Đánh giá Outlast 2

Huyền thoại ★

  

Vậy là đã bốn năm kể từ khi Outlast ra mắt và làm trăm nghìn người mất ngủ bao đêm. Bốn năm không phải là ngắn và con người là giống loài tò mò đáng ngạc nhiên. Họ luôn khát khao cái mới và dễ chìm đắm vào những cái nhất thời. Tuy nhiên phải nói rằng bốn năm qua rất ít game kinh dị làm được những cái như Outlast đã làm, đó là lí do vì sao tháng 4 vừa qua cộng đồng game kinh dị thế giới lại “nô nức” chào đón Outlast 2 đến vậy. Phản ứng của cộng đồng có thể trái chiều, nhưng những gì mà nhà phát triển Red Barrels mang đến cho chúng ta là không thể phủ nhận.

Outlast 2, chạy trốn trong đêm

Điều khác biệt đầu tiên ở Outlast 2 là môi trường trong trò chơi đã thay đổi để trở nên rộng lớn hơn. Nếu như Outlast bạn lang thang trong viện tâm thần với những hành lang hun hút thì sang Outlast 2 bạn có cả một cái làng để trải nghiệm. Bạn sẽ đi “dạo chơi” với một cái máy quay “yếu sinh lý” chỉ chực hết pin lúc nguy khốn (ngẫm thì thấy trên đời có nhiều cái sẽ rời bỏ ta ở lúc ta cần nó nhất). Không gian rộng hơn thì chắc đỡ sợ hơn? Hẳn là vậy, yếu tố kinh dị bị giảm sút và được bù trừ bằng áp lực và sự căng thẳng không ngừng. Giờ đây những “thứ” làm bạn ngừng thở có thể đến từ mọi hướng và trong nhiều cách thức đặc biệt. Có lẽ Red Barrels muốn thử nghiệm phong cách “bất lực” đặc trưng của dòng game Outlast ở một môi trường mới. Theo quan điểm đánh giá của người viết bài thì ý tưởng này không thành công cho lắm. Mặc dù vẫn sợ tái mặt mỗi khi nghe tiếng rộp rộp ở đâu đó (phải nói là phần âm thanh của Outlast 2 cực kì xuất sắc) nhưng người viết bài cảm thấy Outlast 2 đang trở thành một trò chơi “nhanh tay nhanh mắt” thuộc thể loại sinh tồn hơn là một trò chơi kinh dị đúng nghĩa. Môi trường tuy rộng lớn hơn Outlast nhưng các lựa chọn thì không đa dạng tương ứng, hầu như bạn luôn phải làm đúng một hành động nào đó để đi tiếp. Một ví dụ tiêu biểu ở đây là lúc Blake (nhân vật chính của chúng ta) đi qua căn nhà hoang gần cánh đồng lúa mì. Bạn sẽ phải “chơi đi chơi lại” cho đến khi nào Blake nấp thành công sau cánh cửa chính thì thôi. Không có một lựa chọn nào khác mặc dù theo logic thì có thể có nhiều phương án xảy ra. Và điều này cực kì khó chịu! Bạn sẽ chẳng sợ hãi gì nữa nếu bạn phải chơi đi chơi lại một cảnh với những tình tiết giống hệt nhau. Đâu rồi những lựa chọn “nín thở” của Outlast. Ở phiên bản đầu tiên mặc dù “chết đi sống lại” nhiều lần nhưng mỗi lần chơi lại thì cảm giác sẽ khác đi một chút. Bạn có nhớ anh em sinh đôi ma quái ở phiên bản đầu tiên? Bạn có ấn tượng với cách chúng “thông minh” bám đuôi bạn? Và dù có chơi đi chơi lại thì bạn cũng chỉ ang áng được chúng sẽ xuất hiện ở một khoảng nhất định. Bạn sẽ cân nhắc việc chui vào tủ quần áo hay nấp sau giá sách? Khi nấp ở đó thì bao lâu sau “ló” đầu ra được? Bạn không bao giờ biết chính xác được, và cái khoảnh khắc khi vừa “ló” ra gặp ngay cái bản mặt mất dạy của anh em nhà nó là một trong những phút giây đáng nhớ nhất của trò chơi. Sợ những cái không chắc chắn – đó chắc chắn là một nỗi sợ kinh hoàng. Và Outlast 2 đã “nhẫn tâm” vứt bỏ không thương tiếc bản sắc đó và đặt trò chơi thành một sự “thử-chọn” tầm thường.

Để bù lại thì các đối thủ của Outlast 2 tỏ vẻ thông minh hơn những người tiền nhiệm ở phiên bản trước. Những “thứ” này sẽ truy đuổi bạn dai dẳng hơn, và giả như lúc đang núp lùm trong góc nào đó mà bạn “nghịch dại” tạo ra tiếng động gì thì ôi thôi, “nào ta cùng chạy lại lần nữa”. Âm thanh ở phần hai đã làm tốt khi tạo ra một sự căng thẳng tột độ lên người chơi, khi mà những từng tiếng động có thể là chỉ dẫn cũng như là kết thúc của bạn. Bạn đang đi và tự nhiên dẫm “xoạch” một cái, nhìn xuống thì thấy một đống xương người, chưa kịp định thần thì một vài tiếng động lạ bắt đầu nổi lên. Và bạn biết lại sắp phải “vừa chạy vừa hét”. Thường thì lần đầu bạn hét vì sợ còn các lần sau (chơi lại) sẽ hét vì bực mình. Có thể đây là ẩn ý của nhà phát triển. Nếu bạn nhanh tay và không bị chết não lâm sàng thì đã không phải hét to đến thế!

Outlast 2, khi kí ức không ngủ yên

Công bằng mà nói thì cốt truyện của Outlast 2 có nhiều tình tiết đáng chú ý hơn Outlast. Các nhân vật được tạo hình và có vai trò rõ ràng, càng chơi bạn sẽ càng tò mò về mọi thứ. Xuyên suốt chiều dài trò chơi, nhà phát triển Red Barrels đã khám phá màu sắc cực đoan của đức tin và sự đấu tranh bên trong về tôn giáo với những cung bậc từ trầm lắng đến kích động cực độ. Tuy những “thứ” trong Outlast 2 không có một danh phận nhất định nhưng sự ám ảnh về những câu chuyện đằng sau nó có thể khiến bạn suy nghĩ nhiều ngày liền. Nếu như trong một game kinh dị cũng rất xuất sắc khác là Fatal Frame điều đọng lại là những “thứ” ấy và câu chuyện ẩn sau thì Outlast 2 cũng làm được điều tương tự. Thậm chí Outlast 2 còn “phũ” hơn Fatal Frame khi cho nhân vật của mình hoàn toàn yếu đuối và chạy trốn là khả năng duy nhất khả dĩ. Vừa chạy vừa núp vừa ngồi ngẫm nghĩ “thứ” quái gì đã tạo ra những âm thanh và hình dạng ghê tởm ngoài kia, đó chính là đặc sản của dòng game này. Và giây phút bạn “bò” ra đi tiếp cũng là giây phút sự tò mò chiến thắng nỗi sợ bên trong của bạn.

Ở phần 2 này chúng ta sẽ xuôi ngược dòng kí ức của nhân vật chính. Tuy cần hơi nhiều… khả năng tiếng Anh để đọc hiểu và xem các đoạn chuyển cảnh nhưng đây là một nguồn giải đáp quý giá cho cái kết bí ẩn của trò chơi. Nếu bạn chỉ next-next-run-(die-reload)-run-next-next thì bạn sẽ sớm cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên nếu chăm chú theo dõi câu chuyện mà nhà phát hành truyền tải thì bạn sẽ hiểu vì sao những “thứ” đó lại có thể khiến bạn “chơi lại” nhiều và dễ dàng như vậy. Tại sao cũng là “ma” mà thông minh quá? Đơn giản vì “thứ ấy” không phải là “ma”, và hẳn bạn sẽ “tôn trọng” “thứ ấy” hơn khi hiểu rõ cái gì đằng sau nó.

Tổng kết

Có thể nói phần hai này trò chơi đã thay đổi theo chiều hướng “ồn ào” hơn phần một. Điều này làm một phần không nhỏ những fan cuồng của phần một thất vọng. Nếu bạn chơi phần một và mong muốn một sự “âm thầm sợ hãi” thì có lẽ Outlast 2 không hợp với bạn. Còn nếu như bạn là người mới hoàn toàn và yêu thích môn điền kinh thì đây chính là lựa chọn hàng đầu. Outlast 2 sẽ đưa bạn đến một thế giới tăm tối mà ở đó mọi thứ đều méo mó và không đáng tin, một thế giới mà đôi chân của bạn đáng giá hơn trăm tỉ nơ ron não bộ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện