Từ quảng cáo truyền hình đến trailer game

Huyền thoại ★

  

Có thể nói quảng cáo chính là bộ mặt của marketing. Chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi nhưng có thể tác động đến thói quen của nhiều người trong nhiều năm, như một ai đó đã nói: làm một sản phẩm đẹp thì người ta nhớ đến bạn một lúc, làm một quảng cáo hay thì người ta nhớ đến bạn cả đời. Nhiều người trong chúng ta chọn Coca hay Pepsi không phải vì chúng ta nhận ra sự khác biệt trong chất lượng, chúng ta chọn vì chúng ta thích cách tiếp cận khách hàng (quảng cáo hay thiết kế sản phẩm) của từng thương hiệu. Các nhà bán hàng cũng nhận ra con người vốn không thích lựa chọn, vì thế khách hàng sẽ trung thành với lựa chọn ban đầu của mình hết mức có thể. Nếu một đứa trẻ 6 tuổi ngồi xem truyền hình thì việc nó uống gì trong 50 năm tới phụ thuộc nhiều vào việc quảng cáo của Coca hay Pepsi, bên nào làm hay hơn.

Những quảng cáo ấn tượng

Hãy cùng điểm qua một số quảng cáo mà người viết bài ấn tượng. Thông điệp được truyền tải một cách rõ ràng, mượt mà, giàu cảm xúc, bảo đảm ăn đứt mấy tiết sinh hoạt công dân đầu tuần.

Dear Brother – Johnnie Walker

Don’t rely on Fate – AXE

Just do it – Nike Korea

Mỗi khi thấy nản chí người viết bài đều xem lại quảng cáo của Nike, thất tình thì xem quảng cáo của AXE… Cần vui vẻ động lực thì xem quảng cáo Âu Mỹ, cần sâu sắc cảm động thì xem quảng cáo Thái hoặc Hàn. Người viết có lưu vài chục cái quảng cáo như vậy, đơn giản vì bản thân… cần nó. Nó giống như một liều doping, không phải là thứ dùng hàng ngày nhưng dùng đúng lúc thì vô cùng hữu ích. Và tự lúc nào mỗi khi đi mua giày thì mình sẽ chọn sản phẩm của Nike, hay như mua sản phẩm “đàn ông” thì sẽ chọn AXE. Không cần thiết phải khoe khoang tính năng mới hay đột phá công nghệ gì cả, dân marketing bây giờ đã biết bán “cảm giác”, đóng gói lại trong một vài quảng cáo cùng một lời hứa hẹn về thương hiệu. Khách hàng cứ việc trả tiền rồi ngất lịm trong cảm giác mà thôi!

Trailer game và những lời phàn nàn

Về cơ bản trailer game cũng là các đoạn quảng cáo được nhà phát hành tung ra để dụ dỗ dân tình mua game của họ. Trailer game cũng có vài ba loại, tạm phân ra là Live Action Trailer, Gameplay Trailer và Cinematic Trailer. Hãy cùng điểm qua một số đại diện tiêu biểu của từng loại.

WoW: Mists of Pandaria – Cinematic Trailer

Overwatch – Gameplay Trailer

War Thunder – “Victory is Ours” Live Action Trailer

Sự khác biệt giữa các thể loại trailer này là gì? Đó chính là công sức đầu tư cũng như thời điểm phát hành. Một game nổi tiếng có thể có cả ba loại trailer, và thường mỗi loại trailer sẽ có nhiệm vụ riêng của mình.

  • Live Action Trailer: hoành tráng và tốn kém, hào hứng và náo nhiệt, tuy rằng… chẳng liên quan gì đến game, thường được giới thiệu ở những sự kiện truyền thông lớn và hướng đến lớp khán giả mới tiếp cận, những nhà đầu tư và… những kẻ tò mò. Giả sử bạn là một cậu nhóc 12 tuổi lần đầu tập tành chơi game AAA hay một người 50 tuổi muốn một game indie nhẹ nhàng thì việc gameplay nó tối ưu thế nào có thật sự là thứ quan tâm? Họ chỉ quan tâm đến câu chuyện, đến thế giới bên trong cái game đó, nếu có thể thì thêm một chút tò mò về sự hay ho mà game hứa hẹn. Thế là chơi, ai cần 300 pages cãi nhau xem CoD hay Battlefield cái nào hay hơn? Và Live Action Trailer là dành cho những người như họ.
  • Cinematic Trailer: là trailer làm hoàn toàn trên đồ họa máy tính, có thể tốn kém y như Live Action và thời gian thường lâu hơn Live Action Trailer, tuy nhiên khắc phục được điểm yếu của Live Action Trailer là .. thật. Cinematic Trailer cho phép các nhà phát hành truyền tải và diễn đạt được những thế giới “lạ”, rất phù hợp cho những game giả tưởng hay game indie đề cao yếu tố độc đáo. Khi so sánh giữa Live Action Trailer và Cinematic Trailer hãy nghĩ đến trường hợp kinh điển là thế giới zombie. Theo bạn thì phong cách nào hiệu quả hơn?
  • Gameplay Trailer: vòng cuối cùng trước khi dân tình rút ví ra mua. Nó giống như đăng kí kết hôn rồi chọn ngày cưới, Gameplay Trailer thường chỉ dành cho những kẻ lưỡng lự hoặc dân Hardcore vốn khắc nghiệt trong cảm xúc cá nhân. Một vài người cho rằng Gameplay Trailer là trailer “trung thực” nhưng theo cá nhân viết bài thì điều đó không chính xác. Các Gameplay Trailer thường được nhà phát hành làm khéo léo để khoe cái hay cái đẹp cũng như che đi cái không được của bản thân. Nếu tìm cảm giác thân thuộc với một game cũ (cách tạo hình, bối cảnh, nhân vật) thì có thể chứ hay dở thế nào thì không thể nói trước. Có đáng hay không, luôn phải thử mới biết được.

Dạo gần đây có nhiều lời phàn nàn về việc quảng cáo thế này sản phẩm thế nọ. Trong thế giới game thì tiêu biểu là game Dead Island. Trailer của game đã nhận hàng rổ gạch đá từ cộng đồng bởi vì… hay quá, vượt xa gameplay tẻ nhạt của trò chơi. Điều đáng lưu ý ở đây là rất nhiều lời phàn nàn đến từ việc trailer của game không liên quan đến nhân vật trong game, và người mua cảm thấy bị lừa dối. Tệ hại thì tha thứ được, nhưng lừa dối thì không. Họ downvote và biến Dead Island trở thành một trong những quả bom xịt nhất làng game. Nghe có vẻ chua xót nhưng nó thể hiện một điều quan trọng: Người dùng ngày càng quan tâm đến nhân vật và sự kiện cũng như câu chuyện mà trò chơi truyền tải, chứ không đơn thuần là gameplay “thực tế hơn” hay đồ họa “bắt mắt hơn”. Cái “hơn” chỉ là cảm giác trong chốc lát, không ai thèm nhớ đến nó. Trong khi đó cái cảm giác gần gũi thân thuộc mà một quảng cáo, một trailer, một câu chuyện thì sẽ đi được con đường dài hơn. Đến Liam Neeson cũng “rage” trong Class of Clans thì ai cũng có thể thông cảm được, hãy thoải mái (bỏ tiền túi ra) “rage” và đạp tan thành trì đối phương!

Kết bài người viết muốn giới thiệu với các bạn một Live Action Trailer rất hay đến từ series Halo. Nhạc hay và ý nghĩa, một phần list nhạc người viết đang nghe đến từ những bài hát trailer game hoặc phim chất-đến-từng-giây. Ví dụ như gần đây là khám phá ra Agnes Obel khi chơi The Long Dark. Bài The Curse – trailer game The Long Dark đúng là một tuyệt tác!!!


Cảm giác khi xem xong trailer chỉ muốn cầm súng xông ra chiến trường (hình ảnh ẩn dụ, thực tế là bật Xbox lên cúng tiền cho Microsoft). Cơ mà đã tay ghê gớm, con người ta đã mua cảm giác như này cả nghìn năm rồi, cứ mạnh dạn vung tiền ra mua thôi các bạn à!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện