.

Khách quen

  Thợ sửa ống nước

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…

Nếu thế giới tĩnh lặng tôi từng sống là mặt đất bằng, vậy nơi tôi đang sống là gì? Hẳn phải có ai đó đã gom hết âm thanh của thế giới này, xoay tròn chúng trong máy trộn vữa rồi đúc thành từng khối chữ nhật như mấy miếng bánh mì sandwich khổng lồ dày cỡ một gang tay. Đoạn, một nhóm công nhân cần cù mẫn cán bắt đầu lát tất cả xuống đất như người ta lát đường, khắp mọi nơi mọi chỗ, không chừa dù chỉ một ly. Tôi sống, hít thở, bước đi, làm, chơi (họa hoằn lắm), ăn, ngủ trên mớ sandwich âm thanh hỗn độn này. Miếng sandwich trung tâm đất nước, với ngọn đèn nhỏ trên đỉnh tòa 81 chớp tắt từng chập, đều đặn, chán chường. Dưới chân tháp, triệu triệu Gatsby chưa giàu, cũng không người yêu nốt, khẽ đưa tay vươn về phía đốm sáng lập lòe ấy, mơ mộng một tương lai nhũ vàng phủ rịt tấm thân.

Tôi đứng đằng xa nhìn đám kiến bu lấy viên đường mơ mộng, tự hỏi bao nhiêu con trong số chúng đủ khả năng và may mắn tạo được một tổ kiến cho riêng mình. Chả liên quan, trước khi gặm được chất ngọt giấc chiêm bao, hết tám phần sâu kiến đã chết vì hóa chất. Chị Zhang, chủ công ty tôi, hay chửi lũ người xấu xa vì lợi ích bản thân bất chấp thủ đoạn. Chị nhỏ người, tóc ngắn tém tới cằm, năng nổ hoạt bát, thương mấy đứa nhân viên bọn tôi như con (trộm vía). Tôi hay ghi âm lại những đoạn chị chửi tay đôi với ban quản lý khu căn hộ, thỉnh thoảng mang ra nghe lại phòng khi có dịp thực hành. Một ngày, chị nhờ tôi chở đi siêu thị mua bánh mì. Cũng như lúc làm việc, chị chỉ đường, tôi chạy. Đánh vòng vài khúc ngược chiều, tránh một ngã tư thường có công an, rủa xối xả một thanh niên chạy song song (mà thật ra là ngược chiều y hệt mình), chúng tôi tới nơi. “Đi kiểu này nhanh hơn”, chị nói.

Hồi xa lơ xa lắc, tôi hay gặp Buổi Sáng và Rảnh Rỗi ở một quán cà phê gần công ty. Quán thuộc một chuỗi cũng gọi là có tiếng, không gian nhỏ, bàn ghế cách nhau vừa đủ để ngồi ườn hay nằm kềnh ra mà không ai thấy phiền. Anh chủ dễ thương, mấy bạn nhân viên vui vẻ, nước không ngon. Giờ tôi gặp Buổi Sáng mỗi ngày, còn Rảnh Rỗi thỉnh thoảng đến thăm tôi. Chúng tôi không uống cà phê cùng nhau nữa, tổ hợp tôi – Buổi Sáng – Rảnh Rỗi – cà phê có lẽ khó có ngày đông đủ. Tôi thích ngồi trong một góc quán nhìn ra cửa, để tiếng nhạc của J.Fla tạm thời cách ly tôi khỏi thành phố này, giống như người ta cách ly bệnh nhân Covid. Anh chủ có hẳn một playlist của J, và thứ âm thanh ót ét vô nghĩa cô gái này tạo ra như một lớp xốp mỏng tạm ngăn tôi nghĩ về thực tại. Đôi lúc tiếng nhạc của Tây Nguyên Sound kéo tôi trở lại, tôi khẽ nhẩm theo lời bài hát, khúc được khúc mất. Tôi tính tiền, ra về.

Thoát khỏi đống sandwich này, tôi nghĩ. Bùm, tôi thấy mình chạy xe máy trên con đường cũ. Ngôi trường cấp 3 vẫn ở đó, tối thui. Ở giữa sân trường là tượng bán thân của cụ Chu, im lìm, chìm hơn phân nửa trong bóng tối. Nửa còn lại nhờ nhờ, nhợt nhạt dưới ánh đèn đường hắt lại từ mặt sân đan. Cạnh trường là kho bạc, vào sâu chút nữa là biệt thự nhà thằng bạn cùng lớp, con chủ tịch huyện. Cách đó trăm bước là biệt thự của nhỏ bạn, cháu ngoại ông chức sắc to nhất huyện thời giải phóng. Đối diện đôi dinh thự, nằm về phía bên kia đường, là nhà thầy chủ nhiệm tôi, một căn nhà lầu ba tầng khiêm tốn. Tranh thủ lúc chở con nhím cả đời của tôi về quê dưỡng bệnh, tôi ngớp lấy ngớp để vài ngụm không khí ngày xưa. Chả có gì nhiều. Ký ức rơi rụng, tróc ra thành mảng, tủn mủn, vụn vằn. Dám chắc năm mười năm nữa, tôi sẽ háo hức ngồi nghe con nhím kể chuyện ngày xưa của bản thân mình như một người lạ qua đường. Còn gì sót lại nhỉ?

Là ráng chiều đỏ rực, tôi với hai thằng bạn ngồi gặm bánh mì bơ sữa trên sân thượng (khiếp, bạn tôi nhiều đứa có sân thượng phết). Cách nào để counter Vô Diện Nhân, cầm TRG-21 nên camp khu A hay khu B, Aa x Aa bao nhiêu trội lặn, Oxy hóa trị 3 khi nào, đủ chuyện.

Là mấy tối học thêm về trễ, lỡ chuyến đò cuối cùng, tôi với thằng bạn thân ngồi lót dép hóng tiếng tạch tạch của máy đò. Không có mưa, chỉ có gió, bụi tre cạnh bờ sông xào xạc xào xạc. Lâu lâu có tiếng mái chèo quạt nước, người ta chèo xuồng đi đâu khuya thế nhỉ, chắc là đi học thêm. Tôi dầm mưa không ít, nhưng chả hiểu sao trong ký ức những ngày đợi đò, chưa bao giờ tôi thấy trời mưa. Chỉ có trăng sáng, hoặc sao, hoặc bầu trời trong, trống rỗng và vô định như dự tính tương lai của đám học sinh ôn thi đại học ngày đó.

Còn gì nữa nhỉ, là nữ hoàng street food chúng tôi hay tình cờ gặp bên này sông những ngày về sớm. Tôi với thằng bạn gọi bà là bà Năm, còn bà thứ năm hay tên Năm thì tôi không biết. Miền Tây quê tôi người ta gọi tên mất thứ, gọi thứ mất tên, riết rồi không phân biệt được đâu là tên, đâu là thứ nữa. Năm đẩy một chiếc xe gỗ hai bánh con con, trên là cái mâm nhôm tròn lớn, lót lá chuối, lòng mâm là lãnh thổ của cộng đồng quốc gia bánh quê tự trị: bánh bèo, bánh bò, bánh cam, bánh còng, bánh tằm ngọt, bánh khoai mì, bánh ít trần, bánh chuối, bánh tiêu mặn,… Lấy số loại bánh nhân 3 sẽ ra số sao Michelin mà Năm (lẽ ra) có.

Tinh túy nhất là bánh mì chiên: cái bánh bột chiên giòn rụm, tròn ủm bằng nắm tay, dùng dao khứa nhẹ rồi tách ra như người ta khứa bánh mì thịt, gắp một đũa vừa đủ củ sắn và cải đỏ xắt sợi ngâm chua cho vào, rắc thêm miếng ớt tươi, xịt chút nước tương Tam Thái Tử lên. Vỏ bánh nhai rồm rộp, nhiều khi hăng lên mùi dầu chiên, đầu lưỡi thấm đẫm cái nửa ngọt nửa mặn của nước tương, hít hà chút cay xè của ớt xộc lên tới mũi, nhấm nháp cái chua chua xực xực của củ cải sắn ngâm,… Mười phần tốt đẹp của thời cấp ba, hết tám đã nằm lại chỗ mâm bánh bà Năm.

Những chuyện đã qua, những người tôi đã gặp, con và chú – con nhím cả đời, em và anh – con bé Insta, mày và tao – mười năm không gặp, thầy và em – giờ toán đóng băng cả thế giới, bà và con – mâm bánh,… trôi đi tuồn tuột.

Mai bạn tôi mổ ung thư tái phát, bạn sơ giao, chơi tốt. Hy vọng sau một đêm nhảy múa mệt bả người, lũ quỷ lấy đi cục bứu như một cách tri ân.

Và đừng nhảy với quỷ thêm lần nào nữa.

An lành.

Hết.

07/4/2020

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly