The Long Dark không phải là game dành cho người vội vàng. Cũng không dành cho những người thích ồn ào sôi động. The Long Dark của Hinterland Studio là game dành cho những người muốn nhẩm nha cái dư vị của thời gian, một vị trầm đắng chuếch choáng. Cũng giống như champagne hảo hạng và rượu-pha-cồn loại ba, cảm nhận thế nào là tùy vào khẩu vị của bạn.
The Long Dark, cô đơn nhìn trời
Cảm giác lúc chơi The Long Dark của người viết bài có lẽ được mô tả ngắn gọn như vậy: Cô đơn nhìn trời. Nhập vai một trong hai nhân vật sống sót sau vụ máy bay rơi ở một miền cực Bắc heo hút, nhiệm vụ của bạn là cố gắng sống sót và tìm hiểu xem chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở đây. Đó là ý đồ của nhà thiết kế game, còn cái suy nghĩ của bản thân người viết bài lúc mới chơi là ”Tại sao mình lại chơi cái game quái quỷ này vậy?” Đồ họa không có gì nổi bật, hệ thống tương tác cũng như các thanh trạng thái có thể là một điểm cộng cho game nhưng cũng không quá xuất sắc. Giống như bạn thức dậy và không hiểu chuyện gì đang xảy ra, đùng một cái, bạn bước ra một mùa đông hoang dã. Có lẽ đây cũng là dụng ý của nhà sản xuất khi muốn mô tả chính xác những gì xảy ra với nhân vật chính, một người của cuộc sống đô thị bị rơi lại phía sau. Bạn sẽ chẳng biết phải làm gì và thật sự bạn cũng chẳng làm được gì, cố gắng nhặt nhạnh từng chút một và tiến lên phía trước, hi vọng rằng mình không chết vì đói, vì lạnh hay vì… ngộ độc.
Tuy nhiên khi mọi thứ quanh bạn có vẻ xám xịt màu vô vọng thì có một thứ để bạn níu kéo vào. Đó là bầu trời. Khi nào tuyệt vọng hãy ngẩng đầu lên, bầu trời của The Long Dark sẽ cứu rỗi tâm hồn của bạn. Ấn tượng với môi trường mở rộng lớn của The Long Dark một thì kinh ngạc với vẻ đẹp của bầu trời nơi đây phải đến mười. Những chùm nắng xiên ngang bầu trời, những màn cực quang loang loáng, những đám mây hồng trên nền trời xanh thẳm… Cảm giác lang thang dưới một nơi tăm tối buồn bã, sự sống chỉ chực chờ chạy trốn khỏi bản thân mà ngước nhìn lên vẫn thấy một trời sao lung linh trên đầu. Giá như hét lên được thì hay biết mấy, nhưng mà xung quanh có vẻ như chẳng có cái gì muốn lắng nghe. Tất cả đều chìm trong câm lặng mà đẹp lạ lùng. Lúc đó mới thấm thía cái cảm giác mà nhà phát hành muốn truyền tải: Survival the quiet apocalypse – Sống sót sự lặng im.
Có lẽ vẻ đẹp và sự im lặng đó là thứ thôi thúc người chơi tiếp tục đi tiếp. Có cái gì đó nhỏ nhoi đơn côi mà đầy bí hiểm cuốn hút ở đây, khi mà việc chết đi chơi lại trở nên thường xuyên và ngạc nhiên là, dễ chấp nhận hơn. Người viết bài thay vì trú ẩn trong những căn nhà tiện nghi thì lại dành nhiều thời gian lang thang bên ngoài, cố gắng vượt qua những ranh giới an toàn và sau đó thường chết vì… không tìm được cái nhà nào ở đó. Có gì đó man mác thu hút người ta đi về cuối những đường chân trời, hẳn đây sẽ là một điểm đặc biệt của trò chơi nếu như Hinterland Studio thiết kế màn chơi cũng như hệ thống đồ đạc một cách tinh tế hơn. Đây là trò chơi về miền hoang dã, vậy tại sao không để người chơi đi về cuối chân trời?
The Long Dark, đường đi mịt mù
Gameplay của The Long Dark cũng ‘’dài” và “tối” y hệt như cái tên. Tuy đã ra mắt được ba năm nhưng hiện giờ người chơi mới tiếp cận được hai màn chơi trên năm màn dự kiến. Nó giống như nhà phát triển vẫn đang dò đường trong cơn bão nhận xét từ cộng đồng vậy. Các nhận xét phân hóa thành hai phần rõ ràng: Khen bối cảnh về một-game-sinh-tồn-không-cần-bắn-vỡ-đầu-ai-đó và chê tơi bời vì gameplay dàn trải và không có điểm nhấn. Sau màn Tutorial người chơi sẽ phải lang thang học cách sống sót trong cái lạnh thấu xương, cái đói cái khát và những hiểm họa rập rình. Bạn có thể té ngã gãy chân rồi chết vì nhiễm trùng ở đây, còn nếu may mắn tìm được kháng sinh thì cũng có một vài lí do khác lăm le tiễn bạn về trời. Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp sói và gấu nhưng nên nhớ chúng chưa bao giờ là bạn của loài người. Chúng có thể dễ thương, quan trọng hơn, chúng “sống động”, chúng là thứ sinh vật sống và có thể di chuyển trên cái mông mênh chán ngắt này, và có thể bạn đánh liều ra làm quen với chúng. Sau một vài lần làm quen thì người viết bài thấm thía cái cảm giác yêu-nhau-nhưng-không-thể-ở-bên-nhau-này. AI kém đã đành, ở đây những sinh vật này có những hành động hết sức phi lí, gần như thách thức khả năng nhịn cười và chửi thề của tác giả bài viết.
Hồi bé đọc sách hay xem phim về miền hoang dã mình hay thắc mắc là sao các nhân vật “thô tục” thế. Chỉ đánh nhau, rượu chè rồi ngủ. Cách đây vài năm xem phim The Revenant của anh Leo mà được giải Oscar bạn gấu của mình có hỏi là “Anh ơi, sao anh Leo đóng nhân vật đau khổ thế mà mặt anh ấy cứ đơ đơ vậy?” Mình cố gắng giải thích với bạn ấy rằng đây là thế kỉ 18 19 nơi mà con người ta còn tranh đấu ác liệt với thiên nhiên để giành giật từng cái ăn cái ở. Không phải thế kỉ 20 để mà anh Leo diễn cảnh tình cảm như Gatsby nằm trên đống tiền rồi buồn bã mơ về Daisy (phim Đại Gia Gatsby cũng do Leo đóng). Bạn gấu lúc đó còn trẻ thơ nên có vẻ ấm ức, bảo là anh ấy diễn cảnh tình cảm hay vậy mà phim này đơ đơ quá, được giải Oscar thiệt kì. Tiếc là bọn mình chia tay rồi không thì cũng rủ bạn gấu chơi game này. The Long Dark đã mô tả đúng về một miền hoang dã nơi con người ta ngoài cái đói, cái khát còn phải đối mặt với cái miên man bất tận của thiên nhiên, đến nỗi những người vốn đã quen với những hình bóng âm thanh nơi phố thị sẽ phải giật mình.
Tạm kết
Bạn nên chơi The Long Dark nếu bạn là sinh viên điện ảnh hoặc sinh viên địa chấn học. Hoặc lúc bạn đang… thất tình. Chất lạc lõng của game rất hợp để bạn tâm tư cũng như sắp xếp gọn gàng lại những suy nghĩ của mình. Vẫn còn tận ba phần chưa được ra mắt, The Long Dark giống như một chiếc vé đưa bạn về những miền sâu thẳm của thiên nhiên, hoặc trong chính cõi lòng bạn.