Mấy thứ nhỏ nhặt bản thân để tâm một cách ngớ ngẩn

Huyền thoại ★

  

Một khi đã chơi game thì chắc chắn là toàn bộ các giác quan nhận thức của game thủ sẽ hoạt động ở công suất cao nhất có thể để còn chiến đấu và chiến thắng, hay ít nhất là không game over vài trăm lần. Cũng chính vì vậy mà chắc chắn mỗi game thủ sẽ có cho bản thân mình những sự chú ý rất riêng biệt trong những tựa game mình thích, thậm chí đôi khi chúng sẽ kỹ đến mức… quá đáng, săm soi thôi rồi. Và vốn với cái tính xét nét lẫn sở thích quái lạ của bản thân thì tui cũng có cho riêng mình một list những thứ trong game mà tui sẽ để ý nhiều hơn bất kỳ điều gì, thậm chí là sẽ luôn luôn lấy nó làm ưu tiên khi mới vào game phải chạy đi kiểm tra liền trước khi “dấn thân” thật sự.

NƯỚCCCCCCCCCC

Tui đã từng viết cả một bài “Những dòng nước trong game” để chia sẻ những tựa game/địa điểm trong game có thể thỏa mãn cái sở thích lớn nhất khi chơi game của tui rồi (đặc biệt ở game thế giới mở): ngồi ngắm đồ họa và vọc vật lý của nước trong game. Trừ phi chung sở thích, tui nghĩ khó có ai hiểu được cái cảm giác “sung sướng” khi nhìn làn nước uốn lượn, những cơn sóng ập vào bờ, sự óng ánh khi ánh sáng chiếu rọi vào và những cung bậc màu sắc khác nhau của nước tùy theo game và địa điểm khác nhau… Thậm chí tui tin là các group về game tui đã và đang tham gia đều đã từng bị tui làm cho ngập feed chỉ với hình ảnh của nước từ nhiều game khác nhau. Witcher 3, Okami, Breath of the Wild, Far Cry, Assassin’s Creed: Black flag, Hellblade: Senua’s Sacrifice là những tựa game mà tui có thể nêu ra ngay khiến tui phải mê mẩn đi chụp screenshot hoặc chỉ ngồi yên mà ngắm nhìn đến cả chục phút. Xin lần nữa mượn của Play Station Access một từ cực kỳ thích hợp để miêu tả cảm giác này là là H2O-M-G.


Đã có nước thì phải ướt (This came out so wrong)

Cái này thì nó là một điều mà tui nghĩ là game bây giờ nó đã cải tiến về đồ họa và chi tiết dữ dội lắm rồi nên chẳng thể nào thiếu, nhưng tui vẫn luôn thích thú khi nhìn thấy điều này. Còn nhớ ngày xưa thì game làm kỹ khi mà một nhân vật từ dưới nước leo lên bờ thì cao lắm cũng chỉ là có vài giọt nước từ cơ thể họ rơi xuống trong khoảng 1,2 giây – Tomb Raider cổ điển có lẽ là ví dụ điển hình nhất. Thế nhưng bây giờ thì nào là nước rơi lã chã, nào là quần áo nhân vật sẽ bị thấm ướt, tóc tai rũ rượi hay thậm chí là sẽ có vài cử động như vẩy nước khỏi tay hay sao đó, và cũng trong khoảng 4 đến 5 giây sau là mọi thứ sẽ bình thường trở lại, hoặc là cũng sẽ có điều tương tự nếu game có hệ thống thời tiết làm trời mưa. Chỉ có vậy thôi mà cũng đã mắt.


Fashionista

Có thể gu thời trang ngoài đời thực của tui thì cũng chẳng độc đáo, táo bạo hay sành điệu hơn ai (coi nào, áo pull trơn + áo khoác và áo chemise xắn tay + quần đen đi với giày thể thao luôn là cổ điển), tuy nhiên ở thế giới game thì tui lại cực kỳ cực kỳ để tâm đến việc nhân vật của tui mặc quần áo thế nào. Có rất nhiều người khi chơi game RPG luôn mặc theo full set để sẵn (tui cũng nằm trong số đó, đa phần do có bonus với nó hợp nhãn), người thì trộn quần áo tá lả miễn chỉ số cao nhất là được… Nhưng với tui thì trừ vụ mặc đúng set ra, nếu có trộn tui sẽ xem xét kỹ màu sắc lẫn chất liệu có hợp với nhau hay không, bởi vậy nên game nào có cho đổi màu quần áo tui vui lắm và thử nghiệm liên tục. Đặc biệt với những game mà quần áo chỉ mang tính “thời trang” như Sleeping Dogs (vài bộ có set bonus), GTA, Saints Row, Dynasty Warriors thì tui có thể bỏ ra cả đống tiền trong game lẫn cả ngoài đời để mua gần như toàn bộ quần áo để phối cho đã. Chưa hết, có rất nhiều người thường cảm thấy bực mình vì các gói DLC đôi khi chỉ cho thêm… quần áo (tùy game có cho set bonus hay không) mà chẳng thật sự đáng gì lắm, điển hình như Batman Arkham series, nhưng với tui đó không hề là vấn đề, trái lại tui còn thích thú và sẵn sàng thay quần áo cho nhân vật liên tục cho đã mắt, chưa kể tui còn mod tá lả nếu có thể nữa là đằng khác.

Cái này cũng áp dụng cho các kiểu râu tóc lẫn hình xăm cho nhân vật nếu có thể. Đây là lí do người ta ở phần tạo nhân vật trong các game RPG lâu, tui còn lâu gấp bội, thậm chí nếu cho thay đổi giữa chừng game tui còn vui dữ nữa.


Bước chân trên đường đời

Nãy giờ nói đến thị giác rồi thì bây giờ qua giác quan qua trọng tiếp theo để có thể thật sự trải nghiệm game ở mức cao nhất là thính giác. Đa phần thì người ta sẽ quan tâm đến âm thanh của súng, giọng lồng tiếng, cái cách âm nhạc điều khiển cảm xúc – bối cảnh của game, còn tui thì để ý đến một thứ thường rất ẩn hay thậm chí dễ bỏ qua đó là tiếng bước chân của nhân vật trong game trên những bề mặt khác nhau. Kiểu như đi trong vũng nước có nghe chút lõm bõm, hay tiếng cát bị dạt ra khi bước trên bờ biển hoặc sa mạc, sự khác nhau giữa bề mặt gạch, đất đá hoặc gỗ. Stardew Valley có lẽ là game làm cho tui cảm thấy sung sướng nhất khi tiếng bước chân được tạo ra rất rõ ràng và rất khác biệt giữa các bề mặt khác nhau, nó làm còn tốt hơn cả những game AAA. Bổ sung thêm điều đó chính là các dấu bước chân trên bề mặt có khác nhau không, như Rise of Tomb Raider làm các dấu trên tuyết tuyệt đẹp, hoặc Red Dead Redemption 2 có sự phân biệt rất lớn về dấu chân trên đất và ở chỗ bùn lầy… Bonus của cái này chính là cái cách nhân vật đi cầu thang có đúng nấc không nữa. Details make perfection!


(Dành cho PES+FIFA) Anh cầu thủ gì ơi, có giống ngoài đời không?

Cái này miêu tả ngắn thôi. Mỗi khi vào game PES là tui sẽ bay thẳng vào phần edit mà xem mặt những cầu thủ mà tui yêu thích đã được tạo ra thế nào, giống đến mức độ nào, thậm chí tui sẵn sàng học cách mod để cho cầu thủ có gương mặt kiểu tóc sát với ngoài đời thật nhất (hồi đó quậy banh PES 2013 vì cái này). Thậm chí là khi vào trận rồi vẫn rất thường hay vào replay mà xem cho kỹ nữa.


Lưỡi gươm bén máu quân thù

Tui nghĩ đến cái này có vẻ sẽ có nhiều người đồng ý với tui hơn. Đại loại là có những game chặt chém nhưng mà nó bị rate nhẹ nhàng thân thiện trẻ em và bà mẹ đang mang thai nên nó sẽ chẳng hề máu me lắm, nhưng ngược lại thì cũng có những game chém đinh chặt sắt tóe máu thôi rồi. Tuy nhiên, không phải game nào cũng làm cho vũ khí nhìn có vẻ thật sự đã bươn chải qua những trận kinh điển như vậy. Cái này tui bắt đầu để ý là do Ninja Gaiden khi Ryu sau khi chém giết xong đã vẩy máu khỏi kiếm trước khi tra vào vỏ. Kể từ đó mỗi khi thấy làm kiếm thật sự dính máu quân thù là tui cảm thấy ưng ý vì các nhà phát triển đã chăm chút hơn. Dishonroed có vẻ là game tui cảm thấy ưng ý nhất khi mà chơi ở góc nhìn thứ nhất luôn thấy kiếm dính đỏ sau khi làm một nhát.


Phản ứng của NPC với nhân vật chính

Một trong những thứ giải trí nhất trong game là đi chọc phá NPC hoặc nghe mấy đoạn hội thoại khi mà họ không tương tác trực tiếp với nhân vật chính. Chỉ nói riêng về hội thoại, có một số game như Metro Exodus hoặc Dishonored sẽ có những đoạn hội thoại nói về những hành động mà ta đã làm trong suốt cả game, và đó là một điều rất hay ho mà tui vẫn rất thường muốn tìm hiểu cho kỹ. Có một số cái thú vị hơn, như trong Breath of the Wild khi mặc đồ Dark Link, Fierce Deity hoặc Ganon style thì NPC sẽ bị giật mình; ở Okami thì mỗi lần thấy Ammy là người dân sẽ cho đồ ăn vì họ chỉ nhìn thấy Ammy như một con chó sói bình thường (dù cũng bất thường khi ai thấy sói mà không sợ hết hồn), hoặc khi Ammy tung chiêu vẽ vời thì tất cả sẽ có một khung thoại kiểu “!” khi ngạc nhiên hoặc “?” khi chả hiểu con sói này đang làm trò mèo gì. Cái tui khoái nhất có lẽ là việc chính các NPC đôi khi phá bức tường thứ 4 khi chăm chọc nhân vật chính lẫn người chơi nữa.


Còn vụ phản ứng khi bị chọc phá của NPC thì muôn hình vạn trạng, và thể theo Mai Ngô: “Cái quái gì cũng có thể xảy ra”. Game nào yên bình lắm thì khi ta… bắn hoặc chém tới tấp vào NPC thì nó la làng hay chửi bới một chút thôi, còn nặng là nó đánh trả hoặc thậm chí cả làng hội đồng hoặc quân lính đuổi theo đến cùng trời cuối đất, đến giết có con gà thôi mà còn tan xương nát thịt, cứ hỏi người chơi Skyrim mà xem (I will bathe in your blood!).

Những điều như vậy làm cho thế giới của game sống động hơn rất nhiều và không gây chán kiểu nhân vật chỉ được để đó cho có.


Ánh lửa bập bùng

Cái trò này tui tin là rất rất nhiều người sẽ thử khi vào game, đó là nếu như có đuốc hay là một đống lửa trại hay gì đó, họ sẽ làm một pha rất Peter Barthomelow thời Thập Tự Chinh là thử xem bước qua lửa có cháy hay không. Và với sự chi tiết của game thời hiện đại thì vụ này sẽ gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười, bởi có game thì lửa không cháy người thì cũng bực khi nhà phát triển quá “lười biếng”, hoặc bực mình do “flame on” chả khác Human Torch của Fantastic Four mà không biết cách dập vì chưa biết cách để lăn lộn hoặc gần đó chả có nước để nhảy vào (tệ hơn là nhảy xuống nước chết luôn, nói tụi bây đó Claude và Tommy của GTA). Cái này cũng khó trách khi mà đang chiến đấu thì rất dễ xảy ra mấy pha đỡ không kịp như vô tình có cháy nổ lan đến chỗ mình đứng, thôi thì thà biết mình có bốc lửa hay không mà phòng cháy chạy cháy thì cũng nên.

Còn những điều gì trong game mà bạn để ý kỹ hơn mức bình thường không?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • The Outcast - 17.08.2019

    còn mắt nhân vật thì sao? mỗi lần chơi game em toàn để ý mắt xem chi tiết có thật không, chuyển động có tự nhiên không, etc.


    • Hùng Lý - 17.08.2019

      Cũng có đó, nhưng mà không hẳn là thứ để ý nhiều nhất, chắc do thất vọng hơi nhiều game không làm dc 😀
      Ngoài ra có reload animation mỗi khi chơi FPS, nhưng ko lớn bằng mấy cái kể trên


  • Ari.leisurely - 15.12.2020

    bác nên để ý thêm cái bầu trời sao nữa mới phải, tiếc là ít game làm bầu trời sao cho ra hồn