Lựa chọn của game thủ – Phần 3: Bao nhiêu quân là đủ?

Huyền thoại ★

  

Ở hai phần trước chúng ta đã bàn về tính thực tế trong những game FPS/Adventure. Ở phần ba này chúng ta hãy quay con mắt dòm ngó sang một dòng game vốn cũng nổi tiếng không kém, đó chính là game chiến thuật (strategy game). Một số đại diện tiêu biểu của dòng game này là Age of Empires, Total War, Starcraft, Heroes… Mục đích của bài viết này là để trả lời câu hỏi “Liệu những trò chơi đó có mô phỏng đúng tính chất của một cuộc chiến hay không?” Hãy cùng tìm hiểu thông qua ví dụ cụ thể về lịch sử Đế chế La Mã (Roman Empire).

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc phân tích sức mạnh của Đế chế La Mã. Vốn là một trong những đế chế vĩ đại nhất của lịch sử loài người, người La Mã đã có nhiều đóng góp cho văn minh nhân loại. Nhắc đến La Mã chúng ta sẽ liên tưởng đến những quân đoàn Legion danh tiếng cũng như nền cộng hòa Pax Romana. Phim ảnh đã cho chúng ta hình ảnh những quân đoàn Legion khiên giáp ngời ngời bách chiến bách thắng. Bạn hẳn sẽ nghĩ rằng sức mạnh của những quân đoàn Legion này đến từ những thứ “lấp lánh” ấy. Bạn sẽ nhận định rằng là sự tiến bộ về “kĩ thuật” và tài điều binh khiển tướng đã làm nên những trận thắng đó. Tuy nhiên khi nhìn tổng quan thì bạn nhận ra một sự thật bất ngờ, đó là quân La Mã thua cũng rất nhiều! Vậy sức mạnh thật sự nào khiến La Mã đánh bại tất cả những đối thủ xung quanh đó và trở nên vĩ đại? Câu trả lời chính là tính chiến lược và khả năng cung ứng của họ.

Sức mạnh của La Mã nằm ở tổ chức xã hội và khả năng cung cấp tuyệt vời cho những nhu cầu của nó. Một tổ chức xã hội tốt sẽ cung cấp đủ lương thực, khí giới và nhân lực cho những yêu cầu lâu dài (một chiến dịch hàng chục năm) hay những biến động bất thường (chiến tranh, thiên tai). Thành Rome (thủ đô của La Mã) đã từng bị thất thủ. Có những thời điểm La Mã mất hơn một nửa số các quân đoàn. Tuy nhiên không một đối thủ nào có thể đánh bại La Mã một cách toàn diện. Họ không có khả năng cung ứng tốt (thiếu lương thực luôn là vấn đề cốt lõi) và vì thế không thể duy trì một chiến dịch dài hơi. Họ đánh thắng một vài trận chiến và đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan, tiếp tục tiến lên với cái bụng đói hay quay lại tích trữ thêm lương thực. Người La Mã thì hoàn toàn ngược lại. Khi quân đoàn này thất bại thì một quân đoàn khác đã được chuẩn bị sẵn sàng. Với lợi thế về khả năng tổ chức và khả năng hậu cần, họ có thể tiến sâu hàng nghìn cây số trong lãnh thổ đối phương trong hàng tháng trời. Họ quan sát, thích ứng và tìm ra điểm yếu của đối phương. Một quân đội chuyên nghiệp dần dần được hình thành. Họ có thể thua vài trận chiến nhưng không thua một chiến dịch. Không quốc gia nào có thể duy trì chiến tranh với La Mã trong vài chục năm. Người La Mã đã nâng tầm nghệ thuật quân sự lên một bước mới, đó là đưa tính chiến lược vào tư duy quân sự.

Đọc đến đây chắc các bạn cũng hiểu sự khác biệt giữa game và đời thực là gì. Đó chính là khả năng cung ứng và duy trì của các đạo quân. Trong game cứ “nhiều” và “xịn” là thắng. Các đơn vị trong game đều là các đơn vị “mua một lần dùng cả đời” nên chúng ta không cảm nhận được “sức nặng” những đạo quân đó. Cuộc chơi chỉ đơn thuần là xây nhà – lên đời – xin quân rồi mang toàn bộ quân của mình all-in vào một trận đánh. Ví dụ thực tiễn ở đây là cuộc đánh chiếm liên bang Xô Viết của Phát xít Đức. Một triệu dặm hành quân và mùa đông khắc nghiệt đã đánh bại quân Đức. Hay ví dụ về cuộc xâm lược Ba Lan của liên bang Xô Viết. Lợi dụng địa hình quân Ba Lan đã thành công trong việc chia cách hậu cần đối phương và khiến quân Xô Viết “tự tay bóp dái” bản thân. Sức mạnh của một quốc gia thể hiện qua việc duy trì những hoạt động của mình ở một tổng thể lâu dài và hoàn chỉnh nhất, điều mà một trò chơi rất khó mô phỏng được.

Ngoài thực tế, hầu như các vị chỉ huy cao nhất sẽ không quan tâm trận chiến diễn ra như nào. Game đã gộp phần chiến thuật và chiến lược vào làm một. Bạn sẽ phải xây dựng một đội quân rồi trực tiếp điều khiển đội quân chiến đấu. Điều này khác xa so với thực tế như ở cấp độ chiến lược, các vị chỉ huy của chúng ta chỉ quan tâm đến mục tiêu và nhu cầu (tối thiểu) để đạt được mục tiêu đó. Người chỉ huy trận chiến nhận nhiệm vụ và phân chia nhiệm vụ cho cấp dưới của mình. Nhiệm vụ đội A là đánh vị trí X trong thời gian Y. Đội B bọc hậu và chặn đường rút lui của đối phương. Đội C nghi binh và đánh lạc hướng. Đây gọi là chiến thuật. Chiến thuật được áp dụng trong một trận chiến cụ thể và đầy biến hóa. Một vị tướng chỉ huy chiến thuật tốt chưa chắc đã là một người chỉ huy chiến lược tốt. Tuy có tương quan nhưng nhìn chung có sự khác biệt cơ bản giữa hai vị trí này.

Ở trò chơi Starcraft, bạn sẽ điều khiển một chủng tộc riêng biệt. Điểm đặc biệt của Starcraft chính là tính cân bằng và khả năng thích ứng nhanh của trò chơi. Ví dụ ở đây là nếu bạn chơi Protoss và sử dụng chiến thuật kinh điển “2+2 Gateway Mass Zealot” với mong muốn hạ gục đối phương ngay ở những phút đầu tiên. Ưu điểm của chiến dịch này là “thần tốc chiến thắng” nhưng dễ dàng bị bắt bài nếu đối phương do thám thành công. Giả sử ở giây phút bạn bị “dò” ra thì bạn chỉ có một con đường duy nhất là tấn công áp đảo ngay vào căn cứ đối phương. Lúc này khoảng cách-thời gian trở thành một yếu tố quan trọng. Nếu may mắn (chiến thuật Mass Zealot không dùng Probe đi scout) bạn “mò” ra được căn cứ đối phương trước khi họ wall-in (Terran) hay Spine + Roach (Zerg) thì bạn có cơ may chiến thắng. Hoặc ở đây nếu người chơi Terran đối phương nếu “trót” đầu tư quá nhiều vào MMM thì cũng có thể all-in bỏ căn cứ kéo ngược quân phá hủy căn cứ đối phương rồi sử dụng sự linh hoạt giữa các đơn vị để chống cự với binh đoàn Zealot. Tính chiến lược đã nhen nhóm ở đây và tin mừng là các nhà phát triển game ngày càng đầu tư mạnh hơn vào phần này. Tuy không thể tái hiện được cái chân thực nhất của tính chiến lược (tính cung ứng) nhưng cũng không thể trách được họ. Chúng ta chơi game phần nhiều để giải trí chứ không phải để đau đầu!

Kết luận

Quay lại với câu hỏi của tiêu đề bài viết: Bao nhiêu quân là đủ? Câu trả lời không phải là bao nhiêu quân mà là đội quân ấy duy trì được bao lâu trong những điều kiện đặc biệt. Có một câu hỏi vui là một tiểu đoàn quân Mỹ được vũ trang đầy đủ liệu có đánh bại được đế chế La Mã hay không? Câu trả lời là không thể. 1000 người lính cùng xe tăng máy bay không thể đánh bại đế chế La Mã. Nhưng chỉ cần 100 người lính, 100 chuyên gia, 100 kĩ thuật viên cùng những công cụ cần thiết, đế chế La Mã sẽ bị đe dọa thật sự!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện