XCOM 2: Tựa game mà ai cũng phải thử 1 lần

Khách quen

  

Câu chuyện quay lại vào năm 2018 khi mà tôi lần đầu bước chân vào thế giới game, trước đây vì không có điều kiện và tất nhiên là phụ huynh của tôi cũng có những định kiến không tốt về những thứ gọi là TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ thành thử ra phải đến khi lên đại học và có cho mình máy tính riêng thì ước mơ của tôi mới được cụ thể hóa từ việc xem chơi game trên Youtube thành tự trải nghiệm.

Và như một thói quen, tôi lên Youtube và sợt Best turn based games. Hàng loạt những video với những danh sách dài hiện ra và trong núi game đấy (mà phần lớn trong số đó tôi còn không biết nó là gì) thì tôi bắt gặp XCOM 2. Có lẽ vì thiết kế cái áp phích thực sự quá ngầu quá bí hiểm đi. Mà tôi cũng không biết nữa.

Tôi tự hỏi trong đầu là thế quái nào mà mình không chơi từ phần 1 trước nhỉ. Tôi xem gameplay của phần một và thấy nó cũ kĩ quá rồi, mà hơn hết kẻ địch đặc biệt là Sectoid trông như một trò đùa. Thế là tôi quyết đinh sẽ chơi XCOM 2 luôn. Cho đến thời điểm hiện tại sau hơn 1000h chơi cũng may là tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì quyết định của mình.

XCOM on Twitter: "Looking for a new #XCOM2 wallpaper? ➜ https://t.co/Kz9gl2XQqG https://t.co/fTg7Bn8JGp" / Twitter

XCOM 2 cho đến thời điểm hiện tại là tựa game quan trọng nhất đối với tôi. Không phải vì XCOM 2 là tựa game tôi thích nhất mà nó quan trọng vì ngoài việc cho tôi những giây phút giải trí thì XCOM 2 còn dạy, rèn giũa cho tôi biết bao nhiều bài học quý giá để rồi từ đó thay đổi cách suy nghĩ của tôi mãi mãi.

Chấp nhận thất bại với một thái độ điềm tĩnh hơn…

Trong XCOM 2 có một chế độ có thể tùy chọn kích hoạt hay không cho dùng bạn có chơi ở mức độ dễ nhất cho đến mức khó nhất đi chăng nữa đó là chế độ IRONMAN hay nói cách khác đó là bạn chỉ có một save game duy nhất để dành khi bạn quit game còn lại mọi quyết định, mọi kết quả của mỗi chiến dịch đều sẽ không thể thay đổi được nữa. Bạn sẽ không còn đường lui, mọi thất bại hay quyết định sai lầm sẽ đều phải trả giá.

Đây có lẽ là cơn ác mộng đối với những người đề cao sự hoàn hảo một cách thái quá như bản thân tôi nhiều năm về trước. Mưu cầu sự hoàn hảo không có gì là sai, thế nhưng ở đời thì làm quái gì có sự hoàn hảo tuyệt đối. Tôi đã từng rất nhiều lần làm đi làm lại một việc chỉ vì những sai sót nhỏ nhất không được như ý. Và rồi từ sự không hài lòng với những việc không hoàn hảo, tôi bắt đầu thiếu đi sự tin tưởng vào những người khác để rồi tự làm mọi việc chỉ để thỏa mãn bản thân. Chỉ cần một thứ dù nhỏ nhất đi lệch khỏi dự kiến mà đạp đổ mọi nỗ lực bỏ ra để bắt đầu lại thì thực sự là điên rồ.

XCOM 2 đã cho tôi những cái tát đau điếng khiến tôi phải tỉnh ngộ. Từng phát bắn trượt, từng người lính phải ngã xuống rồi đến những nhiệm vụ tự sát khi phải mất hết cả tiểu đội cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ (không có nỗi sợ nào có thể bằng được một khoang máy bay không một bóng người sau một nhiệm vụ thất bại),… những điều ấy như một gáo nước lạnh đổ lên đầu tôi hết lần này qua lần khác.

Và rồi cũng như những người lính của tôi, họ nỗ lực và học hỏi qua từng cuộc chiến, tôi cũng học hỏi và thích nghi. Sau những thất bại tôi vẫn cay đắng thế nhưng bây giờ tôi vẫn có hy vọng, tôi vẫn có niềm tin rằng: Tao có thể thua chúng mày vài trận thế nhưng tao sẽ thắng cả cuộc chiến.

Tôi nghĩ rằng có thể không quá khi nói chế độ IRONMAN thực sự là một thứ gì đó không thể thiếu khi chơi XCOM 2 vì nếu thiếu chế độ này thì game đã mất đi phân nửa độ hấp dẫn rồi.

Ngoài ra nếu bạn cũng chọn chế độ IRONMAN khi chơi XCOM 2 thì tôi muốn nói rằng: Người anh em, bạn thực sự là một người đàn ông!

No time to waste

Có một điểm tôi cực kì thích ở XCOM 2 đó là bên cạnh những chiến dịch cực kì quan trọng và dài hơi chiếm một số lượng nhỏ thì phần lớn là các chiến dịch nhỏ lẻ hơn theo kiểu đánh du kích – đánh nhanh rút nhanh. Các chiến dịch kiểu du kích này theo tôi là gay cấn và hồi hộp hơn cả vì chúng đều giới hạn thời gian hay chính xác hơn là giới hạn số lượt. Đơn giản thì có thể là phá hủy máy phát tín hiệu của địch, bảo vệ máy phát tín hiệu của đồng minh hoặc hack thông tin,… những nhiệm vụ này ít áp lực hơn vì nếu nếu có quá thời gian thì cái giá phải trả cũng không quá đắt.

Chiến dịch có lẽ đáng sợ hơn cả đó là chiến dịch theo kiểu hộ tống hàng đến điểm hẹn. Nó đáng sợ bởi vì cái giá mà người chơi phải trả cho sai lầm thực sự quá đắt. Bởi vì khi hết thời gian, máy bay hộ tống ở điểm hẹn sẽ rút lui điều này đồng nghĩa với việc người chơi sẽ mất nguyên cả một đội lính… mà chẳng đạt được bất cứ một cái gì hết.

Có những tình huống trớ trêu khi mà chỉ cần thêm một lượt nữa thôi, một lượt nữa thôi thì ranh giới giữa chiến thắng và thất bại đã không còn nữa.

Đánh đổi vài thứ để có lợi cho đại cục

Ngay thiết kế của game đã cho ta biết một điều hiển nhiên đó là sức người thì có hạn mà trong khi đó lại có quá nhiều việc cần phải giải quyết, thành thử ra ta chọn việc này thì đành phải chấp nhận bỏ cơ hội với việc khác. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Căn cứ đang thiếu supplies để duy trì hoạt động, chúng ta nên chọn chiến dịch có thể đem lại nguồn thu trực tiếp cho căn cứ ngay và luôn. Có lý nhưng mà khoan. Mặc dùng Intel đang dồi dào thế nhưng Dark event của nhiệm vụ thu thập thêm thông tin nếu không bị ngăn chặn kịp thời thì trong tháng tới kinh phí bỏ ra để tuyển binh sẽ bị đội lên gấp đôi. What the fuck vậy thì ưu tiên cái gì bây giờ, nguồn cung trước mắt hay lợi thế về lâu dài…?

Ngoài ra còn có những sự kiện ngẫu nhiên xảy ra đặc biệt như là ADVENT càng quét các trại kháng chiến và ai có thể đứng nhìn những người dân vô tội của mình bị giết hại mà không làm gì cơ chứ…

Thế nhưng đây gần như là một cuộc thảm sát, nhiệm vụ giải cứu là khả thi trên lý thuyết khi vẫn có cơ hội thế nhưng tỉ lệ thành công là dưới 20%. Tôi không thể nào đẩy những người lính của mình vào một cuộc chiến không cân sức. Tôi cần những người lính của mình trong những trận đánh quan trọng hơn. Đây có lẽ là sự lựa lựa chọn khó khăn và để đưa ra được sự lựa chọn cuối cùng tôi càng thấm nhuần hơn câu nói: Kill millions to save billions của Ozymandias trong Watchman.


Ta chỉ có thể chiến thắng một cuộc chiến bằng những người lính…

Nếu không có những người lính sẵn sàng xả thân lên tiền tuyến thì bất kể nhà chính trị gia hay chiến thuật gia đại tài nào cũng phải bó tay chịu chết.

Thế nhưng những người lính không chỉ là công cụ của nhà cầm quyền, họ càng không chỉ là những con tốt trên bàn cờ chiến tranh. Họ cũng là những con người, họ có tên riêng, có một mái nhà,… chỉ có điều họ sẵn sàng thực thi mệnh lệnh bằng mọi giá. Có lẽ chính vì thế mỗi người lính càng đáng trân trọng hơn.

Và XCOM 2 đã biến những người lính trở nên đầy sức sống hơn bao giờ hết. Ta có thể tạo hình gần như tất cả mọi thứ để mỗi người lính đều có vẻ ngoài riêng những đặc điểm riêng mà không ai có thể lẫn với ai. Chưa hết với chết độ Character pool cho phép lưu lại những người lính mà mình yêu thích lại thì những người lính đặc biệt sẽ luôn sống mãi. Mặc dù có thể họ hi sinh thế nhưng một ngày nào đó trong một lần chơi mới họ sẽ lại xuất hiện phục vụ dưới trướng của người chơi. Những khuôn mặt thân quen đã cùng ta trải qua biết bao nhiêu những cuộc chiến khó khăn gian khổ. Và tin tôi đi đó là những giây phút vô cùng hạnh phúc.

Tôi vẫn luôn nhớ những câu chuyện đặc biệt về những người lính sát cánh bên tôi:

Mina “Shadow” Vos:

Một bóng ma hoạt động độc lập, đột kích kẻ địch từ những vị trí bất ngờ nhất. Kẻ địch sẽ luôn truyền tai nhau về một bụi cây biết biết nói, tay cầm một khẩu shotgun và một thanh kiếm sắc lẹm.


Jamie “High Tower” Weaver

Kỉ lục về Kill count mà chưa một ai có thể đánh bại

Derek “DATA” Sanders

Hacker xuất sắc nhất mà tôi từng có

Ye “Wolverine” Cheng

Bí ẩn và mạnh mẽ như một con thú thế nhưng huyền thoại của anh được kể lại từ sau một trận thủ căn cứ: một mình anh với lượng máu ít ỏi đã cố thủ và hạ đo ván 6 kẻ địch liên tiếp.

Ana “Double tap” Ramirez

Từ một Rookie vô danh trở thành Colonel đầu tiên, người tôi dành nhiều tình cảm và ưu ái nhất. Một Rookie lần đầu tham chiến đã may mắn lĩnh hội được tuyệt chiêu “Serial” – một tuyệt chiêu mà chỉ những Sniper đẳng cấp Colonel mới có thể lĩnh hội được. Với “Serial” được kích hoạt thì với mỗi mạng hạ gục sẽ được hồi lại điểm AP hay nôm na có thể hiểu rằng nếu căn thời điểm hợp lý thì chiến tướng của tôi có thể dọn dẹp toàn bộ chiến trường chỉ trong một lượt duy nhất. Thế nhưng đấy chỉ là trên lý thuyết và bản thân chiến tướng của tôi là một Ranger với tầm hỏa lực hiệu quả ở khoảng cách tầm trung và gần hơn hết sát thương không thể vượt trội được như một Sniper. Trong cái rủi lại ló cái may, “Serial” lại tương tác khá tốt với kĩ năng “Implacable” của dòng Ranger – sau một mạng hạ gục sẽ có thêm một điểm AP để di chuyển. Và từ đây cái tên Double tap ra đời – một Colonel có một không hai.

Và còn nhiều cái tên khác nữa. Những chiến binh và những kỉ niệm đẹp tôi mãi mãi không bao giờ quên.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện