Số là dạo gần đây sau khi bỏ ra một tuần để kết thúc một game cực kỳ hay (Viết về nó hay không là tùy vào sự liêm sỉ của chủ web), tui bị hội chứng “Không biết phải chời gì tiếp theo” sau khi đã bỏ ra quá quá nhiều thời gian để cày cuốc với một game mà tui đã invest quá nhiều trước đó. Chơi eFootball PES 2021 cho giải trí hay bắn Destiny để xả stress với cái lịch làm việc lộn xộn của công ty cũng chẳng làm được gì ra hồn; muốn giải quyết đã đống game backlog đang chơi dở dang cũng không hứng thú… Chợt nhớ ra đã mua “What Remins of Edith Finch,” và nghe rằng chỉ tốn có vài tiếng là có thể kết thúc nó, tui cũng đã thử xem sao. Và đây gần như là những dòng không hề có bất kỳ một sự sắp đặt nào, là những suy nghĩ thô nhất của tui ngay khi vừa mới hoàn thành game vào một sáng sớm Chủ Nhật.
Tui sẽ không cố gắng trở nên vô cùng triết lý như ông bạn Hải Stark đã từng với một bài viết phân tích rất rất dài, và tui cũng sẽ chẳng nề hà gì spoiler để có thể nói hết những gì mình muốn. Cơ mà, có lẽ game đã tự spoil chính mình từ ngay cái tựa đề và cảnh đầu tiên khi người chơi, nế muốn gọi vậy, ngồi trên chuyến phà về Đảo Orca và đến với một căn nhà được xây dựng “chắp vá” và lộn xộn rồi.
Toàn bộ game có thể nói là đã kể về câu chuyện “Lời nguyền nhà Finch” khi các thành viên trong gia đình qua nhiều thế hệ đều có những cái chết từ rất “ngẫu nhiên”, “trên trời rơi xuống” cho đến vô cùng thương tâm vì nhiều lí do khác nhau. Và trừ một vài câu chuyện đã được lãng mạn hóa lên một chút, có thể nói rằng nó đã thật sự ảnh hưởng rất nặng nề lên tâm lý của những người nhà Finch, đặc biệt là bà Edie khi bà đã cố gìn giữ những gì còn lại về ký ức của họ, trừ một người (Walter) khi ông ta chỉ đơn giản là đào hầm và sống bí mật ở bên dưới căn nhà tận 29-30 năm trước khi bước ra ngoài và… Và cách bà Edie đã làm việc này thật sự có rất nhiều điểm hoài nghi, đến mức có lẽ ta không thể nào biết rõ những câu chuyện được kể lại về họ là do bất cứ thành viên nào của nhà Finch cũng đều tự lãng mạn hóa cái chết của người thân, hay là do họ đã được kể lại như vậy bởi bà Edie để cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Chia sẻ cá nhân một chút, thật ra tui không quá ngạc nhiên với cách làm này của bà Edie nếu đó là sự thật. Vì gia đình tui, hay đúng hơn là một phần của gia đình tui, cũng có dính một “lời nguyền” như vậy. Rất nhiều thành viên đã ra đi theo những cách vô cùng bất chợt, thậm chí có thể nói là không đáng có. Điều này dĩ nhiên là đau lòng, và thậm chí là nhà tui đã rất sợ. Thường khi ấy sẽ có nhiều gia đình lựa chọn giữa hai phương án, xem như họ vẫn còn như tồn tại theo một nghĩa nào đó (như bà Edie Finch) hay là gạt bỏ đi mà sống tiếp với chút ít ký ức về họ (như Dawn và Edith). Gia đình tui làm cả hai. Cả nhà đã “quen” với việc đó bằng cách vẫn đối xử với những người thân đã mất một cách đầy trân trọng qua những câu chuyện mà mọi người sẽ luôn luôn hồi tưởng mỗi khi tất cả tụ tập lại với nhau qua những dịp lễ hoặc giỗ – đó là nếu như Bà Vy/ Bà Na không quậy quọ cả Việt Nam liên tục như mấy tháng vừa qua. Thậm chí, ở trong đám tang của những người thân ấy, nhà tui chọn nhớ đến họ bằng những mẩu chuyện vui về họ ngày trước, đến nỗi một số người đã nói “Không có nhà nào như nhà này”, cớ chỉ là để che giấu đi nỗi đau mất mát quá lớn. Thế nên, khi thấy những hành động để “che đậy” đi những điều kinh hoàng như cái chết bí ẩn của Barbara, là “Calvin muốn bay và cậu đã làm thế”, hay Molly “nhìn thấy bản thân trở thành nhiều loài thú khác nhau”, tui hoàn toàn hiểu được.
Thế nhưng khi nhìn vào từng câu chuyện, chúng bi kịch đến một cách… quá thể. Hai câu chuyện làm tui phải đau đầu nhất có lẽ, dĩ nhiên, chính là của ngôi sao nhí một thuở Barbara Finch và người anh lớn của Edith, Lewis Finch.
Barbara từng là một ngôi sao nhí bởi tiếng hét đặc trưng của mình khi đóng một phim kinh dị có sự có mặt của… Big Foot (chắc thế?) Và theo như một quyển comics Dreadful Stories (mà dám chắc luôn tác giả là bà Edie), nó đã kể lại một câu chuyện có vẻ… thi vị hơn là những gì đã thật sự xảy ra – mà chúng ta cũng chưa chắc rõ. Theo câu chuyện, Barbara đã bỏ lỡ đi cơ hội tạo dựng lại danh tiếng của mình ở một sự kiện như Comic Con để gặp mặt khán giả và tham gia chương trình hóa trang, nhưng vì chăm em cùng với bạn trai nên cô đã không thể tham dự. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã được “sinh nghề tử nghiệp” khi những người “tưởng như” hóa trang chính là quái vật thật sự đã “cho phép” cô ra đi cùng tiếng hét đặc trưng của mình. Cái chết của cô bí ẩn đến mức những gì còn lại chỉ là lỗ tai của cô. Còn phiên bản hiện thực? Có lẽ bạn trai của cô đã giết cô rồi đem xác bỏ trốn. Nhưng câu chuyện vẫn muốn cho thấy barbara đã ra đi với đỉnh cao của cô chứ không phải vì một bi kịch án mạng nào cả.
Câu chuyện về Lewis Finch có lẽ thật sự gần gũi với những ai thường dùng video game, sách, truyện hay phim ảnh để thoát khỏi thế giới thật. Lewis có thể xem là bị ảnh hưởng của cả bệnh tâm lý lẫn tác dụng phụ của việc dùng chất kích thích đã khiến anh ta bị ảo giác. Dẫu vẫn là một người, well, dùng cái cụm là “giúp ích cho xã hội” nhưng vẫn thường mộng mơ đến một thế giới mà anh ta đã là người tự tay tạo nên tất cả, là một ông hoàng, là một người chinh phạt: điều dễ dàng thực hiện trong trí tưởng tượng hơn là làm ở thực tế.
Chính cái cảnh này, hay là trước đó khoảng chừng vài giây khi tui nhận ra “trí tưởng tượng” của Lewis đang bước vào cái gì, là đoạn đã làm cho tui phải bấn loạn một lúc. Ví dĩ nhiên, Lewis đã không “cúi đầu nhận ngôi vương” gì cả, mà anh đã tự sát bởi máy cắt trong xưởng làm cá để thoát khỏi cái cuộc đời nhàm chán thấp kém mà anh đang có, kể cả anh vốn là người khá thông minh với bầng cấp học tập tốt nhưng lại không thể vượt qua được tinh thần của bản thân.
Đáng những cái chết của hai thế hệ khác nhau kể lại cũng được miêu tả rất khác biệt. Về việc này thì What Remains of Edith Finch cũng đã có cách kể chuyện môi trường khá xuất sắc. Ở tủ sách của bà Edie thì toàn là những câu chuyện về thần thoại, truyền thuyết, hay cả cái các bà tưởng tượng về ngôi nhà cũ của nhà Finch bị chìm ở ngoài biển khơi; còn sách của Dawn thì lại thiên nhiều về tư duy logic và thậm chí Dawn cố rời xa gia đình nhanh nhất có thể. Cái chết của Calvn thi vị bao nhiêu, cái chết của Gus, em Dawn lại buồn bấy nhiêu với bài thơ kể về lần cuối Dawn nhìn thấy Gus trong lễ tái hôn (maybe?) của Sam, cha của họ. Hai người có cách nghĩ đến cái chết khác nhau, một bay bổng, một thực tế. Và cách để họ đối diện với nó cũng khác biệt: Một người lãng mạn hóa nó, một người ít nhất đối diện – nói đúng hơn là thừa nhận về cái chết, để có thể tiếp tục sống đời bình thường.
Trong game có một bí ẩn rất lớn không lời giải đáp là sự mất tích của Milton, anh của Edith (right?. Những hình vẽ cuối cùng của Milton cho thấy cậu đã dùng một cây viết thần kỳ vẽ ra một cánh cổng, bước qua nó và cúi chào tất cả, và biến mất. Milton cũng chính là người đầu tiên đã tìm ra bí mật về các thành viên trong gia đình ở thế hệ của Edith. Liệu có phải chăng Milton đã chọn một con đường khác nữa, bốc hơi hoàn toàn, như để biến cái lời nguyển kể trên trở nên tàn khoo61c hơn? Hay chỉ đơn giản cậu ta đã quá mệt mỏi và muốn trốn quách đi khỏi những điều kì dị này?
Chỉ có hai cái chết trong game có vẻ như là vì nguyên nhân tự nhiên. Đó chính là Dawn, mẹ của Edith khi cô miêu tả về sự mỏng manh của bà như một bông hoa bồ công anh bị chính cơn ho thổi bay đi trong giai đoạn cuối của bệnh tật. Cũng như chính cái chết (khi sinh, maybe?) của Edith khi cô đối diện với nó rất nhẹ nhàng ở cái tuổi 18 (Theo bia mộ: Edith 1999- 2017), cái tuổi còn quá nhiều sự dnag dở trước mắt nhưng có lẽ chính việc tự bản thân tìm hiểu về “lời nguyền” của gia đình đã khiến Edith có sự đối diện quá đỗi thông thái như thế.
Vậy sau cùng khi chơi game này, còn lại gì nhỉ? Có lẽ là một chút thời gian ngồi thừ ra, như thể một cách để từ từ quay trở về với thực tại, ngẫm nghĩ một chút về những thứ có thể là thật có thể là giả, chỉ chính bên trong con người ta mới có thể tự đánh giá. Và sau đó là nhấc cái mông lên và tiếp tục chiến đấu tồn tại trong cái cuộc đời đầy rẫy là bất hạnh này với một nụ cười mà thôi.