Hành trình đau não với Bioshock Infinite (P.1): Mang cô ấy đến cho chúng tôi và xóa hết nợ nần…

Huyền thoại ★

  

Nếu các bạn còn nhớ đến loạt bài về 30 game offline tôi yêu thích nhất, Bioshock Infinite xếp ở ngay sau một tựa game mà tôi cũng đã viết phải… tầm chục bài liên quan là The Witcher III: Wild Hunt. Một hôm, tôi ngồi đọc lại những gì mình viết, những gì các tác giả khác viết về trải nghiệm của mình với một game, tôi mới nghĩ… Sao mình không nấu cả một thùng bia lớn chứ không chỉ lâu lâu vài vại nhỉ? Và rồi giờ tôi ở đây, ngồi viết ra những dòng này… Những dòng “hồi ký” về tựa game mà tôi đã chơi đến 3 lần không phải chỉ để hiểu rõ thêm cốt truyện lẫn những “khái niệm” xung quanh thôi mà còn có cả là muốn trải qua những cảm xúc thăng trầm khác nữa. Lần đầu tôi chơi là năm 2013, lần gần đây nhất chỉ khoảng tầm cuối tháng 1/2018 thôi. Nhưng những cảm xúc ấy thì gần như không thay đổi.

Bioshock Infinite cũng rất đặc biệt với tôi theo một cách khác… Đây là game đầu tiên, thậm chí là thứ đầu tiên trong bất kỳ medium nào mà tôi đã viết ra một bài review dành cho nó. Ban đầu, bài review Bioshock Infinite của tôi chỉ nằm ở một cái note trên Facebook cá nhân đến nay chỉ có 2 like, tôi đã dám viết nó sau lời “động viên” của một chủ blog review phim mà tôi rất tâm đắc. Sau đó, tôi tự tạo cho mình một cái blogspot riêng, quăng bài này lên đấy. Tham gia Spiderum, rồi cũng quăng lên đấy nhưng gần như… không hy vọng gì ai sẽ đọc cho đàng hoàng (Dù cũng có đi seed thử, dĩ nhiên rồi). Thật không ngờ là sau một thời gian không dài, ngoài các trang tin game có tiếng, bài review non tay đầu tiên ấy trở thành nguồn tìm hiểu của khá nhiều người. Và nó cũng là bài đầu tiên của tôi được đăng lên HSBT.

Thông tin ngoài lề cũng đã đủ rồi, không dài dòng nữa, cùng tôi quay ngược dòng quá khứ với Bioshock Infinite nào. Dĩ nhiên là sẽ có spoiler rồi, nhưng luôn hoan nghênh những ai không có điều kiện để trải nghiệm mà muốn tìm hiểu, và mời những người đã trải nghiệm cùng nhau ôn lại với tôi

“Booker… anh có sợ Chúa không?

Không. nhưng tôi sợ cô.”

Hai câu nói mở đầu ngay vừa khi chúng ta click vào chữ New Game thôi đã đủ tạo một không khí bí ẩn rồi, tôi còn nhớ lúc đó mình kiểu, “O…kay…” cùng với sự háo hức lên cực cao, vì thật lòng mà nói thời điểm đó Bioshock Infinite là game Bioshock đầu tiên tôi chơi. Ngay lập tức, màn hình hiện ra một câu quote mà tôi chắc chắn rằng ở về cuối sẽ mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. (Dù sự thật là ở thời điểm mới chơi tôi cũng chẳng để tâm)

“Tâm trí của đối tượng sẽ đấu tranh cùng cực để tạo ra một ký ức không hề có thật…”- Những rào cản trong việc du hành xuyên thời không- R. Lutece, 1889.

Buồn cười, lúc câu này hiện ra ở lần chơi đầu, tôi còn cầm điện thoại cuống lên tìm coi có cuốn sách nào hay tác giả nào thế không. Dĩ nhiên mọi người biết kết quả rồi đó.

Năm 1912, bờ biển Maine…

Chà, lúc đó tôi vô cùng phấn khích, cái khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là một thời kỳ nhiều biến đổi trong những chương của lịch sử thế giới, và đặc biệt là về mặt “thời trang” mọi thứ rất là… nên nói sao nhỉ, bảnh bao, trang nhã? Dù phải trải qua cả một cuộc chiến nữa thì mới đến Hoa Kỳ thời Roaring 20s lừng danh, nhưng trước đó cũng có nhiều sự kiện lớn khác để “định hình nước Mỹ”. Tôi là mọt sử mà!

