Một ngày đẹp trời nọ, khi hoa đang nở, chim đang hót, bạn thân đang sủa thì tôi ngồi nhà, chân vắt lên bàn, thấp thỏm nhấn nút “End turn” trong lo âu. Và ô kìa, anh bạn Warlock đối thủ của tôi vừa dùng lá Soularium! Anh ấy làm gì? Vâng thưa các bạn anh ấy rút được lá Soulfire và phả nó vào gương mặt điển trai của Gul’dan chỉ còn 3 máu của tôi. Một tiếng lắc rắc không mấy vui tai và Gul’dan rên rỉ trong sung sướng “Aaaauuughh”… à quên tuyệt vọng khi một ngôi sao nữa bốc hơi khỏi phía trên avatar hình Sorcerer Apprentice của tôi, đưa tôi về với người tôi yêu – Novice Engineer. OKAY CÁC BẠN CÓ THỂ NÓI LÀ TÔI GÀ nhưng khi game đã xong, tôi chẹp miệng tiếc rẻ, “Ây dà, phải chi thằng đó nó đừng có lá Soularium là mình ăn chắc rồi, phải chi nó đừng rút trúng Soulfire!” Than thở với RNGesus xong, tôi chợt nhận ra là ngọn nguồn thất bại của mình không phải Soulfire, mà là cái là Soularium quỷ sứ á. Đúng là quỷ sứ hà… Lá spell Legendary đó là ngọn nguồn của sự thất bại tức tưởi của tui. Cái tui bắt đầu nghĩ… Tại sao thằng kia nó có Soularium mà tui không có? Tại mình xui? Ừ thì cũng có thể, mà hên xui gì có trời quyết chứ tui quyền hành gì đâu mà quyết? Vậy thì tại mình nghèo? Ờm thì đời học sinh tối mút bịch sữa chua ngủ thì nghèo là phải rồi… Vậy rốt cuộc là tại gì? Là tại game! Thế rồi tui thoát Hearthstone, vô HSBT, và viết hí hoáy ngay bài này khi ý tưởng còn nóng, Hearthstone liệu có Pay-to-Win?
Tui hâm mộ nhiều thiên tài – hay đơn giản chỉ là người có một cái nhìn khác biệt – về các lĩnh vực khác nhau, từ Andersen với tài kể chuyện cho đến Đăng Bông với độ liêm-sỉ-less-ness cao hiếm có khó tìm, nên nếu nói về danh ngôn thì tui có hằng hà sa số. Đặc biệt, cứ nghe hai chữ “danh ngôn” là tui phải nhắc ngay đến Einstein, vì câu nói này của ông đã làm tui nhớ mãi.
Đầu tiên, mình nên xét vào chuyện ý nghĩa của sự P2W là gì? Pay-to-Win là một thuật ngữ trong giới game thủ, được đặt ra để ám chỉ những trò chơi mà người chơi có khả năng chi tiền ra để mua cho mình những lợi thế đáng kể trong trò chơi, hòng đoạt được chiến thắng đơn giản, mà dân gian Đông Lào hay gọi là “hút máu”. Đơn giản nhất hãy xét ví dụ của Battlefront 2 của EA, trò chơi đã làm dậy sóng biết bao cư dân chơi game vì nhét lootbox – vào trong một cái game 60 đô – với khả năng cho người chơi tiếp cận đến mớ nội dung game mà nếu không trả tiền, họ sẽ phải ỤM BÒ cày cuốc đâu cỡ mấy ngàn giờ game để mua được mớ nội dung game đó. Cộng đồng sôi máu vì vụ này tới độ EA phải “tạm thời vô hiệu hóa” (nói chung là sẽ còn mở bán lại sau khi hết drama đó) mấy cái giao dịch mua trong game (microtransactions). Đó là ví dụ điển hình của một game P2W. Vậy thì, xét trên danh nghĩa đó, Hót-Sờ-Tôn có P2W hay không? Dĩ nhiên là c…òn phải xem xét rồi!
Giả sử bạn là một người chơi Hearthstone nghiêm chỉnh, thì mục đích của bạn là gì? Leo Legend, hay leo Arena, hay là chỉ sưu tập bài ngắm cho vui? Dù mục đích là gì đi nữa, bạn cũng không thể chơi Hearthstone mà không mở pack, ok trứ? Vậy thì việc mở pack đó nó như thế nào? Bạn dành 100 vàng để mua một gói bài, một gói có 5 lá, và ít nhất là một lá hiếm, nghe dễ hiểu chớ? Độ hiếm của Hearthstone có bốn loại: cùi, hiếm cùi, hiếm, và huyền thoại. Mở pack trong game cũng giống như bạn được em gái dễ thương lớp dưới tự dưng inbox vậy, lúc đầu thì tim bạn đập nhanh và tâm trí bạn xao xuyến nhưng hóa ra em ấy chỉ nhắn tin để xin info của thằng ngồi cạnh bạn. Buồn thì buồn thế nhưng chuyện đã vậy thì bạn chỉ có thể ngồi thở dài ngao ngán mà copy info của thằng ngồi kế rồi gửi cho em ấy trong đau đớn. Mở pack cũng vậy, lúc đầu thì bạn hứng khởi tuôn trào nhưng khi mở rồi thì bạn chỉ nhận được bốn lá cùi và một lá hiếm cùi – và bạn đều có tất cả – và ấn nút Mass Disenchant trong đau đớn. Vậy nếu không muốn mình đau đớn lần nữa thì bạn sẽ làm gì? Dĩ nhiên rồi, bạn đọc thân mến, bạn sẽ mua thêm pack và lại tự làm con tim mình đau thêm (vài) lần nữa cho bỏ ghét. Mua một lần một pack thì cơn đau sẽ kéo dài, còn nếu mua 60 pack cùng lúc thì sao? Một triết gia nổi tiếng từng nói “RNGesus luôn tương trợ mấy thằng có tiền.” và đây cũng là căn nguyên vấn đề. Hearthstone kích thích người chơi xùy tiền ra cống nạp cho Blizzard, một vì bạn phải có đủ card để tạo deck, và vì meta thay đổi liên tục nên nếu bạn không mua pack liên tục thì bạn sẽ tụt lại phía sau khá nhanh. Sự kích thích khi mở pack cũng giống giống bạn chơi slot machine ấy, tỉ lệ trúng thì thấp, nhưng chỉ cần bạn cứ bảo bản thân rằng “Lỡ trúng thì sao?” thì bạn sẽ liên tục mua thêm pack, chờ ngày “lỡ trúng”. Và trước khi bạn “lỡ trúng” thì bạn đã “lỡ” ngập trong nợ nần và “lỡ” ra góc cầu ngồi. Hút máu cũng là một nghệ thuật, và Blizzard là một nghệ nhân.
Vậy thì bạn có thể leo rank Legend mà không cần chi xu nào không? Câu trả lời là “Có nhưng khó.” Disguised Toast có lẽ là streamer đầu tiên thành công trong việc này khi đã sử dụng một deck hunter leo đến Legend (hệ thống rank cao nhất trong Hearthstone). Tuy rank lúc đó thấp, nhưng anh cũng đã làm được một việc gần như là không thể. Dĩ nhiên là còn nhiều người đã leo lên được Legend mà không chi xu nào nữa, nhưng đó là nhờ công họ cày cuốc bục mặt, tạo deck, tôi luyện kĩ năng tới khi thành thạo, rồi tự leo lên bằng hai bàn tay của mình. 30% của Hearthstone là kĩ năng người chơi, còn 70% còn lại là nhờ thần may mắn quyết định. Mà mấy ví dụ F2P leo được lên Legend làm tui liên tưởng không mấy hay ho, kiểu như Hearthstone là một siêu thị, rồi leo lên Legend cũng giống như ăn mẫu thử cho tới khi bạn sống nhờ mẫu thử chứ không cần chi xu nào mua đồ ăn nữa. Hay thật đấy, nhưng… mần chi khổ vậy?
Nhưng mà suy cho cùng thì, Hearthstone có hút máu hay không? Câu trả lời là có, nhưng… còn tùy vào nhiều yếu tố. Nếu bạn là F2P nhưng chơi dở thì nó sẽ hút máu nặng, nhưng nếu bạn là F2P giỏi thì… nó vẫn hút máu thôi, nhưng bớt đi một tẹo. Còn nếu bạn chi xèng ra mà vẫn chơi gà thì… ấy, anh chủ quán vừa nhảy mũi à? Nói chung là vậy. Nếu bạn quyết định đi trên con đường F2P thì, phải nói trước, nó rất chông gai đó, nhưng phải có thử thách mới có nỗ lực chớ!