Kantai Collection: Nào thì mình cùng nhau chỉ huy gái 2D tàu chiến

Chủ xị

  

Counter Strike, Warcraft III, GTA Vice City,… và rất nhiều tựa game khác đã hình thành không chỉ trong kí ức của những game thủ Việt Nam nói chung mà còn là của bản thân tôi. Rồi dần dần DOTA 2, Liên Minh Huyền Thoại, và Counter Strike: Global Offensive đi vào thị trường Việt Nam, những game kiếm hiệp Kim Dung rồi cũng xa dần để thay thế những khoảng thời gian PK nhau bằng thời gian cày trang bị nhân vật bằng… một khoảng thời gian cày kĩ năng cá nhân. Những tựa game trên rất vui, nhưng tôi muốn tìm kiếm một hương vị mới ngoài sự cạnh tranh về kĩ năng và chiến thuật. Và đó là khi một người bạn của tôi đưa ra Kantai Collection.

Có thể nói tôi wibu nặng từ con game này, dù trước đó một người bạn khác đã đưa con đường tà đạo này với Touhou Project 6: Embodiment of Scarlet Devil trên con laptop của cậu ta khi mang đến trường học, và đúng từ thời còn ngồi mài đít trên bàn ghế trường thì suy nghĩ đơn giản là ưu tiên của tôi, nhưng vì nó quá khó bởi chính tag Bullet Hell của nó nên tôi đã quên đi khả năng wibu ấy. Giờ đây, nhớ tới những ngày tháng ăn hành cả hai tựa game đấy mà lại thấy quán không có bài nào cả nên tôi nghĩ sẽ cố gợi lại thời kì làm đô đốc, trước khi chuyển sang làm Saniwa (aka Sage – Touken Ranbu), Master (Fate/Grand Order), và cuối cùng là Doctor (Arknights).

Bức ảnh chỉ để tượng trưng thôi, tôi không ham Honkai Impact 3 và dù có chơi Girls’ Frontline một khoảng thời gian nhưng cũng không gắn bó quá lâu.

Thông tin tổng quát

Tên: Kantai Collection – KanColle aka “Bộ sưu tập hạm đội”.

Nhà phát triển: Kadokawa Games

Nhà phát hành: DMM.com Ltd.

Thể loại: thẻ bài, MMO (trực tuyến nhiều người chơi), browser game

Ngày phát hành: 23/04/2013

Tình trạng: vẫn đang sống tốt… hoặc là do người viết bài nghĩ thế (-.-).

Thật kì lạ, vậy là chúng ta đã qua cái thời mà Adobe Flash Player chạy trên web rồi mà vẫn có browser game là như thế nào? Đối với những người chưa chơi qua hoặc từng chơi và bỏ game sau một khoảng thời gian thì qua một bản cập nhật vào mùa thu 15/08/2018, tức 5 năm sau lần đầu ra mắt, trên trang blog của Adobe đã xác nhận rằng họ sẽ xử tử Flash vào năm 2020, và tính theo thời gian như vậy đối với bài viết này thì cũng đã được nửa năm kể từ lần khai tử đầy li biệt và nước mắt này, và chắc hẳn ở đây chắc hẳn có rất nhiều anh em trong quán bia đã có những kỷ niệm đẹp với những game 2D của Flash. Nhưng nếu muốn bước tiếp và giữ vững danh hiệu thì cần có sự thay đổi, đội ngũ phát triển đã chuyển nền tảng của KanColle sang HTML5, với những ưu điểm như độ phân giải màn hình chơi to hơn, đẹp hơn, và đương nhiên là ngắm gái nhiều hơn (nhưng mà nó không phải Dead and Alive đâu).

Nhưng mà chạy trời không khỏi chạy nắng, đôi lúc mạng giật ở ngoài net cũng khiến tôi phải hét như một thằng điên khi đi event.

Đương nhiên là sự di cư sang nền tảng khác không thay đổi gameplay chủ đạo của KanColle: sưu tập thẻ bài và sắp xếp đội hình đi map. Riêng phần gameplay mang nặng tính chất random thôi đã khiến con game mang một sự nặng đô cho bất cứ ai đã lao vào địa ngục này chỉ có kêu than với Kensuke Tanaka, kiêm chỉ đạo sản xuất lẫn thiết kế một số nhân vật trong game. Vậy thì KanColle có những điểm gì thu hút người chơi đến như vậy?

Gameplay

Tổng quan

Là một game dạng thẻ bài mobage như Fate/Grand Order hay Granblue Fantasy, KanColle tập trung vào việc người chơi, trong vai trò của một đô đốc hải quân, điều khiển các tàu chiến của mình trên chiến trận, đưa ra các lựa chọn như đi màn theo map, raid boss hay khám phá khu vực kiếm tài nguyên. Chi tiết hơn, trong event của KanColle sẽ có thêm một số lựa chọn như đưa thêm nhiều hạm đội hỗ trợ hay đưa máy bay theo các đặc điểm khác nhau mà hỗ trợ những hạm đội trên map để họ có thể đi xa hơn. Sau một lần đi map, người chơi có thể nâng exp của cá nhân đô đốc và exp của hạm đội, có cơ hội nhặt “vợ” aka Waifu hay các tàu, kiếm thêm tài nguyên qua từng chặng; sau đó, việc sửa chữa tàu, lắp và nâng cấp thêm các trang bị vừa rồi là cần thiết để có thể chuẩn bị cho những lần đi map tiếp theo. Và đương nhiên, vì là game tàu chiến nên nó cũng đa dạng đầy đủ các loại tàu khác nhau đóng vai trò quan trọng trong từng trận chiến của anh em, gồm:

  • Tàu ngầm (SS/SSV – Submarine): sức chiến đấu dai dẳng nhờ khả năng lẩn trốn dưới nước, chỉ một số loại tàu mới có thể gây sát thương cho loại này gồm tàu khu trục và tàu tuần dương hạng nhẹ khi được trang bị sonar và mìn sâu.
  • Khu trục hạm (DD – Destroyer): số lượng đông nhất game và là loại tàu mà mọi người chơi mở đầu game sở hữu. Chỉ số khiêm tốn, bù lại đây dàn gái ở đây giá rẻ (trừ gái event phải đi farm bục mặt), dùng cho đa dạng trường hợp. Còn một loại nữa là khu trục hạm hộ tống (DE), so sánh về khả năng tiêu thụ tài nguyên thì chắc SS < DE < DD.
  • Tàu tuần dương hạng nhẹ (CL – Light Cruiser): chỉ số nhỉnh hơn DD, đa dạng loại pháo mang đi và có một số lớp tàu có khả năng đặc biệt như đánh ngư lôi phủ đầu trong game, mang máy bay cùng hàng không mẫu hạm tăng chỉ số lợi thế trên không,…
  • Tàu tuần dương hạng nặng (CA – Heavy Cruiser): chỉ số gần tương đối với thiết giáp hạm, thường được dùng cho những trận chiến dài.
  • Thiết giáp hạm (BB – Battleship): tàu to giáp nặng đúng nghĩa đen với máu trâu và sát thương cao, và dù sau này trong lịch sử thế giới thì thiết giáp hạm không còn được trọng dụng nữa thì trong game đây là loại tàu đóng góp mức sát thương chính trong trận đánh.
  • Các loại tàu chuyên chở máy bay như hàng không mẫu hạm chuẩn (CV – Aircraft Carrier), hàng không mẫu hạm hạng nhẹ (CVL – Light Carrier) với khả năng không kích trên cao để chiếm lợi thế trên không và một số điều kiện đặc biệt khác trong trận đánh.
  • Ngoài ra, còn một số tàu đóng góp vai trò như tàu sửa chữa, tàu tấn công đổ bộ,…

Điều đặc biệt là, những tàu này “được dựa theo bản thể thực tế của quá khứ và được giải thích chi tiết trong trò chơi; các đặc tính vật lý, bề ngoài và tính cách của các cô gái cũng tương quan đa hình thức với những con tàu trong thực tế” (trích từ Kotaku).

Cách chơi cơ bản

Game nào cũng có những tài nguyên nhất định, với KanColle thì nó gói gọn trong góc phải trên cùng của giao diện chính của game với các biểu tượng dễ thấy: Dầu (thùng xanh), Thép (thỏi xám), Đạn, Bô xít (cục vàng nâu). Ngoài 4 nguyên liệu chính được dùng để chế tạo tàu, cung cấp nguyên liệu sau mỗi lần đi map, còn có 2 biểu tượng ở trên là xô sửa chữa nhanh và đinh đóng tàu. Những nguyên liệu này hoàn toàn có thể kiếm được qua nhiệm vụ và đi khám phá, nhưng đó lại là câu chuyện sau này với những cơ chế chính: build đội hình và đi map. Những thứ này hoàn toàn có trong phần tutorial bằng tiếng Nhật, hoặc anh em có hứng thú chơi thì hãy lên phần hướng dẫn đầy đủ trên fandom riêng (cả tiếng Việt và tiếng Anh). Còn dưới đây chỉ là khái quát những gì thực sự quan trọng thôi.

Kantai Collection mang chất chiến thuật cao, các đô đốc hoàn toàn phải xây dựng stat cho tàu, chuẩn bị trang bị vũ khí như các loại pháo, máy bay, ngư lôi, radar…, tính toán tài nguyên để sửa chữa tàu hoặc đổi tàu trong đội hình. Với trang bị và tàu, xưởng đóng tàu là một trong những nơi quan trọng ngoài việc đi map để có thể nhận lấy tàu và trang bị cần thiết, đồng thời dùng những tàu kiếm được để đưa vào đội hình tương lai hoặc cho các tàu thành bệ đỡ cho dàn tàu chính bằng cách ép thẻ nâng stats. Và đương nhiên nói đến việc nhận tàu, có một tỉ lệ nhất định bạn sẽ đóng ra tàu hiếm, nhưng đó là câu chuyện khác về sau của bài viết.

Nào thì mình cùng ra biển “xanh”. Hình ảnh map E-5 event mùa xuân 2019 (từ Death Usagi – một youtube channel tiền tuyến mà đô đốc nào cũng tham khảo)

Như trên ảnh có thể thấy, đây là một ví dụ về map của KanColle. Những chấm tròn trên bản đồ (node) có thể chia thành:

  • Nốt trắng: những nốt chưa được khám phá.
  • Nốt xanh lá cây: những nốt kiếm thêm tài nguyên, kiểm tra lượng tàu đổ bộ (dùng để raid boss).
  • Nốt xanh biển nhạt: những nốt cho người chơi lựa chọn đường đi.
  • Nốt tím: đội hình tàu khi đi vào sẽ bị tiêu hao tài nguyên chiến đấu (đạn và dầu).
  • Nốt đỏ: dội hình của chúng ta giao chiến với tàu địch, với tròn đỏ không là giao chiến thường, nốt có mũi tên vòng vào là máy bay địch thả bom vào đội hình, và hình mặt có sừng là đấu với boss.

Khi vào trận chiến bình thường (nốt đỏ thường) thì người chơi sẽ được lựa chọn 5 đội hình tấn công (6 đội hình đối với bản cập nhật khoảng 2018 – 2019), và diễn ra thường vào 2 phase sáng và tối. Phase sáng là phase đánh chính của gần như các tàu với sắp xếp thứ tự của nhau như trinh sát và không chiến (CV/CVL và một số loại tàu mang máy bay khác), mở màn (không quân hỗ trợ/đánh chặn ngư lôi địch/phóng ngư lôi ban đầu), pháo kích (thường sẽ là 1 turn và sắp xếp theo tầm bắn, xuất hiện turn 2 bắn theo thứ tự sắp xếp đội hình khi có ít nhất 1 BB trên trận đánh hoặc bên địch có loại Hime – Công chúa hoặc Oni – quỷ), và cuối cùng là phóng ngư lôi (DD/DE/CL/SS). Sau phase sáng, người chơi có thể lựa chọn dừng trận đánh nếu chưa tiêu diệt hết địch để đi tiếp, hoặc chọn đánh đêm để diệt hết một thể luôn, tăng rank cho trận đánh. Trận đánh đêm sẽ như turn 2 phase sáng, nhưng những tàu có mức máu cam trở lên mới có thế tham gia trận đánh, và đánh đêm cũng như chơi sổ xố vậy, sát thương đôi bên tăng và có khi tiễn đội hình của bạn về cảng luôn.

Và đương nhiên, một điều cực kì try hard ở đây là, KanColle giống với Darkest Dungeon hay Touken Ranbu, cái chết của 1 unit sẽ là dấu chấm hết cho chính unit đó: với Darkest Dungeon, đó là những người tham gia cuộc thám hiểm, Touken Ranbu thì là những thanh kiếm gãy, và KanColle là tàu chìm. Những trường hợp chìm tàu thường rơi vào việc các đô đốc cố đấm ăn xôi đi tiếp khi tàu đã HP màu đỏ, hoặc HP đỏ nhưng không mang trang bị sửa chữa khẩn cấp, và hình phạt cho người chơi chính là tàu đấy chìm cùng những trang bị mà em nó mang theo, thậm chí là trang bị xịn bạn vừa kiếm qua event, nhiệm vụ hay đóng tại xưởng. Chết là hết, vậy nên hãy cẩn thận.


À vâng, xem lại ai đang nói kia kìa. Và trong trường hợp này thì toàn bộ đội hình tôi vẫn sống sót.

Ngoài ra, sau trận đánh hoặc đi khám phá, ngoài tiêu thụ tài nguyên thông thường, các tàu còn tiêu thụ Morale/Tinh thần. Đối với một trận đánh tốt, thẻ của các tàu MVP sẽ lấp lánh, gia tăng stats nhất định và tăng tỉ lệ khám phá thành công, còn nếu thẻ của tàu rơi vào màu cam hoặc đỏ, lời khuyên chân thành là hãy để những tàu đó nghỉ ngơi một thời gian, hoặc là cắn thức ăn để tăng Morale nhanh chóng.

RNG: you can’t be mad at me. I’m cute

Nào thì mình đi map

RNG đối với tôi trong KanColle như chơi một trò BDSM vậy. Hãy bắt đầu bằng việc đi map, khi mà mỗi khi bạn muốn đi đến những điểm tiếp theo trên bản đồ hải trình, bắt đầu từ cảng xuất phát, bỗng đâu trước mặt là 2 cái chấm trắng, và rồi một cái la bàn xuất hiện để chỉ ra hướng đi tiếp theo. Một số map yêu cầu một lượng tàu theo loại để cả hạm đội sẽ đi theo hướng đi phù hợp, trường hợp còn lại nếu bạn không đi lên trên thì sẽ xoay mòng mòng đến chỗ khác mà chả phải là chỗ boss, hoặc đi đến boss bằng con đường dài hơi hơn cùng với đó là tỉ lệ toàn đội hình đã bị thương và ăn đạn cao hơn rất nhiều.

Nhưng điều khiến tôi cay cú nhất là khả năng drop tàu trong game. Việc đi farm map, đặc biệt là map event của mùa là một cơn ác mộng, khi mà bạn phải chuẩn bị tài nguyên thật dồi dào, xong rồi bắt đầu đi farm và đôi lúc tàu bạn không cần drop sẽ ra. Cày cho đến cạn cả xô sửa chữa lẫn dầu và đạn rồi, đôi khi tôi nghĩ đến lúc não tôi đã dừng hoạt động như việc tiêu thụ Sanity bên Arknights vậy.

Lúc đóng tàu thì không ra, lúc đi event thì rơi một rổ.

Và có khi là thường xuyên nhất, bản thân tôi dù đội hình có lẽ không quá thua so với các đô đốc khác, tôi vẫn sấp mặt khi đi một map của event.


Và cái meme mỗi khi bạn thất bại event? Đừng lo ổng sẽ ship tiếp để event sau còn khó hơn nữa.

Như đã nói ở trên, KanColle mang nặng tính chiến thuật và build đội hình trước khi ra trận, và kể cả khi ra trận thì việc chọn 1 trong 6 đội hình cũng điều chỉnh stats của trận đánh. Nhưng đó không là gì so với thuật toán ăn đạn random đối với tàu. Hãy lấy ví dụ bên dưới để hiểu rằng dù mới đi được nửa đường thì bạn đã được về cảng rồi.

Bên lề một chút, trước đây tôi có dùng KanColle Command Center, một phần mềm hỗ trợ dịch thuật và tính toán ngay lập tức trận đánh, cũng như đưa thông tin số liệu kẻ địch ngay phase đó luôn.

Và đôi lúc kết quả ra luôn ngay tức khắc cũng khiến người ta đau lòng.

Làm kinh tế từ game cho đến ngoài đời thực

Một điều làm cho KanColle nổi bật, ngoài độ muối từ biển chân thực từ gameplay, còn từ việc muối trực tiếp vào người chơi. KanColle giới hạn người chơi ở một cảng chỉ vỏn vẹn có 100 slot, và điều kiện để đi event kiếm thêm gái là 5 slot, và theo ước chừng thì số lượng tàu cũng đã lên đến gần 200 tàu rồi. Vậy thì đối với một game mang tính sưu tầm thẻ bài này, muốn sở hữu toàn bộ các gái thì bạn chỉ có nạp tiền và mua thêm slot thôi chứ còn gì nữa, hoặc bạn phải chấp nhận rằng một số gái sẽ không về nhà, hoặc sẽ phải bỏ gái trong đội hình đi và thay bằng gái event nếu bạn may mắn kiếm được. Và một số trường hợp giời ơi đất hỡi thì các gái mà bạn bỏ đi có khi sẽ được tăng stats cho event sau đó nữa. Bất ngờ chưa?

Ngoài ra còn một cơ chế nữa khá thú vị gọi là kết hôn. Sau khi hoàn thành một chuỗi nhiệm vụ nhất định, người chơi hoàn toàn có thể nhận một item “giấy chứng nhận đăng kí kết hôn và nhẫn”, và chuỗi nhiệm vụ này chỉ xảy ra duy nhất một lần. Ngoài lợi ích là phá bỏ giới hạn level của 1 tàu và tăng chỉ số nhất định, đây còn là sự chứng nhận thuỷ chung gắn kết giữa người chơi và một tàu duy nhất mà bạn chọn. Nghe thì thật tuyệt, nhưng cuối cùng chức năng phá bỏ giới hạn lại mang tính chất lâu dài hơn để cày event hơn là cái chứng nhận, và thành ra item đó mua được để biến bạn trở thành đô đốc có dàn hậu cung chính thức hùng mạnh.

Và vì tôi là một F2P, tôi đã quyết định gắn bó với Hibiki, sau khi nâng cấp trở thành Verniy.

Ngoài việc làm kinh tế trong game, KanColle còn làm kinh tế ở khoản dịch vụ khi mà có rất nhiều sản phẩm ăn theo game như Nendroid, figure nhân vật, các cosplayer, fan art và các mẩu truyện ngắn, khiến tựa game trở thành một trong những mỏ khai thác nội dung lớn mạnh. Đôi lúc, người ta tạo ra cái meme để chỉ ra số lượng hàng nóng và độ nổi của các tác phẩm khác nhau nó như thế nào.

Bộ 3, tôi sẽ không nói đến mức huyền thoại đâu nhé :v.

Tổng kết

Dù thực ra qua cái thời làm đô đốc rồi, và thậm chí là có cả cuộc chiến giữa Kantai Collection và Azur Lane từ Reddit đến các trang blog và cả trong fandom từ nước ngoài đến Việt Nam, tôi vẫn muốn giữ nguyên khả năng làm đô đốc thần thánh của mình trong một tựa game thôi. Tuy nhiên vì muối quá mặn, tôi chỉ để 8/10.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • Thua - 01.05.2021

    Con game này khá muối, giới thiệu cho hội newbie là dở rồi =))))


  • vứt game từ hồi 2018 rồi giờ lên wiki ngắm gái hồi tưởng lại những năm tháng suffering from rng


    • Không Hy Vọng - 13.10.2021

      mình thì biết đến từ 2015-2019 cho đến khi việc cày nhiều gacha game khiến mình ko đủ thời gian dành cho việc căn thời gian mà cờ bạc rng quá đà nữa :)))