Và rồi chỉ là những giọng nói, là tiếng gió bão… Là nhân vật của tôi đang ngồi trên một cái bè có hai người mặc áo mưa màu vàng kiểu cổ điển, và bọn họ cũng đang bận rộn cãi vả nhau với một giọng cực kỳ Angleterre bỏ mặc tôi đang ngồi ngắm nhìn chả biết trời đất là gì. Chỉ có một ngọn hải đăng  ở trước mặt trong đêm mưa bão với ánh đèn manchon loe loét (Lúc ấy tôi vẫn còn chưa biết ngọn hải đăng có tính biểu tượng thế nào). Rồi tôi cũng biết được nhân vật của mình đang chơi là ai, là Booker DeWitt (cái tên phát lên ngay đầu game) làm thám tử tư, và nhiệm vụ của Booker là phải đến một nơi nào đó có cái tên Monument Island để đem về cho họ một cô gái.

“Bring us the girl, and wipe away the debt”

Gần như việc này được nhắc đi nhắc lại liên tục, từ các mảnh giấy dán trên cánh cửa của ngọn hải đăng, rồi khi đi vào thì lại còn có cả những dòng tin nhắn được viết bằng… máu của một gã nào đó đã bị giết và bịt mặt. Và đây là cơ hội cuối, duy nhất, chúng tôi đã làm hết sức, anh không được làm chúng tôi thất vọng… Đại loại vậy… Lúc đó hơi rét rồi đó.

Vốn dĩ tính khá là khoái khám phá, tôi chạy vòng vòng quậy nát cả tòa tháp, hy vọng sẽ có bí mật gì gì đó (Fun fact: cho đến lần chơi thứ 3 mà tôi vẫn còn chưa tìm được full các collectible của game nữa 🙁 ). Nhưng cũng chẳng có gì, ngoại trừ điểm làm tôi quan tâm nhất là một cái chậu nước với cái biển “Và ta sẽ rửa sạch tội của con” (Dịch tạm thôi nha) cho chúng ta thấy được gương mặt của Booker qua ảnh phản chiếu; nhưng tựu chung là không có gì nữa để tìm tòi, và thế là lại đi lên trên đỉnh, giải một câu đố vô cùng trẻ con chỉ để làm lộ ra một cái ghế. Lúc này thì thật lòng mà nói là vì vô tình tìm hiểu mấy cái trailer trước đó mà biết là uh, sẽ được du hành ở một thành phố trên không y như một tập truyện dài Doraemon nào đó, nên cũng sẽ biết cái ghế này sẽ bắn lên trên đó cho xem… Nên mấy đoạn tension cố làm cho hồi hộp gì gì đó… chả hề si nhê gì ở lần chơi đầu tiên. TUY NHIÊN, ở lần 2 và 3 thì nó lại làm tôi háo hức hơn hẳn khi được quay trở lại nơi đây…

Được đi đến Columbia…

Và dù là lần thứ mấy thì vẫn chung một cảm giác choáng ngợp ấy…

Hallelujah!

Toàn cảnh Columbia hiện ra, dù chỉ qua một khung cửa sổ nhỏ trong… cái thang máy (!?) ấy, nhưng cũng đủ để phô diễn vẻ đẹp cho chúng ta và Booker chiêm ngưỡng, những nốt nhạc “nhỏ giọt” như cố tình tạo ra những khoảng ngắt để ta thẩm thấu hết mọi thứ. Này Irrational Games à, khoe mẽ quá đó… Hóa ra nhà làm game không phải tạo chúng ta sự căng thẳng không thôi, mà là còn để tạo hai thái cực hoàn toàn khác nhau khi so sánh… trần gian với thiên đường- màn đêm với cái nắng rực rỡ- mưa bão với sự yên bình thông qua thị giác. Khá lắm, well played!

Và rồi thang máy dần dần hạ xuống, cũng lại qua cửa sổ, trong những tiếng thánh ca du dương, chúng ta được đọc những dòng chữ đến cả bản thân tôi cũng chẳng biết gọi là gì, nhưng nó lại ca ngợi “The Prophet”/ Nhà Tiên Tri Zachary Comstock như một hiện thân của Chúa giáng trần và sẽ giúp cho con người có thể vươn lên đỉnh cao vậy… Vậy thì, những đoạn kinh thánh chăng? Không dám khẳng định.

Thang máy mở ra, tôi cứ đi theo những ngọn nến dẫn lối trong khu vực đền thờ, được nhìn thấy sự tôn vinh dành cho đứa con của Nhà Tiên Tri, đến với di ảnh của Phu Nhân Comstock, nhặt được collectible đầu tiên là một cái Voxophone- Hãy cứ nghĩ nó như máy ghi âm bây giờ nhưng chạy bằng đĩa than và rất tiện dụng chứ không cần máy loa to đùng. Vài lời nói trong đó tôi vẫn còn nhớ… “Hãy yêu Nhà Tiên Tri, vì ông yêu kẻ lầm lỡ. Hãy yêu kẻ lầm lỡ, vì đó là chính bạn. Nếu không có người gây tội, sao có thể có người chuộc tội”. Ở lần chơi thứ 3, chính cái voxophone này làm tôi thật sự hoảng hồn, vì sao thì bây giờ tôi chưa thể nói được.

Và cũng hãy đừng quên các voxophone đó, chúng cực kỳ quan trọng khi sẽ cho chúng ta biết rất nhiều thông tin bên lề để xâu chuỗi cả câu chuyện về game rõ hơn… Nếu bạn muốn nói vậy.

Cái voxophone nằm ngay bệ


Tôi và Booker lại mon men đi xuống cầu thang, đến một nơi đang rất đông người tụ tập đọc kinh cầu nguyện. Lão cha xứ bảo rằng muốn đến Columbia thì phải gột bỏ mọi thứ của trần thế, làm lê rửa tội v.v… Rồi, bấm F để nhận rửa tội- hay nói là nhận “bị dìm ngộp nước” đúng hơn, đã vậy nghe giọng lão kiểu “Ồ hình như đạo hữu này chưa đủ sạch sẽ…”. *Beep* you!

Và bỗng Booker đang ở trong văn phòng của mình, nhìn hướng xa sẽ thấy một cánh cửa đang có người kêu réo… lại là “Hãy mang cô ấy đến cho chúng tôi và xóa hết nợ nần” nhưng với giọng nói có vẻ… ghê hơn, ác liệt hơn. Sự bí ẩn gia tăng từ từ.


“Lão nên phân biệt giữa rửa tội và dìm chết con người ta đi là vừa”. Tôi thích Booker rồi đấy.

Booker tỉnh lại trong một khung cảnh khá là… kỳ lạ. Tin tôi, đây là một khu vườn rất đẹp, rất yên tĩnh… Nhưng trước mặt lại là 3 con chiên đang quỳ đọc kinh cầu nguyện 3 bức tượng của 3 trong số các Founding Fathers của nước Mỹ: George Washington- với thanh kiếm tượng trưng cho sức mạnh, Benjamin Franklin- với chìa khóa tượng trưng cho trí tuệ, và Thomas Jefferson- với cuộn giấy tượng trưng cho kỷ cương (Cũng sau này tôi mới chợt vô tình nhận ra cái câu đố “trẻ con” ban đầu cũng mang hình ảnh về 3 vật này). Bọn họ tôn thờ 3 người này, và vị Tiên Tri gì đó sao? Okay… Vậy Columbia là một thành phố hay đất nước thế nào mà lại liên quan ba vị này?

Lại một cánh cửa khác mở ra, và sự choáng ngợp một lần nữa ập đến- tiếp ngay sau đó là sự ngờ vực. Columbia, hay trung tâm của Columbia với bức tượng của Nhà Tiên Tri kia sừng sững hiện ra chi tiết hơn, chói loá hơn dưới nắng vàng thị tứ và đẹp, đẹp như thiên đường vậy! Và thật lòng mà nói, chính ở đây tôi mới nhận ra tại sao Bioshock Infinite chọn sử dụng tạo hình có phần “hoạt hoạ” cho game… Vừa làm cho khung cảnh mơ mộng hơn, cũng vừa có thể khắc hoạ một vài yếu tố khác nữa về mặt nhân vật mà tôi sẽ bàn sau.

Nhưng ngay khi hoà mình vào con phố ấy, nghe lởm những cuộc nói chuyện của thính những thường dân thì mới thấy họ… không khác những con chiên trong khu đền thờ kia là bao cả. Tôi biết chúng ta có ái quốc, ngoan đạo cách mấy, tôn sùng ai đó cách mấy chúng ta cũng có bao giờ đem chuyện đó ra đi nói như là một điều tất nhiên diễn ra thường xuyên. “Nhà Tiên Tri thế này…”, “Nhờ ơn Đức Cha Comstock thế nọ…”, gương mặt của họ tuy viên mãn mà nó đơ sao sao á. Hơi ớn ăn, cái cảm giác đó ở mấy lần sau còn “ghê” hơn lần đầu. Một trong những tác dụng của việc sử dụng “tạo hình hoạt họa” được thấy rõ khi thể hiện sự vô hồn của con người nơi đây.

Rồi lại tiếp tục dạo quanh, khi quẹo quẩn quanh những con phố, đi vào vài khu vực để tiếp tục… lượm tiền (những đồng tiền mệnh giá chẳng phải dollar) và tìm voxophone. Bắt đầu lại có thứ khác để khám phá. Chúng là những cái máy hoạt ảnh (kinetoscope, phát minh của Thomas Edison, một kỹ thuật chiếu “phim” trong những thùng gỗ cho từng người xem) có tác dụng tuyên truyền về Columbia và Nhà Tiên Tri Comstock như một cuộc cách mạng, một cuộc đổi mới. Cũng như các voxophone, chúng cũng đóng vai trò kể lore khá quan trọng. Trên những con phố trôi nổi, chúng ta sẽ bắt gặp những dàn đồng ca, những cuộc diễu hành với chủ đề chẳng có gì khác lạ: Ca ngợi Comstock và sự quan trọng của “con cừu non”- đứa con của Comstock.

Đi dạo phố cho đã và chúng ta sẽ thấy xa xa chính là bức tượng Thiên thần ở Monument Island như trong nhiệm vụ đã đề ra.

“Làm thế quái nào để đến đó…”

“Có thư cho ngài.”

“Đờ héo”? Mình mới đến đây, ai biết mình mà gửi thư?

“Đừng đánh  động Comstock. Làm gì làm, đừng bốc số 77.

Lutece”

Mặc kệ, tôi và Booker lại đi vòng quanh khám phá, vẫn ngắm nhìn vẻ đẹp của từng con phố, và rồi chúng tôi đến một khu hội chợ có vẻ “quái đản” mà thú vị. Cũng ở đây, chúng ta thấy rõ hơn cái cách Steampunk- thứ tôi rất thích- được sử dụng vào công nghệ mới của Columbia. Những tên Handyman- có vẻ là một người bị gắn máy móc vào (So… 1912 Robocop?), những con ngựa máy chạy bằng điện, những trò chơi bắn súng hơi với chủ đề là tiêu diệt những tên phản chính phủ Vox Populi ác ôn.

Nhưng sự chú trọng lớn nhất của lễ hội này là một thứ có tên là Vigors. Nếu ai đã kinh qua Bioshock sẽ biết đây chính là Plasmid ở bản cũ đấy- và Salt ở trong game này chính là Adam đóng vai trò mana. Tuy nhiên lúc đó tôi là tay ngang, làm sao tôi biết nên ấn tượng là “Khoan khoan, game này có chơi phép nữa hả?”… Và thế là phấn khích chơi bắt quỷ với Bronco và rồi sau đó dùng Possession để mở một cánh cổng. Mỗi khi nạp thêm Vigor mới, được xem một đoạn video y như quảng cáo 1900 hồi đó cũng buồn cười.

Vừa qua cổng thì lại gặp 2 người, 1 nam 1 nữ ăn mặc y hệt nhau- Lúc này vẫn chưa biết họ là nhà Lutece đâu- và họ kêu tôi búng 1 đồng xu, cá với nhau sấp hay ngửa. Ở đây có một chi tiết mà sau này khi hoàn thành game rồi tôi cũng mới mò lại tìm hiểu… Đó là có đến tổng cộng 122 dấu ở cái bảng người nam đeo trên người ở phần ngửa, và khi ta búng xu thì cũng lại là mặt ngửa, và dấu thứ 123 được gạch thêm. Có lẽ ai đã tìm hiểu sâu sẽ biết kết quả vụ này là gì, còn bây giờ tôi cũng không muốn nhắc đến vội làm gì.

Ra khỏi khu hội chợ, và bắt đầu chúng ta sẽ bắt gặp những sự kiện kỳ lạ và trùng hợp khó tin.

– Đầu tiên là 1 pha lag! Hay nói đúng hơn chúng ta sẽ thấy bóng mờ của một bức tượng khác hẳn bức đang ở trước mặt chúng ta. Nó diễn ra khá nhanh, như một pha hoa mắt của Booker vậy. Anh chàng cũng tự trấn tĩnh mình như trấn tĩnh chính chúng ta vậy.

– Thứ hai là cái bảng tuyên truyền về “Tên chăn cừu tội lỗi”/ The False Sheperd là một mối hoạ có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn của “con cừu non” của Comstock. Trên bảng có hình một bàn tay gớm ghiếc khắc chữ A.D… Booker nhìn tay mình, một vết sẹo chữ A.D. Wait, whatttt!?

– Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy một sân khấu, và gã MC Jeremiah Fink đang luyên thuyên gì đó. Một cô gái xinh đẹp cho chúng ta bốc thăm bằng những quả bóng chày. Thì bốc… Số 77! Gã MC kia bốc thăm, người trúng giải là… số 77! Nani/ Qu’est-ce/ What/ Gì? Có cần phải vậy không?

Người trúng giải được thưởng gì? Bức màn nhung cho ta thấy một người đàn ông da trắng và một người phụ nữ da màu bị trói gô. Một tràn cười pha lẫn chửi rủa từ đám đông, thậm chí là một câu đùa cực kỳ phân biệt của tên MC Finkleton vang lên. Người thắng cuộc được ném trước! Phần thưởng tuyệt vời nhỉ? Và có 2 lựa chọn hiện ra: Ném cặp đôi kia, hay ném tên khốn nham nhở Fink.

Vốn dĩ tôi là một người ủng hộ bình đẳng giới lẫn sắc tộc (Sau này du học bạn tôi đến từ khắp nơi, đủ mọi màu da, văn hoá và chúng tôi rất thân), thế nên không ngần ngại, ném vô mặt “thằng chó chết” đó nào.

Một bàn tay chụp lấy tay Booker.

“trên tay hắn! Hắn là The False Sheperd.

And then, all Hell breaks loose.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • Critic madafaka! - 03.06.2018

    Bài viết rất hay
    Khiến t nhớ lại 1 hồi chơi game này xong và ngồi trầm ngâm trong nhà suốt 1 tuần tìm hiểu thêm về nó
    Tuy có nhiều lỗi trg edit quá, ko đáng là bao nhg thực sự “break the immersion”
    Và có vài chỗ dùng từ ko dc hay, kể cả mạch văn đang rất hay rồi, dừng lại phút chốc do mấy hạt sạn này


    • Hùng Lý - 04.06.2018

      Cảm ơn bạn, sẽ ngồi sàng lọc, chỉnh sửa tiếp để nâng chất lượng bài này lẫn bài sau 😀


  • Ken Longbottom - 04.06.2018

    Rất hay, rất cảm xúc. Hóng bài sau


  • Thiện Quang - 10.08.2018

    Mới mua bản ps4 collection , trước đó cũng chơi trên ps3 r giờ chơi lại DLC lẫn main game thấy hoài niệm và game thật cảm động , sâu sắc . Giờ vào đọc để hiểu hơn về game mặc dù cũng chơi 3 4 lần r nhưng game làm mình vẫn thấy hay vì những nút thắt và kết thúc được gọi là kinh điển trong ngành game . Cách viết của bạn tuy mang màu sắc cảm xúc nhưng vẫn rất hay và rất đúng khi 1 lần nữa viết thêm nhiều bài về bioshock infintie ( game xuất sắc mà ) nói chung thank bạn