Trong thế giới tự nhiên phong phú muôn màu muôn vẻ có vô số Các hình thái quan hệ tương sinh giữa các loài sinh vật với nhau, thế nhưng chúng ta có thể tóm gọn các mối quan hệ thành 4 nhóm chính:
- Mutualish – Mối quan hệ tương hỗ – Win win – các bên đều có lợi
- Commensalish – Mối quan hệ một bên có lợi, một bên trung lập (không có lợi cũng chẳng chịu bất kì ảnh hưởng bất lợi nào)
- Parasitism – Mối quan hệ kí sinh – một bên được lợi, một bên chịu bất lợi từ từ
- Predation – Mối quan hệ kẻ đi săn và con mồi – một bên được lợi, một bên chịu bất lợi ngay lập tức
Trong phần này mình sẽ tập trung phân tích nhiều hơn về 2 mối quan hệ có lẽ là hấp dẫn và đôi khi còn gây nên những sự nhầm lẫn đó là Mutualish – Mối quan hệ tương hỗ và Parasitism – Mối quan hệ kí sinh
Mối quan hệ tương hỗ là sự tương tác giữa ít nhất hai cá thể để có được một lợi ích chung cho sự sống sót của mỗi bên.
Khi các tương tác có lợi xảy ra giữa các cá thể cùng loài, mối quan hệ này được gọi là Hợp tác.
Ví dụ như: Một bầy sư tử cùng hỗ trợ nhau săn mồi
Còn khi các tương tác có lợi xảy ra giữa các cá thể của ít nhất 2 loài khác nhau thì mối quan hệ này được gọi là Cộng sinh.
Ví dụ như: Ốc ở nhờ cõng thêm Hải quỳ ở trên lưng, ốc ở nhờ thì được lợi khi dùng hải quỳ để xua đuổi kẻ thù còn hải quỳ cũng được hưởng lợi khi không phải nằm cố định ở một chỗ và và có thể kiếm được nhiều thức ăn hơn khi chu du cùng ốc.
Mối quan hệ tương hỗ có rất nhiều những mức độ khác nhau, Ở mức độ thấp thì mặc dù sự tương hỗ là cần thiết cho lợi ích của mỗi cá thể thế nhưng điều này không có sự giằng buộc và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự tồn tại độc lập của mỗi cá thể.
Ở mức độ cao hơn, sự tương hỗ gần như là bắt buộc, phụ thuộc lẫn nhau hoàn toàn, mỗi cá thể không thể tồn tại mà không có sự hiện diện của cá thể khác.
Ví dụ như: Địa y đại diện cho sự tương tác cộng sinh lẫn nhau giữa tảo và nấm, Trong tương tác này, nấm cung cấp cấu trúc và độ ẩm cho tảo. Tương tự như vậy, tảo với khả năng quang hợp chịu trách nhiệm sản xuất carbohydrate và chia sẻ cho nấm. Với sự cộng sinh đặc biệt này đã khiến nấm và tảo từ những loài thực vật cực kì nhạy cảm với môi trường sống trở thành Địa y có thể tồn tại ở những môi trường khắc nghiệt nhất trên thế giới từ giá rét của bắc cực cho đến cái nóng của sa mạc.
Mối quan hệ tương hỗ mà đặc biệt là cộng sinh ở mức độ cao rất dễ gây nhầm lẫn với mối quan hệ kí sinh mà chúng mình sẽ phân tích rõ hơn ở phía sau.
Những ví dụ điển hình từ phim, comic và video game có thể kể đến như: Các Symbiotes trong vũ trụ Marvel mà nổi tiếng nhất là Venom, Blue beetle của vũ trụ DC, tộc Aburame trong Naruto cho một loài côn trung đặc biệt có tên là kikaichū làm tổ trên cơ thể và hấp thụ Chakra bù lại khiến chúng tấn công và thực hiện các công việc khác theo sự chỉ đạo của người sở hữu, hay loài sinh vật kì dị trong Scorn mặc dù mối quan hệ giữa nhân vật được chúng ta điều khiển và sinh vật kì dị này có phần giống với một mối quan hệ kí sinh hơn thế nhưng do nhân vật chính vẫn được hưởng những lợi ích nhất định từ khẩu súng là cái đuôi của sinh vật kì dị thế nên mối quan hệ này vẫn là một mối quan hệ tương hỗ.
Mối quan hệ kí sinh là sự tương tác giữa các cá thể của hai loài trong đó một loài được hưởng lợi từ sự bất lợi của loài kia. Trong trường hợp này, cá thể có lợi được gọi là ký sinh trùng và cá thể bị ảnh hưởng là vật chủ.
Mối quan hệ kí sinh nếu phân loại theo vị trí kí sinh thì chúng ta có Kí sinh trong và Kí sinh ngoài
Còn nếu phân loại theo bản chất của Kí sinh trùng – vật chủ thì chúng ta có:
Kí sinh thực vật – thực vật
Ví dụ có thể kể đến Cây tầm gửi với tên tiếng anh là Mistletoe. Trong tiếng Hy Lạp, nó có tên là phoradendron, nghĩa là “kẻ trộm trên cành cây” với bộ rễ bám chặt vào vỏ của thân các loài cây khác để hút dưỡng chất thế nhưng cây tầm gửi chỉ là một loài thực vật bán kí sinh vì bản thân cây có lá và chất diệp lục để quang hơp. Bên cạnh đó chúng ta cũng có những loài thực vật kí sinh phụ thuộc hoàn toàn như Rafflesia arnoldii hay hoa xác chết là loài thực vật hoa đơn lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Do hoa xác chết không có lá và chất diệp lục để quang hợp thế nên nó phải phụ thuộc hoàn toàn vào chất dinh dưỡng của loài cây khác mà nó kí sinh.
Kí sinh thực vật – sinh vật sống
Ví dụ có thể kể đến: Đông trùng hạ thảo một loại thuốc quý được tạo nên bởi nấm Ophiocordyceps sinensis thuộc nhóm nấm Ascomycetes sống kí sinh trên cơ thể ấu trùng của loài bướm Thitarodes. Vào mùa đông, loài bướm này đẻ trứng, trứng nở thành các ấu trùng sâu non, chúng vùi mình vào những vùng đất tơi xốp để bắt đầu tìm chỗ ngủ đông. Khi ấu trùng ăn phải bào tử nấm hoặc nhiễm nấm qua các lỗ thở, nấm sẽ sinh sôi mạnh mẽ, bắt đầu xâm chiếm các mô tế bào, dần dần hút hết chất dinh dưỡng bên trong cơ thể ấu trùng và làm chết sâu non. Mùa hè tới, khi điều kiện thích hợp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi thân sâu, dần phát triển và phát tán các bào tử để chuẩn bị cho cuộc đi săn ấu trùng vào mùa đông tới.
Cùng họ hàng với nấm Ophiocordyceps sinensis kể trên là nấm Ophiocordyceps unilateralis, còn được gọi là Nấm sát thủ hay Nấm điều khiển não kiến. Khi bào tử nấm xâm nhập được vào một con kiến thợ, nó sẽ hút chất dinh dưỡng và kiểm soát não bộ của vật chủ. Trong vòng một tuần, nó sẽ buộc con kiến phải rời khỏi tổ và leo lên thân cây gần đó đến một độ cao khoảng 25cm – nơi có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp nhất để nấm sinh trưởng. Sau đó, nấm sát thủ sẽ mọc một cái cuống dài đâm ra từ cơ thể con kiến, phát triển thành một nang chứa đầy bào tử. Và bởi vì kiến thợ bị kí sinh nằm ở một độ cao lý tưởng ở đường đi kiếm ăn của tổ kiến đã tạo điều kiện cho những bào tử nấm rơi xuống và phơi nhiễm cho những con kiến khác trong bầy rồi dần dần biến cả một tổ kiến thành thây ma.
Chính cơ chế sinh học độc đáo này đã tạo nguồn cảm hứng cho tự game The last of us với một loại nấm kí sinh lên con người gây nên đại dịch Cordyceps Brain Infection.
Trong TheLast of Us, chỉ sau vài tháng, 2/3 dân số trên thế giới đã chết hoặc trở thành nạn nhân của đại dịch này. Nấm Cordyceps ký sinh vào não nạn nhân, sử dụng chính tế bào não làm chất dinh dưỡng nuôi chúng để tiếp tục phát triển. Quá trình đó sẽ khiến người nhiễm mất trí nhớ, phát điên và thay đổi hành vi hoàn toàn để rồi biến đổi trở thành những công cụ phát tán dịch bệnh.
Trên thực tế vẫn có rất nhiều loài nấm kí sinh trên cơ thể con người thế nhưng mức độ không quá nghiêm trọng và phổ biến nhất là gây nên những bệnh lý da liễu như: nấm Trychophytone, Microsporum gây ra bệnh hắc lào, nấm Malassezia gây nên bệnh lang ben hay phổ biến hơn nấm Candida thường lây qua đường tình dục.
Kí sinh vi sinh – sinh vật sống
Ví dụ tiêu biểu nhất có thể kể đến kí sinh trùng sốt rét – một loại kí sinh trùng đơn bào với kích thước cực nhỏ chỉ vài Micro mét, chúng ký sinh bắt buộc trên cơ thể sinh vật để tồn tại và phát triển.
Còn tiếp