Tản mạn The Witness – Đào Hoa Đảo ơi, Anh Cô chịu thua rồi!

Khách quen

  Thợ sửa ống nước

Sau một tháng trời may mắn với vài dự án lẻ tẻ kèm tiền lương kha khá, tôi tậu được cho mình một bộ PC hơn 10 triệu đồng nhằm “làm việc là “chính”, chơi game là “phụ””. Khỏi phải nói cảm giác có PC sau sáu năm trời xài lap ghẻ nó tuyệt thế nào, vậy là đống game lâu nay mua rồi bỏ mốc trên Steam đã có cơ hội được sống dưới ánh mặt trời. Ôi cuộc đời! Sau vài ván Dota 2 max setting fps trên 100 vừa feed vừa ngắm nhìn bộ Arcana Juggernaut lấp lánh trong tiếng trầm trồ của team bạn và rủa xả của team mình, tôi tạm gác Dota 2 lại để bước vào thế giới game offline, thánh địa tôi tưởng đã ngủ yên do chả thể nào đủ tiềm lực kinh tế bước vào trở lại. Và câu hỏi hiện ra trong đầu tôi lúc ấy không còn là “Game này máy mình chơi nổi không?” mà chuyển sang “Chơi gì bây giờ?”. Chợt nhớ có lần đọc bài review trên HSBT về The Witness, và may mắn là nó đang nằm trong Steam Library sau dịp Black Winter Friday Summer Sale năm nào, tôi tải vội và hồi hộp chờ đợi load game. Tôi có ngờ đâu, mình đã bước vào chốn địa ngục mà không hay biết…

Vẻ ngoài nên thơ như mộng.

The Witness thật sự đẹp. Nó đẹp đến hoàn hảo, đẹp chỉn chu, đẹp sang trọng, đẹp hoang sơ, đẹp trang nhã,… nó đẹp không cầu kỳ không hào nhoáng. Thế giới của The Witness là một giấc mộng, một thiên đường náu mình sau màn hình máy tính. Là một game thuần giải đố (và chụp ảnh show screenshot), các câu đố của The Witness được thiết kế cực kỳ thông minh, logic kèm theo những màn tutorial được hòa quyện khéo léo đến nỗi tưởng chừng như không tồn tại. Ngỡ như The Witness là thế giới bí mật của một đứa trẻ con, nơi mà khi người lớn say ngủ, nó sẽ nhẹ nhàng trườn khỏi chăn và chu du vào đó đến tận sáng hôm sau. Nhưng hỡi ôi, tiếc thay đứa trẻ này lại là Coraline của Tim Burton (à nhầm Henry Selick mới đúng).

Sau hơn một tiếng đầu nhởn nhơ dạo chơi, chụp ảnh và giải những câu đố dễ như ăn bánh, bạn đang tự huyễn hoặc bản thân rằng “Xời, game là dễ, vậy mà ai kia review có vẻ khó nhằn lắm, noob còn thích uống bia LUL!” thì đùng một phát, một gáo nước lạnh hơn cả nước mắt GabeN từ đâu tạt thẳng vào mặt bạn, đó cũng là lúc bạn gặp câu đố hóc búa đầu tiên.

Hình minh họa thôi, loại câu đố này còn ez chán.

Như đã nói, game có phần tutorial hòa quyện vào môi trường khéo léo đến nỗi bạn tưởng chừng nó không hề tồn tại, và đến lúc này, bạn sẽ băn khoăn tự hỏi thật sự có thứ gọi là tutorial tồn tại hay không? Và vì bạn là một game thủ thích BDSM, một tay chơi hard core quyết không xem walk through trên mạng, bạn quyết định trở thành Anh Cô, dành cả thanh xuân để nghiên cứu đường đi nước bước của Đào Hoa Đảo. Nhưng Anh Cô có thành công không? Dĩ nhiên là không, và bạn cũng vậy. Đôi chút chán nản nhen nhóm trong lòng, bạn bỏ đi tìm một câu đố khác. Cả đảo là một rừng câu đố, câu này không được thì tìm câu khác, sợ loèn.

Rồi bạn lại tìm được những câu đố khác đơn giản hơn, bạn giải và giải và giải, rồi trái tim bạn trầy sơ, rướm máu và bầm dập, rồi sau cùng nát bét, và cả bộ não của bạn cũng vậy. Bạn vui mừng vì tìm ra quy luật của một câu đố khó nhằn, bạn hí hửng vì ngỡ rằng trình độ tư duy của mình đã tiến bộ vượt bậc, cá chép hóa rồng?! Không, bạn hóa nhầm thành rồng lộn mất rồi. Sau câu đố đầu tiên mang tính chỉ dẫn mà nhà làm game ưu ái “tặng không” cho bạn, là hàng loạt những câu tương tự nhưng được nâng cấp độ khó lên tầm vũ trụ. Sau khi nỗi cay đắng vì không tìm ra quy luật vận hành của các câu đố được giải tỏa, bạn được trò chơi chiêu đãi một nỗi bất lực khác thậm chí còn đau đớn hơn: hiểu quy luật nhưng không biết làm thế nào để giải xong câu đố. Giống như khi bạn vừa biết mục tiêu của bài toán là tìm x, tìm y thì lại bị các bậc thầy cô thánh hiền quăng cho bài toán giải phương trình bậc 3 mười tám ẩn căn bình phương logarit vậy.

Nhìn dễ ăn nhỉ? Đi thêm vài dặm đường nữa rồi biết tay nhé!

Chưa dừng lại ở đó, hòn đảo hoang, bối cảnh của trò chơi là một nơi nguyên sơ và cô độc. Và cũng vì vậy, nó khó một cách nguyênsơly (originally nhé). Các bạn có từng xem kênh Teen React trên Youtube chưa? Trong một tập, một nhóm trẻ (có vẻ ít trâu) được mời chơi thử game bắn súng Contra quần xanh quần đỏ (gọi vậy cho mang tính hình tượng chứ mình cũng chả biết game đó tên thật là gì, nhưng mình dám chắc 99% anh em chơi game tuổi thơ đều từng kinh qua game này). Và bọn trẻ chết như rạ ngay từ cửa đầu tiên, cái cửa mà hồi chưa biết mặc quần mình đã đi gần tới cuối. Khi được hỏi tại sao chơi cái game đơn giản như rứa mà thua mãi, vài người đã trả lời là do game… đơn giản quá. Không có tín hiệu báo lựu đạn bay tới, không có cây máu, không có túi cứu thương, gọi đồng đội, không có nấp nghỉ ngơi chờ màn hình hết chớp là đầy máu ra bắn nhau tiếp. Bạn dính 1 viên đạn, bạn tèo. Đơn giản quá hóa khó nhằn. The Witness cũng vậy. Không có hint, không có NPC gợi ý, không có hồ sơ giấy tờ chữ nghĩa gì hết. Đến cả cái bản đồ hòn đảo cũng mang nặng tính nguyên sơ, một tấm bản đồ rất… bản đồ. Muốn có dấu tick xanh xau báo hiệu vị trí hiện tại, muốn có phương hướng đủ đầy chỉ bạn cần phải đi đâu ư? Nhầm game rồi. Tất cả những gì bạn phải làm là mặc kệ bản đồ, và bằng một cách ảo lòi nào đó, bạn phải dẫn Tròn tới gặp Dài theo một quy luật bạn tự nghiền ngẫm và cầu trời là nó đúng với quy luật thực tế của trò chơi. Rủi thay, đến một lúc nào đó, sau khi bạn áp dụng thành công quy luật mình tự nghĩ ra đúng được kha khá câu đố, lại xuất hiện một câu đố khác phủ nhận hoàn toàn mớ quy luật đồ sộ của vị dzáo xư tự phong là bạn. Đây mới chính là lúc bạn hoảng loạn thật sự, đúng sai phải trái trắng đen đều đảo lộn hết, chẳng khác gì khoảnh khắc Luke Người Đi Bộ Trên Trời phát hiện ra Darth Vader là cha mình.

Am I a joke to you, map?

Khi chơi Dark Souls hay gần đây là Sekiro Bóng Chết Lần Hai, mỗi lần tử nạn, bạn thường tự trách bản thân kỹ năng không đủ, phải chi né như này, như này, combo như kia như kia,… thì đã thắng rồi. Bạn có thể tìm tòi học cách lên đồ, cách đấu trí với mấy con boss rồi quay ngược lại vả cho chúng vỡ mồm (hoặc ngược lại). Dark Souls hay Sekiro dằn vặt người chơi về mặt thể xác nhiều hơn. Ngược lại, trong The Witness Shadow no Die, đôi tay và thể xác của bạn hoàn toàn nhẹ nhàng, với dăm ba cái click chuột và vài lần bấm phím không quá 20 APM. The Witness giữ cho bạn sống, để bạn mãi mãi bị kẹt trên hòn đảo này, đứng gục đầu nhìn xuống cái bóng dưới chân cùng với thực tế phũ phàng về sự vô dụng của bản thân tràn ngập xung quanh. Nó chà đạp cái tôi của bạn và vắt kiệt linh hồn bạn. Và cả sự cám dỗ vô biên về cái gọi là “Google Walkthrough” đang chực chờ đánh gục bạn, chỉ một lần xem hướng dẫn thôi là bạn đã hoàn toàn chấp nhận thất bại trước thử thách của trò chơi.

Bạn bị sếp sai bảo đầu tắt mặt tối, bạn bị khách hàng vặn vẹo, bạn ước mơ có một nơi mình làm chủ hoàn toàn mọi thứ, muốn làm gì thì làm? Chơi The Witness đi, bạn sẽ ước có ai đó bên cạnh chỉ cho mình phải làm gì. Trong trò chơi mang tên The Witness, bạn là Robinson Crusoe không có Friday, là Adam bị Eve và con rắn bỏ lại ở vườn địa đàng. Bạn một mình một cõi, tự do đến tuyệt vọng.

Nhưng mà…

“The greater the obstacle, the more glory in overcoming it.” – Molière

Rồi sẽ có một ngày, khi nhìn lại list game-từng-phá-đảo, lòng bạn sẽ phơi phới tự hào khi cái tên The Witness nằm chễm chệ ngay dòng đầu tiên (hoặc sau cùng, ai biết được).

*Lưu ý: Bài viết dưới góc nhìn của một người chơi game có chỉ số IQ trung bình, biết xanh đi vàng đứng đỏ dừng khi tham gia giao thông. Những bạn có IQ vũ trụ có thể không tìm thấy sự đồng cảm ở đây.
*Nguồn ảnh trong bài: Người viết tự chụp in-game.
Oreo<3

Khách quen

  Thợ sửa ống nước
Giữa nước lọc và bia không cần phải có cà phê.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện