Chia sẻ kinh nghiệm chơi mô hình Gundam (P.2): Lựa chọn mô hình

Khách quen

  

Tôi đã viết một bài chia sẻ kinh nghiệm về mô hình gundam cùng cảm xúc của bản thân khi mới chơi, hình ảnh trong bài viết đầu của một mẫu robot có tên là RX 78-2 do tôi tự lắp ráp và hoàn thiện. Trước đó tôi cũng tìm hiểu nhiều bài hướng dẫn và reviews nên khi viết bài đầu tiên tôi cố gắng chỉ chia sẻ những điều tôi đã làm sai dẫn đến làm hỏng hay phí cả một bộ mô hình chứ không lặp lại hay viết chi tiết.

Khi đọc lại thấy nội dung đơn giản, chung chung nên tôi muốn viết tiếp để chia sẻ thêm những điều mình biết, chi tiết hơn các bước làm, vẫn là chia sẻ của một người mới chơi thôi. Hy vọng việc chia sẻ vẫn có ích cho những ai chưa biết.

Phần 2 này muốn nói thêm về bước đầu tiên: lựa chọn mô hình, vì có nhiều loại lắm. Lựa chọn mẫu nào đương nhiên là do sở thích cá nhân người mua, còn tôi sẽ chia sẻ về những dòng sản phẩm mô hình gundam phổ biến cùng ưu nhược điểm mỗi loại theo cảm nhận cá nhân.

Vậy bắt đầu thôi!

Bắt nguồn từ một series phim hoạt hình của Nhật Bản về robot gundam, lấy bối cảnh chiến tranh của con người trong tương lai mà trong đó các robot đóng vai trò là vũ khí quân sự, mô hình gundam (còn gọi là gunpla, viết tắt của gundam plastic model) là sản phẩm đồ chơi lắp ghép bằng nhựa, mô phỏng các robot này chính xác theo tỉ lệ. Rất nhiều người không xem phim và cũng không hiểu cốt truyện nhưng vẫn thích và đam mê mô hình gundam, từ những người trẻ tuổi đến những người sưu tầm chuyên nghiệp.

Gundam vốn là series phim hoạt hình

Hãng Bandai của Nhật Bản cho tới giờ luôn là đơn vị duy nhất độc quyền về sản xuất mô hình gundam, họ sản xuất từ những năm 90 nên mô hình gundam có thời gian phát triển dài với chất lượng ngày càng được cải thiện. Hiện nay có thêm các hãng sản xuất tới từ Trung Quốc, Đài Loan… Nhưng chỉ là nhái lại với giá rẻ hơn đôi chút và chất lượng kém hơn nên tốt nhất là mua mô hình chính hãng. Cùng một mẫu robot, Bandai lại sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau theo kích thước, tỉ lệ mô phỏng và độ chi tiết. Có 4 loại chính: High grade tỉ lệ 1/144, Master grade tỉ lệ 1/100, Pefect grade tỉ lệ 1/60, Real grade tỉ lệ 1/144. Nghĩa là, nếu thích một mẫu robot, bạn có thể lựa chọn mua 1 trong 4 loại trên (hoặc mua cả 4).

Gundam High grade (gọi tắt là HG) tỉ lệ 1/144 cao trung bình 13cm, HG có thời gian phát triển lâu hơn cả, được sản xuất + mua nhiều nhất vì các ưu điểm: mức giá tốt từ 250-500 nghìn, dễ lắp ráp, số lượng mẫu đa dạng gần như đủ các robot trên phim. Nhược điểm lớn nhất là độ chi tiết khá thấp dù cái tên mang ý nghĩa “chi tiết cao” (lol). Kích thước nhỏ, Màu sắc, hình dáng bề ngoài và biên độ cử động của dòng HG cũng bị hạn chế nên mô hình có thể nhìn hơi đơn giản.

Dòng HG hướng đến số đông vì dễ lắp ráp, giá tốt nhưng người mới chơi thích một mô hình chi tiết, sắc nét có thể sẽ thất vọng. Muốn mô hình HG đẹp hơn thường phải “độ” thêm nhiều mà điều này không phải ai cũng có điều kiện thời gian hay kinh nghiệm để làm. Tuy nhiên, các mẫu HG mới sản xuất gần đây đã được Bandai chăm chút về mặt chi tiết, màu sắc hơn nên có nhiều sự cải thiện.

Hình ảnh một mẫu HG tỉ lệ 1/144 ráp chay không hoàn thiện, các góc cạnh thường không sắc nét.

Nếu bạn muốn bắt đầu và chọn HG thì nên ưu tiên chọn các mẫu sản xuất gần đây và việc xem trước ảnh thực tế hay các bài reviews khá quan trọng để tránh khi mua về thấy thất vọng hay hụt hẫng.

Gundam Master grade (viết tắt là MG) có tỉ lệ 1/100 kích thước lớn hơn HG, mô hình cao 18-20cm và mức độ chi tiết tốt hơn nhiều. Dòng MG mô phỏng robot nguyên bản khá tốt từ màu sắc, cấu tạo và chi tiết của từng bộ phận, một điểm đặc trưng của các mô hình MG là có cấu tạo tách biệt thành 2 phần: khung xương riêng bên trong và lớp giáp mang màu sắc của robot bên ngoài. Điều này không khác gì cấu tạo của một cỗ máy thực sự (HG thì không có đặc điểm này) nên biên độ cử động của mô hình MG khá rộng, người chơi cũng có cảm xúc nhiều hơn khi lắp ráp và hoàn thành, một số mẫu còn có khớp cử động từng ngón tay.

Độ chi tiết tốt đi cùng với việc ráp mô hình MG sẽ mất khá nhiều thời gian, có thể gây mệt hay chán nản vì số lượng mảnh ghép nhiều (khoảng 300-500 mảnh ghép lại). Nếu mỗi ngày dành 1-2h cho việc lắp ráp mô hình thì một mẫu HG cần 2-3 ngày, còn một mẫu MG cần đến 2-3 tuần. Cái tên “master” có lẽ ám chỉ việc dành cho người chơi chuyên nghiệp.

MG có độ chi tiết và sắc nét rất tốt

MG to hơn, đẹp + chi tiết hơn nhiều so với HG, lắp ráp xong và hoàn thiện cơ bản là đủ đẹp, dù ai chơi lần đầu mà chọn luôn mẫu MG cũng rất ok, nhưng nên xem hướng dẫn, chia sẻ của người chơi khác để có thêm kinh nghiệm lắp và hoàn thiện vì giá MG cũng khá đắt, làm sơ sài hay qua loa sẽ phí mô hình mua về. Giá của dòng này trung bình khoảng 900 nghìn tới hơn 1 triệu.

Gundam Perfect grade (viết tắt là PG) tương ứng tỉ lệ 1/60 lớn hơn hẳn HG và MG với chiều cao trung bình 30-35cm. PG được coi là tập trung hết tâm huyết và tinh hoa của hãng Bandai trong sản xuất mô hình lắp ghép, người chơi lắp ráp xong cũng là cả một kỳ công. Mức độ chi tiết là cao nhất trong các dòng sản phẩm từ khung xương bên trong đến hình dáng bên ngoài, mỗi mẫu có thể ráp lại từ cả nghìn mảnh ghép, tốn đến hàng tháng để lắp ráp và có khi là cả năm trời để hoàn thiện. Vì vậy, PG không phải dòng sản phẩm hướng đến số đông người chơi, số lượng mẫu cũng tương đối ít.

Hình ảnh mẫu PG strike gundam khá nổi tiếng


PG có mức giá không dưới 2,5 triệu, trung bình là 3-5 triệu một mẫu, nhiều mẫu hoành tráng có giá hàng chục triệu đồng. Nó không phù hợp với người mới bắt đầu hoặc cũng thích gunpla nhưng không quá đam mê, vừa đắt tiền và cũng đòi hỏi nhiều thời gian công sức. Kích thước mẫu PG cũng khá lớn với những người thích một mô hình vừa phải, vừa đủ trưng ở góc bàn làm việc thôi (như tôi và tôi cũng không có điều kiện mua hay lắp, lol).

Real grade (viết tắt là RG) tỉ lệ 1/144 có thể nói là một dòng lai giữa HG và MG với mức độ chi tiết tương đương MG còn kích thước ngang HG, nó ra đời sau cả ba dòng trên, ưu điểm là có độ chi tiết ngang bằng hoặc thậm chí chi tiết hơn MG (do ra đời sau) nhưng giá rẻ hơn mô hình RG cũng có cấu tạo khung xương riêng như MG, mức giá 500-800 nghìn một mẫu.

Vì lý do trên, RG mới ra nhưng đã thu hút rất nhiều người chơi từ mới đến cũ. Các mẫu RG ráp xong đều rất đẹp trên hộp có ảnh thực tế luôn, hình thế nào ráp xong thế đó, nhưng việc đem nhiều số lượng chi tiết lớn của dòng MG vào một kích thước nhỏ có thể khiến trải nghiệm lắp ráp không tốt. Với tôi thì không phù hợp với người chơi lần đầu.

Ngoài bốn loại trên, vẫn còn nhiều loại nữa, nhưng tôi sẽ chỉ chia sẻ ngắn gọn.

None Grade (NG) thường có với tỉ lệ 1/100 nhưng mức độ chi tiết thấp hơn MG nên giá rẻ hơn (giá NG tương đương RG) mà lắp ráp đỡ phức tạp hơn. Số lượng mẫu NG cũng khá ít nhưng cũng có nhiều mẫu đáng mua, đẹp và có giá tốt. Cách phân loại các dòng sản phẩm của Bandai rõ ràng nằm ở độ chi tiết của sản phẩm chứ không nằm ở kích thước hay tỉ lệ, càng chi tiết càng đòi hỏi thời gian và công sức nhiều hơn và giá sẽ cao hơn.

SD Gundam (SD) không đi theo tỉ lệ, cao trung bình 7-10cm, nó mô phỏng lại robot thành style chibi nhìn khá kute, ưu điểm và nhược điểm khá giống HG, việc lắp ráp khá dễ với tất cả mọi người gồm cả người bắt đầu chơi hoặc người nhỏ tuổi, mức giá là rẻ nhất khoảng 150-300 nghìn.

Hiện tại còn có 2 mô hình Gundam với tỉ lệ 1/1 cao tận 20m nữa nhưng đương nhiên nó không dành để bán mà đang được trưng bày ngoài trời ở thành phố Tokyo. Gundam ngày càng phổ biến, được biết đến rộng rãi và trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng cho nền văn hóa Nhật Bản.


Mô hình gundam RX 78-2 tỉ lệ 1/1 ở tokyo

Năm 2009 tôi đã mua một mẫu SD gundam và một mẫu HG nhưng tôi ráp xong thì chán nản vì thấy không đẹp, tiếc tiền nữa và đương nhiên khi đó tôi không biết là cần dụng cụ và hoàn thiện thêm, cứ bẻ tay rồi ráp làm sứt sẹo cả mô hình. Lúc tôi viết phần 1 là khi hoàn thành mẫu MG origin RX 78-2, vừa kiên nhẫn làm cẩn thận vừa tìm hiểu kinh nghiệm lắp ráp, hoàn thiện rồi dần dần thấy rất thích việc chơi mô hình, nhìn mẫu mình vừa hoàn thành tôi cảm thấy xứng đáng với tiền mình bỏ ra (dù khi ráp còn nhiều lỗi khiến tôi không ưng ý và chỉ muốn làm lại). Trong 10 năm cách quãng đó tôi không hề thích cũng không mua thêm một mô hình nào vì ấn tượng đầu tiên năm 2009. Nếu là người chơi lần đầu, mô hình đầu tiên bạn chọn và cách bạn lắp nó cũng có thể đem đến 2 kết quả và 2 suy nghĩ khác nhau: Nó thú vị hay chán phèo và phí thời gian.

Nếu có thể quay lại trước khi mua tất cả hoặc có thể khuyên bạn mình trong việc chọn lựa mô hình, tôi sẽ nói là, chọn một mẫu mình thích thuộc dòng HG được sản xuất gần đây nhất để bắt đầu (hiện tại là dòng HG oringin đang hot, bạn chỉ cần search theo tên dòng) vì giá rẻ mà mô hình cũng khá ổn. Mua 1 bộ dụng cụ cơ bản nhất, lắp cẩn thận từng bước, cũng có thể test thử những kỹ thuật xử lý + hoàn hiện mô hình nhựa nâng cao ngay từ đầu… Từ đó sẽ biết những sai sót khiến mình chưa ưng ý, nếu chẳng may làm hỏng mô hình cũng coi như có thêm kinh nghiệm mà cũng đỡ tiếc. Tiếp đó nếu thấy muốn tiếp tục thì cứ lựa chọn tự do theo ý thích, có chuyển sang dòng phức tạp hơn như RG hay MG cũng chẳng sao (kể cả PG), và với mẫu nào thì cũng nên tìm hiểu qua hình ảnh ráp chay trong các bài reviews.

Bài lần này tới đây là kết thúc, hy vọng nó không quá dài dòng, bài lần tới sẽ là phần cuối, chia sẻ kinh nghiệm về dụng cụ và quá trình lắp ráp + hoàn thiện mô hình.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly