Top 30 games offline yêu thích nhất theo kinh nghiệm bản thân từng chơi qua – Phần 1

Huyền thoại ★

  

Nếu bạn đã là một người yêu thích thế giới game, thì tuyệt nhiên bạn hoàn toàn có thể nhận ra được nó có ý nghĩa trong cuộc sống của bạn nhiều đến mức độ nào. Tôi khá là chán ghét các định kiến về game của nhiều người, với tôi chúng có ý nghĩa rất nhiều, khi thông qua game tôi có thể bước vào cả một thế giới đầy đam mê và giúp tôi chìm đắm vào sự tưởng tượng mà quên đi buồn phiền từ thế giới bên ngoài. Và giờ đây tôi mong muốn tạo ra một list bự về game và cả lý do vì sao tôi yêu thích chúng đến như vậy để mọi người có một cái nhìn hoàn toàn khác về ngành công nghiệp này, và tất nhiên tôi sẽ chú trọng những yếu tố khác mạnh hơn cả yếu tố giải trí. Sau đây sẽ là 30 games tốt nhất tôi đã kinh qua, và tôi sẽ cố gắng để giới thiệu thêm nhiều game nữa theo tôi đánh giá là khá tốt dến thậm chí tuyệt vời, mặc cho tôi đã chơi qua hay chưa.

Xin nhắc trước, thứ tự những yếu tố để tôi yêu thích một game là như sau: Câu chuyện – Nhân vật – Lối chơi – Đồ Hoạ – Ý tưởng. Vì thế list của tôi vẫn mang yếu tố rất chủ quan cũng như không phải game nào tôi cũng kinh qua rồi vì những hệ máy khác nhau, bản quyền, v.v… Mong các game thủ thông cảm. Và mỗi series chỉ ráng chọn ra một game thôi nhe, dù thật sự rất muốn ghép nhiều game vào một vị trí hoặc nhiều game của một series, và tôi sẽ cố gắng đa dạng hoá thể loại game nhất có thể.

Cũng xin mọi người hãy nhớ một điều kể từ đây, ở mấy bài top này của tôi thật ra chỉ là theo thứ tự tôi có thể nghĩ đến đầu tiên khi được hỏi câu “Bạn thích game nào nhất?” nên có thể sẽ không phù hợp với nhiều người về thứ tự lẫn concept, nhưng hãy xem thử nhé.

PS: Tôi ít chơi game online, thế nên xin hãy hiểu vì sao tôi không đem game online vào list này.

PPS: Tôi không có XBOX 360, XBOX One, Wii (chỉ có giả lập Dolphin chưa chơi gì nhiều), PS3 và PS4… Nên có những game exclusive tôi chưa được chơi không có mặt cũng xin thứ lỗi (như The Last of Us, Uncharted, Halo, Ninja gaiden chẳng hạn).

PPPS: Đây là list của tôi, và sẽ dành nhiều yếu tố tình cảm hơn là chuyên môn… chắc sẽ không hợp ý nhiều người, nhưng mọi người cứ đóng góp ý kiến nhé.

Ok, ready to play?

30. Ghost Recon Future Soldier

Một trong những tựa game bắn súng chiến thuật tốt nhất mà tôi từng được chơi qua. Việc xây dựng một câu chuyện chiến đấu chống khủng bố ở thời hiện đại tạm ổn, những món đồ chơi tác chiến cực xịn, và quan trọng nhất chính là cách chúng ta có quyền lựa chọn cách tiếp cận trận chiến dù là rambo hay đúng chất những “bóng ma” đều đưa lại những trải nghiệm rất tuyệt. Chắc chắn ghiền nhất phải là trò sync shot một lúc hạ ngay 4 mục tiêu. Đã thế lại có nhiều phân cảnh tạo đội hình kim cương giúp ta cùng các đồng đội chiến đấu cực kỳ điện ảnh. Độ thách thức của game cũng đáng làm cho chúng ta thật sự phải tập trung hết sức để hoàn thành từng nhiệm vụ dù chính dù phụ để có thể có được những món hàng tốt nhất cho vũ khí của chúng ta.

29. Reckoning: Kingdom of Amalur

Một trong những tựa game RPG khá ổn và bay “dưới radar” của khá nhiều người. Hình ảnh của game được thiết kế bởi Todd McFarlane – hoạ sĩ lừng danh với những đầu comic Spider-man và Spawn, giúp cho Reckoning khá là đẹp mắt và lung linh diễn tả được một thế giới fantasy khá đa dạng. Cốt truyện thì lại chính là điểm yếu nhất của game: bạn là một gã chết đi sống lại, mang trong mình một lời tiên tri và sức mạnh thần bí nào đó kiểu The Chosen One để giải phóng vương quốc này. Điểm mạnh thật sự của game chính là hệ thống combat vô cùng đẹp mắt và đa dạng với nhiều loại vũ khí khác nhau, còn yếu tố RPG thì cũng không có gì đặc sắc lắm nhưng lại có một nét hấp dẫn khá là riêng.

28. L.A Noire

Đây không phải là game dành cho những người thích hành động rượt bắt cướp như thần (dù cũng có vai phân cảnh đấu súng hay truy bắt), mà đây là một game dành cho những tay thám tử nghiệp dư thật sự. Cùng với Cole Phelps, chúng ta sẽ phải đi phá những vụ án ở từng phân ban khác nhau như giao thông, án mạng, buôn ma tuý và những vụ phóng hoả và phải đọc vị nhân chứng, quan sát vật chứng theo cách tinh tế nhất có thể. Motion capture của L.A Noire có thể nói là đỉnh cao nhất của thời điểm đó, thậm chí đến nay cũng ít có game nào sánh được và nó vừa cả giúp đỡ lẫn đánh lừa người chơi vô cùng tuyệt vời. Tuy rằng kén người chơi và về sau thì hơi lặp lại, nhưng nếu nói L.A Noire là game thám tử hay bậc nhất thập kỷ này thì cũng chẳng có gì là quá đáng cả.

Tuy nhiên, có một game thám tử khác tôi còn thích hơn.

27.Sleeping Dogs

Hong Kong trong tầm tay, chiến đấu theo đúng chất kungfu như Lý Tiểu Long, một câu chuyện khá ổn và cả một nền đồ họa đẹp đến xuất sắc ở thời điểm 2013, ai mà không thích cùng Wei Shen thâm nhập vào nộ bộ Sun on Yee và chứng kiến rất nhiều màu sắc của thế giới ngầm cực kỳ sặc mùi phim TVB phải không?

Thế giới sandbox tuy nhỏ nhưng rất chất lượng về khu đảo và thành phố Hong Kong, hình ảnh đồ hoạ mượt mà, hệ thống combat tuy hơi cứng nhưng cực đã tay, các nhiệm vụ phụ từ thú vị đến quái quái, việc phân bổ bảng skill giữa cảnh sát và giang hồ mang thêm chút gì đó RPG cho game cũng làm cho mọi thứ rất đáng để trải nghiệm. Với những nước Á Đông, Sleeping Dogs thật sự là một siêu phẩm.

26. Wolfenstein: The New Order

Một cơn gió cổ điển xâm chiếm nền game FPS thời hiện đại, Wolfenstein đã gây nên một cú chấn động vào năm 2014 và xem như đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của những game Run N’Gun tưởng chừng đã quá lỗi thời. Theo chân B.J Blazkowicz sau một lần hôn mê khi chiến đấu với Deathshead quay trở lại chiến đấu trong một thế giới giờ đây đã nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của Đức Quốc Xã, những giây phút cực kỳ giật gân lẫn lén lút, những cốt truyện chính và phụ đặc sắc giúp xây dựng các tuyến nhân vật vô cùng sâu sắc.

Một trải nghiệm cổ điển xưa cũ trong thời đại mà game FPS có tính chất lặp đi lặp lại đến nhàm chán thật là một điều tuyệt đời.


25. Robin Hood: The Legend of Sherwood

Một tựa game mà tôi có cơ hội chơi ké và đến tận rất nhiều năm sau tôi mới hoàn toàn tự sở hữu.

Đây là một tựa game chiến thuật dựa trên câu chuyện dân gian về người anh hùng Robin xứ Loxley nổi tiếng “cướp của người giàu, chia cho người nghèo”. Tuy đây không hẳn là phiên bản “truyện” quen thuộc và chính xác nhất nhưng tôi lại biết nhiều về Robin Hood qua tựa game này (và một cuốn tiểu thuyết của Alexander Dumas), cùng cách dẫn dắt thú vị, lối chơi bắt buộc phải có sự tính toán cả về nhân sự lẫn cách tiếp cận nhiệm vụ khiến giá trị chơi lại của game rất cao, giọng lồng tiếng và xây dựng các nhân vật xuất sắc cùng đồ hoạ có thể gọi là “đẹp lạ” thời bấy giờ, lối combat siêu “quái đản” là vẽ đường kiếm cho các nhân vật làm cho nó mang tính thử thách hơn rất nhiều. Những yếu tố trên chứng tỏ rằng đây là game về Robin Hood hay nhất từng làm ra.

Note: Nếu là fan của Robin, bạn có thể thử một game khác có tính “đa dạng” hơn là Robin Hood: Defender of the Crown, nhưng tôi thấy nó có vẻ lặp lại và hơi chán.

24. Need For Speed Most Wanted 2005

Tôi từng đưa game này vào list top game PS2 (chơi PS2 dễ hơn PC), và tôi cũng phải đưa game này vào list này vì với tôi đơn giản đây là tựa game đua xe hay nhất từng được làm ra, mặc cho đồ hoạ có yếu thế hơn so với những bản gần đây hay so với những tên tuổi khác như Forza, Gran Turismo, Burnout hay cả Asphalt trên mobile. Lối chơi nhịp độ cực nhanh và âm nhạc chất vẫn luôn giúp cho Most Wanted bản gốc có sự thu hút nhất định và là tựa game tốc độ tuyệt vời. Ngoài ra, theo plot nó còn là một sự trả thù ngọt ngào, nếu bạn bảo đây là một bản Fast and Furious thuần gốc trên game tôi sẽ chẳng thể nào từ chối với ý kiến ấy.

23. Saints Row IV

Saints Row 2 thì có phần hơi đen tối, Saints Row 3 thì nhố nhăng và kết hợp cả 2 lại thì chúng ta có 1 tựa game nghiêm túc một cách nhố nhăng là Saints Row IV. Nói game này là một cái parody cực to của những tên tuổi lừng danh trong sci-fi cũng hoàn toàn chính xác, khi mà môi trường chính của game là một thế giới ảo hệt như Matrix và nhân vật Saint của chúng ta đúng nghĩa đen là Neo, có khả năng tương tác “dục tính” như châm chọc Mass Effect và kể về một cuộc xâm lược ngoài hành tinh khá giống Independence Day, và đó chỉ là bề nổi thôi đấy. Nhiệm vụ dày đặc mà hơi lặp lại, nhưng chính các nhân vật là người làm chúng trở nên bớt nhàm chán khi họ được xây dựng đều và sâu hơn hẳn so với Saints Rows 3… and Johnny Gats is back! Chưa kể, cốt truyện của nó vững hơn các tựa game trước, dù nói thẳng ra là nó chảng có “ý nghĩa” gì cả nhưng mà đó lại là điểm khiến cho nó tuyệt vời.


Và nếu nói không ngoa, đây chính là tựa game Superman hay nhất mà Warner Bros vẫn chưa làm được, lại thêm một yếu tố châm chọc rồi đấy.

22. Super Mario World

Lại quay về classic. Dĩ nhiên hầu hết gamer đều biết đến game Mario, có rất nhiều phiên bản và may mắn thay kinh nghiệm đầu tiên của tôi với dòng game này là với phiên bản Super Mario World của SNES. Lí do vì sao người ta thích Mario, hay hồi đó còn gọi là hái nấm, thì không phải bàn nhiều, nhưng phiên bản này theo tôi chính là đỉnh cao của dòng game Mario cả về đồ hoạ, âm nhạc lẫn set up các màn mang lại một trong những trải nghiệm “khó khăn” nhất của chàng thợ sửa ống nước mũm mĩm.

21. Prince of Persia – SNES version

Trước khi có những plot lằng nhằng về Sand of Time sau này (mà theo tôi vẫn khá hay), nhưng ban đầu thì đây chỉ là một tựa game platform cực kỳ xuất sắc về cả hình ảnh, motion và việc hack não người chơi khi phải tìm đường vượt qua một màn. Chính sự đơn giản làm cho game trở nên cực kỳ thử thách, và chúng ta thậm chí còn có khoảng thời gian 2 tiếng chảy hết trong đồng hồ cát (Sand of Time, dude, get it) để có thể cứu nàng công chúa đang bị giam cầm.Xin lỗi những tựa game Prince of Persia rất phức tạp và độc đáo sau này, nhưng “simple is best” là câu tốt nhất để tả về Prince of Persia phiên bản SNES.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện