Khoảng cách đây mấy tháng, Hearthstone dính một vụ lùm xùm to tướng trên Reddit, chủ yếu là vì cái hệ thống Battle Pass mới được giới thiệu, thay đổi hoàn toàn cách người chơi kiếm vàng, loại bỏ luôn hệ thống tặng 10 vàng mỗi 3 trận thắng – một hệ thống không mấy quan trọng nhưng nó thúc đẩy người chơi tiếp tục chơi để tích cóp vàng mua đồ. Giò thì hệ thống đó không còn nữa, mọi người bắt đầu nổi giận, rồi thất vọng, rồi đăng bài “Thôi tôi bỏ game đây, tạm biệt anh em, dù anh em còn không biết tôi là ai” trên Reddit. Nói chung chung thì, Hearthstone bị dính scandal lớn, và mọi người bắt đầu chuyển sang chú ý một game thẻ bài khác, Legends of Runeterra.
Cũng xuất phát từ trên Reddit, làn sóng dân tị nạn Hearthstone chuyển sang chơi Legends of Runeterra (Runeterra/LoR) càng lúc càng đông, và mọi người bắt đầu đăng bài tung hô game mới này, kiểu “LoR không pay-to-win, tôi chơi miễn phí mà vẫn có đủ bài chơi này”. Đúng là LoR rất thoải mái với người chơi về khoản này, vì nó có rất nhiều hệ thống quà tặng. Chơi càng nhiều, quà càng nhiều. Hearthstone cũng từng như vậy, nhưng quà của Hearthstone rất nhỏ giọt và không hề đáng công sức bỏ ra.
Bởi vậy, mọi người rất thích LoR, vì ai chẳng thích được tặng quà? Cứ thế, nhà nhà chơi LoR, người người chơi LoR, và tưởng chừng như hình bóng của Hearthstone đã sắp sửa bị lu mờ trong tâm trí họ… thì HÊ HÊ HÊ LẠI TIN NGƯỜI GHÊ CƠ ĐẤY, Hearthstone tặng người chơi 5 gói bài Darkmoon Faire (bản mở rộng mới nhất) và 500 vàng và thế là lại vui vẻ cả làng. Người chơi đăng bài tiễn biệt không hẹn ngày gặp lại trên Mông Đỏ ngày nào, giờ đã hội ngô với đàn em nghiện ngập trên chiến trường Hearthstone: Heroes of Warcraft. Trong đó có cả tôi nhưng đó không phải là ý chính chúng ta chuyển sang đoạn tiếp theo được không ô kê bái bai.
Bạn đọc có thể tự hỏi, đây có phải là đoạn tôi so sánh LoR và Hearthstone hay không? Tôi sẽ cười nhạt, đặt tay tôi lên vai bạn, và hỏi nhỏ bạn một câu, “Cấu trúc bài của tôi dễ đoán đến thế à?”
À thì lúc Legends of Runeterra mới ra, tôi không thực sự hứng thú lắm. Vì hai lý do, một là tôi không ưa Liên Minh Huyền Thoại và cũng không hứng thú lắm với vũ trụ của nó. Lý do thứ hai là vì tôi đợi dài cả cổ mà không được vào beta Legends of Runeterra nên tôi quên béng. Nhưng gần đây, khi LoR được phát hành rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam bởi nhà phát hành được nhiều người yêu thích nhất nhì đất nước – Vinagame, tôi có dịp nghía qua tựa game thẻ bài đầu tiên có chính sách ưu tiên hộ nghèo. Và theo cảm nhận đầu tiên của tôi thì, Runeterra hay, hay ở mức “tạm được”, và nó khác Hearthstone gần như hoàn toàn. Công thức của nó cũng hơi khó nuốt trôi hơn là Hearthstone.
Rõ ràng là Runeterra có một đội ngũ phát triển khác với LMHT, nhưng tôi nghĩ là nó bị lây bệnh Phức Tạp Không Vì Lý Do Gì Hết của LMHT. Vì đại loại như vầy, trong game thẻ bài nào cũng có một hệ thống từ khóa, phải không? Hearthstone có các từ khóa như Battlecry – ra bài từ trên tay thì Battlecry kích hoạt, hay Deathrattle – nếu nó chết thì Deathrattle kích hoạt, v.v. Yu-Gi-Oh cũng có Special Summon, Normal Summon, Pendulum Summon… Tên gọi thì khó nhưng cách dùng cũng rất đơn giản, dễ dùng một khi đã quen với khái niệm.
Còn Runeterra? Không có cái vụ “dễ làm quen” gì ở đây hết. Hệ thống từ khóa trong Runeterra khó hiểu như sự vô nghĩa của sự tồn tại của con người trên bề mặt một cục đá quay lòng vòng ất ơ ngoài vũ trụ. Hearthstone có các từ khóa luôn luôn xuất hiện trong mọi phiên bản mở rộng (ví dụ Battlecry và Deathrattle ở trên kia) nên nó cũng phần nào dễ nắm bắt. Runeterra thì hết Elusive tới Ephemeral, hết Overwhelm tới Fearsome, hết Last Breath (đừng nhầm lẫn với Trăn Trối của Daxu) tới Tough, hết Rally tới Strike, hết Nightfall tới Recall, hết Trump tới Biden, hết Garena tới Vinagame, hết Fallout 76 tới Cyberpunk 2077… Quá nhiều từ khóa, quá lãng phí thời gian. Tác dụng của mỗi từ khóa đều khác nhau hoàn toàn, và người chơi chưa quen với hệ thống này chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian mới làm quen được. Đã vậy mỗi set bài mới được tung ra là lại có thêm từ khóa mới, và người chơi mới lại kiểu…
Sau vụ từ khóa thì tôi nghĩ một chuyện khác đáng được đề cập của Runeterra là lối chơi của nó. Đa số các game thẻ bài đều tuân theo một quy luật là đến lượt người chơi nào, người chơi đó sẽ thực hiện các nước đi của mình, sau đó chuyển lượt đi lại cho người chơi kia. Một số hiệu ứng nhất định có thể kích hoạt trong lượt đi của đối thủ, nhưng đa số các hiệu ứng đó đều được hai người chơi hiểu rõ, và có thể phản công lại được. Còn Runeterra, nó có một hệ thống lượt độc nhất vô nhị, trong đó một “round” (VNG: vòng) sẽ có nhiều lượt luân phiên giữa hai người chơi. Người chơi này triệu hồi bài quân (VNG dịch thế ¯_(ツ)_/¯), sau đó lượt sẽ được chuyển sang cho người chơi bên kia, và họ có thể triệu hồi bài quân hoặc thi triển phép tùy ý, v.v. Rồi phép không phải chỉ có một loại mà nó có nhiều loại, như phép Chậm, phép Nhanh, phép Siêu Tốc, phép Bàn Thờ, phép Bốc Đầu trên Quốc Lộ… Ngắn gọn lại là gameplay của Runeterra rất khó làm quen.
Trong các game thẻ bài khác thì người chơi chỉ cần đặt quân bài quái vật lên bàn thì quân bài đó đã sẵn sàng làm gỏi, hoặc bị làm gỏi. Còn trong Runeterra, người chơi phải dùng lượng mana tương ứng để triệu hồi quân bài đó ra hàng chờ. (Thuật ngữ là bench) “Bench” chứa tối đa 6 quân lính khác nhau, và trong mỗi lượt tấn công, người chơi có thể điều động bất cứ số lượng quân bài nào tùy ý từ “bench” ra để tấn công đối phương. Tuy nhiên, nếu trong vòng này chưa được tấn công, thì người chơi chỉ có thể chặn đòn đánh của đối phương dựa trên số lượng quân địch tấn công.
Phải lưu ý, nếu như đối phương tấn công bằng một lá bài Elusive (VNG: Huyền Ảo) thì người chơi buộc phải chặn đòn bằng một lá bài Elusive khác, hoặc không thì Nhà Chính phải nhận sát thương. À nhắc mới nhớ, mỗi người chơi có một hệ thống điểm gốc là 20 và khi con số của người chơi nào tụt về 0 thì người chơi đó sẽ thua. Còn nữa, hệ thống bài phép, như đã nói trên còn tùy thuộc vào giai đoạn nào của trận đấu để thi triển. Bài phép Siêu Tốc có thể sử dụng bất cứ lúc nào, còn bài phép Chậm không thể thi triển trong giai đoạn giao tranh. Giai đoạn giao tranh là khi nào? Là khi người chơi đặt các bài quân của mình từ “bench” ra sân đấu. Bài quân sẽ tấn công từ trái sang phải, và nếu không bị chặn thì bài quân có thể tấn công thẳng vào nhà chính đối thủ. Tuy nhiên, vẫn có một số lá bài, ví dụ như Vladimir, có thể hồi máu cho nhà chính đồng minh. Và do Vladimir là một lá bài Tướng, nên hắn có thể lên cấp miễn là hiệu ứng được ghi trên lá bài được thỏa mãn. Vladimir lên cấp khi người chơi có 6 bài quân sống sót sau khi chịu sát thương…
LÀM ƠN THA CHO TÔI ĐI TÔI MUỐN CHƠI GAME CHỨ KHÔNG PHẢI HỌC LUẬT
Nếu so với Hearthstone thì LoR có một vài điểm mạnh và điểm yếu rất dễ nhận thấy. Điểm mạnh đầu tiên của LoR là nó giảm độ ngẫu nhiên xuống mức đáng kể, và game phụ thuộc vào chiến thuật và các bộ bài của người chơi hơn. Sự ngẫu nhiên lớn nhất của Runeterra là mỗi lá bài người chơi rút khi đến lượt, còn sự ngẫu nhiên lớn nhất của Hearthstone là nguyên cái game Hearthstone. Hearthstone có điểm mạnh là gameplay nó đơn giản đến mức buồn cười, nhưng lại cuốn hút người chơi kinh khủng. Dòng mô tả “Deceptively Simple. Insanely Fun.” của Hearthstone quả không ngoa, nó đơn giản nhưng phức tạp vừa đủ để trở nên thú vị.
Tôi nghĩ mỗi game sẽ có sức hút riêng cho mỗi thể loại người chơi, còn tùy xem họ thích cái gameplay loop của game nào hơn.
Sức hút của Runeterra không đến từ việc nó có gameplay hay, mà nó thu hút người chơi đơn giản vì nó rẻ. Hàng rẻ thường thu hút nhiều người chơi. Nhưng không phải kiểu rẻ tiền ăn xong vứt, mà Runeterra cũng được làm rất chỉn chu. Nếu nói về khoản đồ họa không, thì giữa Hearthstone với Runeterra, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Sixmorevodka là studio phụ trách khoản đồ họa cho Runeterra, và phải công nhận họ cực kì, cực kì giỏi trong khoản này. Phong cách trong mọi lá bài của LoR đều rất nhất quán, và hoạt ảnh cực kì trau chuốt, ngắm rất sướng mắt, dù có hơi lố.
Với những sự trau chuốt đó, LoR có thể sẽ soán ngôi vị Hearthstone vào một ngày không xa, nhất là khi Blizzard đang trả lời những câu phàn nàn của người hâm mộ bằng sự im lặng tuyệt đối. Nhưng hiện tại, với cá nhân tôi, gameplay của Hearthstone vẫn đủ cuốn hút để tôi bỏ qua sự đắt tiền của nó và tryhard trên con đường đến Legend. Có lẽ tôi sẽ tiếp tục chơi Hearthstone-
Game này nhìn nó nhựa như kiểu hàng tàu, thiết kế bài quá xấu so với hearthstone mặc dù ra mắt sau tận 6-7 năm, thấy mấy trang stream nước ngoài thì quá ít người xem, ưu điểm duy nhất là bài kiếm dễ
nhựa hay kiểu tàu thì cũng không giống lắm nhưng đúng là đôi khi thấy quân bài (nhân vật chính trong lá bài) chưa nổi bật với background lắm, cũng tạm, tùy style vẽ mỗi game, nhưng mấy cái card golden có thể chăm chút tý được không, golden card thêm mỗi cái khung @@ lười không thể tả