế nên phải nói ở Caspian thì nó là nơi nguy hiểm khôn lường nhất, nhiều phân đoạn hành động và cả tài nguyên cũng khan hiếm nhất cả game để bù lại cái khung cảnh chỉ có một màu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đây là nơi mà cư dân người Á tập trung khá đông, Giul cũng là người Á và dĩ nhiên Damir cảm thấy rất có trách nhiệm với nơi này.
Taiga
Taiga có lẽ chính là khu vực được tung lên quảng cáo dữ dội nhất và rộng rãi nhất, nó còn xuất hiện trong cả bản demo tại E3 mà. Taiga là một khu vực thung lũng yên bình trong mùa thu và Artyom khi đi thám thính dò soát tình hình đã vô tình bị vướng vào một mớ bòng bong giữa một hội được gọi là Children of the forest với hai phân nhánh là Pioneer và Pirate. Nhớ không lầm thì chúng đều là những lũ trẻ vốn học từ một người là The Teacher, nhưng rồi chia nhóm ra vì mỗi người hiểu ý của The Teacher theo một kiểu (Ôn hòa và cực đoan, vì dĩ nhiên) nên có bất đồng dù sau nhiều năm thì họ vẫn sống chung với nhau tạm ổn. Đây có lẽ cũng là khu vực mở đẹp nhất, đầy màu sắc nhất nhưng cũng là nhạt nhòa nhất trong ba khu vực khi có quá ít thứ để tìm tòi và khám phá, nhưng bù lại những đoạn hội thoại giữa các Pioneer và Pirate lại khá hay và cho chúng ta cái nhìn chung về chính những chuyện mà chúng ta đã làm ở cả game trước lẫn game này. Nơi đây lẽ ra đã là nơi mọi người lựa chọn để ở và sinh sống, nếu như nó không đang rong hiểm họa có thể bị ngập lụt bất kỳ lúc nào và 1/3 thung lũng vẫn còn đầy phóng xạ, ấy là chưa kể dân địa phương không có vẻ chào đón lắm. À, tôi có nói ở đây đầy chó sói và có một con gấu đột biến to như một cái xe tải chưa nhỉ?
Novosibirsk
Đây chính là khu vực cuối cùng chúng ta sẽ đến trong ME và… Nói một cách đơn giản, nó là một Moskva thứ hai. Màn chơi cuối này chính là cách ME như kiểu quay lại nguồn gốc cũ của mình, gợi nhó người chơi rằng “Đây mới chính là trạng thái cuối cùng của ta”… Và nó vẫn đáng sợ, vẫn tuyệt vời như ngày nào khi lại phải chui nhủi trong những con hầm tối om với lũ mutant tấn công tứ phía và đạn dược cạn kiệt. Ôi lũ đĩa ở nơi đây, yuck!
Ngoài ra còn có một khu vực đặc biệt mà chính là MVP của cả game, chính là con tàu hỏa đưa chúng ta đi muôn nơi, Aurora. Chính ở trên Aurora mới là lúc các nhân vật của chúng ta tỏa sáng dữ dội.
Tuy nhiên, đáng tiếc là ở 3 hub mở lớn lại có một điểm yếu chung đó chính là chúng đều là những khu vực khá là… đơn giản đến tẻ nhạt. Vì tựu chung, những điều được phô bày trong những nơi đó nếu để miêu tả tổng hòa là như sau: Mỗi nơi tượng trưng cho một mùa, đều có vẻ đẹp riêng nhưng hoang tàn và quái thú lan tràn, vài nơi thì cư dân sinh sống sẽ canh gác và xả súng hoặc bắt chuyện với người chơi, những nơi bị bỏ phế thì sẽ luôn có thứ để loot và vài nơi cụ thể sẽ có nhiệm vụ phụ. Nói trắng ra, layout của 3 khu vực ấy chả khác Borderlands là bao cả, nhưng dĩ nhiên là không khí sẽ nghiêm trọng hơn so với cái tựa game nhắng nhít kia. Những hoạt động tự nhiên của quái, thú lẫn người trong game thật sự là không nhiều, không như cái cách Far Cry thường làm khá tốt, nhưng có vẻ vậy thì nó sẽ phù hợp với cái kiểu “hậu tận thế” của Metro hơn và khiến cho người chơi tập trung vào việc sống còn vì mọi thứ sẽ diễn ra rất trên trời rơi xuống.
Việc một tựa game tuyến tính bỗng dưng nhảy qua thế giới mở dĩ nhiên sẽ có nhiều khó khăn, thế nên những điểm yếu này là chấp nhận được. Vả lại, ME cũng có hoàn toàn là game thế giới mở đâu, nên tôi cũng không khó tính lắm.
GAMEPLAY
Gameplay của ME thật sự đã có những cải tiến lẫn biến đổi phải nói là rất kinh ngạc, thậm chí vô cùng thú vị và có phần gây nghiện. Tuy nhiên, nó vẫn còn một vài “điểm yếu” cố hữu vô tình tạo ra sự “duyên dáng” riêng của chính dòng game Metro.
Điểm duyên dáng đó chính là… Cái gì của game cũng có một sự cứng ngắt và “lấn cấn” khó nói. Nó có mặt ở gần như… khắp nơi trong Metro. Nó ở trong cả cái cách nhân vật cử động, giọng nói của họ (Tôi sẽ không nói là Metro có lồng tiếng hay đâu, tròn trịa thôi), trong cái giật của từng khẩu súng hay cả trong những hành động từ tay và chân của Artyom kể một câu chuyện về mặt hình ảnh cho chúng ta “cảm nhận” được cách anh ta tương tác với thế giới. Tuy hệ thống engine mới đã cải thiện điều này rất rất nhiều, các nhân vật nhìn tuy không “thật” như nhiều game (do không sử dụng motion capture) nhưng chỉ so với Last Light nó đã giống như từ Trái Đất lên được Mặt Trăng rồi.