Bài này thật sự được gợi cảm hứng từ clip “6 điều vớ vẩn gamer thường làm trước khi chơi thật sự” của PlayStation Access. Nó làm tui nhận ra rằng thì ra mình không phải là cái gã gamer dở hơi nhất trên đời với những trò “tiêu khiển” có tính chất “kiểm tra” game như vậy, đặc biệt nhất là với game mới. Sau đây là những điều cá nhân tui vẫn thường hay làm và mong rằng có lẽ các gamer theo dõi HSBT cũng có những trò tương tự hoặc thậm chí là khác biệt hơn.
1. Vọc option menu
Cái này khi mà mới vừa đập hộp game là chắc chắn có: vào option chỉnh lại cấu hình sao cho hợp lý, độ sáng, mở sub v.v… Tất cả chỉ là để cho máy mình được tích hợp tốt nhất sao cho game có thể mượt mà, hoặc đẹp nhất tùy theo sở thích của người chơi để có thể có được trải nghiệm tốt nhất khi chơi game. Nhưng, nói thật, dù đã có thể đã được tinh chỉnh tốt nhất rồi, tui vẫn cứ trước khi vào game là phải mở cái option menu “như đúng thông lệ” dù bụp xong là lại thoát ra ngay mà “Continue”. Chắc cũng có chút rối loạn cưỡng chế nhẹ.
2. Vọc nước
Với một tên nghiện nước trong game như tui thì việc này… không có gì lạ. Những trò này thật sự là đủ kiểu cả: xách súng bắn hoặc ném lựu đạn xuống nước, chạy vòng vòng để xem xem nước nó có tạo những làn rẽ sóng theo chuyển động hay không- bonus việc đi bơi xong xem xem nhân vật mình có bị ướt hay không (cái trò này bây giờ trò nào hầu như cũng có nhưng nó vẫn làm tui ‘kích thích’ như thường). Hoặc có khi chỉ đơn giản là… ngồi ngắm nó và chụp màn hình sống ảo thế thôi. Thậm chí tồi tệ nhất chính là đi mod sao cho nước nó đẹp (đến nỗi Witcher 3 của tui crash luôn vài lần)
3. Chỉnh camera cho nhìn thẳng mặt nhân vật
Đây là một trong những cái trò “đần” nhất mà tôi chuyên gia làm mỗi khi đang đứng “nghỉ ngơi” hoặc ngắm cảnh trong game hoặc khi game mới load lên. Kiểu như là tôi muốn nhìn kỹ xem những cử động có chi tiết hay không, ánh mắt được tạo ra thế nào, tóc có tung bay theo gió hay có chớp mắt! Những chuyện kiểu như này, cũng như ngắm đồ họa nước, là một kiểu để trân trọng việc những nhân viên đồ họa đã tạo ra sản phẩm để cho chúng ta thưởng thức. Dĩ nhiên, với trường hợp như Lara ở trên thì… well…
4. Nhìn xem có giống người thật không (Đặc biệt khi chơi PES)
Nhìn xem có đẹp như ở trên không chưa đủ, nhìn xem giống ngoài đời không còn hay hơn. Có một số game lấy hình ảnh của người thật để đưa vào, và việc kiểm tra xem giống đến độ nào là một thú vui khó cưỡng. Đặc biệt khi được xem các cầu thủ nổi tiếng trong PES thì việc pause rồi chỉnh reply để zoom vào xem phản ứng của các cầu thủ có khi là thứ tôi làm còn nhiều hơn là thi đấu và mua bán cầu thủ. Và hãy nhìn Beckham của PES 2019 kìa, dễ sợ thật sức mạnh đồ họa ngày nay.
5. Check tiếng súng
Dĩ nhiên là không phải để làm gun-sync. Tuy nhiên, cái việc ngồi thử từng cây súng một – dẫu là đồ thật lẫn đồ sci-fi, lại là một thứ gì đó trở thành như kiểu một “tập quán” mỗi khi tôi mở lên bất cứ một game FPS nào đó (hoặc TPS). Tui không quan trọng nó có giống thật hay không, do tui cũng chả phải chuyên gia về vũ khí gì cho lắm để mà đi chém gió như khá nhiều game thủ hardcore FPS (vì nó cũng chả giúp ích gì trừ phi bạn có ý làm quân nhân), mà chỉ là có “đã tai” hay không. Và bạn biết gì không, gần như chả có trò nào cho tui những tiếng súng “eargasm” đã bằng một game mà chắc chẳng mấy ai biết đến, đó là Black.
6. “Trút giận” lên tường xem có để lại dấu vết không và có “đẹp” không
Có lẽ nói đến vụ này thì chắc tui sẽ bị xem là thằng đần thiệt rồi. Thật ra cái này là để xem xem có bao nhiêu loại vũ khí trong game sẽ có thể gây tác động méo mó lủng lỗ trên đồ vật và chúng sẽ tạo thành những hình thù như thế nào có thực tế hay không. Chẳng qua chỉ là một trò kiểm tra chi tiết lắt nhắt đến quá đáng mà tui vẫn thường hay có đó mà. Details makes perfect, đây cũng là cách đánh giá xem các nhà làm game thật sự có tâm hay không đó.
7. Xem xem cái gì có thể làm bạn bị tổn hại
Cái này thì dễ thấy nhất chính là coi thử xem bước vào lửa có bị cháy hay không, hay là nếu đụng vào con quái hoặc thứ gì đó có bị mất máu hay chết ngay tắp lự hoặc canh xem cái “nhấp nháy bất tử” nó kéo dài được bao lâu (ôi thật là cổ điển). Gần đây nhất làm cái trò này chính là khi chơi Hollow Knight. Và buồn cười nhất là ở Witcher 3 là Geralt khi bị… ong chích cũng bị tổn thương.
8. Kiểm tra “tường vô hình”
Chỉ là để chắc ăn ấy mà, tại đôi khi có những game nó bảo vệ mình kinh dữ lắm để cho mình không bị rớt núi chết lãng nhách, hoặc là xem coi mình có thể vừa chạy vừa né trong cái khu vực xả nhau được bao xa hay tự do hoàn toàn, rồi “biên giới” của thế giới mình đang quậy hoặc màn chơi là bao xa. Chơi mấy game 3D cái này quan trọng lắm đó… Mà với Dark Souls thôi chắc không cần kiểm.
9. Thay đồ
Khai thiệt luôn, tuy tui không có gương mặt lấy gì gọi là đẹp cho lắm hay có một body ngon lành gì lắm, nhưng tui vẫn là một người khá là chăm chút vẻ bề ngoài của mình và… tui khá là thích đi sắm quần áo (và tui chưa bao giờ than vãn khi phải đi shopping với phái nữ bao giờ, tui thậm chí còn giúp họ lựa đồ!). Thế nên trong game thì con nhân vật của tui cũng phải ăn mặc sao cho đẹp đẽ đàng hoàng, nhất là trong các game open world mà bạn có quyền mua đồ cho nó. Mặc đồ theo set để tăng chỉ số đi thì không nói đi, quan trọng là phải đẹp trước cái đã, stat tốt mà nhìn không đẹp tui cũng chả thèm :v
Arkham Knight là trò tui vướng cái màn này hoài. Trước khi vào game là tui phải bay vào phần chọn quần áo để ngắm sơ coi “Uh hôm nay mình muốn mặc gì” rồi vốn là fan Batman nữa nên tui nhận ra hết từng cái một – tệ hại hơn là bỏ hàng giờ đi tìm mod cho những bộ đó “giống” hơn. Arkham series có lẽ là cái series mà tui coi trọng skin bậc nhất. Ngoài ra có thể tính cả Saints Row (đặc biệt là cái trò này), GTA, Watch Dogs các kiểu. Đến mấy trò ít skin thôi như DMC mà còn phải ngồi suy nghĩ gần chết =)).
10. Tạo nhân vật
Có một câu chuyện phải nói là đi vào huyền thoại, và nó luôn đúng mỗi khi bạn chơi game RPG: Thời gian bạn bỏ ra cho việc tạo nhân vật còn lâu hơn cả thời gian bạn chơi game. Thôi, cái đó nói quá, nói thực tế đi nè: Một lần tạo nhân vật chắc muốn bằng 1 nửa số giờ chơi =)). Đó là chưa tính sau này buồn buồn đổi lại cho khác nếu có thể nữa. Tưởng tượng bạn thay kiểu tóc liên tục và bạn cũng áp dụng nó vào con nhân vật game của mình xem? Vui nhất là đi tạo thử cho giống người nổi tiếng ngoài đời hay game khác mà mình thích vào trong game mình đang chơi, như Geralt ở Fallout chẳng hạn.
Bonus:
- Chụp hình game sống ảo: Như hình nền bài vậy đóa
- Quậy NPC: Tui nghĩ cái này không ai mà không làm. Để coi coi NPC nó chịu đựng được mình tới mức nào :)) Nhưng… đừng động đến gà trong Skyrim và Zelda, làm ơn đừng, vì sự an toàn của bạn.