Chia sẻ kinh nghiệm chơi mô hình Gundam (P.1)

Khách quen

  

Để tôi giới thiệu qua, mô hình Gundam hay chính xác gọi là Gunpla mô phỏng theo các mẫu robot trong series anime của Nhật Bản tên là Gundam, tỉ lệ mô phỏng thường gặp là 1/144, 1/100, 1/60… Robot trong phim cao 18-20m nên các mô hình này sẽ cao cỡ 12-13cm với tỉ lệ 1/144, 18-20cm với tỉ lệ 1/100. Người chơi mua về và tự lắp ráp mô hình từ các mảnh nhỏ (gọi là part, một mô hình nhỏ 1/144 có trung bình khoảng 100 parts…). Nhật Bản cũng là nước sản xuất các mô hình gundam này.

Nhiều người sẽ nói mô hình robot là trò chơi trẻ con mà nhiều ông lớn đầu vẫn cứ mua chơi. Thực tế thì một mô hình mô phỏng chính xác theo tỉ lệ hay được dùng trong các sa bàn mang tính mô tả lại thế giới thực, để ngắm nhìn, chụp ảnh, quan sát… Việc lắp ráp rất cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Dụng cụ dùng đến thì sắc bén như kìm, dao, nhíp… Tôi nói nhiều vậy thôi nhưng tóm lại Gunpla cũng chỉ là một sở thích của mấy ông trẻ con nhiều tuổi không hơn, chỉ là nó không dành cho trẻ con ít tuổi. Cũng có nhiều bạn nữ chơi mô hình, thú thực nhìn chị em phụ nữ chơi mô hình cuốn hút hơn nhiều so với cảnh 1 ông lớn đầu ngồi say sưa lắp robot.

Đây là một thú chơi khá thú vị và cũng lắm công phu, nhưng mới bắt đầu thì đơn giản là mua mô hình về và lắp thôi, chỉ gói gọn có mấy bước:

(1) Chọn mô hình => (2) Cắt part và Lắp ráp => (3) Hoàn thiện.

Vào phần chính, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm xương máu của mình để mọi người cùng đọc cho xôm:

1. Chọn và mua mô hình mình thích

Một trong những sai lầm của tôi khi chọn mua Gunpla, là chỉ nhìn ngoài hộp rồi mua, ảnh con Gundam trên bìa hộp rất đẹp và chi tiết, nhưng mua về lắp xong nhìn rất đơn điệu và nhựa nhựa nên tiếc tiền. Lần đầu chơi Gunpla là 1 mẫu HG đơn giản nên thậm chí tôi còn chửi thề cái thú chơi trẻ con này, tốn tiền mua mà sản phẩm như quần quờ. Sau này tôi hiểu được hình ảnh trên bìa là sản phẩm mẫu, nó được nhà sản xuất sơn màu, tô vẽ chán chê để đẹp và chi tiết hơn rồi, chưa kể lên hình còn photoshop các kiểu. Nên khi mua đồ chơi cần hiểu là hình ảnh ngoài hộp và Gundam mình lắp xong sẽ khác nhau, và có thể là rất rất khác nhau, y như pha gói mì tôm và thấy không có tôm vậy.

Vậy nên dù là chọn người yêu hay là chơi robot thì đừng nhìn hình trên mạng mà tốt nhất hãy nhìn thực tế. Trên google, youtube chỉ cần search tên mô hình sẽ có rất nhiều bài reviews hình ảnh thực tế khi ráp xong, rất nhiều mẫu không cần sơn vẽ vẫn đẹp, rất nhiều mẫu lắp xong đơn điệu và thiếu màu, thiếu chi tiết. Khi ấy hãy quyết định có mua về chơi hay không.

Mô hình lắp xong và hình ảnh mẫu luôn khác nhau.

2. Cắt part và lắp ráp

Mô hình mua về gồm các mảnh nhỏ (part), 1 mô hình tỉ lệ 1/100 sẽ có khoảng 300 mảnh, 1/144 thì khoảng 100 mảnh. Các part thì được đúc và gắn cùng nhau trong các khung nhựa (gọi là runner), Mua mô hình về xong thì đầu tiên phải cắt các part khỏi runner.

Cũng là lần đầu tiên chơi Gunpla, do không biết tôi đã bẻ các part bằng tay không. Đây là sai lầm lớn nhất mà người mới chơi có thể mắc phải trong thú vui chơi nhựa này, bẻ part bằng tay để lại các vệt sứt sẹo kinh khủng trên mô hình, không cách nào sửa được. Nên tuyệt đối không dùng tay chơi nhựa mà phải mua dụng cụ, tối thiểu là một chiếc kìm cắt mô hình, còn không là bộ dụng cụ cơ bản gồm: kìm cắt, dao gọt và giấy chà nhám. Thường thì các bước làm là dùng kìm cắt part khỏi runner, dùng dao tỉa hết phần nhựa thừa, dùng thêm giấy nhám để mài phẳng các vết cắt. Các bước này hay được gọi là gọt ghẻ, mục đích là để tách miếng part khỏi runner sao cho bề mặt mịn màng hoàn hảo nhất có thể

Các vết cắt không đẹp ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình Gunpla nên việc xử lý nhựa thừa (ghẻ) không nên làm qua loa mà cần kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận. Nhưng quá chú trọng việc xử lý ghẻ cũng làm mất thời gian, nhiều khi gây mệt mỏi và chán nản.

Các part được gắn trong runner

Việc cắt part, xử lý ghẻ nhựa cần dụng cụ, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người chơi và rất mất thời gian.

Gọt ghẻ thì mệt nhưng lắp ráp lại rất chill và không hề khó. Vì có hết hướng dẫn lắp ráp trong sách đi kèm nên chỉ cần làm theo và tận hưởng cảm giác mọi mảnh ghép ăn khớp với nhau thành một bộ phận hay cỗ máy hoàn chỉnh. Vẫn cần sự tập trung, tỉ mỉ nhất định để tránh lắp sai, lắp ngược hoặc quá mạnh tay mà làm gãy hỏng mô hình.

Cảm giác mọi mảnh ghép ăn khớp lại luôn rất tuyệt ^^

3. Hoàn thiện mô hình

Thực chất, mô hình chỉ cần ráp không thôi cũng được, việc hoàn thiện thêm không bắt buộc nhưng mô hình lắp ráp không sẽ đơn điệu (giống như chỉ pha mì tôm với nước sôi). Việc hoàn thiện mô hình giống như thổi hồn vào một mẫu đồ chơi và từ đây sự kỳ công của thú chơi Gunpla bắt đầu được thể hiện. Hoàn thiện có rất nhiều phong cách, vì tôi mới chơi nên chỉ hoàn thiện một số bước cơ bản nhất, đó là kẻ line (các đường rãnh lồi lõm trên bề mặt part), dán sticker, sau đó là sơn topcoat cho mô hình.

Kẻ line giúp làm nổi bật mô hình, mô phỏng các đường rãnh hở trong công tác lắp ráp giống như trong thực tế. Có thể kẻ bằng bút, mực chuyên dụng bán riêng cho Gunpla, cũng có bạn thì kẻ bằng bút chì, bút đi nét…

Dán các sticker làm tăng độ chi tiết cho mô hình, giống như tem xe của chiếc motor vậy, nó giúp cho mô hình sống động và không đơn điệu.

Công phu hơn thì có thể kể đến như dùng sơn, sơn lại màu khác so với màu có sẵn của nhà sản xuất, đắp nhựa custom thêm các chi tiết cho mô hình (giống như độ xe), tạo hiệu ứng bụi bẩn trong chiến đấu, làm diorama cho Gundam… Có vô vàn sự sáng tạo trong hoàn thiện Gunpla, rất nhiều mô hình được hoàn thiện đẹp vượt xa so với cả sản phẩm mẫu.


Hoàn thiện Gundam phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, tài chính, thời gian, kỹ năng của mỗi người. Chi phí hoàn thiện nhiều khi còn đắt hơn chi phí mua mô hình, thật khó cho những người chỉ mới bắt đầu. Nhưng mới chơi thì làm tốt các bước cơ bản là kẻ line, thêm sticker và phủ topcoat thôi đã làm mô hình đẹp hơn rất nhiều rồi.

Xong xuôi thì chỉ việc trưng bày hay chụp ảnh thôi, đừng ngần ngại chia sẻ thành quả. Trên thế giới còn có các cuộc thi hay triển lãm về Gunpla, có các cộng đồng người chơi để cùng chia sẻ, tham khảo. Mô hình làm xong vẫn thiên về việc ngắm nhìn, trưng bày, việc đụng chạm hay vọc vạch nhiều sẽ làm nó nhanh hỏng hơn.

Mô hình ráp không nhìn sẽ hơi đơn điệu

Việc hoàn thiện luôn giúp mô hình có hồn hơn, chi tiết hơn

5. Tổng kết lại

Rất nhiều công đoạn, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý mô hình đều có thể tìm trên internet, đây là một thú chơi phổ biến trên toàn thế giới từ Á đến Âu… Phía trên chỉ là một số ít bước chơi cơ bản theo kinh nghiệm của tôi, đúc rút một số sai lầm khi mới bắt đầu: mua thì kỳ vọng nhiều nhưng lắp xong thì xấu, khi chơi bẻ part bằng tay không, đi line nham nhở mà không đầu tư dụng cụ…

Không quan trọng đây có phải là trò chơi trẻ con không, nó tốn tiền nhưng cũng lành mạnh và cần sự kiên nhẫn và tập trung. Tôi nghĩ chẳng cần ngần ngại khi lớn rồi vẫn thích chơi robot. Chỉ là đừng ham mê hay bỏ nhiều tiền và thời gian quá so với điều kiện của bản thân, vì đây là thú chơi rất dễ gây nghiện ngập =)).

Đừng kỳ vọng nhiều quá vào hình ảnh bên ngoài, mô hình lắp xong có thể sẽ không đẹp như vậy, nếu mới bắt đầu mà muốn có mô hình đẹp cũng nên lựa chọn, tìm hiểu kỹ trước khi mua, thường các mẫu sản xuất gần đây sẽ cho kết quả đẹp, lắp ráp không cũng đủ ưng ý. Dù sao thì mỗi người chơi mới là người thổi hồn vào mô hình, cùng một mẫu nhưng tùy người lắp và hoàn thiện luôn cho ra những sản phẩm khác nhau. Càng lắp ráp hoàn thiện nhiều mô hình càng có nhiều kinh nghiệm chơi hơn mà không bài viết hay hướng dẫn nảo thể hiện hết được, kết quả là một chuyện, nhưng thời gian bỏ công sức lắp ráp cũng có ý nghĩa của nó và là quãng thời gian đáng tận hưởng, trải nghiệm.


Cũng đừng quan trọng việc hoàn hảo quá mức. Khi xử lý hay sơn phết từng chi tiết nhỏ, rất dễ nảy sinh tâm lý ocd, miếng part này cắt tỉa chưa ngọt, sơn, dán chỗ này còn lem nhem… Và rồi ta cứ sửa đi sửa lại, nhưng điều này nhiều khi còn làm kết quả tệ hơn, làm hỏng 1 chi tiết rồi có khi bỏ dở cả 1 bộ mô hình. Hãy hoàn thành mà không hoàn hảo, vì không hoàn hảo lại tạo ra một sự hoàn hảo khác (tôi đang nói gì vậy nhỉ =))), nhiều mô hình được sơn mịn màng bóng loáng mang lại vẻ đẹp không tì vết nhưng nhiều mô hình được sơn lem luốc, xước sát lại tạo ra vẻ đẹp cơ khí thực sự của một cỗ máy chiến đấu qua thời gian…

Sau cùng, mỗi việc chúng ta làm hằng ngày tạo nên cuộc sống, thú chơi này có liên quan như vậy? Có phải cuộc sống cũng là kết nối lại các mảnh rời rạc? Nếu một cậu nhóc thích mô hình và thích lắp ráp từ nhỏ khi lớn lên rồi có thích việc chế tạo ôto, xe máy hay thành một kỹ sư cơ khí… Kiên nhẫn, tập trung để hoàn thành mô hình, vậy chúng ta có kiên nhẫn và tập trung như thế cho công việc hay các khía cạnh khác của cuộc sống hay không? Gunpla có giúp chúng ta tập trung hơn chút nào hay cảm nhận được một cảm xúc gì đó tương tự khi mà trong thế giới hiện đại tâm trí ta luôn bị phân tán và ít kết nối hơn bao giờ hết…

Có thể Gunpla méo sâu sắc như thế nhưng lúc này đây tôi đang tận hưởng sự phấn khích nhẹ nhàng nó mang lại.

Tadaa…!

Cuối cùng, cảm ơn, vì đã đọc tới đây.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện