VLCC (P.4): Những vị khách

Huyền thoại ★

  

Ở phần trước, chúng ta đã nói về khả năng du hành không gian và thời gian. Tuy mới chỉ mon men đến gần sao Hỏa nhưng tham vọng của loài người là rất lớn và Trái Đất là không đủ. Khi tiến tới chinh phục không gian (và thời gian), một trong những thắc mắc của nhân loại là liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ này? Sao chưa có nền văn minh vũ trụ nào tiếp cận chúng ta? Nếu tương lai chúng ta phát triển rực rỡ và nắm giữ được bí mật của thời gian tại sao không quay lại thời điểm này để chỉ bảo/chuyển giao công nghệ? Có rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy và bài viết này sẽ cố gắng đưa ra một vài quan điểm tham khảo. Tuy các thắc mắc phần nhiều đến từ trí tưởng tượng của con người nhưng chính trí tưởng tượng là ngọn lửa dẫn đường của khoa học. 1000 năm trước chúng ta mơ mộng được lên mặt trăng, 100 năm trước còn thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên mà giờ đây đã có tàu vũ trụ và những chuyến dạo chơi ngoài không gian. Hãy thư giãn và thả lỏng trí tưởng tượng của các bạn qua bài viết này.

Họ đâu cả rồi?

Đầu tiên hãy bắt đầu với nghịch lý Fermi. Nghịch lý Fermi là sự trái ngược rõ ràng giữa những ước tính cao về khả năng tồn tại của các nền văn minh ngoài Trái Đất và sự thiếu hụt bằng chứng cho, hay sự liên hệ với, những nền văn minh đó.

Những điểm cơ bản của nghịch lý Fermi

-Mặt trời là một ngôi sao đặc trưng và tương đối là mới. Có hàng tỷ những ngôi sao trong thiên hà lớn hơn nó hàng tỷ năm tuổi.

-Gần như chắc chắn rằng một vài những vì sao trong số này sẽ có những hành tinh như Trái đất.Giả sử rằng Trái đất là một hành tinh đặc trưng, một vài trong số những hành tinh này có thể tạo ra cuộc sống trí tuệ.

-Một vài trong số những nền văn minh này có thể tạo ra chuyến đi liên sao, một công nghệ mà Trái đất đang nghiên cứu những ngày nay (ví dụ như Tàu không gian 100 Năm).

-Ngay cả với tốc độ chậm chạp của những chuyến đi liên sao như thời điểm hiện tại, thiên hà chỉ có thể được đặt chân tới định cư hoàn toàn trong vài chục triệu năm tới.

-Theo những suy luận trên, Trái đất có thể đã bị chinh phục, hoặc ít nhất là ghé thăm rồi. Nhưng không có bằng chứng thuyết phục rằng việc này tồn tại. Hơn thế nữa, không có dấu hiệu nào của trí tuệ ở những nơi nào khác bị phát hiện, bất kể là trong ngân hà của chúng ta hay trong hơn 80 tỷ ngân hà khác của vũ trụ quan sát được.

Các bạn có thể tìm đọc thêm về nghịch lý Fermi ở đây: https://waitbutwhy.com/2014/05/fermi-paradox.html. Mình sẽ lược dịch và tóm tắt ngắn gọn như sau: Có khoảng 10 trillion ( 10 000 000 000 000 ) thiên hà và 1 septillion ( 1 000 000 000 000 000 000 000 000 ) ngôi sao trong phần vũ trụ quan sát được. Chỉ riêng thiên hà chúng ta (Ngân Hà) đã có 100 tỷ ngôi sao và 40 tỷ hành tinh giống Trái đất quay quanh chúng. Với những xác xuất được tính toán Fermi ước lượng phải có một số lượng rất lớn các nền văn minh ngoài vũ trụ đang cùng tồn tại với chúng ta. Xét ở một khía cạnh khác khi vũ trụ đã có 13,6 tỉ năm tuổi và chỉ trong triệu năm để con người tiến hóa từ bò dưới đất đến bay lên sao Hỏa, đáng lẽ chúng ta phải có những vị khách xuất hiện trên những con tàu không gian khổng lồ rồi chứ? Thuyền trưởng Phasma trong Star War cùng hạm đội của ông ấy đâu rồi? Ngay cả một tín hiệu cũng không là sao?

Thuyền trưởng Phasma, ngài đang ở đâu?

Điều này trở nên lạ lẫm. Mặt trời của chúng ta khá trẻ so với tuổi đời của vũ trụ. Có những ngôi sao già hơn nhiều với những hành tinh giống Trái đất cổ xưa hơn, và theo lý thuyết chúng là những nền văn minh tiên tiến hơn chúng ta. Lấy ví dụ, hãy so sánh Trái đất 4.54 tỷ năm tuổi của chúng ta so với một hành tinh X 8 tỷ năm tuổi giả tưởng nào đó. Nếu Hành tinh X có một câu chuyện tương tự với trái đất, hãy nhìn vào nơi mà nền văn minh của họ có thể tới ngày hôm nay. Công nghệ và tri thức của một nền văn minh hơn chúng ta 1000 năm cũng có thể gây sốc với chúng ta như các thế giới hiện nay chế nhạo văn minh thời trung cổ. Một nền văn minh phát triển trước chúng ta một triệu năm có thể khiến chúng ta không sao hiểu được giống như loài tinh tinh nhìn thấy ô tô vậy. Và hãy nhớ rằng hành tinh X trước chúng ta 3.4 tỷ năm!

Thang đo Kardashew

Có một thứ gọi là Thang đo Kardashev, giúp chúng ta chia các nền văn minh trí tuệ thành ba nhóm lớn rộng bởi lượng năng lượng họ sử dụng:

Nền văn minh Loại I có khả năng sử dụng tât cả năng lượng trên hành tinh của họ. Chúng ta không hẳn là Nền Văn minh loại I, nhưng chúng ta gần tới rồi (Carl Sagan tạo ra một công thức cho thang đo này và chấm điểm chúng ta là Nền Văn minh 0.7).

Nền văn minh Loại II có thể khai thác hết năng lượng của ngôi sao chủ của mình. Bộ não Loại I yếu ớt của chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi làm cách nào một ai đó có thể thực hiện việc này, nhưng nếu ta cố hết sức, hãy tưởng tượng mọi thứ như một Quả cầu Dyson.

Nền Văn minh Loại III sẽ thổi bay hai loại còn lại, sử dụng sức mạnh có thể so sánh với toàn bộ Dải Ngân hà.

Nếu mức tiến bộ này nghe quá khó tin, hãy nhớ lại Hành tinh X ở phía trên và 3.4 tỷ năm phát triển của họ. Nếu một nền văn minh trên Hành tinh X tương tự như chúng ta và có thể sống sót bằng mọi cách để vươn đến mức độ Loại III, thì suy nghĩ tự nhiên là có thể họ đã có thể làm chủ chuyến du lịch liên sao bây giờ, thậm chí có thể thuộc địa hóa toàn bộ thiên hà.


Một giả thuyết cho thấy cách thức xâm chiếm thiên hà có thể xảy ra là tạo ra các máy móc có thể di chuyển đến các hành tinh khác, dành một thời gian tự tạo ra các bản sao bằng cách sử dụng nguyên liệu thô trên hành tinh mới, và sau đó gửi các bản sao đi để làm điều tương tự. Ngay cả không có sự dịch chuyển với tốc độ gần ánh sáng, quá trình này sẽ tiến được tới toàn bộ thiên hà trong 3.75 triệu năm, một cái chớp mắt tương đối khi nói về quy mô hàng tỷ năm vượt trội của hành tinh X.

Tóm lại là, có cái gì đó không đúng.

Chúng ta vẫn chưa thể lý giải nghịch lý Fermi một cách chọn vẹn. Khi xét đến quy mô của sự sống và vũ trụ thì nền khoa học hiện nay vẫn chưa đủ công cụ để kiểm nghiệm một cách toàn vẹn. Việc chúng ta làm chỉ là đưa ra các giả thuyết và củng cố giả thuyết đó một cách tốt nhất có thể. Những giả thuyết lý giải cho nghịch lý Fermi cơ bản là:

Chúng ta quá lạc hậu

Chúng ta mới dùng sóng radio được vài trăm năm. Hãy so sánh nó với triệu năm con người tồn tại và tỉ năm vũ trụ tồn tại. Có thể người ngoài hành tinh cũng “liên lạc” với chúng ta đấy, nhưng không phải là qua sóng radio hay bất cứ cách thức nào mà chúng ta từng biết. Họ có thể có những thuật toán truyền thông tin hiệu quả hơn radio mà trí tuệ loài người còn rất lâu mới phát hiện ra được. Hãy nghĩ đến một viễn cảnh rằng có một mạng internet vũ trụ trong đó các nền văn minh giao tiếp với nhau qua các thuật toán phức tạp ấy. Điều kiện để tham gia là gì? Phát triển đủ để hiểu về nó. Giống như bạn phải đủ 18 tuổi để xem porn vậy. Trái đất của chúng ta có lẽ chưa đủ “18 tuổi”.

Chúng ta chán òm


Hãy nhìn lại ví dụ về hành tinh X phát triển trước chúng ta 3,4 tỉ năm. Họ đã phát triển đến một mức độ siêu tưởng. Câu hỏi đặt ra là: Khi “xịn” như vậy rồi thì họ quan tâm gì đến mấy thứ “cổ lỗ sĩ” như chúng ta? Họ nhìn chúng ta cũng giống như chúng ta nhìn đàn kiến, và họ đang quan sát chúng ta như cách chúng ta quan sát mấy con thú trong khu bảo tồn. Có lẽ chúng ta đang ở một khu bảo tồn trong giải Ngân Hà và họ để chúng ta yên ổn phát triển (đến một mức độ nào đó).

Chúng ta đặc biệt

Có lẽ Fermi đã tính sai! Có một điều gì đó đặc biệt ở Trái Đất mà chính chúng ta cũng chưa hiểu được? Những công thức của Fermi còn những ẩn số chưa biết đến? Có lẽ chính những ẩn số đó đã biến những con số to vật vã kia thành chỉ một hoặc một vài thôi, và Trái Đất may mắn nằm trong số đó.

Chúng ta / họ đang sống trong thế giới ảo

Đến một lúc nào đó những người ngoài hành tinh nhân ra mục đích của giống loại họ không phải là xâm chiếm vũ trụ mà chỉ là “hạnh phúc” thì sao. Thế là họ cất phi thuyền đi, chui vào 1 cỗ máy thực tế ảo và “hạnh phúc” ở trong đó, mặc kệ sự tình ngoài vũ trụ. Đây là câu hỏi về bản chất tiến hóa, tuy nhiên không phải có cơ sở.

Một góc nhìn khác khi coi vũ trụ của chúng ta chỉ là một sản phẩm của một thế giới ảo khác. Khi một nền văn minh tiến hóa đến mức độ nào đó họ sẽ có dư thừa năng lượng. Lượng năng lượng cực lớn này cho phép họ giả lập các thực tế khác. Có thể chúng ta chỉ là một giả lập đang sống trong 1 cái máy khổng lồ nào đó. Việc không gặp những nền văn mình khác đơn giản vì điều này không được quy định trong lúc giả lập.

Những bộ lọc lớn

Giả thuyết này chỉ ra rằng để tiến hóa lên cấp cao hơn các nền văn minh phải vượt qua những “bộ lọc” lớn. Ví dụ như sự sống ở Trái Đất chúng ta. Chúng ta phải tiến hóa từ các tế bào phân thực đến các tế bào có khả năng sinh sản (khoa học vẫn chưa lý giải được chính xác vì sao), rồi đa bào, rồi sinh sản hữu tĩnh, rồi đột phá về trí thông minh… Rồi tiếp tục vượt qua thiên thạch, kỉ băng hà, siêu núi lửa, chiến tranh hạt nhân, cuộc khủng hoảng ý nghĩa sống, trí tuệ nhân tạo (2 cái cuối vẫn chưa chắc chắn!!!). Vậy một nền văn minh phải vượt qua rất nhiều “bộ lọc” để đạt đến trình độ du hành vũ trụ. Họ chưa tìm đến chúng ta bởi vì những “bộ lọc” cuối quá khủng khiếp đến nỗi chúng ta chưa thể hình dung ra. Có thể “bộ lọc” đến từ bên trong nền văn minh cũng có thể đến từ bên ngoài vũ trụ. 1 nền văn mình “Alien” sẽ đến tiêu diệt bất cứ nền văn minh nào chạm đến 1 mức độ nào đó? Nghe có vẻ không dễ chịu lắm.

Trên đây là những lời giải thích cho việc chúng ta đang yên bình ngồi uống café đọc báo chứ không phải hóa thân thành các Space Marine lao ra đánh nhau ngoài vũ trụ. Tuy nhiên chúng ta đã bỏ quên mất một phần quan trọng. Chính chúng ta “đến thăm” chúng ta thì sao? Liệu con người trong tương lai có quay lại quá khứ để chung tay cùng nhau vượt qua khó khăn? Hãy cùng điểm những lời giải thích cho việc này. Tại sao chúng ta không có những vị khách ở thì tương lai (hoặc quá khứ) đến thăm? Liệu Doraemon là có thật?

Chúng ta không thể

Đây là câu trả lời bi quan nhưng cũng đúng với thực tế nhất. Đơn giản là không thể. Đến một lúc chúng ta có thể quay lại quá khứ nhưng không phải theo cách thức chúng ta hình dung như bây giờ. Hoặc nền văn minh loài người đã bị diệt vong trước khi phát minh ra cỗ máy thời gian.

Cỗ máy thời gian cần những điều kiện đặc biệt

Có thể là một nguồn năng lượng cực lớn hoặc một điều kiện vật lý phù hợp. Đây trở thành bài toán đầu tư khi những con người trong tương lai phải “hi sinh” một lượng vật chất – năng lượng – kinh phí nhất định để trở về quá khứ. Tuy không thật sự thuyết phục nhưng đây cũng là một khả năng. Có thể thời điểm của chúng ta quá nhàn chán hoặc quá rõ ràng nên người tương lai không muốn “đầu tư” vào thời điểm chúng ta. Hoặc cỗ máy thời gian cần một cái cổng dịch chuyển để đến và đi. Chúng ta chỉ có thể trở về quá khứ sau thời điểm cái cổng ấy được xây dựng.

Họ có đến nhưng chúng ta không biết

Hãy nhớ đến luật nhân quả. Có thể người tương lai phải tuân theo những ràng buộc nhất định để trở về quá khứ. Có thể có những đơn vị “cảnh sát thời gian” như trong chuyện Doraemon. Họ đến và đi với những nhiệm vụ đặc biệt. Chúng ta không thể phát hiện ra họ.

Chúng ta / họ đang sống trong thế giới ảo / thế giới song song

Trong tương lai con người có khả năng lưu những phiên bản của quá khứ vào những thực tế ảo. Chúng ta chỉ là một thực tế ảo của họ. Chúng ta là một quyển sách lưu trữ trong bảo tàng lịch sử của họ. Một cách hiểu khách chúng ta là một chương trình chạy song song trong hàng vạn chương trình “lịch sử” khác.

Chúng ta không cần đến du hành thời gian

Đây là giả thuyết lạc quan nhất khi cho rằng con người đã có những bước tiến vượt bậc về mặt tiến hóa đến độ họ không cần can thiệp vào những chiều không gian khác.

Trên đây là những giả thuyết của nhân loại về sự cô đơn khó hiểu của mình. Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ đến với Hố đen cũng những thứ kì dị khác trong vũ trụ. Nhân loại hi vọng sẽ tìm ra câu trả lời cho sự cô đơn của mình trong những vật thể đó? Hãy cùng chờ xem chúng ta đã đi được đến đâu.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện