Gần đây (nhưng thực ra với tiến độ của chủ quán thì chắc nó được vài tháng rồi) tôi đã có một bài về meme và có cái thumbnail của Monsoon rồi, nhưng đó là một lỗi lầm của tôi khi cứ ba phải về 2 khái niệm meme của Richard Dawkins với meme mà chúng ta hay biết. Điều dẫn dắt tôi đến Metal Gear Rising: Revengeance không phải là vì nó mang tên dòng game nổi tiếng Metal Gear, mà là nhạc của nó và một video đánh Final Boss của game của tài khoản LegendaryPeelz. Cảm ơn anh vì đã mang cho tôi đến một tựa game spin-off hay, dễ tiếp cận, đồng thời truyền cảm hứng cho tôi cái văn hoá Mỹ khiến tôi cười như một thằng điên vì những thứ người Mỹ bây giờ đang làm vậy. Và cảm ơn Max0r, ngài đã hoá thân thành công cụ chỉnh sửa video để làm sống dậy cái con game gần 10 năm tuổi này bằng 2 cái video Incorrect Summary của ngài (tôi cũng mong ngài ra tiếp Elden Ring nhưng mà cứ từ từ đi ngài).
Giới thiệu chung
Tên: Metal Gear Rising: Revengeance AKA MGR:R hay MGR
Nhà phát triển: PlatinumGames
Nhà phát hành: Konami Digital Entertainment
Ngày phát hành: 19/02/2013
Thể loại: Hành động, Hack n Slash, Chơi đơn
Như đã nói ở trên, MGR là phần game spin-off của series Metal Gear (MG), và theo dòng thời gian thì nó được xếp sau tựa game đã có thể là cuối cùng của MG là Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots. Vào vai Raiden, một trong những nhân vật đóng vai trò lớn trong cốt truyện, xuất hiện từ phần thứ hai là Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty và tái xuất vào phần thứ 4 ở trên, người chơi sẽ cùng anh chàng đánh đông dẹp tây một công ty tư nhân quân sự tên Desperado Enforcement, cùng với thanh kiếm Katana đã xuất hiện từ phần 4 của dòng game chính, để tìm ra âm mưu thực sự của công ty cũng như kể những câu chuyện tiếp diễn về bản thân Raiden, về tính cách cũng như mục đích sống của anh.
Ban đầu thì trò chơi được phát triển nội bộ bởi Kojima Productions, với người đứng đầu là Hideo Kojima – huyền thoại sinh ra thể loại game lén lút, và lúc đó thì mọi người dự tính vẫn dùng cái tên Solid cho tựa game này cơ (tên của nó là Metal Gear Solid: Rising). Cơ mà trong giai đoạn phát triển gameplay, cụ thể là phần chặt chém thì cả đội ngũ đã gặp khó khăn, vậy nên phải đến cuối 2011 thì tựa game mới tái công cuộc sản xuất với việc chuyển giao cho PlatinumGames làm phần gameplay và phần mạch truyện, đồng thời phần cốt truyện tổng thể và thiết kế của Raiden vẫn sẽ được Kojima Productions chịu trách nhiệm.
Chắc trừ con ghẻ Metal Gear Survive ra thì bất cứ tựa game nào của MG đều làm tốt vai trò của nó, và MGR cũng như vậy khi trên Metacritic điểm số Metascore là 83/100 và User Score là 8.1/10, trong khi trên Steam thì tựa game luôn đạt đánh giá rất tích cực, và thậm chí gần đây nhờ vào ngài Max0r mà tựa game còn đội mồ sống dậy với những con số đáng kinh ngạc với hàng loạt meme và người chơi mới nữa (thề tôi không hiểu tại sao cứ phải chặn IP Việt Nam làm gì nhở rồi lại phải bẻ khoá cơ, cơ mà đương nhiên tôi là tội đồ rồi). Vậy thì MGR đã làm những gì để có thể gây nên tiếng vang mà đến nay chúng ta đã vẫn nhớ đến đây vậy?
Gameplay
Thể loại Hack ‘n Slash có lẽ đã quá quen thuộc với game thủ nói chung rồi, kể sơ ra thì chúng ta có dòng game Devil May Cry hay Ninja Gaiden rồi, hay chính tay nhà phát triển PlatinumGames cũng có những tựa game nổi tiếng khác như Nier: Automata hay dòng game Bayonetta. MGR cũng có những điều tương tự đó: combo đạt một lượng hit nhất định để tăng điểm, trình diễn một cách thật ngầu. Kết hợp với đó là MGR sở hữu cơ chế Blade Mode hay Zandatsu – một kỹ thuật đặc biệt được Raiden (hay Jetstream Sam và Blade Wolf trong bản DLC riêng của từng nhân vật) sử dụng để lấy các lõi electrolytes của kẻ thù bằng cách hô ZA WARUDO rồi chém liên tục theo một đường kẻ mờ, và nếu chém trúng điểm yếu thì người chơi sẽ thực hiện một QTE giúp hồi phục máu và thanh năng lượng ngay dưới, giống như Doom Guy kết thúc mấy con quỷ của Doom 2016 vậy. Đương nhiên, bước vào trạng thái này yêu cầu Raiden tốn lượng năng lượng ở dưới thanh máu của anh.
Nhắc lại thêm lần nữa, MGR là một game khác biệt với dòng MG, tức là khi MG khuyến khích người chơi lẩn trốn và kết liễu kẻ thù, thì MGR khuyến khích bạn tiến lên hết mức kết liễu kẻ thù với 3 cơ chế: Parry, Ripper Mode và Ninja Run.
- Có lẽ việc học hỏi của MGR phần lớn đến từ DMC, khi mà Parry của game sẽ giống với Royal Guard của Dante, và khi chuyển sang việc tạo combo thì nó cũng sẽ là việc chuyển style của anh chàng quỷ. Điều cần lưu ý ở đây là nút Parry là sự kết hợp giữa các nút hướng di chuyển kết hợp với một lần ấn nút tấn công.
- Ripper mode như hoá siêu Xayda cà na bánh đa hay như Devil Trigger, tăng tốc độ đòn đánh (và nó tiêu cái thanh năng lượng ở dưới thanh máu).
- Và cuối cùng, Ninja Run là một cơ chế giúp vượt chướng ngại vật một cách đơn giản, lao vào kẻ địch và không dừng lại, đồng thời giúp cho người chơi tự động đỡ những đường đạn của súng máy của kẻ địch.
Tất cả đều hỗ trợ việc người chơi toàn lực tiến lên phía trước kết liễu kẻ thù mà không dừng lại, đúng như với câu nói “Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”. Đương nhiên là MGR cũng sẽ có một số giai đoạn cho phép lựa chọn việc âm thầm đi qua một quãng đường dài mà toàn mấy con creep rất là khó chịu, đương nhiên bạn có thể đối đầu chúng nhưng nếu là một con gà mới tập chơi thì đừng dại dột. Bên cạnh những giai đoạn cho phép chọn phong cách lén lút hay xông pha như Rambo, game cũng có những nhiệm vụ VR yêu cầu bắt buộc lén lút, đúng với phong cách của dòng MG. Hỗ trợ cho điều này thì Raiden cũng có tích hợp một công cụ kính nhìn xuyên địa hình cho phép xác định vị trí kẻ địch, các hòm đồ chứa item, nâng cấp hay cả một VR Mission về sau.
Tuy nhiên thì game cũng có một vài điểm trừ nho nhỏ: việc combo của bạn phần lớn sẽ là dùng thanh Katana hay chính xác với cái tên của nó là High-frequency Blade hay HF Blade – một thanh kiếm được gia cố bởi một dòng điện xoay chiều mạnh mẽ và cộng hưởng ở tần số rung động cực cao cho phép người sử dụng cắt bất cứ thứ gì.
- Thế còn những nanomachines của ta thì sao, con trai?
- Thế thì cây Muramasa của ta thì sao?
Yeah, hầu hết thì mọi người hoàn toàn có thể kiếm thêm nhiều món vũ khí từ những con boss đã đánh qua và kết hợp với thanh HF Blade, song việc điều chỉnh phần vũ khí phụ hay những công cụ khác như bom, bình hồi máu,… có thể vô tình làm giảm nhịp độ của game, hoặc là sự kết hợp của vũ khí thường chỉ từ một cây kiếm + một món vũ khí phụ và không combo liên hoàn như bên DMC. Bên cạnh đó, Zandatsu là cơ chế mà đối với cá nhân tôi (chắc tại tôi gà) thấy khó kiểm soát nhất, nhưng điều đó đã được sắp xếp qua các màn đấu boss rồi nên là… tôi gà. Cuối cùng chắc là góc camera, khi mà giai đoạn target kẻ địch nhưng mà góc cam của tôi bị xoay và đôi lúc nó bị bó hẹp và đứng im như thế chứ không theo kẻ thù (chắc cái này tôi cần thêm những người chơi nhiều hơn tôi bổ sung).
Nói tóm lại, MGR là một game hay về gameplay, đủ thử thách cho những người muốn làm combo đã tay như DMC hay Bayonetta, cũng như là làn gió mới cho những con dân MG.
Hình ảnh và Cutscene
“Ngầu” là có lẽ một từ miêu tả duy nhất cho MGR, từ thiết kế nhân vật và tất cả các cutscene (trừ đoạn Raiden lên cơn phê Ripper Mode khi đối đầu với Monsoon, lúc đấy là giữa game, và trông Ngài Điện như một edgy boi mới lớn vậy). Trước hết về phần cutscene, tôi không phải là con dân chơi trực tiếp series MG, nhưng thuật toán Youtube giới thiệu cho tôi nhiều khoảnh khắc của MG rất ngầu như Ocelot vs Solid Snake, hay đa phần những khoảnh khắc của Raiden khi hỗ trợ Solid Snake (chiến đấu với đám Gekko, chặn cả con thuyền lớn Outer Haven của Ocelot để cứu Snake). Ở MGR, nhiều khoảnh khắc ngầu hơn nữa mà Raiden đã thực hiện, mà có lẽ chúng ta nên sử dụng hình ảnh thể hiện hơn là lời nói.
Đương nhiên, ngoài mấy cái cutscene của riêng Raiden thì chúng ta cũng nên nói về những nhân vật khác. Mỗi một boss của MGR thể hiện một đặc trưng riêng của chúng, từ tính cách đến thiết kế bộ giáp cyborg và phong cách chiến đấu của chúng (tôi sẽ nói rõ hơn ở phần cốt truyện), mà đặc biệt người ta nhớ đến một gã thượng nghị sĩ to lớn, chơi bóng bầu dục, tham gia thuỷ quân và chơi Nanomachine, chắc không ai mang dáng dấp giống như Steven Armstrong cả.
Đương nhiên chúng ta cũng phải kể đến hoạt ảnh chiến đấu. Một tựa game từ 2013, đến hiện tại tôi vẫn có thể khẳng định là game khá đẹp, chiến đấu mượt mà đối với những người có cấu hình máy trung bình. Thêm vào đó, cái Ninja Run mà tôi nói để vượt chướng ngại vật và chặn đạn ấy, nó chính là Parkour cho người lười để thể hiện độ linh hoạt của Raiden đó. Cháy nổ như phim Michael Bay và những màn chiến đấu chặn đạn bằng Katana, chà, chắc hẳn rất là ngầu rồi.
Cốt truyện (cảnh báo spoil toàn bộ cốt truyện)
Một cốt truyện đơn giản
Cốt truyện của MGR rất đơn giản nhưng cũng yêu cầu người chơi tìm hiểu trước một số sự kiện của các phần trước, khi nó là hành trình kể thêm của Raiden khi mà bốn năm sau sự kiện Guns of the Patriots mà đã đề cập ở phần giới thiệu chung, Raiden đã được ký hợp đồng bảo vệ VIP, huấn luyện quân sự và các nhiệm vụ khác bởi một công ty quân sự tư nhân (private military company AKA PMC) mang tên Maverick Security Consulting, Inc.. Sau sự thất bại trong việc bảo vệ tổng thống một nước châu Phi mà đứng đằng sau là Desperado Enforcement LLC, Raiden quyết tâm trả thù và tìm hiểu sâu hơn âm mưu của tập đoàn đó (có lẽ đây chính là lý do tên của game là Revengeance – sự báo thù, cơ mà cái tên này chắc là cách chơi chữ của tiền tố “Re” là “lặp lại” với từ “Vengeance” chính xác là “báo thù”).
Một câu chuyện đơn giản của một anh nhân viên công ty bị bên đối thủ cạnh tranh làm hỏng hết mục tiêu và khách của mình và lên cơn trả thù vì vấn đề đó, vấn đề là đây là quy mô quốc gia và nó ảnh hưởng nhiều nước vì đây là chiến tranh. Tôi là một người không chơi series MG nhưng nhờ nhiều người anh em gamer trên các diễn đàn viết về lore của tựa game. Vậy nên nếu bạn đến với con game vì cốt truyện, hãy đọc trước cốt truyện và tóm tắt lore của dòng game một chút để hiểu các thuật ngữ, biết thêm các nhân vật nổi tiếng như dòng họ Snake (thực ra là Big Boss và những bản sao của ổng), Liquid Ocelot, Zero,… và cũng để hiểu những lý tưởng của từng nhân vật trong MGR.
Lý tưởng và mục đích sống
Raiden – “Thanh kiếm của ta là công cụ của công lý”
Nói qua về tiểu sử của Raiden thì anh là một đứa trẻ sinh ra trong nội chiến một quốc gia ở châu Phi tên Liberia, được Solidus Snake – một bản sao của Big Boss hay được gọi với cái tên Naked Snake ở bản thứ 3 của dòng MG – nhận nuôi và đào tạo để trở thành lính. Vượt trội về mặt kĩ năng so với những đứa trẻ cùng tuổi, Solidus tin tưởng và huấn luyện đặc biệt cho Raiden. Sau này, khi Raiden gặp Solid Snake – nhân vật chính của những phần chính là 1, 2, 4 – và được nghe và hiểu lý tưởng từ Solid Snake, anh đã chọn giết Solidus và hỗ trợ Solid rất nhiều sau này. Cuối cùng, sau phần thứ 4, có thể Solid đã quá già và đã qua đời nên đây sẽ là hành trình tự bước tiếp của Raiden khi phục vụ các công ty quân sự tư nhân.
Phải nói thêm về Raiden, mặc dù là nửa người nửa máy với việc cấy máy móc vào người, Raiden luôn gặp ác mộng về tuổi thơ đầy máu, về những ngày tháng chém giết cả những người lính lẫn người dân vô tội. Có lẽ sau này, nhờ vào Solid mà anh tin rằng mình có thể rũ bỏ quá khứ đen tối, trở thành một con người chính nghĩa và bảo vệ kẻ yếu. Song, chiến tranh nói riêng và cuộc sống nói chung chẳng bao giờ trắng đen rạch ròi cả. Những lần đối đầu với những thành viên của tổ chức Desperado chính là câu trả lời rõ ràng nhất, cũng như là hành trình tìm bản ngã của Raiden được mở ra:
- Lần đầu tiên là Raiden đối đầu với Sam ở phần Prolouge, khi kĩ năng của cả hai bên có vẻ ngang nhau, nhưng Sam nhìn thấu Raiden rằng “Vũ khí của ngươi đang muốn tắm máu kẻ thù”, cho rằng cái lý tưởng bào vệ kẻ yếu của Raiden thật viển vông, đồng thời thể hiện trực tiếp qua việc đánh bại Raiden, và việc nhen nhóm trả thù cũng như sự lung lay trong lý tưởng cũng bắt đầu từ đây.
- Lần thứ hai là Mistral, boss của nhiệm vụ thứ 2, khi mà ả ta thể hiện sự tán dương Raiden với cái tên Jack The Ripper hay Jack Đồ Tể, khi cả hai cùng mồ côi và tham gia chém giết từ nhỏ. Điều đặc biệt ở đây là Mistral cảm thấy ghen tị với những kẻ đã ngã xuống dưới tay mình bởi chúng có một mục đích sống, còn việc chém giết của cô là vô nghĩa, cho đến khi cô gặp “kẻ đó”. Lúc này đây, có lẽ Jack cảm thấy lung lay một chút về lý tưởng, khi Mistral cũng có cho cảm giác chém giết ngày xưa. Và đến nhiệm vụ tiếp theo, ngay trong tình huống giải cứu những đứa trẻ mà bộ não của chúng được sử dụng cho việc huấn luyện thành lính trong thế giới ảo hay tóm gọn là huấn luyện VR, một trong những đứa trẻ là George đã khuyến khích Raiden cứ bung hết sức kết liễu tên tiến sĩ đang giữ cậu làm con tin ở đằng sau. Và trong một khoảnh khắc đó, Jack đã trở lại.
- Và sự kiện của nhiệm vụ này dẫn nối tiếp nhiệm vụ tiếp theo mà ở đó Raiden đối đầu với Jetstream Sam và Monsoon – một thành viên khác của Desperado. Với Sam, hắn tiếp tục bóc mẽ hành động thực thi công lý của Raiden mà không nghĩ đến những người lính khác trên chiến trường chỉ tham gia vì muốn được sống, phải chiến đấu với những cối xay thịt mà tiêu biểu là Raiden. Còn Monsoon, khi Sam đưa câu chuyện đối đầu với cái kẻ nói câu “My sword is a tool of justice” thì hắn cũng sử dụng lập luận của mình để nói với Raiden, rằng tất cả chính là “Memes. The DNA of the soul”. Trở lại với định nghĩa của Richard Dawkins, đúng, Memes chính là một dạng ý thức truyền những ý nghĩ, cụ thể trong thế giới của MG chính là cảm xúc tiêu cực của người lính trong chiến tranh, và Monsoon trực tiếp bóc mẽ việc chém giết Raiden chỉ để xoa dịu cái cảm giác tội lỗi trong khi vẫn là một tên đồ tể khát máu.
- Vừa bị đấm mồm bởi mấy thằng lính loi choi rồi lại bị hai thằng trùm khác đấm mồm bằng lí lẽ, Raiden cuối cùng chấp nhận sự thật, chấp nhận con quỷ của mình, và giờ JACK ĐÃ TRỞ LẠI thực sự.
- Lúc này, sau khi đấm mồm lại Memesoon, có lẽ những người đồng đội mong muốn cảm thông cho quá khứ của Raiden, song với một người luôn chém giết vì ham muốn đã khác với những người còn lại rồi. Lúc này đây, Blade Wolf hay IF Prototype LQ-84i đã đưa ra quan điểm lý tưởng của mình: Raiden thực thi việc chém giết đơn giản vì không muốn những ai nữa sẽ trở thành như mình, một tên đồ tể thứ 2, bởi anh hiểu cái cảm giác đó như thế nào, và việc dùng trẻ em làm công cụ thí nghiệm và đào tạo thành lính của Desperado nói riêng và việc tạo ra những đồ tể của các tổ chức nói chung là điều Raiden không thể làm ngơ. Như vậy, Raiden hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ phía trước, cũng như dần dần chấp nhận lý tưởng của mình trong vô thức.
Blade Wolf và Sam – Kẻ mong muốn tự do, người bị sự thật phá vỡ lý tưởng
Đây là hai nhân vật có thể chơi ở bản DLC của riêng, kể thêm về những sự kiện trước khi những gì xảy ra chính của MGR. DLC của BW là một câu chuyện khi LQ-84i làm việc dưới trướng của Mistral, tự nhận thức được bản thân và mong muốn tự do, song thất bại và chỉ khi gặp Raiden, BW mới thực sự có lý tưởng của mình như Raiden gặp Solid và đưa ra quyết định quan trọng ở cuối game. Gameplay của Blade Wolf đúng như những gì chúng ta phải đối đầu ở nhiệm vụ của Mistral: tàng hình, phi dao, dùng móng vuốt và lưỡi cưa từ đuôi, tuy hạn chế về đòn thế và combo song sát thương đầu ra cũng rát hơn.
Jetstream Sam DLC là hành trình của Sam từ một người thực thi công lý giống như Raiden ở nửa đầu game chính. Là người có lý tưởng chống lại những tổ chức khủng bố, trong nhiệm vụ đột nhập trụ sở Desperado, Sam đã chạm trán 3 nhân vật: LQ-84i, Memesoon (dùng MG Ray làm trùm trận đánh) và trùm cuối của MGR Senator Armstrong. Sam khuyên LQ-84i nên tự tìm tự do bản thân, và với việc trả lời ngập ngừng, có lẽ đây là sự kiện sau BW DLC khi BW đã khẳng định dữ liệu tự nhận thức của bản thân sẽ bị xoá nếu chống lại lệnh, và xin lỗi Sam trước khi trận đấu bắt đầu. Đương nhiên là Sam thắng, nhưng hai lần đối mặt tiếp theo là vấn đề. Sau khi đánh bại Ray, Monsoon dần dần chất vấn về việc liệu cái việc đánh bại Desperado này có thực sự đem thế giới hoà bình như Sam vẫn nghĩ hay không và cứ thế bỏ ngỏ. Và trận chiến cuối cùng, Sam đối đầu với Armstrong, nhưng có vẻ trận thắng không giết hắn mà anh lại trở thành Dương Quá, đồng thời ý chí và lí tưởng sụp đổ. Và từ đây chúng ta có Sam của MGR: một kẻ chỉ có niềm tin vào thanh kiếm của mình và những trận đấu. Chỉ khi có Raiden – một kẻ thực thi “chính nghĩa” xuất hiện thì anh mới nhìn thấy quá khứ đã mất của bản thân, và qua thời gian từ nhiệm vụ Prologue đến trận chiến cuối cùng của mình với Raiden trước khi nhân vật chính đối đầu với Armstrong thì Sam đã thấy có sự thay đổi của kẻ kia, và trao thanh kiếm của mình cho Blade Wolf, cũng chính là một cái kết đẹp khi BW được thực hiện lý tưởng là tự mình chọn lối sống, tự do lựa chọn. Bên lề một chút như với BW, thì gameplay của Sam không quá khác Raiden là bao, song Sam được thanh kiếm chém tụ ngon hơn và thực sự có thể nhảy 2 lần dù chả có một nâng cấp máy móc nào cả. What a chad!
Steven Armstrong – Iconic Final Boss
Đúng với cái danh hiệu boss cuối và chỉ xuất hiện khi vở kịch đã chuẩn bị đi đến hạ màn, nhưng có thể nói thượng nghĩ sĩ Armstrong là một trong những nhân vật đáng nhớ về cả mặt ngoại hình, tính cách và lý tưởng.
Kẻ đứng sau Desperado Enforcement hay cụ thể là sự hợp tác của chúng với World Marshal Inc. – một công ty quân sự tư nhân (PMC) có trụ sở tại Denver, đồng thời là PMC lớn nhất trên thế giới sau sự kiện Guns of the Patriots, và là nhà cung cấp lớn nhất các bộ phận cơ thể cyborg, lại là một kẻ ái quốc hết mình. Với việc che đậy sử dụng não những đứa trẻ để huấn luyện trong môi trường thực tế ảo phục vụ cho mục đích quân sự bằng những tin tức như phục vụ mục đích y tế, Armstrong sử dụng chiến tranh như công cụ kinh doanh khi nhìn thấy nền kinh tế nước Mỹ đã đi xuống và các tập đoàn tư nhân có khả năng còn lấn át tất cả các cường quốc. Những điều này thực tế vẫn đang diễn ra xuyên suốt dòng thời gian của Metal Gear, và không chỉ nền kinh tế, lý tưởng của mỗi người sẽ khác nhau, và lý do họ chiến đấu cũng khác nhau vậy: Đối với Raiden, giờ đây anh không muốn ai đó bước vào con đường giết chóc như anh; và Armstrong thì muốn tất cả chiến đấu vì mục đích của bản thân mình, và chỉ kẻ mạnh mới có quyền sống. Chính gã thượng nghị sĩ muốn “cải tổ” cả cái nước Mỹ này, khi mà truyền thông và những thông tin bẩn thỉu, và nhiều thứ chủ nghĩa cứ định nghĩa con người này nọ mà chẳng có đức tin của bản thân cả. Và cho đến khi kết thúc, hắn sẽ sử dụng chiến tranh kết thúc như một vụ kinh doanh.
“Bọn chúng đã để lại cho chúng ta những “chủ nghĩa” vĩ đại! Nào là chủ nghĩa dân tộc! Rồi chủ nghĩa đơn phương! Và rồi chủ nghĩa duy vật! Những châm ngôn luôn đó chào mừng dành cho những kẻ không có đức tin và không có phương hướng của riêng bản thân chúng. Luôn luôn kêu gọi việc vì tất cả chứ không vì bản thân và cũng chả cần cải thiện bản thân làm gì. Bởi cái phương châm “Mày là người Mỹ! Mày luôn là số một, là kẻ đứng đầu!”. Khi đó giá trị duy nhất còn lại là tiền, là nền kinh tế. Vì vậy, bọn tao sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ cho cái giá trị ấy luôn nổi bật nhất. Kể cả chiến tranh. Đặc biệt là chiến tranh.”
Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi tay thượng nghị sĩ này. Hắn ta thông minh, toan tính, ngạo mạn và có mục tiêu cụ thể, mặc cho cái đường lối của hắn là sai trái về mặt đạo đức, nhưng ranh giới cho câu chuyện chiến tranh mà đặc biệt hơn là dòng MG mong manh rất nhiều, và thậm chí trong câu chuyện mà tôi đã đọc thì độ tàn bạo của cốt truyện trước đây còn khiến tôi nổi da gà hơn. Nhưng điều tuyệt vời là, Steven Armstrong là một nhân vật đáng nhớ, đáng để suy ngẫm cũng như là nhân vật phản diện hay nhất mà tôi từng thấy trong bất kỳ trò chơi nào trong một thời gian dài và tôi không nghĩ điều đó sẽ sớm thay đổi.
Tạm kết
Tôi muốn gộp phần âm nhạc của MGR vào cùng đây cơ, nhưng mà phải nói thật nó quá là dài đi khi nói về những thứ ở trên, vậy nên phần 2 sẽ sớm ra mắt hơn và bổ sung nhiều thứ cho bài viết này. Không Hy Vọng tôi hẹn mọi người vào bài viết sau.
Standing here, im realize
You are just like me
Trying to make history
Xin tips để mua được game trên steam bác ơi :((( cay dã man , em chơi crack 1 lần rồi mà giờ muốn mua lại game steam cũng chặn VN ko cho mua game này ….
Tôi cũng crack thôi bro, tầm này Konami với player SEA cứ như địa chủ cấm nông dân ý. Ngoài ra ông có thể hỏi mọi người cách chuyển IP khu vực sang một nơi khác (hơi khổ một chút vì chênh giá hỗ trợ và cách nạp tiền) thì mới có thể mua được.
Blade wolf là scout boy
Câu thấm nhất ” I’m slave to my meme “