Chuyện về Bethesda Softworks (P.3): Khởi sinh của huyền thoại

Khách quen

  

Trong hai phần trước, chúng ta đã nhìn lại những năm tháng thăng trầm buổi đầu lập nghiệp của Bethesda cũng như nền móng sơ khai cho The Elder Scrolls. Bây giờ hãy cùng nhau đến với thời kỳ huy hoàng của tượng đài này, được mở ra với phiên bản chính thứ ba:

 

The Elder Scrolls III: Morrowind – Sự lột xác ngoạn mục

Thất bại của Redguard đủ dạy cho Todd Howard bài học rằng nếu tiếp tục rong chơi với những thử nghiệm linh tinh, hơn mười năm lịch sử công ty sẽ đi tong. Vì thế ông đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Bethesda rằng cần nhiều nguồn đầu tư hơn vào ngân sách để gia tăng nhân lực, phát triển một tựa game có tầm vóc thật lớn. Mong mỏi của ông đã được chấp nhận khi ZeniMax quyết tâm đánh cược vào canh bạc lớn này và trao cho Howard toàn quyền chỉ đạo dự án này.

Morrowind là lá bài cuối cùng được đặt hy vọng lèo lái con thuyền Bethesda ra khỏi cơn ác mộng phá sản. Ý tưởng cho phần ba đã được phác thảo ngay sau khi Daggerfall xuất xưởng. Những nhà thiết kế muốn tái hiện một thế giới có quy mô ngang ngửa Daggerfall bao gồm toàn bộ vùng đất Morrowind của Tamriel. Thế nhưng công nghệ làm game thời điểm đó không cho phép họ thực hiện tham vọng đó, vậy nên trò chơi đã phải nhường sàn diễn cho Battlespire và Redguard. Đến khi dự án được tiếp tục năm 1998 và đặt vào tay Todd Howard, ông quyết định từ bỏ XnGine vốn đã lỗi thời để tìm đến công nghệ Direct3D tân tiến nhằm giúp cho trò chơi có chất lượng đồ họa tốt hơn.

Bản đồ Vvardenfell

Với phương châm đặt chất lượng lên hàng đầu, Howard đã thu hẹp thế giới game về hòn đảo Vvardenfell thuộc tỉnh Morrowind thay vì làm cả lãnh thổ rộng lớn như dự tính ban đầu. Cuối cùng Vvardenfell chỉ có kích thước 21km vuông, bằng… 0,01% so với Daggerfall. Dù không là gì với người anh của mình, nhưng Morrowind sở hữu độ rộng lớn mà bất kỳ tựa game nào thời ấy cũng phải trầm trồ thán phục. Hơn thế nữa, nó còn được xây dựng theo cách Bethesda đã làm với Redguard: loại bỏ cơ chế tái lập ngẫu nhiên và thiết kế bằng tay tất cả các chi tiết trong môi trường game. Để làm được điều đó, đội ngũ Bethesda đã bổ sung nhân lực lên gấp ba lần và bỏ hết một năm đầu tiên chỉ để làm nên bộ công cụ The Elder Scrolls Construction Set, giúp cho các lập trình viên dễ dàng cân bằng các yếu tố trong game mà không cần phải qua nhiều công đoạn phức tạp.  Bước tiếp theo là tìm một engine mạnh mẽ để “gánh vác” Vvardenfell; và Netlmmerse – sau này trở thành Gamebryo engine nổi tiếng một thời – đã được Howard để mắt đến. Sở hữu sức mạnh công nghệ đáng kinh ngạc, cho phép xử lý môi trường từ xa (Draw Distances) chi tiết hơn, nền tảng đồ họa 32-bit và khả năng tạo dựng khung xương cho mô hình; GameBryo thừa sức đáp ứng những gì Bethesda mong muốn. Thiết kế một vùng đất rộng 21km vuông hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, dù cho có những công cụ đắc lực giúp sức thì đó vẫn là một thử thách nặng nề, một “cơn ác mộng” thật sự. Nhưng rồi những con người tài năng ở Bethesda Game Studios cũng đã làm được điều đó nhờ vào niềm cảm hứng sáng tạo và đam mê không ngừng nghỉ của họ. Thật đáng khâm phục!

Morrowind với mod cải thiện đồ họa

Vào năm 2000, một cơ hội lớn đến với Bethesda khi gã nhà giàu Microsoft lấn sân sang thị trường console bằng việc cho ra đời thế hệ Xbox đầu tiên. Lẽ dĩ nhiên Microsoft rất cần những tựa game “đỉnh” để quảng bá cho “con cưng” của mình. Khi bản demo của Morrowind được gửi đến, ngay lập tức Microsoft chọn đây sẽ là một trong những trò chơi “debut” cho Xbox. Với cấu trúc Xbox mang nhiều tương đồng với Windows, phiên bản console này đáng lẽ ra không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên Bethesda đã phải dời ngày phát hành nhiều lần, sang đến tận năm 2002, do đó không kịp hội ngộ cùng Xbox. Mãi đến tháng Năm 2002, làng game mới được chào đón sự ra đời của một huyền thoại mới: The Elder Scrolls III: Morrowind.

Hòn đảo Vvardenfell trực thuộc Morrowind – quê nhà của tộc Dunmer (Dark Elf) – là thế giới quy mô và ấn tượng hơn bất kỳ tựa game nào khác cùng thời. Nó không những rộng lớn mà còn chứa đựng nhiều nền văn hóa đa dạng của mười sắc tộc trong trò chơi, được thể hiện rõ qua nét đặc trưng kiến trúc ở từng khu vực, qua phong cách và lối sống của những con người nơi đó. Các làng chài ven biển, những tòa lâu đài hùng vĩ, ngọn tháp cao chót vót… tất cả đều được khắc họa đầy sinh động, thấp thoáng nét độc đáo của các nền văn hóa từ đời thực như Ai Cập, Nhật Bản và các quốc gia Trung Đông cổ đại. Với những ai đã từng đắm mình trong thế giới của Morrowind ngày ấy hẳn đều khó lòng quên được cảm giác bồi hồi, xao xuyến khi lần đầu bước ra khỏi Seyda Neen, nấp dưới bóng những cây nấm khổng lồ; chu du qua các thành phố trên lưng những con Silt Strider cao bằng cả tòa tháp; chiêm ngưỡng sự thịnh vượng của Vivec City cùng quả thiên thạch khổng lồ Baar Dau lơ lửng trên không trung…. Đó là những trải nghiệm ấn tượng khó quên, đưa ta thả hồn vào các khung cảnh đầy mê hoặc, và cũng là minh chứng cho sức sáng tạo nghệ thuật từ bàn tay những con người tài năng của Bethesda. Chắc chắn so với Oblivion hay Skyrim, đồ họa của Morrowind chẳng thể nào sánh bằng. Nhưng nếu xét trên phương diện nghệ thuật và cảm thụ, Vvardenfell vẫn luôn là thế giới đẹp nhất trong lòng người hâm mộ. Không ngoa khi nhiều fan của The Elder Scrolls đã nói rằng thế giới của Morrowind kết hợp cùng cốt truyện xuất sắc của Oblivion và gameplay có chiều sâu của Skyrim sẽ là những yếu tố giúp cho The Elder Scrolls VI trở thành tuyệt tác kế tiếp. Hơn hết, những fan Morrowind lúc này đây vẫn đang mong mỏi chờ đợi ngày ra mắt chính thức của Skywind – bản mod renewal đồ sộ tái hiện lại toàn bộ phần ba trên nền tảng của Skyrim – vẫn đang từng ngày được hoàn thiện. Chỉ cần ngắm nhìn những tấm screenshot Skywind cũng đủ thấy thế giới của Morrowind ngày xưa đặc sắc đến mức nào.

Skywind giúp những game thủ chưa thử sức với Morrowind có cơ hội trải nghiệm

Morrowind mở đầu “truyền thống” khác người của Bethesda kéo dài cho đến tận những sản phẩm ngày nay: cho người chơi khởi đầu với nhân vật chính trong cảnh “không tù thì cũng tội”. Trong phần này, sau khi rời con tàu tại Seyda Neen để được ban sự ân xá, bạn sẽ được giới thiệu bộ Character Creation mới cho phép lựa chọn chủng tộc, giới tính, class và birthsign (một dạng cung hàng đạo của thế giới Tamriel) tác động đến kỹ năng và điểm bonus cho nhân vật. Cùng với một vài khuôn mặt dựng sẵn cho mỗi chủng tộc, bấy nhiêu đó cũng đủ làm phong phú cho khâu tạo hình thời ấy.

Nếu như Daggerfall đặt ra nền móng cho lối chơi truyền thống của The Elder Scrolls, thì Morrowind là phiên bản có công hoàn thiện những tinh hoa ấy và đưa dòng game lên đến đỉnh cao. Nhiều cơ chế được học tập từ Daggerfall với những cải tiến tích cực, điển hình như hệ thống Skills. Để trở nên mạnh mẽ hơn ở một kỹ năng nào đó, có ba cách để thực hiện: rèn luyện (practice), đào tạo (training) và học hỏi (study). Rèn luyện tức là bỏ công luyện tập những hành động liên quan đến kỹ năng đó, ví dụ như nếu bạn chỉ chuyên tâm vào cây cung và những mũi tên, qua thời gian kinh nghiệm sẽ tích lũy dần và bạn sẽ trở thành một cung thủ xuất sắc với kỹ năng Archery vượt trội. Hoặc nếu muốn nâng cao hiệu quả của các loại giáp trụ, đơn giản là chỉ cần mặc loại giáp nặng nhẹ tương ứng và… đưa mặt ra chịu đòn càng nhiều càng tốt. Trong khi đó Training lại là con đường nhẹ nhàng hơn nhiều bởi bạn chỉ việc tìm các Trainer và xùy tiền cho họ, những điểm số của kỹ năng đó sẽ gia tăng ngay lập tức mà chẳng cần đổ giọt mồ hồi nào. Cuối cùng là Study đòi hỏi người chơi phải bỏ thời gian đọc các quyển sách trong game, nếu may mắn bạn sẽ tìm được một vài quyển có tác dụng tương tự tức thì tương tự như training. Cũng như Daggerfall, phần ba tách biệt rõ ràng hai yếu tố: attributes và skills. Skills là các kỹ năng chúng ta đã nói tới, còn Attributes chỉ được cải thiện sau mỗi lần nhân vật thăng cấp, đem lại những bonus mà Skills không có được. Chẳng hạn như với Strength càng cao, những đòn đánh thường bằng bất cứ loại vũ khí nào cũng sẽ được gia tăng sát thương đáng kể. Bên cạnh đó còn những tính năng thú vị như bào chế độc dược/thuốc giải, tự tạo phép thuật theo ý muốn,v.v… Có thể thấy hệ thống xây dựng nhân vật của Morrowind phức tạp và có chiều sâu rất cao chẳng kém gì các game nhập vai D&D kinh điển cùng thời.

Những khung cảnh thơ mộng của Vvardenfell được tái hiện trong Skywind

Khâu combat được cải tiến từ ưu điểm của Battlespire, những đòn tấn công như chặt chém hay đâm kiếm được thực hiện với sự kết hợp chuột và bốn phím điều hướng cho phép bạn thao tác khá linh hoạt. Tuy nhiên, mảng cận chiến của series The Elder Scrolls từ trước đến nay thường bị đánh giá là nghèo nàn về tính chất hành động, đó là khuyết điểm khó lòng chối bỏ; dẫu sao mọi chuyện vẫn ổn hơn khi chuyển sang vũ khí tầm xa và phép thuật.

Một môi trường rộng lớn và chi tiết, khả năng xây dựng nhân vật sáng tạo, combat đa dạng, tất cả những yếu tố đó đã hình thành nên lối chơi tự do, “”free-form” của Morrowind và các bản The Elder Scrolls sau này. Ngay sau phần tạo nhân vật và “chào hỏi” xong xuôi, chúng ta được thả vào thế giới bao la ấy và mặc sức làm bất kỳ điều gì mình muốn. Bạn là người yêu thiên nhiên thích thả hồn ngắm cảnh? Vvardenfell đang chờ bạn khám phá. Bạn thích thử thách cùng những nhiệm vụ phụ, gia nhập bang hội và hành hiệp trượng nghĩa? Chuyện nhỏ. Hay bạn muốn nếm trải cuộc sống của một đạo tặc khét tiếng đến mức… đi đâu cảnh binh cũng nhận ra và săn lùng bạn? Chẳng vấn đề gì. Người chơi hoàn toàn có thể bỏ lại chuỗi nhiệm vụ chính sau lưng và thoải mái khám phá, chinh phục hòn đảo Vvardenfell theo các mình muốn mà không bị bất cứ ràng buộc nào cả. Nói cho dễ hiểu, đó là Grand Theft Auto phiên bản nhập vai.

Để giúp cho hành trình khám phá của game thủ được hoàn hảo nhất, ngoài việc thiết kế thế giới mở tự do phóng khoáng, những nhà biên kịch tại Bethesda đã viết ra một kịch bản hết sức tuyệt vời. Cả hai dòng nhiệm vụ chính – phụ lẫn  chuỗi quest của các bang hội trong game đều được đầu tư xứng đáng. Nhưng điều khác biệt giữa The Elder Scrolls và những game nhập vai còn lại là ở cách mà nó thể hiện cốt truyện tuyệt vời đó. Không có quá nhiều lời diễn giải dông dài, cũng không có những đoạn phim cutscene hoành tráng hay bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào về những việc bạn phải làm. Thay vào đó Bethesda đòi hỏi người chơi phải tự mình khám phá, tìm hiểu từng ngóc ngách trong thế giới game để có thể hiểu được hết những gì thú vị nhất. Hãy chịu khó trò chuyện cùng người dân hay quan trọng hơn hết là đọc sách. Vvardenfell có vô vàn những quyển sách mà chúng ta có thể nhặt lên và đọc từng trang một. Trong đó không chỉ ẩn chứa lời giải cho những khúc mắc của cốt truyện mà còn có rất nhiều truyền thuyết (Lore) hấp dẫn mà Bethesda đã dày công nghĩ ra. Quá khứ trước kia của “trùm cuối” Dagoth Ur là gì? Vì sao toàn bộ tộc người Dwemer lại biến mất một cách bí ẩn? Quả thiên thạch Baar Dau từ đâu rơi xuống và tại sao nó lại lơ lửng trên bầu trời Vivec City? Tất cả những câu hỏi đó bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được lời đáp nếu không bỏ thời gian đọc và nghiên cứu qua những trang sách trong game. Betheda đã đem đến cho người chơi cảm giác rằng tựa game không hề có kết thúc và họ không bao giờ hết việc để làm. Kể cả khi hoàn thành mạch truyện chính và chu du hàng chục giờ khắp Vvardenfell, thì tưởng chừng như vẫn còn điều gì đó bạn chưa thử sức, còn ai đó chưa gặp và một nơi mà chúng ta chưa đặt chân đến. Có thể rất nhiều người cho rằng cốt truyện của dòng game The Elder Scrolls không sánh bằng những tên tuổi như The Witcher hay các game của Bioware. Nhưng họ đã lầm, tất cả những trò chơi đó đều sở hữu nội dung hết sức phong phú, giàu kịch tính, chỉ có điều cách truyền tải của The Elder Scrolls rất khác mà thôi.

Rừng nấm khổng lồ

Nhìn đã mắt, nghe còn đã tai hơn. Phần âm nhạc của Morrowind được đảm nhiệm bởi Jeremy Soule – nhà soạn nhạc trẻ tuổi tài cao trước đó đã giành nhiều giải thưởng về âm nhạc với các tác phẩm trong Total Annihilation và Icewind Dale. Thế nên chất lượng các bản soundtrack trong game là không phải bàn cãi. Đối với những game thủ đã từng say mê Morrowind ngày đó, hẳn đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ những giai điệu êm đềm của The Road Most Travelled, đượm buồn của Peaceful Waters hay âm hưởng đầy chất sử thi của Nerevar Rising – bài nhạc chủ đề của Morrowind đã thành công đến mức được Jeremy Soule remix lại trong hai phiên bản sau này, trở thành khúc anh hùng ca bất hủ của The Elder Scrolls.

Sở dĩ có quá nhiều điều để nói về Morrowind như vậy là bởi vì tầm quan trọng của những giá trị cốt lõi mà trò chơi đã gầy dựng, có ảnh hưởng to lớn đến thế nào cho Oblivion, Skyrim và cả những tựa game khác của Bethesda về sau. Mang bên mình tất cả những gì tinh túy nhất của Todd Howard và Bethesda, The Elder Scrolls III: Morrowind hiển nhiên là một kiệt tác của năm 2002. Đến tháng Sáu cùng năm, Morrowind đổ bộ lên mặt trận Xbox và ngay lập tức trở thành quả bom tấn, một tựa game must-have cho hệ console này. Morrowind còn là sản phẩm bán chạy thứ hai của Xbox trong năm 2003, chỉ đứng sau Halo và đạt mốc một triệu bản tính riêng trên hệ này vào năm 2004. Tuy nhiên, phải thừa nhận một cách công bằng rằng Morrowind vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm. Chưa nói đến một vài hạn chế nhỏ trong gameplay, khi trò chơi được tung ra lại tiếp tục dính phải “lời nguyền” không thể rũ bỏ: lỗi game. Nhưng rất may, những lỗi kỹ thuật này không đến mức quá tệ như các phiên bản đàn anh, do đó chẳng ảnh hưởng mấy đến số điểm tổng thể.

Vào thời điểm Morrowind ra mắt, vẫn còn đó những kẻ “ngáng đường”, những anh tài cùng thời như Divine Divinity, Deus Ex, Dungeon Siege và đặc biệt là Neverwinter Nights đến từ… Bioware. Một lần nữa Bioware lại là đối thủ nặng ký của Bethesda. Kết cuộc, kẻ tám lạng người nửa cân, cả hai tựa game đã chia nhau giành lấy hàng loạt danh hiệu Game of the Year và RPG of the Year của rất nhiều tạp chí và website về game danh tiếng. Và thế là, Morrowind chẳng những đã xua đi đám mây đen che phủ Bethesda mà còn đưa họ trở thành một trong những nhà phát triển “đại thụ” nhất của làng game nhập vai. Canh bạc ZeniMax và Todd Howard đánh cược thắng lợi mỹ mãn.


Vvardenfell còn nhiều những kỳ quan ấn tượng như thế này

Bethesda còn tỏ ra là một “ông lớn” hào phóng khi sẵn sàng cung cấp cho game thủ bộ công cụ The Elder Scrolls Construction Set cùng nhiều sự hỗ trợ khác nhằm khuyến khích tài năng sáng tạo của họ. Từ đó hàng loạt các bản mod được ra đời bởi những modder đầy đam mê, càng tăng thêm giá trị về mặt trải nghiệm cho Morrowind cũng như mở ra trào lưu mới cho dòng game, món “cơm thêm” hấp dẫn không thể bỏ qua mỗi khi nhắc đến một tựa game The Elder Scrolls. Bên cạnh đó, hai bản mở rộng Tribunal và Bloodmoon lần lượt ra đời, thêm thắt nhiều tính năng mới mẻ giúp cuộc chơi lại càng bất tận. Hẳn còn không ít người vẫn nhớ cuộc viếng thăm của tay sát thủ điên cuồng khi mở đầu chuỗi quest của Tribunal và nhiều “trò đùa” khác được Bethesda lồng ghép vào để troll và tạo sự thú vị cho người chơi.

(còn tiếp)

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • - 12.02.2019

    Bài hay quá, tiếp đi bro ơi 😀