Với một người nghiện game thể loại Puzzle Platformer thì đối với tui, Inside, chứ không phải God Of War, không phải Doom, mới là game đáng mong chờ nhất của năm.
PlayDead đã ấp ủ trò chơi này trong 6 năm, sau thành công của Limbo thì họ đã nhiều lần “nhá hàng” Inside như đứa con cưng kế tiếp, cũng như Limbo, Inside nhuốm một màu đen tối, một không gian tĩnh mịch, một sự im lặng đáng sợ, và cũng như Limbo, đây là một tuyệt tác!
Dù là một game Platformer 2D truyền thống nhưng với việc thay đổi góc nhìn một cách uyển chuyển, các quái có thể đến từ một góc sâu trên màn hình, không chỉ đến từ trái hay phải, làm cho tui nghĩ rằng đây là một trò 2D “lai”.
Chúng ta bắt đầu game với một nhân vật vô diện, theo tui đó là sự cố ý của PlayDead, có thể họ muốn ám chỉ rằng “cậu ta có thể là bất cứ ai trong chúng ta”. Không một dẫn dắt nào, không một lời thoại nào hé lộ cho ta biết câu chuyện của game, tất cả chỉ là một mình nhân vật chính, phía trước là màn đêm cô độc và mỗi bước đi, bước chạy của cậu ta đều thể hiện sự hoang mang tột độ. Từng bước người chơi học cách “sống” trong một thế giới xa lạ, cách ẩn nấp, cách tương tác với các đồ vật… Tất cả những thứ ấy phải tự học lấy mà không có bất cứ một chỉ dẫn nào. Ngay cả việc lặn trong nước, đối với các game khác thường họ sẽ cho ta biết thời gian có thể lặn là bao lâu, Inside thì không, muốn biết bao lâu, phải tự “nghẻo” trước đã.
Bằng cách “ném” người chơi vào một thế giới nguy hiểm, cho người chơi tự học cách sinh tồn, là một cách để nói: “Chúng tui đặt hết niềm tin vào người chơi”, ờ, một cách troll thì đúng hơn.
Thế giới trong Inside? Tăm tối, rùng rợn. Cái rùng rợn không phải đến từ những con quái vật “cao to đen hôi” mà đến từ những thứ có vẻ khá “bèo nhèo” trong game như heo rừng hay chó dữ. Tuy nhiên, cái cách lồng vào game, cái cách tạo ra những tình huống trong game làm cho tui sợ chúng còn hơn mấy em quái ba đầu sáu tay phun lửa. Phải tranh thủ từng chút, từng phút thì mới vừa kịp thoát trong gang tấc.
Như mọi trò puzzle platformer truyền thống, bạn sẽ lần lượt giải các câu đố để đi tiếp và dần dần vén bức màn bí mật xem “inside” có thứ gì. Các câu đố xuất hiện liên tục và càng ngày càng hóc búa hơn đòi hỏi các tương tác và hành động phải liên kết với nhau nhiều hơn. Có những câu đố khá dễ, có những câu bạn cần nhìn thật kỹ môi trường xung quanh, một mách nhỏ, chú ý những con gà, rồi bạn sẽ trả lời được cho câu “những con gà qua đường để làm gì?” 😀
Có những câu đố cần giải qua một chuỗi hành động để từ từ mở các nút thắt. Nhưng nhìn chung theo tui, puzzle trong Inside thuộc dạng dễ chịu, các khúc mắc sau vài lần được giải bạn sẽ thấy nó bắt đầu quen thuộc, bạn cũng không phải đi quá xa giữa các điểm để giải đố. Các vật thể để tương tác cũng được đặt để rất dễ tìm kiếm, người chơi không cần phải mò mẫm lượm từng object rồi phân tích như những trò khác. Đối với tui thì tui thích như vậy, chỉ tập trung nhìn vào câu đố và thưởng thức game, không cần phải lang thang hái lượm.
Cái cách camera nhấn nhá theo từng bước chân của nhân vật chính cho ta có cảm giác đang xem một bộ phim hoạt hình hơn là chơi một trò chơi điện tử, vì có lúc xa gần, ẩn hiện rất đúng lúc làm thực sự đôi lúc tui quên hẳn cái nhân vật đang ẩn nấp và rồi chạy ba chân bốn cẳng khỏi những con chó dữ kia là do mình nhấn nút chứ không phải đang xem phim!
Có một điểm nhỏ cần nói về vấn đề save trong game, Inside không cho người chơi tự làm việc này mà sử dụng chế độ auto-save, tuy nhiên chế độ auto-save của nó cực kỳ tiện lợi vì các đoạn save này rất sát với nhau.
Hồi sáng này đi dạo một vòng review thì thấy mọi người hay nhắc đến việc Inside hơi ngắn, kiểu bạn sẽ chơi xong trong vòng 3-4 tiếng và vì thế nó không đáng giá 20 USD và càng vô lý khi phải mất quá nhiều năm phát triển. Theo ý kiến cá nhân thì việc quan trọng thời lượng dài hay ngắn đối với những game như Inside là không cần thiết, và bản thân tui cảm thấy Inside là một câu chuyện rất vừa vặn không thừa không thiếu. Kết đúng lúc, thắt mở đúng lúc. Nhà phát triển muốn kể cho người chơi một câu chuyện và họ dừng khi câu chuyện đã vừa đủ, chứ không phải kéo dài cho đủ… tiền.
Về ý nghĩa của Inside, tui xin phép chưa bàn ở đây vì bản thân tui cũng vừa mới hoàn thành game cách đây chưa đầy 30 phút và dự định sẽ dành buổi tối hôm nay để nghĩ về nó, nhưng có một điều có thể nói ngay bây giờ, Inside không phải là một cuộc cưỡi ngựa xem hoa từ gameplay cho đến câu chuyện (mặc dù bản thân game cũng không nói rõ câu chuyện của nó là gì!). Nó có nhiều ẩn dụ, nó tăm tối. Nó là một ly rượu mạnh lâu năm chứ không phải một lon nước giải khát. Nó sẽ cần người chơi nghiền ngẫm một cách “có tâm”.
Bạn có nên chơi game này không? Đối với fan của LIMBO, bạn không có gì phải băn khoăn, chắc chắn bạn sẽ thích.
Đối với những gamer khác, tui thực sự nhiệt liệt cổ vũ các bạn hãy chơi game này, Inside không phải là trò chơi điện tử, một thú vui tiêu khiển thông thường nữa, đây là một kiệt tác nghệ thuật, là một bộ phim quái đản sẽ khiến bạn vừa trầm trồ vừa chắc lưỡi vừa lắc đầu và rất có thể bạn sẽ bắt đầu thừa nhận rằng “game của năm đây rồi”.
Và cũng cần phải nói rằng, chưa bao giờ tui chơi điện tử mà thấy sợ một con quái như vậy, nó tí hon thôi, nó sống dưới nước và lần nào cũng như lần nào cứ mỗi lần bị nó tóm là tui lại sởn gai óc. Dù đã biết trước và tự nhủ với bản thân “biết rồi, đừng sởn gai óc”, nhưng cái bản năng con người mình cái gì quá đáng sợ thì nó tự nhiên phải thế, viết đến đây tự nhiên thấy sởn gai óc tiếp, không hư cấu thiệt luôn.
Mà tui đã nói với các bạn rằng, cả game từ đầu đến cuối, không có một đoạn hội thoại nào chưa?
Mua trên Steam (Game này chỉ dành cho người lớn chơi, đừng cho trẻ em và người yếu tim chơi).