VLCC (P.7): Thế giới ảo

Huyền thoại ★

  

Khi càng tiến sâu vào sự kì bí của vũ trụ, loài người chúng ta càng cảm thấy mơ hồ và nhỏ bé. Khoa học tin rằng có một định luật toàn năng quyết định mọi sự kiện trong vũ trụ, bản thân loài người phải khám phá và nắm lấy cái định luật thần thánh ấy. Liệu đó là chúa hay chỉ là vài trang công thức vật lý? Không ai biết được, tuy nhiên vấn đề không chỉ nằm ở niềm tin cá nhân hay kiến thức vật lý. Có khi nào cả hai cái đó chỉ là một tiền tố thêm vào để làm “hay ho” thêm vũ trụ này?

Tại một sự kiện công nghệ ở California, Elon Musk, nhà tỷ phú sáng lập Tesla Motors, SpaceX và nhiều công ty công nghệ hàng đầu khác, đã nhận được một câu hỏi bất ngờ từ phía khán giả: “Musk nghĩ thế nào về việc chúng ta đang sống không phải là trong thế giới thực, mà là trong thế giới giả lập máy tính phức tạp?”  Câu trả lời của ông có thể khiến chúng ta suy tư. Ông cho rằng chúng ta cần “thức tỉnh” và khả năng sống trong “hiện thực cơ bản” chỉ vỏn vẹn “một phần tỉ”.

Tất nhiên Musk không phải nhà khoa học. Lời Musk nói không phải là lý thuyết khoa học như Newton hay Einstein. Musk là kĩ sư (một kĩ sư thiên tài) nên những phát biểu của ông phần nhiều dựa vào cảm nhận cá nhân và tình hình thực tế. Ông cho rằng với nền công nghệ tiến bộ theo tiến độ như hiện nay thì sớm hay muộn chúng ta sẽ tạo ra các “thế giới mô phỏng” ý như thật và việc “sống” trong đó chỉ là vấn đề thời gian. Ông dẫn chứng đến hai ví dụ điển hình. Một là khoa học đã mô phỏng thành công trí thông minh của giun kim vào một mô hình lego. Hai là công nghệ thực tế ảo đã mô phỏng đáp ứng được nhu cầu về môi trường phát triển của một đứa bé 5 tuổi. Hãy cùng phân tích một chút về hai ví dụ này:

Chúng ta biết rằng giun là một loại động vật “đơn giản”. Có thể nói đây là mẫu vật nghiên cứu cơ bản nhất của khoa học. Một sinh vật cấp thấp trong bậc thang tiến hóa. Tuy nhiên khi mô phỏng lại nó thì lại là chuyện khác. Kể cả khi chúng ta biết mọi thứ về nó thì việc xử lý những thông tin đó cũng là một công việc khổng lồ. Hãy tưởng tượng như này, hành động của con giun sẽ là một phép tính toán của hàng tỉ giá trị đầu vào. Để mô phỏng nó chúng ta cần một máy tính có thể phân tích và xử lý hàng tỉ giá trị cùng một lúc. Đó là việc mà 50 năm trước chúng ta không làm được. Ngày nay với sự bùng nổ của ngành công nghệ máy tính chúng ta đã có khả năng đó. Nếu như 50 năm trước chúng ta còn chưa tìm được số nguyên tố đầu tiên có 100 chữ số (đây là bài toán kinh điển của khoa học máy tính, là “chuẩn mực” của ngành này) thì ngày nay chúng ta đã làm được điều đó. Người ta tính toán rằng 50 năm trước máy tính cần số thời gian lớn hơn cả tuổi vũ trụ để tìm số nguyên tố đầu tiên có 1000 chữ số. Ngày nay với sự nhen nhóm của máy tính lượng tử, chúng ta hi vọng có thể tìm ra trong một buổi chiều.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo, nhiều kĩ sư cũng như nhà khoa học tin vào việc trong tương lai con người có thể tự mô phỏng và sao chép chính bản thân mình. Đó là thời điểm con người đã chế ra những công cụ tính toán siêu việt và làm chủ được những nguồn năng lượng khổng lồ. Điều thứ nhất đã rõ ràng. Ngành công nghệ vật liệu đang phát triển rực rỡ và sớm hay muộn thôi những siêu máy tính với khả năng tính toán vượt trội toàn bộ loài người sẽ ra đời. AI là một kết quả tất yếu. Chúng ta chắc hẳn đều biết Alpha Go, một AI của Google DeepMind đã đánh bại kì thủ cờ vây xuất sắc nhất thế giới Lee Sedoi. Tuy nhiên không nhiều người biết câu chuyện xảy ra sau đó. Alpha Go Zero, đàn em của Alpha đã đánh bại chính Alpha Go với tỉ số 70 : 0 chỉ với vài chục giờ chạy dữ liệu. Alpha Go đã phải “học” trong vài chục ngày, điều này cho thấy sức mạnh tính toán của ngành khoa học máy tính đang tiến nhanh đến thế nào. Về cơ bản mọi thứ là thông tin. Sự sống là các thông tin được di truyền. Đến khi nào chúng ta phân tích và xử lý đủ một lượng thông tin, chúng ta có thể mô phỏng “sự sống”.

Vấn đề thứ hai là về năng lượng. Chỉ trong vòng vài nghìn năm con người tiến từ đốt củi sưởi ấm đến đốt cả Trái Đất này để bay vào vũ trụ. Tốc độ ở đây cũng đáng kinh ngạc tuy không bằng sự phát triển của khoa học máy tính. Chính Elon Musk cho rằng rào cản về năng lượng là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên ông nhắc lại đây chỉ là vấn đề thời gian. Bản thân loài người còn chưa khai thác đúng mức nguồn năng lượng trên Trái Đất. Nếu biết cách (tức là khai thác làm sao mà không làm nổ tung Trái Đất) thì loài người sẽ còn tiến xa nữa. Tuy nhiên sự tiến bộ về khoa học kĩ thuật không tương đồng với nhận thức về đạo đức, chúng ta cần thận trọng khi làm việc này.

Những ví dụ trên củng cố niềm tin cho một lý thuyết gọi là “lý thuyết giả lập”. Lý thuyết này cho rằng bản chất mọi thứ là thông tin và vì thế chúng ta chỉ là thông tin trong một thế giới khác. Có khi chúng ta chỉ là một thí nghiệm của mấy cô cậu học sinh thế giới khác không chừng? Tuy nhiên khi lý giải thế giới “khác” ở đây là gì, rất nhiều người (gồm cả những nhà vật lý nổi tiếng) tin rằng thế giới “khác” chính là chúng ta. Với những tính toán về tốc độ phát triển của nền văn minh nhân loại, họ tiên đoán rằng thời điểm chúng ta có thể tự “giả lập” chính chúng ta sẽ đến sớm hơn thời điểm diệt vong của chính nhân loại hay toàn vũ trụ, và vì thế chúng ta có thể sống trong một vòng quay bất tận của thông tin. Chúng ta “giả lập” chính chúng ta trong thế giới ảo thứ nhất, rồi chúng ta trong thế giới ảo thứ nhất sẽ giả lập tiếp để tạo ra thế giới ảo thứ hai…. Vòng lặp cứ thế tiếp diễn.

Vậy phải chăng chúa trời là chính chúng ta? Trong trò chơi The Sims nổi tiếng chúng ta điều khiển các nhân vật trong một thế giới máy tính 2 chiều. Mọi nhu cầu cũng như chỉ số của các nhân vật trong đó đều là các tính năng chúng ta điều khiển. Có khi nào mọi thông số của thế giới này cũng bị “điều chỉnh” và “cài đặt” từ một thế giới khác? Tức là từ niềm tin vào chúa trời đến thuyết tương đối của Einstein chỉ là một cái click chuột để mọi thứ “thêm vui”? Liệu có một thế giới tồn tại song song khác nơi mọi người đều tin vào quỷ dữ và thuyết tương đối hay các hằng số vũ trụ khác đi? Nếu chúng ta chỉ là một giả lập thì hẳn phải có nhiều giả lập khác. Và cũng giống như các phiên bản của một trò chơi vậy, sẽ có bản “vui” hơn, có bản kết thúc sớm hơn, có bản “gây ngạc nhiên” hơn.

Điều này tạo ra một nghịch lý cơ bản là nếu chúng ta cùng hi vọng nhân loại sẽ trường tồn và phát triển rực rỡ thì chúng ta phải là một thực tế ảo của chính nhân loại trong tương lai. Ở trong thế giới ảo đó chúng ta sẽ được bảo vệ. Giả sử có những nền văn minh trong vũ trụ điều khiển được thời gian thì đây là cách tốt nhất nhân loại tự bảo vệ mình. Có thể trong “hiện thực cơ bản” nhân loại đã phải chiến đấu với vô vàn nền văn minh khác và chúng ta chỉ là một phiên bản “backup” lưu trữ thông tin. Cách này không chỉ an toàn mà hiệu quả nữa. Nếu coi thế giới này là thông tin thì giá trị thông tin là thứ quan trọng nhất. Một công ty sẽ không cần phải thuê 10 nhân viên, thay vào đó công ty đó sẽ thuê 1 người xuất sắc nhất và “nhân bản” lên thành 10 người. Thế giới thông tin của tương lai sẽ chỉ cần “1 người” hay 1 thể thống nhất như thế. Tương tự với một nền văn minh. Nếu muốn biết điều gì xảy ra thì chúng ta chỉ cần cho một phiên bản giả lập chạy đến thời điểm đó và chờ kết quả. Điều này làm nhiều triết học suy tư: Sự kiện đón chờ thế giới chúng ta là gì?

abzmEov_700b

Nếu như trước khi công nghệ kĩ thuật là sân sau của khoa học, công nghệ kĩ thuật chỉ là ứng dụng của khoa học thì nay mọi thứ đã khác. Với sự tiến bộ đáng ngạc nhiên của công nghệ kĩ thuật, khoa học ngày nay đôi khi bối rối với chính những câu hỏi từ bên kĩ thuật. Và nút thắt chính là trí tuệ nhân tạo (AI). Liệu có một lúc nào đó AI sẽ thay con người trong vấn đề nhận thức và tìm hiểu thế giới. Liệu AI có phải là sự kiện của nhân loại chúng ta? Mục đích chúng ta tồn tại là để phát triển AI, một giống loài sự sống mới với những ưu điểm vượt trội về mặt xử lý và tính toán? Viễn cảnh như trong phim Ma trận là có thật? Liệu thế giới này có thật hay chỉ là một cái máy tính khổng lồ?

Hãy quay lại một chút với ví dụ về trò chơi “The Sims” của chúng ta. Một máy tính sẽ tái tạo hình ảnh của “The Sims” ở chính xác nơi ta nhìn vào nó. Tức là khi ta nhìn vào nhân vật chính trong một khung màn hình thì những thông số (hay hình ảnh tái tạo) về nhân vật khác sẽ bị tắt đi. Thế giới chỉ hiện ra khi ta nhìn vào nó. Điều này có vẻ giống với Cơ học lượng tử khi một vật có thể ở hai trạng thái ( giống 2 bit thông tin 1 và 0) và sẽ trả về một trạng thái khi ta quan sát chúng. Giả sử chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập và mọi cảm nhận của chúng ta là một sự sắp đặt thì làm sao ta biết được điều đó? Thật không may là bản thân chính câu hỏi này cũng là một sự sắp đặt trong đầu ta. Cách duy nhất chúng ta biết được chính là cái chết. Nói một cách khoa học là “thoát” khỏi hệ thống. Hãy tưởng tượng vui thế này, khi chết bạn “lên thiên đường” (theo bất cứ cách nào) thì sẽ được hỏi rằng “Có lưu không” (giống như bạn lưu file Save Game). Nếu câu trả lời là không, bạn biến mất. Nếu câu trả lời là có, bạn được “lưu lại” và sống cuộc đời tiếp theo. Điều đáng buồn là chúng ta không thể tự lựa chọn điều này. Và vì thế chết vẫn tạm thời được coi “là hết”.

Những lý thuyết về thế giới ảo hay vũ trụ song song đều bắt nguồn từ việc cho rằng bản chất của sự sống là thông tin. Chính xác hơn sự sống là thông tin được di truyền và thích ứng. Chính Schrodinger (một trong những cha đẻ của thuyết lượng tử) là người ủng hộ quan điểm này. Một hòn đá không sống. Một con người thì sống. Sự khác biệt nằm ở chỗ con người có những nguyên tử có thể thích ứng và tiến hóa. ADN của con người có bốn chữ cái (A, X, G, và T); bằng cách sắp xếp và ghép đôi, chúng có thể mã hóa toàn bộ số thông tin một sinh vật cần để duy trì và phát triển. Đây có vẻ là một sự khác biệt quan trọng giữa sự sống và những thứ không sống: khả năng truyền đạt thông tin mà không đơn giản chỉ có lặp lại. Vì thế có thể coi sự sống hiện tại là một cái hộp đựng thông tin. Nó như bảo mẫu vậy, tuy nhiên đến một lúc bản thân thông tin đủ lớn thì nó không cần cái hộp ấy nữa. Hoặc nó thay cái hộp khác. Loài người có thể chỉ là một cái hộp như vậy. Cái hộp tiếp theo có thể là một dạng sự sống cao cấp hơn. AI chẳng hạn, không ai có thể biết được.


Chúng ta có đang sống trong thực tế ảo không? Giới khoa học không quan tâm. Giới công nghệ bảo là có. Bên tôn giáo lại thì thầm đại ý rằng nghĩ ngợi làm gì cứ tin chúa đi. Nếu tin vào khoa học, hãy tìm đọc về lượng tử xác xuất và qua đó thấy rằng khi giá trị tiến đến giá trị vô cùng thì xác xuất đúng bằng một nữa. Nếu là fan của Elon Musk và các chuyện viễn tưởng thì xác xuất đó là 999 999 999 trên 1 tỉ. Nếu là con chiên ngoan đạo thì quên câu hỏi đó đi, hãy cứ sống tốt đời đẹp đạo và yêu thương mọi người. Thật hay ảo chỉ là ảo giác của loài người khi quá đau khổ (hoặc rảnh rỗi) mà thôi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Bạch Hà Sầu - 25.12.2017

    Càng ngày càng hay. Ra tiếp p8 đi bạn ơi (y)
    Bạn có thể cho mình nguồn để viết bài này được không?
    Vấn đề con người phát triển tới mức tạo được “cái hộp” và bị người tạo nên cái hộp của mình coi như một loại “Virus” cần phải loại bỏ mình đã đọc ở đâu đó nhưng bây giờ không thê nhớ được. Con người trong thế giới “Thực” đang chiến đấu chống lại “Chương trình diệt virus” mà người tạo ra cái hộp gửi vào và tạo ra cái hộp của chúng ta như một phương án cuối cùng để nhân loại lánh nạn nếu họ thất bại..


    • Giang Nguyễn - 25.12.2017

      Mình đọc sách và search thông tin trên mạng bạn ơi, lâu rồi cũng không nhớ là bài nào nơi nào.