Onna no Sono no Hoshi: Khu vườn nữ sinh kỳ lạ và hội giáo viên đáng yêu

Chủ xị

  

Thế giới vẫn đang trong tình trạng căng thẳng do đại dịch COVID-19 gây ra, cuộc sống của mọi người ai cũng đảo lộn cả, nhưng tôi cảm thấy thương nhất là mấy đứa học sinh. Kể ra thế hệ trẻ ít nhất hiện nay có thiết bị để tiếp thu kiến thức, nhưng vẫn cảm giác một cái gì đó thiêu thiếu. Đúng, chắc chắn là sự tương tác trực tiếp và giao tiếp với nhau. Khi mà bạn được gặp trực tiếp mấy thằng bạn thân dở hơi, giao lưu và trực tiếp tham gia vào một số câu chuyện xảy ra trong cuộc sống, đó là một cảm giác sung sướng mà ít nhất trước đây tôi và anh em đã từng trải nghiệm trong tuổi học trò của bản thân. Mong sao dịch bệnh qua nhanh và mọi thứ trở lại bình thường.

Trong lúc ở nhà dài hạn như này, thời gian cũng dài thêm, tôi đã tìm được một số bộ school life mà tạo cảm giác hoài niệm cũng như thư giãn khá tốt, đôi khi nó thực sự chỉ cần một câu chuyện đơn giản đầu óc sau một ngày làm việc căng thẳng, hoặc bạn sẽ cảm thấy sự dễ thương kì lạ đến từ những câu chuyện học đường của Onna no Sono no Hoshi.

Thông tin chi tiết

Tên: Onna no Sono no Hoshi – Hoshi of Girls’ Garden – Khu vườn nữ sinh của Hoshi

Tác giả: Wakama Yama

Thể loại: Comedy, SoL, School life, Josei

Số chap: 12 (vẫn đang tiến hành)

Tác phẩm dài kì đầu tiên của Wayama, tác giả của “Muchuu sa, Kimi ni”, là một bộ truyện hài lấy bối cảnh ở một trường trung học sữ sinh. Truyện kể về Hoshi, một giáo viên dạy tiếng Nhật và những trò chơi vô tư của các học sinh luôn cuốn hút anh. Câu chuyện bắt đầu khi một học sinh tên Kagawa nộp sổ đầu bài cho Hoshi. Trò chơi nối chữ bằng cách vẽ tranh trong ô chú thích của các học sinh khiến cho Hoshi gặp không ít rắc rối. – trích từ Viscans aka Visually-Impaired Scans.

Tấm bìa của tập 1 bộ truyện

Một bộ truyện hoàn toàn mới với tôi, một người thường hay xem thể loại shounen hoặc seinen hơn là Josei – một thể loại lãng mạn dành cho phái nữ dành cho độ tuổi từ 18 đến 30. Mà thực ra đọc như nào nên phụ thuộc vào cảm nhận nên cứ từ từ tận hưởng bài viết này của tôi đã nhé.

Nội dung

Nhìn mọi người vào bài viết chắc như cái thumbnail của bài viết này, nhưng kể cả khi đọc đến khung truyện mỗi cuối chương thì mới ngớ ra “À, thì ra là thế”. Mỗi chương là mỗi câu chuyện mà thầy Hoshi, giáo viên chủ nghiệm lớp 2-4 của một trường nữ sinh. Mà từ đầu chính bản thân tôi cũng hiếu kỳ về chuyện mấy chị em bàn tán về cái gì, hay là sẽ giống mấy bà cô hàng xóm buôn chuyện đây? Đúng, vẫn là những câu chuyện tầm phào, nhưng lại dưới hình thức của những cô học trò, và nó khiến một thầy giáo đôi lúc mắt chữ o mồm chữ a hoặc sẽ đơ cái mặt ra như ở đầu tiêu đề.

Hãy lấy ngay chương đầu tiên làm ví dụ. Ở bên Nhật, giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh sẽ giao tiếp với nhau về tình hình lớp học thông qua sổ ghi chép (cái này giống với sổ đầu bài của chúng ta nè, mỗi tội lúc nào chúng ta cũng có sự nêu gương trực tiếp từ giáo viên cơ (* ̄▽ ̄)b ) và lớp của thầy Hoshi có một thói quen xuất hiện tình cờ là vẽ hình đoán từ để nối chữ. Cứ mỗi một ngày, một nữ sinh trực ngày hôm đó sẽ đoán hình vẽ của người ghi sổ hôm trước và dùng từ cuối cùng của từ đó để bắt đầu với từ tiếp theo, và bắt đầu vẽ hình mô tả vào phần chú thích. Ngạc nhiên hơn là, thầy Hoshi cũng quan tâm tới chuyện này. Là giáo viên tiếng Nhật, thầy cũng cuốn theo trò chơi đoán già đoán non thông qua gợi ý của các nữ sinh, từ danh sách thứ tự các em và hình vẽ. Sau này, những câu chuyện của hội chị em phụ nữ ngày càng kỳ lạ hơn, nhưng nó cũng rất đỗi thông thường để nhận ra rằng hoá ra chúng ta biết về nó rồi.

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Không thể sai được.

Ngoài chuyện tầm phào của hội học sinh, chúng ta cũng phải nói đến hội nhà giáo. Hiện giờ số lượng chương truyện chưa có nhiều, đồng thời đây là tác phẩm dài kỳ và tính theo thời gian dịch thuật của các đội sub thì cứ 1 chương truyện một tháng, thế nên số lượng các giáo viên xuất hiện trong này thường chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà tiêu biểu nhất là 3 thầy giáo Hoshi, Kobayashi và Narakuma.

  • Với thầy Hoshi – nhân vật chính và là điểm nhìn chung với người đọc, có thể nói thầy khá là ôn hoà và trầm tính, và đôi khi sự trầm tính này có lúc giúp thầy ẩn thân và hoà vào dòng câu chuyện một cách nhẹ nhàng, nhưng cũng có khi sự mờ nhạt đó khiến thầy xấu hổ, và may mắn là rượu vào lời ra thì ai cũng sẽ bung lụa cả thôi. Và bật mí nè, thầy nhìn thế thôi mà đã có vợ rồi á.
  • Thầy Kobayashi, người có chỗ làm việc kế bên thầy Hoshi, lại là con người năng động với chiếc áo ngắn tay hiệu Polo, toát ra khí chất của người đàn ông nhiệt huyết và cởi mở. Sự ăn ý và tự nhiên trong câu chuyện hằng ngày của hai người thầy đôi lúc làm tôi cứ tưởng đây là một cặp đôi bù trừ cho nhau ý, cơ mà ngầm hiểu cũng được, tôi thích.
  • Nakamura là giáo viên trợ giảng năm 3 với biệt danh “ông chú thình thoảng đi qua”. Vấn đề là do thầy luôn trong tình trạng đêm hôm trước nốc rượu để dễ ngủ, giọng ồm ồm và khuôn mặt trông như mấy tay Yakuza vậy. Đôi khi có thể thấy công việc dạy học cũng áp lực không kém, và thầy Nakamura dần dần tìm thấy niềm vui cho mình ngoài rượu từ các tập sau.

Tổng thể nội dung của truyện toàn là những câu chuyện tán dóc, nhưng vì nó mà tạo cảm giác gần gũi bởi những thứ thân thuộc với cuộc sống, và cuối cùng ai cũng có sự dễ thương trong này hết trơn. Ước sao tôi cũng có thể quay về cái thời học sinh vô lo vô nghĩ kia quá.

Cái khung cảnh quen thuộc, khi mà một giáo viên của bạn có gì đó mới mẻ mà chưa chi mấy đứa học sinh đã nhận ra hết rồi cơ.

Hình ảnh

Đôi lúc ban đầu tôi còn nghĩ liệu Wakama-sensei có liên hệ trực tiếp gì với Junji Ito hay không mà nét vẽ của mấy người trông đáng sợ và mang nét kinh dị, hoặc có lẽ do tôi đọc Uzumaki nhiều quá đâm ra lú lẫn mất rồi. Nét vẽ mềm và tả thực, tỉ lệ cân đối, kèm với đó là khả năng bộc lộ biểu cảm nhân vật là một điểm cộng cho bộ truyện. Tôi không biết phải mô tả sự buồn cười như thế nào khi thấy sự hết hồn hay bất ngờ của từng gương mặt trong bộ truyện, đặc biệt là thầy Hoshi. Tâm điểm mà.

“Ơ, quá đáng thế nhở?” trích một ngày khó ở của thầy Kobayashi khi bị dí deadline, như người ta nhờ mấy ông IT đi cài Win vậy

Đương nhiên cũng phải có một số lời khen cho những biểu cảm của hội chị em phụ nữ nữa chứ, cơ mà mặt nhìn đúng giống mấy gái trong truyện kinh dị, mấy câu chuyện mà đàm tiếu cũng thuộc hàng thượng thừa mất rồi. Sau đây là một số khoảnh khắc đáng nhớ trong từng tháng vừa qua.

Hội chị em có phước cùng hưởng có hoạ cùng chịu.

Rồi, xong luôn. Lên trả bài cho thầy nào em.


Kết

Wow, ngắn đến bất ngờ đúng không? Kiểu thực sự đây chỉ là một bộ manga josei dài kì với từng chương ra từng tháng cứ như sự đều đều của Sazae-san (một bộ phim dài kì kể về cuộc sống thường nhật của Sazae-san) ra mắt vậy. Nên nếu anh em đang tìm một bộ manga nhẹ nhàng và giải trí với câu chuyện học đường, Onna no Sono no Hoshi là một lựa chọn hợp lý, bởi quanh khu vườn của Hoshi không chỉ là những nữ sinh kì lạ mà còn là những câu chuyện phiếm vui tươi giải toả stress rất tốt. 9/10 \(≧▽≦)/

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện