Từ khi phiên bản Halo đầu tiên ra đời và làm mưa làm gió giới game thủ thời bấy giờ với đồ họa đỉnh cao (của thời đó), gameplay chất, nhân vật chính cực ngầu, Halo đã trở thành một tượng đài của FPS khó có thể đạp đổ, và Master Chief (nhân vật chính) cũng đã trở thành một biểu tượng không thể nhầm lẫn trong thế giới game. Sau thành công vô tiền khoáng hậu của phần trước, Bungie đã bắt tay sản xuất phần tiếp theo của trò chơi này, và cũng như dự kiến, Halo 2 đã trở thành một hiện tượng trong giới game thủ 2004. Trò chơi đã phá vỡ kỉ lục thế giới, trở thành Phương tiện giải trí thu được nhiều lợi nhuận nhất trong vòng 24h, chiếm luôn ngôi vị của bộ phim PotC: Dead Man’s Chest. Halo 2, không còn nghi ngờ gì nữa, là một thành công có một không hai về mặt doanh thu.
Vậy còn những mặt khác?
Một bước tiến về nội dung
Trong Halo: CE, cốt truyện của trò chơi, ngoài việc The Flood trở thành một điểm nhấn chính, thì theo tui, nó hơi bị quá quen thuộc. Nhân vật chính ngầu lòi, một mình một ngựa đánh bại một đoàn quân ngoài hành tinh cầm súng plasma và quay trở về như một người hùng. Plot armor cao phết. Nhưng điểm nhấn, điểm khác biệt của Halo: CE với phần sau không phải ở đây, mà là ở phe phản diện, Covenant.
Ngay khi bắt đầu, người chơi đã được đưa đến một phiên tòa của phe Covenant. Ở đây, ta thấy được đám Covenant không phải là đám mọi rợ may mắn tìm được súng plasma bắn phá nhân loại chơi, mà chúng có một xã hội riêng, chính quyền riêng, và tôn giáo riêng. Nhân vật trung tâm của cảnh quay này là Chỉ Huy Tối Cao của binh đoàn đã đại bại dưới tay Master Chief – hay cả quân đội UNSC – trong phần đầu. Tuy nhiên, ông bị xét xử không phải vì thua cuộc, mà vì ông đã không thể bảo vệ được Halo – “vòng thánh” của phe Covenant. Cũng vì lí do đó, ông bị phế truất, và bị tra tấn cùng khổ, nhưng về sau được những bô lão của Covenant phong làm Arbiter do khả năng chiến đấu tuyệt vời của ông… Song, tui sẽ không vào sâu phân tích cốt truyện ở đây. Điều tui muốn nói ở đây là Bungie đã có một tầm nhìn mới hoàn hảo cho cốt truyện của dòng game Halo, mở ra hàng loạt tiềm năng khai thác vũ trụ tuyệt vời này. Việc giới thiệu sâu hơn về phe Covenant – và ý nghĩa ẩn sau cái chữ Covenant (Khế ước) – là một bước đầu không thể tuyệt vời hơn cho một vũ trụ khoa học viễn tưởng đã tuyệt vời sẵn rồi.
Việc thêm vào cốt truyện còn được bổ sung bằng cách thêm các câu thoại ngắn cho các chiến binh của phe Covenant. Những Unggoy (những con quái lùn lùn nhí nhố, đôi lúc phát hoảng chạy lung tung khi bị bắn) đã có tính cách riêng cho chúng, hay gọi các đồng minh Unggoy của mình là “hèn nhát” dù bản thân mình cũng chẳng hơn gì, trong khi phần trước chúng chỉ biết nói rằng “<nhân vật chính> mạnh quá, chạy thôi!”. Những Sangheili Elites (những con quái cao mặc áo giáp xanh hoặc đỏ) không còn gầm gừ những tiếng vô nghĩa như trong phần đầu, mà chúng đã có những câu thoại có ý nghĩa riêng. Cho dù chủ yếu trong số đó chỉ là nguyền rủa nhân vật chính chết đi, gọi anh là kẻ ngoại đạo, v.v… thì điều đó cũng đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng xã hội của Covenant, xem chúng là một thế lực có tổ chức thay vì những sinh vật ngoài hành tinh hung hãn vô lý do như trong mấy phim sci-fi hạng B của Hollywood thời 1980.
Một bước lùi về gameplay?
Với một người chơi game thích tìm hiểu cốt truyện như tui, gameplay không phải là thứ tui hay để mắt tới. Nhưng với Halo 2, nó thật sự là một vấn đề cần bàn. Vấn đề này có hơi liên quan tới cốt truyện một chút: Tại sao bộ giáp của Master Chief, được gọi là MARK-VI, cao hơn phiên bản trước 1 con số, lại tệ hơn MARK-V nhiều quá vậy? Trong khi phần trước, Master Chief có thể cầm cây Assault Rifle (một cây súng thiếu chính xác nhưng tấn công tầm gần tốt) xông thẳng vào một lố quân địch, tay chỉ bóp cò súng mà lát sau vẫn sống nhăn nhở, chỉ có giáp bị hư tổn. Phần 2, Chief chỉ còn có thể chịu nổi 7 phát bắn của một cây Plasma Rifle (vũ khí phổ biến của Sangheili) là đã chào tạm biệt trần gian rồi. Một chi tiết vô lý và rất khó chịu, một người hùng đã chịu không biết bao nhiêu súng đạn với một bộ giáp lỗi thời để rồi phải chết tức tưởi với một bộ giáp “extremely resilient” chỉ chịu nổi 1/3 sát thương so với dòng cũ? Mà trong khi đó, Master Chief lại chính là biểu tượng của nhân loại, một con người đại diện cho những gì mạnh mẽ nhất của nhân loại. Một biểu tượng kiểu đó mà lại là nhân vật yếu thứ hai trong game? CÁI GÌ VẬY BUNGIE?
Nói đi cũng phải nói lại, gameplay của Halo 2, với sự giới thiệu của nhiều chi tiết mới, như khả năng cầm 2 súng, các loại vũ khí mới, và lần đầu tiên cho phép người chơi nhập vai một chiến binh tinh nhuệ của Covenant, đã thổi một làn gió mới cho khuôn mặt của Halo. Tuy nhiên, vẫn còn đôi chỗ ức chế. Việc không thể đổi vũ khí một cách nhanh chóng khi đang dual wield thực sự đôi lúc rất khó chịu, nhất là khi bạn đang cần gấp rút một món vũ khí hạng nặng để làm nổ tung cỗ xe tăng Wraith ngay trước mặt. Ngoài ra, các khẩu súng của phe Covenant quá nhiệt rất nhanh, khiến việc xả đạn như phần trước không còn thoải mái như cũ nữa. Điều này là một thay đổi không lấy gì làm hay ho, nhất là khi bạn đã học thuộc thanh máu của đối phương trong phần đầu rồi. Unggoy chết sau 5 phát đạn Assault Rifle, Bungie ạ. 5 PHÁT.
Càng xét sâu thêm vào gameplay, càng có nhiều điểm cần bàn. Điểm đầu tiên tui nên nhắc tới là sức chống chịu của các loại phương tiện. Điểm cộng cho Bungie là họ đã cho phép người chơi điều khiển nhiều phương tiện hơn, có chuyện “cướp xe” như trong GTA, chi tiết tui cho là rất thú vị. Về mặt đồ họa, game đã chân thực hơn về mặt là xe cộ biết hỏng hóc chứ không tồn tại ở hai trạng thái: nổ – không nổ như trong Combat Evolved. Nhưng thêm đồ họa vào làm gì khi gameplay lại giảm đi độ vui gấp mấy lần? Có vẻ như xuyên suốt Halo 2, Master Chief đã bị yểm bùa “Con sên” có ảnh hưởng tới cả xe cộ mà anh cầm lái, vì mỗi khi anh lên bất kì phương tiện nào thì nó bỗng dưng yếu hơn hẳn và dễ nổ hơn hẳn phương tiện đối phương. Cho dù chi tiết này được thêm vào để tăng độ chân thực đi nữa thì theo tui nó vẫn quá phiền phức, và mất thời gian (chơi lại).
Song, điều này, tất cả điểm tồi tệ về gameplay này xảy ra là có lý do. Cũng chính vì phần 1 quá sức thành công, những người hâm mộ dòng game này đã quá sức hào hứng, làm các nhà xuất bản game sốt ruột, tạo nên áp lực cho đội Bungie, và họ buộc phải làm gấp làm rút Halo 2 để kịp giờ giao. Và cũng vì thế, Halo 2 đã được giao với vẻ ngoài là một tô bún thịt nướng thơm nức trời mây, nhưng càng nhai càng thấy sạn. Cái kết của Halo 2, theo Bungie, chỉ là một phần gần tới cái kết, còn cái kết “thực” của Halo 2 đã biến mất. Lại thêm một bài học rút ra cho mấy ông lớn làm game: Đừng có hối dev làm game xong sớm, game chẳng bao giờ hoàn hảo đâu.
Tạm kết
Đó là toàn bộ suy nghĩ của tui về Halo 2. Mặc dù có một số điểm ngớ ngẩn trong game, Halo 2 vẫn đứng chắc trong làng game với danh hiệu là trò chơi thành công nhất mọi thời đại, và là một sự tiếp nối cốt truyện hoàn hảo từ trò chơi đã làm chấn động làng game FPS: Halo: Combat Evolved. Halo đã, và sẽ luôn, là một trong những tựa game mang tính biểu tượng nhất của thế giới game.
(ngoại trừ Halo 5)