Bàn về Steam Market (P.3)

Huyền thoại ★

  

Ở phần 3 này chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức một món hàng tăng giá hoặc giảm giá trên Steam Market. Có thể nói Dota2 và CS:GO là hai thị trường đầu tiên và lớn nhất trên Steam nên các ví dụ minh họa sẽ tập trung vào 2 trò chơi này.

Trước hết hãy nhìn vào món đồ này.

Đây là một món đồ có nhãn hiệu Arcana cho Hero Jug trong trò Dota 2. Vật phẩm này được ra mắt cách đây tầm 8 tháng. Giờ hãy nhìn vào biểu đồ của nó.

Chúng ta hãy cùng phân tích biểu đồ này để tìm ra những yếu tố nào tác động đến giá cả cũng như nhu cầu của thị trường nói chung.

Ở giai đoạn đầu vật phẩm này có giá giao động từ 34 đến 35 đô, không chênh với giá trong cửa hàng là mấy. Nếu giá không chênh thì việc gì phải mua ngoài market? Vào trong cửa hàng mua là được chứ sao? Lí do nằm ở việc có nhiều người không mua được trực tiếp trong cửa hàng. Hoặc đơn giản hơn là họ muốn mua lại để đỡ tốn thời gian chơi để “update” vật phẩm. Lúc này vật phẩm được giao dịch với số lượng ít, chỉ tầm hơn một trăm vật phẩm một ngày. Không có gì đặc biệt ở giai đoạn đầu này.

Điều hay ho nằm ở giai đoạn sau. Vào ngày mùng 5 tháng 5 giá trị vật phẩm giảm từ mức ổn định 34 đô xuống còn 28 đô và có tới hơn 1000 giao dịch một ngày. Điều gì khiến dân tình nhốn nháo đua nhau đi bán như vậy?

Hãy thử nhìn vào một số món đồ khác, chúng ta cũng thấy sự mất giá nghiêm trọng xảy ra vào ngày mùng 5 tháng 5.

Mà không chỉ Dota 2, CS:GO cũng ghi nhận một sự sụt giá đồng loạt xảy ra vào ngày mùng 5 tháng 5. Tuy nhiên về mức độ thì nhỏ hơn bên Dota 2.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời nằm ở một món đồ tên là Battle Pass 2017 của Dota 2. Nó giống như 1 cái “vé” để tham dự sự kiện TI 7 (giải đấu Dota 2 lớn nhất thế giới) cũng như những phần chơi riêng được thiết kế cho người mua cái “vé” này. Có thể nói nó là một trong những món đồ được chờ đợi nhất năm của người chơi Dota 2. Dễ hiểu khi mà vào ngày đó người ta bán tháo đồ đạc để lấy tiền mua và nâng cấp Battle Pass.

Hầu như không ai biết trước về thời điểm ra mắt Battle Pass. Một buổi sáng ngủ dậy thấy đồ đạc mất giá là biết ngay có “biến”. Hãy lấy ví dụ với món đồ Arcana phía trên. Giả sử ngày mùng 4 bạn mua nó với giá 34 đô thì sang ngày mùng 5 việc nó giảm còn 28 đô sẽ khiến bạn tiếc hùi hụt. Đây là một trong những quy luật về cung cầu của thị trường Market. Sẽ luôn có những thời điểm dân tình đổ xô đi mua một món đồ gì đó và bán tháo những thứ đang có, nếu bạn là một nhà đầu cơ thì đây là thời điểm thích hợp để mua vào.

Hãy nhìn lại biểu đồ để thấy thời điểm vật phẩm mất giá luôn trùng với những đợt giảm giá lớn của Steam hay của chính Dota 2.

Đợt ngày 26 tháng 5 và 5 tháng 8 (chấm đỏ thứ nhất và thứ ba) ứng với sự giảm giá của một số món đồ trong Dota 2. Trong khi đó ngày 22 tháng 6 (chấm tròn thứ 2) ứng với Steam Summer Sale. Bạn có thấy thấy chấm đỏ thứ nhất và thứ 3 có thời gian dao động bé (ứng với thời gian diễn ra giảm giá) trong khi Steam Summer Sale có thời gian dao động lớn hơn. Trong khoảng thời gian Steam Summer Sale này nếu kết hợp với tính năng Commodity thì bạn có thể mua món đồ này với giá tầm 26 đến 27 đô. Rẻ hơn nhiều so với thời điểm trước đó.


Nếu là “dân chuyên nghiệp” thì những sự kiện như này là thời điểm thích hợp để mua vào. Giả sử một món đồ có giá ổn định là 30 đô và bạn “săn” được nó thời giảm giá với chỉ 25 đô.Tuy nhiên khi bạn bán ra thì bạn mất 15% phí và chỉ thu về (30 x 85%) là 25,5 đô, lãi có 0,5 đô. Không bõ lắm đúng không? Vậy mua vào cái gì để nó giá trị nó tăng lên theo thời gian? Đây lại là một câu hỏi khác.

Hãy nhìn vào món đồ này. Món đồ này có tên là Yulsaria’s Glacier của Dota 2.

Điều gì đã làm nên sự tăng giá thần kì (2 vòng tròn đỏ) với món đồ (Yulsaria) này? Tự nhiên nó tăng? Không phải đâu,mà bởi vì hôm đó dân tình nghe “ai đó” nói rằng món đồ này sẽ được kết hợp với một món đồ sắp-ra-mắt khác tạo thành một bộ tuyệt đẹp. Thế là a lê hấp người ta lao đi mua tạo nên nhu cầu giả. Các bạn có thể điều đó ở vòng tròn đỏ đầu tiên. Chỉ trong 1 2 ngày giá trị của món đồ tăng gấp 3 (từ 0,2 lên 0,6) và được bán với số lượng cực lớn (vài chục nghìn cái một ngày). Nhưng ngay sau đó thì nó tụt thảm hại. Đó là vì tâm lý đầu cơ của thiên hạ, mua xong không thấy thông tin gì khác về món đồ sắp-ra-mắt kia nên lại bán đi ngay. Theo thời gian mỗi lần nhe nhóm thông tin về món đồ sắp-ra-mắt kia là Yulsaria lại tự động tăng. Cái vòng tròn đỏ thứ 2 chính là lúc món đồ sắp-ra-mắt kia được ra mắt. Lúc này giá trị của Yulsaria tăng lên hơn gấp 3 lần (từ xấp xỉ 0,5 đô lên hơn 1,5 đô). Đây gọi là quan hệ cộng sinh trên thị trường. Có rất nhiều món đồ “cộng sinh” với nhau như thế. Việc ra mắt một hay nhiều món đồ trong chuỗi “cộng sinh” có thể đẩy giá trị món khác lên cao. Thời gian tăng giá phụ thuộc nhiều vào độ bảo đảm của thông tin. Càng ít người biết thì thông tin càng có giá trị, lợi nhuận càng cao.

Sau đây là một ví dụ khác về tâm lý thị trường. Món đồ này có tên là Soul Diffuser của Hero Spectre trong Dota 2.


Bạn có để ý thấy những đợt tăng/mất giá lớn của món đồ này không? (Từ 5 đô lên 25 đô). Sự tăng và mất giá này hoàn toàn không liên quan đến việc “cộng sinh” với món đồ khác mà đơn thuần là do xu thế của trò chơi. Đơn giản là ở thời điểm đó Hero Spectre rất thịnh hành trong Meta game, người người pick Spectre nhà nhà pick Spectre. Từ dân chuyên nghiệp đấu giải thế giới đến dân chập chững bấm chuột cũng pick Spectre, điều đó vô tình đẩy giá cả đồ đạc của Spectre lên chóng mặt. Cơn sốt này thường là do Dota 2 tăng (buff) chỉ số/tính năng cho Spectre và vì vậy sau đó để cân bằng game chính Dota 2 phải giảm nó đi (nerf). Chính những đợt nerf này kết hợp với việc buff những Hero khác làm đồ đạc của Spectre lên dốc rồi xuống dốc. Giá trị ở đây được thể hiện qua sự mong muốn của thị trường, và trong steam market nó phản ứng nhanh và tương đối chính xác. Vậy lời khuyên ở đây là gì? Hero hay vật phẩm nào cũng có thế có thời, hãy tìm ra những vật phẩm tiềm năng đang bị “thất thời” và tranh thủ tích trữ nó ở những sự kiện nhất định.

Đây là món đồ mà cách đây 2 năm người viết bài dự báo sẽ tăng giá mạnh trong tương lai. Lúc đó giá món đồ chưa đến 1 đô, người viết đã mua liền 30 cái cất dần. Tuy rằng tính toán thời gian có hơi sai (phải chờ tận 2 năm) nhưng giờ giá trị của nó đã tăng 4 lần. Mỗi lần thiếu tiền mua game hay vật phẩm người viết bài lại mang ra bán (với giá khoảng 4 đô). Tuy từ bỏ sự nghiệp trader trên steam (không có vốn/thời gian) nhưng với kinh nghiệm bản thân có thể tự tin nói rằng người viết bài hầu như không phải nạp tiền mua game hay vật phẩm, chỉ cần tính toán và dự trữ đúng cái đúng lúc.

Món đồ này người viết bài mới mua tầm 20 món ở mức giá 0,82 đô cách đây 2 tháng. Bây giờ giá của nó đã lên 1,8 đô. Người viết bài dự đoán nó còn tăng đến 3 đô trong khoảng 1 năm tới. Hãy cùng xem lời dự đoán này đúng hay sai!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện