Street Fighter V có lẽ trò chơi thất vọng nhất của Capcom thời gian qua. Việc giật lag kinh khủng cùng với phong cách thiết kế trò chơi màu mè rối rắm dễ làm người ta đập bàn phím hơn là “đập nhau” trong game. Về cơ bản nó là một sự bôi vẽ lập lòe từ Street Fighter II và thêm một chút tính năng của bản III và IV. Và sự chắp vá này có giá 40$. Thật là một cách ném tiền qua cửa sổ không thể tốt hơn.
Street Fighter V, trao đổi chiêu thức một cách thân thiện
Nói không ngoa đây là trò chơi đối kháng tẻ nhạt nhất mà người viết bài được chơi. Cứ giữ nút đá và hai nút di chuyển để chiến thắng. Combo ở Street Fighter V thuộc loại “trẻ con” so với hai đối thủ trực tiếp là Tekken 7 và Mortal Kombat XL. Đó là phong cách combo và đồ họa của Street Fighter II của… 10 năm trước. Điểm cải tiến duy nhất là hệ thống đỡ đòn được làm “dễ dàng” hơn, rất phù hợp cho …các bé mẫu giáo. Hãy tưởng tượng thế này, mỗi đòn đánh của Street Fighter V giống như là có 0,1 giây “pause” để hai bên định hình. Người chơi một đấm trúng một cái – pause 0,1 giây – người chơi hai nhận ra liền đỡ đòn đánh thứ hai – pause 0,1 giây – người chơi hai phản công đá lại một phát – pause 0,1 giây – người chơi một đếch thèm đỡ, liền ăn một combo – pause 0,1 giây – người chơi một sau nhiều lần bỏ lỡ “0,1 giây” cuối cùng cũng bấm đúng được nút phản đòn và thế là a lê hấp, người chơi một tung một chưởng thần sầu đánh bay người chơi hai ra một góc.
Văn vẻ mà nói thì đúng là “combo” của Street Fighter V sẽ dài thật, đúng kiểu tập thể dục vung lên hạ xuống phải đủ bảy lần. Hay giống như phim võ thuật Trung Hoa, hai bên phải trao đổi chiêu thức đủ bảy bảy bốn chín lần mới đập nhau văng ra một góc màn hình được. Đây là một điểm đặc biệt của dòng Street Fighter, nó tránh trường hợp khiến một bên bị dính một combo “liên hoàn” mà không thể làm gì được. Ví dụ như trong Mortal Kombat XL, một combo chuẩn của Sektor có thể khiến bạn “buông tay” trong cả chục giây đồng hồ. Street Fighter cố gắng tránh điều này, nhưng cái cách mà Capcom làm trong bản số năm này thật sự đáng thất vọng. Hình ảnh vẫn “đơ đơ” cùng cách thức thi triển đòn đánh “giật cục” khiến những người không quen cảm thấy kì lạ. Vậy điều gì khiến Capcom tự tin vung cả triệu $ để tổ chức giải đấu cho một game “kì lạ” như này?
Street Fighter V, khi bốn bể là đối thủ
Điều đầu tiên và duy nhất khiến Street Fighter có chỗ đứng chính là phần chơi mạng được thiết kế sáng sủa. Capcom đã kết hợp được cả cộng đồng sử dụng PC và Console, đồng thời tổ chức những giải đấu triệu đô một cách khéo léo ở những hội chợ về game lớn. Cũng phải nói rằng Capcom đã có hai phiên bản số II và số IV tuyệt vời, điều này làm cho Street Fighter tuy là “đàn em” nhưng nhanh chóng có một chỗ đứng đặc biệt trong dòng game đối kháng trên thế giới. Nhận thấy điều này nên Capcom cũng thiết kế để các nhân vật trong trò chơi của mình cân bằng và độc đáo hơn, khiến cho những nhân vật của Capcom có cộng đồng hâm mộ riêng của mình. Trong các game đối kháng thì cân bằng là một điều quan trọng và phải nói là Capcom đã làm tốt điều đó so với các đối thủ khác. Biết được điểm này nên Capcom tranh thủ “hút máu” người dùng và bán các bộ hóa trang (skin) nhân vật với giá… trên trời. Và để thuyết phục người chơi hãy tập trung vào phần chơi mạng (vì thế nên mới phải chưng diện, mới phải mua skin) thì Capcom tiện tay… giảm tải luôn phần chơi đơn. Trừ phần tutorial là hữu ích ra thì tất cả những thứ còn lại xứng đáng chôn nhanh xuống đất. Cốt chuyện nhảm nhí, đối thủ máy trùng lặp, giao diện rắc rối, load màn lâu… Bạn sẽ học được cách bình tĩnh khi chơi đơn Street Fighter V. Người viết bài đoán đây là ý đồ của Capcom, game dạy người ta cách tư duy hay phản xạ thì thường lắm rồi, giờ phải có những game như Street Fighter V để giúp chúng ta bình tĩnh và sáng suốt hơn. Dù gì cũng là “Game of the Year” cơ mà, hãy bình tĩnh!
Tuy nhiên bình tĩnh phải đi kèm với may mắn. Nếu đủ may mắn thì bạn sẽ nhanh chóng tìm được đối thủ trên mạng và trao đổi chiêu thức một cách trơn tru. Còn nếu không thì cả ngày hôm đó màn hình chỉ hiện chữ “connecting” ám ảnh. Không hiểu người chơi bên Console thế nào chứ bên PC bỏ 40$ mà được hưởng chữ “connecting” này chắc đập bàn phím. 40$ không phải để mua một sự “hên xui” này. Cái cách Capcom làm phiên bản số V này giống như coi thường người hâm mộ vậy. Không thể ỷ thế nhà phát triển lớn là có thể vung tiền ra làm trò và coi thường người khác bằng một sản phẩm lố lăng như này được.
Tạm kết
Street Fighter V là trò chơi dành cho những người muốn xem đấu giải hoặc đơn thuần là con nít lần đầu bập bẹ bước vào lĩnh vực này. Đừng tốn 40$ cho trò chơi này trừ khi bạn muốn đưa đội Việt Nam vào chung kết Capcom Cup 2017. Hãy mang vinh quang về Việt Nam kể cả bằng những cách “kì lạ” nhất.
Ui giời, chẳng khác gì fan dota bảo lol là game dễ. Đã là game mà người đấu với người thì lúc nào chả khó. Giờ đã là 2022 rồi không biết tác giả còn thượng đẳng với SFV nữa không nhỉ ?