Tôi không phải là người chơi quá nhiều những game thiên hướng offline hay game đồ họa cao như GTA V hay Red Dead Redemtion series bởi cấu hình PC không cho phép. Vả lại khi nhìn trên Youtube thì cũng không ít những bài review trước và các streamer đã chơi. Vậy nên sự mặn mà của tôi với dòng game chơi story đã phai nhạt. Thậm chí tôi còn chẳng biết lần cuối chơi đúng nghĩa một con RPG như thế nào, cho đến khi Steam cho một đợt giảm giá cho Yakuza 0, và game được đánh giá Cực kì tích cực (Very Positive) nữa nên đánh liều nốt tiền bia của anh Đăng Bông làm cái chơi. Sau 38 giờ chơi, tôi nghĩ mình không đủ tự tin để viết một bài review hoàn chỉnh, nhưng đây cũng là một bài cảm nhận mang tính cá nhân và chủ quan của một tay mơ với mấy game AAA, nên nếu có những gì chia sẻ thêm thì các anh em hãy làm một ly bia ở dưới với tôi nhé.
Đôi điều trước khi đi vào phần chính
Tôi định sẽ chia ra thêm phần nhỏ cho phần game Yakuza này bởi 38 giờ chơi là chưa đủ để cảm nhận đủ hết toàn bộ thế giới ngầm được xây dựng, vậy nên toàn bộ sẽ như là “Đây là lần đầu của em, xin anh hãy nhẹ nhàng”. Mặc dù ước chừng tổng thể cốt truyện chính chỉ tầm khoảng 24 – 28 tiếng cho việc chơi ở chế độ dễ (tôi chơi ở chế độ này vì cơ bản tôi là thằng gà mờ, thật), nhưng nếu tiếp tục khám phá hết trò chơi thì chắc cũng phải khoảng hơn kém ba đến bốn ngày. Nếu biết kết hợp đọc wiki hoặc guide ở trên IGN thì sẽ rút ngắn khoảng thời gian làm cốt truyện phụ và các thành tựu.
Đa phần khi chơi một con game nào đó, tôi luôn muốn cân bằng sự giải trí của mình với một chút suy luận vào trong nội dung cốt truyện, và trong những giây phút đầu tiên khi vào game (thôi SEGA ơi đừng bật nhạc to quá, hấp diêm lỗ tai em lúc bật volume max nhiều lắm) tôi thật sự thích và bỏ qua toàn bộ thời gian đánh rank của Liên Minh để chuyển sang cày cuốc một mạch cùng Kiryu-chan và Majima-chan với thế giới đầy tối tăm này. Vậy thì hãy đi đến từng phần nào.
Hình ảnh
Kabukicho là một khu phố đèn đỏ nổi tiếng nằm ở Shinjuku thành phố Tokyo, điều này ai cũng đã biết khi đã nghe qua hoặc đọc các bộ truyện manga liên quan đến xã hội đen. Một ví dụ có thể kể đến như Ichi The Killer với bối cảnh ở Shinjuku (nếu thực sự gu của anh em đủ nuốt thì hẵng tìm bộ này). Nơi đây tập hợp đầy đủ các loại hình giải trí như rạp chiếu phim, quán cà phê manga, quán rượu, hộp đêm, sex shop, host club, khách sạn tình yêu, pachinko… Chính vì thế cái danh “khu phố không ngủ” được lan truyền và nổi tiếng không chỉ với người dân Nhật Bản mà còn rộng khắp với các du khách khi được giới thiệu những nơi nên đi thử.
Dotonbori cũng không kém cạnh người bạn xa ở Tokyo là bao. Con phố ở Osaka này cũng nhộn nhịp với các hoạt động không kém cạnh gì khu phố trên với thế mạnh về các quán ăn, từ nhà hàng sang trọng đến quán bán đồ ăn bên đường. Ngoài ra, như đã nói ở trên, Dotonbori không kém cạnh Kabukicho ở khoản giải trí, với những quán karaoke, các club hộp đêm, v.v… đủ để các vị khách luôn “xõa” đến sáng. Nổi bật là sông Dotonbori với những hoạt động trên thuyền máy, phục vụ người thực khách tận tình với thế mạnh về ẩm thực của mình.
Nhưng có ánh sáng thì có bóng tối, đặc biệt là hai con phố kể trên được lấy bối cảnh vào chính Yakuza 0 với hai cái tên khác: Kamurocho và Sotenbori. Vẫn giữ được nét sôi động và đầy năng lượng của mình với những tông màu vàng đỏ từ ánh đèn neon và các cửa hiệu quảng cáo, ẩn sau đó là màu đỏ của quyền lực cùng màu vàng chứa sự nguy hiểm. Như một lời nhắc nhở rằng sau những thứ xa hoa kia là bàn tay của những thế lực ngầm đang đấu đá nhau để tranh giành địa vị, quyền lực, tiền tài và danh vọng. Như hình ảnh tượng trưng bàn tay phải điều khiển con rối của bố già ở đầu phim cùng tên với tựa tiếng anh “The Godfather” vậy.
Nhân vật
Đi xa khỏi khung cảnh to lớn của hai con phố, hãy đi vào chi tiết của các nhân vật. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến hai nhân vật chính của câu chuyện. Tôi thực sự thích cái design của các nhân vật, từ cái khuôn mặt của Kiryu Kazuma cương trực, hơi bặm trợn nhưng đẹp trai và tạo cảm giác một người trải đời dù thực sự mới đang tuổi xuân. Tạo hình cool ngầu này khiến tôi nhớ lại lúc đọc JoJo part 3 với nhân vật Kujo Jotaro là một cậu học sinh cấp ba nhưng cao lớn và thẳng thắn, biết suy nghĩ và sử dụng tốt những ưu thế của mình, dù càng về các phần sau bị neft thê thảm khiến tôi cũng buồn lắm. Nhìn Kiryu với cái gu ăn mặc áo com-le màu trắng, tôi tự hỏi rằng sau trận đấu với Kuze ở cống ngầm thì liệu câu chuyện có cho phép anh nghỉ ngơi và đi tắm hay không nữa, chắc cái áo phải có mùi và thành màu cháo lòng chứ.
Bên cạnh đó là Majima Goro với sự chó điên chính hiệu của mình. Với một quá khứ tối như tiền đồ chị Dậu – khác hoàn toàn với nhân vật chính của cả series Kiryu – thì tôi thấy Majima lại mang nét điên rồ của của mấy kẻ sát nhân hơn. Tiền sử làm thế chột thời trẻ cùng với việc bị giam lỏng ở Sotenbori đã phần nào “giúp” Majima có một số kĩ năng nhất định về xã hội như lấy lòng tin của nhân viên, giao du với quan hệ rộng,… Tất cả đều phục vụ mục đích trở về con đường làm yakuza chứ không phải một ông chủ cam chịu tại một chỗ chật hẹp, có thể ví von như việc phong ấn một con quỷ vậy.
Nói đến yakuza là cũng nói đến một biểu tượng đặc trưng nữa: hình xăm. Nó như một phần của cơ thể, biểu lộ tính cách của mình khi nó vừa tôn vẻ đẹp nghệ thuật của các nghệ nhân xăm, vừa thể hiện khái quát tính cách nhân vật. Kiryu, dù chịu những mất mát từ lúc mồ côi, chịu khó làm tay sai và những công việc lặt vặt, dần dần trở thành một người đàn ông chính trực và hết mình vì người thân, vì việc nghĩa. Và vì thế ở Yakuza 0 đã nhá hàng hình xăm con rồng viền đen – một phần vì Kiryu vẫn đang trong giai đoạn rồng hóa, chưa hoàn toàn có quyền lực trong gia đình Dojima, nhưng vẫn hoàn toàn thể hiện vai trò trường tồn trong cả series sau này. Còn Majima, với phần lưng xăm mặt quỷ nữ Hannya, phần nào vừa thể hiện sự oán hận trước quyết định trong quá khứ của nhà Dojima với mình, lại vừa thể hiện một chu trình cải biến của bản thân, hoặc tốt đẹp hơn, hoặc xấu xa và tàn bạo hơn. Ở đây, sau sự kiện Makoto bị bắn, Majima quyết định chọn cái thứ 2, và chúng ta có “chó điên nhà Shimano”.
Âm thanh
SONY stop raping my ear when I open the game :(.
Tôi không phải chuyên gia xử lý âm thanh hay một người sành sỏi về phần âm nhạc, nhưng tôi thực sự nghe bắt tai và cuốn vào các trận combat của Yakuza 0. Đặc biệt có hai bản nhạc tôi tâm đắc nhất: Force Addiction (bản OST của Brawler style – cách đánh cơ bản ban đầu của Kiryu) và Twin Dragons (theme cuối của final boss – Keiji Shibusawa). Kể cả sau khi chơi xong, bất kể làm việc gì từ chơi rank Liên Minh hay đi đánh răng đi ngủ, cả hai bản nhạc này vẫn văng vẳng bên tai, nghe rất phê và tăng độ hưng phấn của tôi kể cả sau khi chơi.
Gameplay
Beat ’em up là thể loại khá quen thuộc đối với toàn bộ player kì cựu đã chơi qua Final Fight hay Double Dragon. Và khi chơi Yakuza 0 đi kèm với một truyền thống “đội quân một người” thì cảm giác đã tay là vô cùng (trừ lúc đi đánh với mấy bố Mr. Shakedown vì khi các anh ấy chăm sóc mình cẩn thận, nằm chiếu trên sau khi nằm chọn vòng tay rồi thì tôi biết bản thân nên load lại phần save vừa nãy, đánh lại một kiểu đánh, và cố gắng bòn rút tiền mấy anh cao to không đen không hôi nhưng lực lưỡng như mấy con trâu vậy).
Điều đặc biệt tôi thấy ở Yakuza 0 là các Style combat. Nó đa dạng ở cả 2 nhân vật chính và mỗi cái đều mang những nét rất riêng, yêu cầu người chơi phải thuần thục và sử dụng chúng một cách hợp lý nếu muốn chơi ở chế độ khó hơn. Một ví dụ điển hình là khi địch có quân số rất đông thì Beast style của Kiryu sẽ xử lí khá nhanh với lượng sát thương to và tầm ảnh hưởng rộng, trong khi đó Breaker style của Majima có tầm ảnh hưởng cũng rộng khi anh liên tục xoay mình đạp vào mặt đối phương, mặc dù nó gây lượng damage bé hơn. Các style khác cũng có cái hay của nó, nhưng với tôi – một thằng cục súc, thì Beast style là lựa chọn an toàn (tất nhiên việc đánh boss sẽ phải dùng đa dạng style rồi). Đi kèm với các lối đánh còn kể đến hệ thống nâng cấp kĩ năng và trang bị các vật phẩm, đơn giản và dễ sử dụng đối với nhiều người chơi khác nhau.
Ngoài gameplay chính là toàn đập bọn tép riu ra bã, từ mạch truyện chính cho đến các nhiệm vụ phụ, Yakuza 0 còn mang đến trải nghiệm làm mấy ông trùm kinh doanh. Đối với Kiryu là bất động sản/kinh doanh các khu cửa hàng quanh Kamurocho, với Majima là gái gọi bao khách trong các hộp đêm. Cả hai phần kinh doanh này là phần kiếm tiền phụ tăng doanh thu cho bản thân để mua đồ và nâng cấp kĩ năng ngoài việc cứ đấm nhau loạn xì ngậu ở ngoài đường kia, cũng khiến cho kĩ năng quản lý của anh em trở nên tốt hơn. Thêm nữa, các mini game trong Yakuza 0 cũng phần nào tăng độ chill sau khi đi bán hành cho lũ bợm rượu và yakuza, từ gắp thú bông cho đến đua xe mô hình và chơi cờ, vừa hại não vừa vui.
Cốt truyện
Không khó để tìm cốt truyện của Yakuza 0 nên dưới đây sẽ thiên về cảm nhân bản thân hơn. Dù là phần mở đầu, không có nghĩa Yakuza 0 có cốt truyện kém cạnh so với các bản trước. Khởi đầu của Kiryu là một tay chân bước chân ráo, không tiền tài danh vọng, một tay mơ vừa chập chững bước vào thế giới ngầm, nhưng con rồng nhỏ này không chịu sự khuất phục trước thế lực to lớn Sohei Dojima đang ngấm ngầm gài bẫy mình cùng với kế hoạch ở Empty Lot.
Với năng lực của bản thân cùng sự thẳng thắn, Kiryu tự quyết định con đường của riêng mình, tự mình đi minh oan cho bản thân cùng nghĩa phụ Shintaro Kazuma của mình. Câu chuyện của Majima cũng đan xen vào câu chuyện của Kiryu, đan xen câu chuyện đấu tranh nội tâm từ việc ám sát Makoto đến mức có thể là yêu và bảo vệ cô. Và cuối cùng đành buông bỏ và để cô cưới với một vị bác sĩ, mong rằng cô sau này không dính líu đến những chuyện nguy hiểm nữa. Có lẽ vì tình yêu hóa thù hận như fan GAM gáy rồi mất chức vô địch mùa VCS vừa rồi, hoặc Majima trở lại bản chất điên dại của mình, hoặc Majima biến đổi thành con quỷ Hannya thực sự.
Bên cạnh một cốt truyện chính đầy sóng gió là những câu chuyện phụ nhỏ nhoi, vừa khắm bựa lại có một chút khó khăn và có thể hỗ trợ cho phần công việc phụ ngoài việc đánh nhau của hai nhân vật chính. Tuy có sự lặp lại trong các khâu của câu chuyện như lựa chọn các câu thoại rồi có thể dẫn đến đánh đấm và dễ gây nhàm chán cho người chơi. Đi kèm với nó là những câu chuyện của ban nhạc lưu manh nhưng hiền khô, hay hé mở những dịch vụ đen tối ở phố đêm như bán đồ lót nữ sinh đã sử dụng (ewww, bẩn thế, thề ông nào có fetish này thì dị thật, dù tôi lại ít có ác cảm với NTR/cheating, chắc do xem quen rồi). Hoặc câu chuyện cảm động của người cha thay đổi khuôn mặt để tránh việc yakuza tìm đến người thân gia đình.
Ba ví dụ kể trên là những câu chuyện nhỏ mà ý nghĩa về các nhân vật phụ trong một thế giới rộng lớn được bó hẹp lại quanh Kamurocho và Sotenbori, cũng như phần nào đưa người chơi ra khỏi khuôn khổ căng thẳng trong mạch chính mà rồi để họ có phút thư giãn với sự bẩn bựa mà ý nghĩa.
Và một chút trải lòng của tay mơ
Tôi ghét cay ghét đắng mấy anh Shakedown trong thời gian đầu game. Khi thanh máu đã thấp, tiền đánh rơi ra từ mấy tay lang thang cũng ít nhưng muốn nâng cấp style cũng khó khăn, vậy nơi kiếm tiền dễ nhất ở đâu? Đi đập mấy anh cao to đen hôi chứ còn gì nữa. Nhưng con máy cà tàng này chỉ hoạt động ở mức 15 – 25 FPS, và lúc đó thì tôi ra đòn chậm cực kì. Khiến cho nhiều lúc mà để dụ Egashira vào góc tường rồi counter bằng Rush style nhưng rồi màn hình không hiện lên Heat Counter, thế là một cái ôm nhẹ nhàng áp xuống đất như thiếu nữ đôi mươi bị một anh tập gym vật xuống giường bê tông. Và load lại, cứ như thế suốt 30 phút tôi không đi làm nhiệm vụ nữa mà chỉ lặp lại các bước:
- Mua full Stamina Royale.
- Save game.
- Đánh Mr Shakedown, thắng thì nâng luôn skill, còn thất bại là load lại file vừa nãy và lặp lại từ bước thứ 2.
Thực tế đám lông nhông trên các con phố cũng khiến tôi khổ lây. Cứ chạy một đoạn mà không có Encounter Finder thì chắc tôi cứ bước dăm ba bước từ phố này sang phố kia chỉ để đánh bọn yakuza với mấy thằng nhóc con mất. Chưa kể đến việc như thế dễ làm mất đi trải nghiệm hình ảnh mà nội dung cốt truyện mang lại mất. Nhưng bỏ đi thì không có tiền nhưng đánh thì mất thời gian, và đành vậy nhắm mắt cho qua. Dù sao tôi cũng thích chất giọng của 3 anh lớn của nhà Dojima lắm, bởi chính 3 nhân vật đó được xây dựng dựa trên hoàn toàn người thật mà.
Kết
Hình ảnh: 8/10
Âm thanh: 8.5/10
Gameplay: 9/10
Cốt truyện: 8.5/10
Tổng thể: 8.5/10
Bài viết này thực sự dài hơn các bài trước của tôi, phần vì tôi là người rất thích các câu chuyện về thế giới ngầm. Bí ẩn và nguy hiểm, bản chất con người là tò mò về những mặt tối, và Yakuza 0 đã hấp dẫn tôi như thế đấy. Dù trải nghiệm của tôi có thể không hoàn hảo bởi cơ cấu phần cứng không ngang bằng, nhưng niềm yêu thích thì khó có thể giảm được. Và để kết thúc bài viết này, hãy để hình ảnh nói lên tất cả.
hay
T lại ấn tượng và thích bài “Trouble Shooting Star” hơn 🙂