Hành trình nào thì cũng phải kết thúc, và nếu đó là một kết thúc tốt đẹp thì cả hành trình sẽ vô cùng có ý nghĩa. Tuy nhiên, đời thì không bao giờ được như ý. Có đôi khi chỉ nên nhớ hành trình đã qua nhiều hơn là chính kết thúc, vì lắm lúc có những kết thúc thật là như beep… Và sau đây là những game mà tui đã từng kinh qua với gameplay tuyệt vời, cốt truyện có thể tốt hoặc không hẳn, nhưng những điều cuối cùng để người ta nhớ đến nó lại để một dư vị không hề tốt đẹp chút nào.
*Trước khi vào đề thì tui cũng muốn làm rõ một số chuyện về tiêu chí của tui:
– Thứ nhất là tui không ngại kết lững lờ để làm tui hóng phần sau nếu như nó làm tốt, dù nói chung là tui cũng cần game nó nên phải được trọn vẹn bản thân nó trước đã rồi hãy “thả thính” nhẹ. Nên Half-Life 2 không có nhé.
– Thứ hai đó là nó nên hợp lý với những sự kiện đã được dựng nên trong game, đừng có bị trên trời rơi xuống.
– Thứ ba, ending tệ trong các game có nhiều lựa chọn (kiểu bị dính bad ending trong game nhiều ending) không nằm trong này.
– Thứ tư, kết thúc buồn, không quá hợp ý người chơi (kiểu nhân vật phải chết sau khi làm cả đống chuyện chẳng hạn) cũng không có nghĩa là nó tệ.
** Đây cũng chỉ là cảm nhận cá nhân, và cũng vì vậy nên có những game tui chưa hề chơi nên không biết sẽ không chém, cũng như có thể vài điều bạn sẽ không đồng tình. Bạn đồng tình, cảm ơn. Bạn không đồng tình, hãy nói rõ vì sao nhé. Dù có như thế nào, cũng hãy văn minh lịch sự, và tui không có sử dụng Google dịch vì tui tự tạo content và không rảnh đi ăn cắp như vài kênh nào đó đọc truyện trên mạng.
*** Hãy chuẩn bị spoiler tá lả nha!
Deus Ex: Mankind Divided
Ok, đây chính là tựa game đã khiến tui phải làm cái list này vì tui mới vừa phá đảo nó cách đây vài ngày tính theo thời điểm bài ra mắt. Và nó đã làm tui phải gào thét vì bực mình sau hơn 30 giờ chơi.
DE:MD là tựa game hậu bản của DE: Human’s Revolution (HR), và HR dù có một ending cũng không phải là quá thỏa mãn nhưng cũng có thể làm cho chúng ta phải suy nghĩ: Làm người để tiến hóa hay tiến hóa để làm người? Và liệu rằng chỉ “một kẻ vô danh nào đó” như Adam Jensen hay các tổ chức dẫu công khai lẫn bí mật có quyền quyết định đến việc con người phải sống, phải tiến hóa như thế nào hay không? Và tuy game đó có nhiều ending, thì nội dung chung cũng vẫn là vậy.
Khởi đầu MD không thật sự “chọn” một hướng nào trong 4 kết thúc của HR, nó chỉ khởi đầu với việc kể một câu chuyện tiếp nối rất “chung chung” về tình hình thế giới hiện tại sau The Incident khi một con chip bị Iluminati kích hoạt đã khiến những người Aug (được lắp máy móc vào người) làm loạn khắp thế giới, gây ra sự phân biệt cực kỳ khủng khiếp giữa người thuần chủng và người Aug. Đồng thời game cũng châm ngòi cốt truyện với việc Iluminati có một kế hoạch ngầm gì đó.
MD có gần như tất cả mọi thứ: gameplay của một immersive sim game cho chúng ta những lựa chọn để hoàn thành nhiệm vụ lẫn dạo chơi khám phá khắp nơi theo cực kỳ cực kỳ nhiều cách: bạn có thể đi cửa chính, leo nóc nhà tìm ống thông gió, đấm tường để qua, v.v… Hub để đi đi về về là Prague cũng vô cùng tuyệt đẹp và có khả năng tạo không khí cực kỳ tốt khi những hình ảnh cảnh sát lộng hành, những câu nói sỉ nhục người Aug vang lên khắp nơi càng làm người chơi trong vai Interpol Adam Jensen nhập tâm hơn về mọi thứ diễn ra trước mắt mình. Hình ảnh cũng đã cải thiện hơn HR cực nhiều khi ơn trời cái filter vàng khè nhức mắt đã không còn, mà thay bằng màu xanh có chút hiền hòa vào ban ngày và màu đỏ vào buổi tối như thể một mối nguy hiểm vẫn đang ẩn sâu đâu đó, nhất là khi Prague bị giới nghiêm ở đoạn cuối game.
Tuyến nhiệm vụ phụ của MD có lẽ là tuyến nhiệm vụ chất lượng bậc nhất tui từng chơi trong bất kỳ một video game nào từ trước đến nay, khi nó khiến cho chúng ta phải thật sự đầu tư suy nghĩ và cảm nhận rất nhiều, nó lột tả sự thối tha của xã hội sau The Incident khi thông tin bị truyền thông bưng bít, gia đình bị chia cắt chỉ vì sự khác biệt giữa Aug và người thường, những âm mưu chính trị đằng sau đó hay thậm chí còn có án mạng chỉ vì điều này. Tuy nhiên, có một nhiệm vụ phụ vô duyên gần chết: Adam bị hôn mê gần cả năm, và bị lắp vào người Titan Augment (cớ để Adam có thêm đồ chơi mới cho game mới), Adam nhờ chủ cũ David Sarif điều tra là ai làm… Và sau 3 tuyến nhiệm vụ thì câu trả lời là “Mày tự tìm đi”… What the f…
Và thật lòng mà nói, cốt truyện chính của game khởi đầu và dẫn dắt cũng không tệ. Cũng lại là những âm mưu nghi ngờ nhau, kể cả trong nội bộ Interpol và cả là hội nhóm “tình báo” Juggernaut Collective khi Adam làm việc song song giữa hai nhóm này, kết quả chung là để tìm ra ai là thủ phạm đánh bom một ga tàu ở Prague. Mọi thứ dồn về hội của những người Aug là ARC, nhưng có âm mưu đổ lỗi cho họ đến từ Iluminati và cả là sự phản bội từ nội bộ họ. Mọi thứ nghe có vẻ khó hiểu nhưng nó rất mang chất điệp viên, chẳng biết ai chính ai tà, và ta chỉ ở một vùng xám.
Và nghe tui nói đây, nếu bạn có khả năng chơi đa dạng và vận dụng được các khả năng đàm phán, cả game bạn sẽ chỉ có thể đánh boss ĐÚNG MỘT LẦN và ngay lập tức hết game. Yup, Adam có thể sẽ ngăn cản (giết hoặc không) Marchenko – kẻ trong ARC làm phản theo phe Iluminati, và thế là hết, chả liên quan gì thêm Iluminati (cả game xuất hiện có 3 lần). Cảm giác ngồi xem kết thúc game cứ như bạn đang xem một phim có 3 act mà nó kết thúc ở act 2 vậy. Tệ hơn, ending của nó không hề là những cutscene tốt, mà là… cái TV chiếu tin tức ngầm nói về những lựa chọn bạn đã làm ở sidequest (nếu bạn có làm hoặc không)… Nó lười biếng một cách khủng khiếp, và ở credit thì có một đoạn after credit thả thính Iluminati sẽ nhắm đến Adam Jensen. Hết.
Đó là lí do tui nói muốn làm sequel bait cũng được, nhưng hãy để cho phần này trọn vẹn với bản thân nó đã, trong khi có quá nhiều thứ chỉ nên được giải quyết ở MD rồi mới hãy đi tiếp, như cái cách HR từng làm ấy. Quá đáng tiếc.
The Legend of Zelda: Breath of the Wild
Tui đã từng review BOTW rồi, và dù tui không phải yêu nó kinh hoàng lắm, nhưng tui vẫn rất nghiện và đã dành cả trăm giờ chơi cho nó. Đây có lẽ là một tựa game thế giới mở “mở” thật sự, vì chúng ta có thể làm… gần như bất kỳ cái quái gì theo phong cách của mình với những khả năng mà game cho chúng ta ngay từ đầu để đi khám phá. Các nhiệm vụ phụ cũng rất ẩn, thế nên nó rất khuyến khích người chơi trong vai Link phải tương tác với NPC liên tục để tìm ra xem có ai giao cho mình nhiệm vụ gì hay không, kể cả tìm hiểu lore của Hyrule cũng vậy. Cơ chế chiến đấu với cái kiểu mọi thứ có hạn sử dụng, và chúng sẽ vỡ vụn như cách con tim bạn tan vỡ như khi gặp lại người yêu cũ dẫu có hơi bực mình nhưng cũng giúp ta quản lý tài nguyên tốt (dù tui hơi có vấn đề là nhân vật không có progress, cách người chơi progress mới là cái chính của game).
Về mặt cốt truyện thì đây là game Zelda nên nó vẫn theo cái cốt “hiệp sĩ giết yêu quái cứu công chúa” kinh điển (trừ vài bản), nhưng mặt xây dựng nhân vật thì lại vô cùng tốt khiến chúng ta thật sự đầu tư vào mọi thứ. 100 năm trước, Calamity Ganon đã chiếm lĩnh các thần thú và các Guardian – những cỗ máy chiến đấu cổ xưa để đánh bại cả Hyrule. Link trong lúc bảo vệ Zelda đã bị trọng thương và bất tỉnh, thế là Zelda cho Link ngủ đông đến tận 100 năm trong khi mình cầm cự với Calamity Ganon. Giờ đây Link đã tỉnh giấc, và linh hồn vua Rhoam đã kêu gọi Link giải cứu Zelda và Hyrule. Những nhiệm vụ tìm lại ký ức, tìm ra thanh Master Sword, lấy lại quyền điều khiển các thần thú với linh hồn của các nhà vô địch của Hyrule chỉ càng làm dày thêm những điều đã xảy ra ở quá khứ giúp game không bị quá một chiều.
Và bây giờ thì đến cái bứt rứt của tui đây: Trận đấu boss cuối cùng với Calamity Ganon, à không, chính xác là với Dark Beast Ganon chả có chút hợp lý gì hết. Thế này, cả game xây dựng Link là “kẻ được chọn”, là kẻ có thể cầm được Master Sword – thứ vũ khí duy nhất có thể thật sự tiêu diệt cái ác, và trong trường hợp này dĩ nhiên đó là Ganon rồi. Và đồng thời còn có DLC Trial of the sword giúp cho Master Sword có thể tăng damage lên 60 và có hạn sử dụng rất dài (hoặc đày ải khổ dâm người chơi như con Mòe 4 chơi Dark Souls thì đúng hơn)… Nói chung, mọi thứ tập trung vào cây kiếm sư phụ đó, và rồi chúng ta có phase đấu boss cuối cùng là… dùng Bow of light… Mà nó là do Zelda đưa cho Link nữa, vậy sao từ đầu Zelda không dùng?
Chưa kể, còn cây kiếm thạc sĩ thì sao!? Khoan khoan, tui biết là ta hoàn toàn có thể đánh bại Calamity Ganon mà không cần nó vì mới đẻ ra có thể nhào vào Lâu đài Hyrule ngay nên cutscene loại bỏ cái đó… Nhưng nếu vậy thì nói cho cố về kiếm chủ nhân làm gì!???? Why you so stu………
*Phù, inhale, count to 4, exhale, count to 4… Tiếp nào*
Metal Gear Solid V: The Phantom Pain
Trước mắt, có vài điều tui muốn nói về MGSV: Đây thật sự là game MGS đầu tiên của tui, và tui chưa hề phá đảo nó, nhưng tui cũng nghĩ mình đã chơi đủ để có thể bình phẩm về gameplay của nó. Còn về cốt truyện thì tui đã bị spoil tan nát rồi, đến nỗi tìm hiểu luôn nguyên cái lịch sử về MGS luôn nên tui nghĩ là tui đủ tự tin để bàn tại sao cái kết thúc này với tui nó tệ.
MGSV có lẽ là game có cơ chế stealth hay nhất tui từng chơi, với Fox Engine vô cùng mượt mà trong những cử động của Big Boss – à không, mà thôi lát bàn sau… Cử động của Big Boss rất tự nhiên khi có transition các tư thế nhanh chóng giúp cho việc di chuyển lén lút rất linh hoạt, đồ chơi cũng có thể gọi phần nào là đa dạng khi có thể knock out hoặc hạ luôn đối thủ bằng súng gây mê hay cái tay rocket vô đối, thậm chí cả sự “học hỏi” (machine learning) của AI với thói quen của người chơi cũng là một chi tiết đáng kinh ngạc – vốn dĩ dòng MGS luôn có những chi tiết nhỏ nhặt đến quá đáng nhưng thú vị.
Thế giới mở ở Afghanistan và Châu Phi thì công bằng mà nói rằng hơi trống với các tuyến nhiệm vụ cũng lặp lại quá nhiều (kể cả main mission lẫn side mission đều có màu như nhau) có lẽ chính là điểm yếu nhất của cả game. Và dĩ nhiên là kể cả sự thật là game này thật sự là một sản phẩm dang dở, chắp vá từ câu chuyện cho đến cả việc thiết kế nhiệm vụ do mâu thuẫn giữa Kojima và Konami.
