Ngày nay chúng ta nghe nhiều đến cụm từ “hội nghị bàn tròn”. Group facebook của Hiệp Sĩ Bão Táp cũng lấy cái tên này. Anh Đăng Bông có thể mơ mộng khi nghĩ ra cái tên này (một điều hiển nhiên: Anh Đăng vốn là người mơ mộng, lại hay uống bia), nhưng chắc rằng mọi sự mơ mộng đều bắt nguồn từ những niềm tin trực quan. Hãy cùng tìm hiểu xem anh Đăng mơ mộng gì?
Ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, bàn họp/bỏ phiếu thường được xếp thành một vòng tròn. Tại sao không phải là hình vuông, hình chữ thập hay một kiểu hình khác?
Đó là vì tính chất kì diệu của hình tròn: có vô số cặp chất điểm đối xứng qua tâm. Vì không có thứ tự giữa các cặp chất điểm nên nó xóa đi sự phân biệt mức độ quan trọng (hơn/kém) giữa các vị trí ngồi. Một ý nghĩa biểu tượng khác: Tất cả các vị trí đều hướng về vị trí trung tâm – biểu tượng cho mục tiêu chung. Ý nghĩ truyền tải của một hội nghị bàn tròn là rất rõ ràng: mọi người đều bình đẳng và hướng tới mục tiêu chung của hội nghị.
Ngược về lịch sử, hình ảnh bàn tròn đầu tiên được ghi lại là trong sự tích về vua Arthur nước Anh. Đây là một nhân vật lịch sử/truyền thuyết từ nước Anh, người cùng Merlin, Lancelot bảo vệ nền độc lập vương quốc Anh trước các kẻ thù ngoại bang (Tên các nhân vật trong Kingman lấy từ đây). Tương truyền rằng vua Arthur sau khi công danh hiển hách thì mê công chúa Guinevere, người mà Merlin – pháp sư vĩ đại -bạn thân Arthur, tiên đoán đây sẽ là mầm suy vong của đất nước. Arthur không nghe lời khuyên của Merlin, quyết lấy Guinevere, và trong ngày cưới của mình Arthur được tặng một cái bàn tròn khổng lồ với lời nhắn nhủ: Hãy tôn trọng và học cách lắng nghe người khác.
Bỏ qua những ý nghĩ hiện sinh tầm thường đại loại như: “Đánh nhau sống chết bao phen rồi giờ hòa bình muốn lấy người mình yêu mà không được, vậy làm vua để làm chó gì?”, “Phụ nữ thật là … đặc biệt” thì việc Merlin khuyên Arthur và hình ảnh hội bàn tròn gợi ra những chi tiết mang tính suy tư cao. Anh Đăng, rất có thể một hôm trốn vợ đi uống bia, đã có những dòng suy tưởng như trên. Và khi nghĩ về Merlin, anh ấy đã tạo ra Hiệp sĩ bão táp và Hội nghị bàn tròn.
Nghĩ ngợi một chút, văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông có nhiều điểm khác biệt. Lấy ví dụ văn hóa Trung Quốc, ta thấy có sự đề cao chữ Quốc gia. Quốc là đất nước, gia là gia đình. Người phương Đông (nhất là Châu Á – Thái Bình Dương) đề cao gia đình, coi gia đình là nền tảng quốc gia, lấy Đức – Lễ – Hiếu làm rường cột tư tưởng, lấy Nho giáo để trị dân, Phật giáo để an dân, Đạo giáo để mê dân. Trong gia đình chữ Hiếu là quan trọng, từ chữ Hiếu phát triển lên chữ Trung – Trung thành với đất nước. Luôn là sự ràng buộc trên dưới với nhau. Điều này khác biệt với truyền thống phương Tây, cho rằng chỉ có một sự ràng buộc duy nhất là lợi ích. “Tự do – bình đẳng – bác ái” hay hình ảnh “Hội nghị bàn tròn” là một ví dụ của hình mẫu đó.
Đây chính là ưu điểm/khuyết điểm (aka: đặc điểm) của 2 nền văn hóa. Các bạn có thể đọc: The clash of civilizations, why nations fail, sapiens… để biết thêm. Mình chưa đọc (heheh đùa thôi, đọc qua một ít rồi) nhưng tóm tắt một ý như sau: Trong thời loạn, phương Đông cần kính phục nhau để hành động, đối lập với phương Tây cần niềm tin chung để hành động.
Trong một tổ chức, người phương Đông cần học cách tôn trọng lẫn nhau (aka: kính phục nhau). Trong đó, người phương Tây lại cần rất rõ cái”clear the idea”. Bàn tròn là 1 biểu tượng của dân chủ, nhưng dân-làm-chủ thì đôi khi dân cứ đứng ỳ một chỗ, ngại di chuyển (vì đang sướng mà). Còn quân chủ, một người đứng lên hô “anh em theo tôi” thì cái hay là cứ thế mà đi, có người thúc giục/dạy bảo, cái dở là đôi khi cả lũ xuống hố, kiểu trượt chân trước ngưỡng cửa thiên đường, vậy đó.
Khi viết những dòng này, mình nhớ lại tầm hơn 1 năm trước gặp a Đăng và nghe ảnh kể về “Hiệp sĩ bão táp” và “Hội nghị bàn tròn”. Mọi thứ cũng đã bắt đầu vào nét vào hình rồi, nhưng có vẻ dạo này mọi người ở với nhau không được vui. Thật lòng mình không quan tâm đến mọi người (người đời quan tâm làm chó gì heheh), nhưng thấy anh Đăng tâm huyết, uống bao nhiêu bia, say nhiều mà vẫn trăn trở thế này thì mình lại nghĩ. Mình nghĩ là nếu coi đây là group xã hội thì phải thể hiện đúng mọi mặt của xã hội, tức là vui – buồn – giận – hào hứng – căng thẳng đủ cả. Nếu không chấp nhận một mặt nào đó (ví dụ: không chấp nhận tính xấu – trẻ trâu – drama) thì người ta sẽ không có cảm giác “là chính mình”. Lâu dài sẽ biến thành cái group-đọc-tin-tức, không hơn.
“Xã hội” là môi trường để nuôi dưỡng con người, trong cái nghĩa của từ nuôi dưỡng đó có sự chấp nhận. Trong văn hóa phương Đông, thường ta hay thấy sự chấp nhận áp đặt. Kiểu “được ban tặng” hoặc phải “chiếm lấy”, chứ ít khi thuyết phục kiểu “ê mày ngồi yên nghe tao nói đã”. Mình đoán nhé: những bạn nóng tính, thích chiến tranh, ưa dùng sự vượt trội của mình về 1 phương diện nào đó (sức mạnh cơ bắp, ngôn ngữ…) để “chiến thắng” người khác thường có vấn đề trong mối quan hệ với bố hoặc anh trai/em trai. Theo ý kiến chủ quan của mình, mối quan hệ giữa 2 người đàn ông trong xã hội phương Đông (nhìn rộng ra, là các mối quan hệ trong xã hội phương Đông) mang nặng tính trên – dưới. Khi chưa xác định được vị trí của mình, thường sẽ xảy ra xung đột.
Quay lại với cái tên bàn tròn, nếu là bàn tròn thì phải có mục tiêu rõ ràng. Nếu mục tiêu rõ ràng là xây dựng 1 group xã hội về game thì nên chấp nhận mặt xã hội của nó. Tức là có người chơi vì vui vẻ thì có người chơi để không phải nghĩ thế nào là vui vẻ, có người vào để khen Witcher thì có người vào chỉ để chửi những đứa khen Witcher… Chấp nhận có những người đáng yêu và những người đáng ghét, và nhận ra rằng người đáng ghét cũng cần thiết để mình có lý do để mạnh mẽ lên (phải mạnh mẽ để bảo vệ luận điểm của mình, chứ không dùng mồm xuông được, ai nghe?). Và quan trọng hơn, là xây dựng một cơ chế nào đó để hỗ trợ mỗi người “xả” hết mình trong đó. Một cái xấu tính-drama-trẻ trâu được đặt đúng chỗ thì không còn là 1 drama nữa, mà là một câu chuyện kì thú về cuộc đời cho mỗi người. Mình từng đề xuất với a Đăng là cả group chơi chung 1 game nào đó, để có gì thì “xả” trong đó, nhưng có vẻ khó. Hành trình đi đến group đại đồng còn xa xôi!
Ai cũng muốn có Merlin của riêng mình, ai cũng muốn có một hội anh em “bàn tròn” để hết mình về cái gì đó, nhưng vì ai cũng muốn nên không phải ai cũng có. Phải xây dựng nó hoặc chiến đấu vì nó (chiến đấu vì mục tiêu chung chứ đừng chiến-đấu-lẫn-nhau). Lúc này thấy khó chịu, hãy nghĩ như người phương Tây: simply out for a while. Lúc nào thấy hứng khởi: hãy nghĩ như người phương Đông: chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thứ vĩ đại nhất.
Đàn ông không cần yêu thương nhau, đàn ông cần tôn trọng nhau. Học được cái đó là lớn hơn nhiều lắm rồi!
Chúng ta dành yêu thương đó cho những người phụ nữ quanh ta :v
Bài viết hay lắm.