Điều tui nghĩ gây impact lớn nhất của game đó chính là Mother Base, vì đây là Mother Base mà chúng ta phải dành… có lẽ cả 1/3 thời lượng game để xây dựng, tuyển chọn – nói đúng hơn là “bắt cóc” nhân sự để xây dựng nên, nó khiến chúng ta đầu tư quá nhiều tiền của, công sức và tâm trí cho việc quản trị tử tế. Và để rồi khi cái vocal cord parasites phát tán, Big Boss phải tự tay giết những người lính của mình, và Quiet cũng hy sinh vì nó để gọi bộ đàm kêu cứu hộ cho Big Boss. Những lí do này quá đủ khiến cho Big Boss phải turn heel, hay go rogue, và tiếng Việt với phong cách kiếm hiệp tui gọi là “tẩu hoả nhập ma” (Hán Việt vẫn là tiếng Việt).
Big Boss vốn dĩ đã trải qua quá nhiều chuyện từ cái chết của The Boss vì âm mưu bưng bít của chính phủ, rồi trái tư tưởng với Zero lập ra MSF đã bị tiêu diệt, bây giờ Diamond Dogs cũng bị diệt nốt, hỏi sao ông ta không phản lại hết tư tưởng từng có cho được… Nó sẽ làm cho chúng ta rất cảm thông vì sao Big Boss rồi sẽ thành kẻ phản diện ở hai Metal Gear đầu tiên. NHƯNG NOPEEEEEE, đây chỉ là Venom Snake- một nhân viên y tế được giải phẫu và phần nào là được “đào tạo” để trở thành Big Boss giả… Vẫn biết là nó sẽ giải thích được sao cho ở hai Metal Gear đầu đánh Big Boss đến hai lần vì có đến hai người, nhưng nó đã vô tình bị làm Big Boss “không đủ đô” để bị tha hóa nặng nề… Tiếc quá tiếc với cái dòng game retcon tá lả này.
Batman Arkham Asylum
Tui nghĩ khi tui nhắc game này thì mọi người biết tui muốn nói cái gì rồi. Nhưng hãy cứ nói trước về toàn bộ Arkham Asylum đã.
Arkham Asylum có lẽ chính là tựa game Batman đầu tiên thật sự… Batman, một thành tựu mà gần như cả chục game Batman trước đó không game nào làm được một cách hoàn chỉnh, và nó là khởi đầu cho cả một series tuyệt vời. Arkham Asylum dựa trên bộ truyện tranh huyền thoại của Grant Morrison và Dave McKean là Arkham Asylum: A serious house on serious Earth – yên tâm là tui đã đọc nó đủ 6 lần để không lộn tác giả họa sĩ, với việc Joker nắm cả Arkham Asylum và thách thức Batman. Nhưng dĩ nhiên thay vì là xoáy vào tâm lý thì game phải có chất hành động hơn, và hệ thống free-flow combat với việc pha trộn đồ nghề tạo ra những pha chiến đấu xuất sắc và những đoạn stealth action predator đầy tính toán (dĩ nhiên vẫn chưa hoàn thiện 100% cho đến các hậu bản).
Cái quan trọng hơn là không khí kinh hoàng của một bệnh-viện-nhưng-thật-ra-là-nhà-tù với việc bác sĩ và lính canh nên sợ bệnh nhân chứ không phải bệnh nhân nên sợ bác sĩ và lính canh được lột tả tuyệt vời với sự âm u, nguy hiểm có thể xuất hiện bất kỳ đâu (như Killer Croc chẳng hạn, thậm chí đang dạo dạo có bệnh nhân bay vô mặt), và mỗi khu vực là do một tên siêu tội phạm canh giữ khiến Batman phải đi đến từng nơi một để tìm cách ngăn chặn Joker.
Rồi, đến cái tui bực nào: Titan Joker. Tại sao à? Suốt cả game Joker là một kẻ dùng não nhiều hơn dùng sức, và Titan venom là dùng để bơm vô mấy tên tay sai cho thành cái kiểu quái tank cho ta làm việc vất vả một chút. Và với tất cả sự tôn trọng dành cho Paul Dini, người viết nên rất nhiều câu chuyện tuyệt vời về Batman từ hồi Batman The Aniimated Series, lại có thể cho ra một đoạn đánh boss là Titan Joker vì… video game cần có đánh boss, và Joker mà lại cần sức trâu bò để hạ Batman, trong khi hắn vốn thích chơi đùa tâm lý – điều khiến hắn nguy hiểm hơn rất nhiều…
Mà thậm chí nó còn không phải là đánh boss cho đàng hoàng, mà là dọn bọn lính, kéo Titan Joker xuống đập vô mặt vài cái 3 lần, rồi xem cutscene Batman xịt explosive gel vô tay đấm vỡ mồm Joker – theo nghĩa đen. Nói nghiêm túc nguyên dòng Arkham chắc có ending của Arkham City là hay nhất.